Khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lớn "dị thường" ở miền Trung

15:56 01/04/2022

Đợt mưa dị thường, trái mùa đã làm nhiều tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Thiên tai trái mùa gây thiệt hại nặng 

Ngày 1/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Trung và các biện pháp khắc phục.

Tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, các tỉnh Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to từ 100-200 mm (tập trung trong ngày 31/3).

Dự báo, từ ngày 1/4 đến ngày 2/4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn, trong đó từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.


Mưa gió bất thường đã nhấn chìm hàng chục tàu, thuyền ở Phú Yên.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, 2 người mất tích do lốc xoáy khi trên ghe ra lồng bè nuôi tôm hùm để cho tôm ăn (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên). Hiện nay đã tìm thấy thi thể 1 người mất tích. Có 4 người bị thương do giông lốc (Thừa Thiên Huế). Phú Yên có 2 nhà sập đổ; 37 nhà tốc mái, hư hỏng tại Thừa Thiên Huế và Phú Yên.

Về thủy sản, có 176 ghe, thuyền chìm, hư hỏng, trong đó Thừa Thiên Huế 7 chiếc, Bình Định 50 tàu, Phú Yên 92 tàu, Khánh Hòa 27 tàu. Có 2.450 lồng bè tôm hùm ở Phú Yên thiệt hại. Về nông nghiệp có 13.484 ha lúa, 292 ha hoa màu ở Phú Yên bị ngập, ngã đổ. Hiện các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (Phú Yên là địa phương bị thiệt hại nặng nhất), cho biết, đây là đợt thiên tai trái mùa đặc biệt. "Bình thường, trong các cơn bão thì khi đưa xuống độ sâu 10-15m nước, các lồng bè tương đối an toàn, nhưng trong đợt này, lồng bè của người dân đưa xuống độ sâu hơn 10m nước nhưng vẫn bị xoáy, có nhiều lồng bị đánh bật lên bờ. Dòng chảy ngầm có sức phá hoại lớn hơn cả các cơn bão mà Phú Yên từng gặp phải. Thậm chí có cơn bão cấp 10, 11 hay cấp mạnh hơn, nhưng cũng không có thiệt hại lớn như thế này đối với nuôi trồng hải sản. Về hoa màu, ước tính năng suất lúa mất khoảng 30%. Tổng thiệt hại ban đầu do thiên tai ước tính khoảng 171 tỷ đồng", lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết.

Đại diện tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất trung ương tổ chức đoàn công tác tới địa phương để kiểm tra, khảo sát cụ thể bởi, "bao nhiêu năm nay ở miền Trung, đầu mùa khô mới lại có đợt mưa lớn như này". Theo kinh nghiệm dân gian, khoảng 60 năm thì thiên tai lớn như này xuất hiện trở lại, nên "chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng và có biện pháp ứng phó phù hợp".

Cuộp họp bàn biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ trái mùa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho rằng, đây là hiện tượng lạ. Mặc dù có những năm bão rất lớn, bà con vẫn vào neo đậu bình thường nhưng năm nay, gió mới cấp 7, cấp 8, nhưng có xoáy lốc, làm chìm nhiều tàu thuyền. Riêng Bình Định có 55 phương tiện đánh bắt thủy sản bị chìm. "Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hiện tượng thời tiết này để dự báo, khuyến cáo, hỗ trợ cho các địa phương cảnh báo cho người dân", địa phương này đề nghị.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Trần Hồng Thái nhìn nhận, đây là đợt mưa dị thường, vượt kỷ lục trong nhiều năm (khi so sánh các đợt mưa trong tháng 3).

"Do giông lốc nên dòng chảy ngầm làm cho các lồng bè bị ảnh hưởng. Tổng cục vừa thực hiện xong bản tin cảnh báo ông lốc, trong ngày hôm nay và ngày mai sẽ gửi các địa phương, yêu cầu các đài khí tượng thủy văn các tỉnh cập nhật vào bản tin dự báo thiên tai", ông Thái nêu rõ và cho biết Tổng cục sẽ tiến hành nghiên cứu thêm. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng khẳng định: "Đây là đợt thiên tai bất thường, bởi đầu mùa khô nhưng có trận mưa lớn kỷ lục, nhưng không bất ngờ bởi chúng ta có dự báo, cảnh báo rất sớm. Các địa phương đã phản ứng rất nhanh. Điều đáng tiếc nhất là vẫn xảy ra thiệt hại về người (2 người mất tích), do nguyên nhân là cho tôm hùm ăn, mặc dù đã được cảnh báo liên tục”. Các địa phương phải cương quyết, khi gió đã dự báo lên cấp 8, dứt khoát không để người dân ở lại lồng bè.

Huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân

Cho rằng đây cũng là đợt "mưa vàng" cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khi bước vào mùa khô hạn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, phải điều hành các hồ chứa linh hoạt, vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm tích nước cho mùa khô.

Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ đã xây dựng Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia, trong tháng 5/2022, sẽ trình Chính phủ. Trong đó sẽ có chương trình riêng cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ngay chiều nay, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp sẽ cùng đoàn công tác vào Phú Yên, Bình Định, trong đó, sẽ xem xét giải quyết vấn đề hiện đại hóa lồng nuôi thủy sản và quy hoạch vùng nuôi.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, các ý kiến đều đánh giá diễn biến thời tiết rất bất thường. Mưa lớn trái mùa gây ra nhiều thiệt hại, ở diện rộng. Tuy nhiên, sự chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo, các cơ quan trung ương, các bộ, ngành rất kịp thời, không bị động. Ngay từ ngày 28/3, Thường trực Ban Chỉ đạo đã có văn bản giao nhiệm vụ, triển khai các giải pháp, gửi tới các địa phương. Các địa phương đã tích cực vào cuộc, tổ chức thực hiện, hỗ trợ người dân, hạn chế thiệt hại.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp.

Về các giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Khẩn trương tiêu nước, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân. Ứng trực thường xuyên, bảo đảm vận hành an toàn, linh hoạt, hiệu quả các hồ đập. Đây là cơ hội tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ đập.

Các địa phương không được chủ quan, bám sát các dự báo, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai tiếp các giải pháp.

Căn cứ vào tình hình thực tế, các quy định hiện hành, Phó Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ kinh phí cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống. Làm kịp thời, chính xác, không để xảy ra tiêu cực, công tâm, khách quan. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tổng thể thời tiết bất thường. Phó Thủ tướng nhất trí thành lập các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đến 2 tỉnh có thiệt hại lớn nhất để trực tiếp nắm tình hình, hỗ trợ các địa phương và đề xuất thêm các giải pháp.

Ngọc Yến

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文