Mốc son ngoại giao chói lọi thời đại Hồ Chí Minh
“Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “Thêm bạn, bớt thù”, “Đánh vào lòng người để thu phục nhân tâm”… là những tư tưởng của dân tộc Việt Nam được đúc kết, vận dụng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước...
Ở nửa sau thế kỉ XX, những tư tưởng, phương châm ngoại giao hòa hiếu của cha ông được phát huy cao độ, trở thành nghệ thuật ngoại giao nhằm mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; mà đỉnh cao là quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cách nay đúng 50 năm (27/1/1973 – 27/1/2023).
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào mùa Thu năm 1945, đất nước ta và chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước muôn vàn thử thách hiểm nghèo: kinh tế kiệt quệ, ngân khố trống rỗng, sản xuất đình đốn. Đặc biệt, giặc đói xảy ra từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945 làm khoảng 2 triệu người chết; giặc dốt với trên 90% dân số mù chữ; giặc ngoại xâm với hơn 30 vạn quân nhân nước ngoài: Tàu Tưởng, Pháp, Nhật hiện diện ở khắp đất nước. Trong 3 thứ giặc này, nguy hiểm nhất là giặc ngoại xâm với những lợi ích khác nhau nhưng đều có chung mục đích tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ, dựng lên một chính quyền bù nhìn tay sai để dễ bề sai khiến, phục vụ lợi ích của những kẻ “bảo trợ”.
Trong bối cảnh đó, mặc dù đang tạm thời rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương” từ ngày 11/11/1945, song Trung ương Đảng vẫn kịp thời chỉ đạo: “Kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc bình đẳng và tương trợ. Phải đặc biệt chú ý những điều này: một là thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực” - (trích Chỉ thị ngày 25/11/1945 của Trung ương Đảng về kháng chiến kiến quốc).
Thấm nhuần tư tưởng ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này đang kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã cùng Chính phủ chèo lái đất nước từng bước vượt qua thử thách, có những quyết sách cực kỳ khôn khéo về ngoại giao. Với việc ký kết Hiệp định Sơ bộ (ngày 6/3/1946), Việt Nam đã đẩy lui 20 vạn quân Tưởng, hơn 6 vạn quân Nhật ra khỏi bờ cõi mà không tốn một viên đạn. Đổi lại, chúng ta buộc phải tiếp nhận thêm 1,5 vạn quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam dưới danh nghĩa thay thế 20 vạn quân Tưởng thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Cộng với 5 vạn quân Pháp đã hiện diện tại Việt Nam từ trước đó, số quân Pháp có khoảng 6,5 vạn; thì thay vì phải đối phó với 30 vạn quân lính của 3 nước Tàu Tưởng – Pháp – Nhật, chúng ta chỉ phải đối phó với số quân Pháp nêu trên trong bối cảnh nước Pháp kiệt quệ, mất “nhuệ khí” sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Điểm đặc biệt, Hiệp định Sơ bộ là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam: Dù chưa được Pháp cũng như thế giới công nhận, nhưng đại diện Chính phủ Pháp đã ký với Chủ tịch Hồ Chí Minh một bản Hiệp định, qua đó mặc nhiên thừa nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thực thể chính trị, một chính quyền đại diện của nước Việt Nam; nước Việt Nam từ vị thế thuộc địa của Pháp, không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng được công nhận là “một quốc gia tự do, có Quốc hội, có Quân đội, có tài chính của mình”.
Sau Hiệp định Sơ bộ gần 9 năm, ngày 21/7/1954, Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cao Miên (Campuchia) được kí kết tại Geneva (thủ đô Thụy Sĩ). Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm một số nội dung chính sau:
Quy định về giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự. Trong đó quy định Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc vĩ tuyến 17, quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến tạm thời này…
Một nội dung cực kỳ quan trọng, là bước tiến và là thắng lợi to lớn so với Hiệp định Sơ bộ chỉ công nhận Việt Nam là một quốc gia “tự do”, thì Hiệp định Geneva khẳng định tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất của Việt Nam, nguyên văn: “Hội nghị tuyên bố đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”…
Sau Hiệp định Geneva 14 năm, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bước vào cuộc đàm phán tại Paris nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, bắt đầu từ tháng 5/1968 và kết thúc đàm phán, ký kết vào tháng 1/1973.
Hành trình đi tới Hội nghị Paris là một chặng đường dài với sự hi sinh to lớn của quân và dân Việt Nam. Từ tháng 8/1964, sau khi tạo ra “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, không quân, hải quân Mỹ bắt đầu đánh phá Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến tháng 3/1965, Mỹ trực tiếp đưa quân đội vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Trước thời điểm đó, họ đã đưa hàng vạn chuyên gia, cố vấn quân sự vào miền Nam Việt Nam. Thậm chí, từ cuối cuộc chiến Pháp – Việt, Mỹ đã hỗ trợ chuyên gia quân sự và 80% chiến phí cho quân Pháp ở chiến trường Việt Nam. Từ sau năm 1965, lúc cao điểm, có đến hơn nửa triệu quân Mỹ và quân một số nước đồng minh cùng tham chiến với hơn 1 triệu quân Sài Gòn. Tuy nhiên, với sự kiên cường của quân và dân Việt Nam, Mỹ và đồng minh của họ ngày càng bị sa lầy và Mỹ cũng như Pháp trước đây hiểu rằng, họ không thể giành thắng lợi quân sự tại Việt Nam.
Đặc biệt, với đường lối và nghệ thuật ngoại giao sáng suốt, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam được thế giới nhìn nhận là chính nghĩa, chống xâm lược; ở chiều ngược lại, nhân dân thế giới, kể cả một bộ phận chính giới và người dân Mỹ yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam và chấm dứt can thiệp vào Việt Nam.
Trước sức ép trong nước và quốc tế, đặc biệt là thất bại trên chiến trường Việt Nam, nhất là sau Mậu Thân 1968 và Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris với những nội dung cơ bản sau: Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu; triệt thoái hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam; Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do; Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị…
Hiệp định Paris tạo ra sự thay đổi tương quan lực lượng căn bản: Quân Mỹ rút hết, quân Sài Gòn không còn chỗ “chống lưng”, trong khi lực lượng ta vẫn giữ nguyên tại chỗ. Khác hẳn Hiệp định Geneva năm 1954, quân Pháp rút đi thì lực lượng kháng chiến cũng phải rút về phía Bắc vĩ tuyến 17…
Nhìn lại 3 hiệp định của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với các nước liên quan từ 1946 - 1973, theo trình tự, việc đàm phán Hiệp định Sơ bộ năm 1946 diễn ra trong khoảng 30 giờ đồng hồ, Hiệp định Geneva diễn ra 72 ngày thì hiệp định Paris kéo dài kỉ lục, khoảng gần 5 năm. Từ Hiệp định Sơ bộ năm 1946, ta phải chấp nhận 15.000 quân Pháp vào miền Bắc; đến Hiệp định Geneva năm 1954, quân Pháp rút đi thì lực lượng kháng chiến cũng phải rút về phía Bắc vĩ tuyến 17; tới Hiệp định Paris thì những thắng lợi căn bản và toàn diện trên bàn đàm phán đã báo trước Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Đó là thắng lợi vĩ đại, là mốc son chói lọi của nghệ thuật ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.