Niềm tin và tình cảm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng CAND
"Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ động tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương là để trực tiếp dự các hội nghị, trực tiếp nghe báo cáo, thảo luận và có những quyết sách, đồng thời nắm được tâm tư, nguyện vọng của CBCS Công an, từ đó có sự quan tâm hơn, thực hiện trách nhiệm của mình. Điều này toát lên niềm tin, tình cảm sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta đối với lực lượng CAND", ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ với phóng viên Báo CAND.
Những điều đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ông Nguyễn Đức Hà là một người khá am hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do từng có nhiều năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, đặc biệt có một nhiệm kỳ vinh dự là Thành viên Tổ Giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại Toạ đàm khoa học với chủ đề "CAND khắc ghi lời căn dặn "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" do Bộ Công an và Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng tổ chức ngày 12/4/2024, ông đã có bài tham luận phân tích sâu sắc, cặn kẽ lời căn dặn quý báu của đồng chí Tổng Bí thư đối với lực lượng CAND. Đồng thời nêu lên 8 điểm đặc biệt về thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà nhiều người chưa biết.
Tại sao là 8 điểm mà không phải con số nào khác? - Tôi tò mò. "Khi tham gia toạ đàm vào ngày 12/4/2024, tôi có phát biểu cái chung, vừa chọn ra 8 điều đặc biệt về Tổng Bí thư, chính là vì sau hôm đó chỉ còn 2 ngày nữa là đến Sinh nhật Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (14/4/2024), tôi chọn 8 điểm ứng với 80 tuổi, coi như bó hoa mà toạ đàm gửi tới chúc mừng Sinh nhật đồng chí Tổng Bí thư. Đến nay, đồng chí đã "về với thế giới người hiền", con số đó không còn là 8 nữa, tôi lại chọn ra 10 điểm tròn trịa, chính là nén tâm nhang của tôi kính viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ, tài năng, liêm khiết, đức độ, suốt đời vì nước, vì dân; người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã ra đi, để lại trong mọi tầng lớp nhân dân niềm tiếc thương vô hạn...", nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng lý giải.Bên cạnh những điều đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà ông đã từng chia sẻ trước đó như: đồng chí Tổng Bí thư là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước có nhiều cống hiến: tham gia Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa (từ khóa VII đến khóa XIII); tham gia Bộ Chính trị 6 khóa (từ khóa VIII đến khóa XIII); là đại biểu Quốc hội 5 khóa (từ khóa XI đến khóa XV); có 4 khóa là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trong đó 1 khóa làm Chủ tịch Quốc hội và 3 khóa làm Tổng Bí thư của Đảng (khóa XI, XII, XIII); đồng chí là người Việt Nam thứ 3 (sau Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh) vừa là người đứng đầu Đảng, vừa là người đứng đầu Nhà nước; trong thời gian giữ chức Tổng Bí thư khóa XII, đồng chí có một nửa nhiệm kỳ vừa làm Tổng Bí thư, vừa làm Chủ tịch nước...; thì với trách nhiệm là Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo chặt chẽ, bài bản, quyết liệt và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "5 không": "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không ngừng nghỉ, không chịu bất kỳ sức ép của tổ chức, cá nhân nào" và "5 nhân": "nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình", nên được "tâm phục, khẩu phục". Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một "Vị tướng" trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm".
Từ những cống hiến to lớn đó, ông cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới; là một hình mẫu tiêu biểu về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực sự là một tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng, "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư", "nói đi đôi với làm", được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin yêu, kính trọng và học tập, noi theo.
Tổng Bí thư muốn quan tâm, gần gũi lực lượng CAND hơn
Đề cập đến tình cảm, sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng CAND, ông Nguyễn Đức Hà nhắc lại lời căn dặn của Tổng Bí thư tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 (cũng là dịp kỷ niệm 70 năm thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND): "Hãy luôn luôn khắc ghi vào tâm trí của mình và thực hiện cho bằng được chân lý: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ"; "Còn Đảng thì còn mình"; "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Ông Hà nói, chỉ một câu ngắn gọn, súc tích nhưng chứa đựng 3 chân lý của 3 lãnh tụ. Câu đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu thứ hai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, và câu thứ ba là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Tại sao đồng chí lại nhắc nhở lực lượng CAND: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất"? Trong các bài viết, bài nói của mình, đồng chí Tổng Bí thư hay trích dẫn thơ Tố Hữu, lời của nhân vật Paven trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy"... Đồng chí nhiều lần nói: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang đi được đâu"; hay trích lời của Paven: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân". Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư mới đi đến kết luận: cuộc sống của con người thiêng liêng, cao quý ở danh dự.
Cha ông ta cũng đã có nhiều câu răn dạy, truyền đời về việc phải trọng danh dự, danh tiếng, tiếng thơm: "Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp" - cái gì công khai, minh bạch mới ý nghĩa; hay "Một vạn tiền công không bằng một đồng tiền thưởng" - dù 1 đồng thôi nhưng là danh giá, danh dự. Khi anh có được thành tích xuất sắc, được khen thưởng, biểu dương thì được mời lên bục danh dự - Tại sao gọi là bục danh dự? Vì chỉ những người có cống hiến, công lao mới được bước lên bục danh dự ấy. Cha ông ta cũng dạy: "Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng", có nghĩa là, khi đã có danh dự rồi thì phải cố mà giữ, đừng để đánh mất nó, bởi để có được danh dự, có được sự tôn trọng, quý mến của mọi người là việc rất khó khăn, đòi hỏi mỗi bản thân phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập, phấn đấu, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mới có được. Mặt khác, danh dự đó không chỉ là sự cố gắng rèn luyện, "tự soi, tự sửa" của mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn là sự quan tâm, giúp đỡ, bảo ban, giáo dục, rèn luyện của Đảng, của tổ chức. Cho nên, khi anh có được điều thiêng liêng, cao quý đó thì anh phải cố gìn giữ và phát huy điều thiêng liêng đó. Vì thế, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhắc nhở lực lượng CAND như vậy.
Một điều khác nữa chứng minh tình cảm của đồng chí Tổng Bí thư đối với lực lượng CAND, theo ông Nguyễn Đức Hà là việc đồng chí từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng khoá XII đến nay vừa là Bí thư Quân uỷ Trung ương, vừa tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương. Đây là điểm mới và chưa có trong tiền lệ.
"Theo tôi, chỗ này có 2 mặt. Việc tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng CAND; nhưng mặt thứ hai cũng thể hiện tình cảm và trách nhiệm của bản thân người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư đối với lực lượng CAND. Quan trọng hơn, trong sâu thẳm là vì đồng chí muốn gần gũi với lực lượng CAND hơn, để thấu hiểu lực lượng CAND, tin tưởng và có trách nhiệm hơn với lực lượng CAND. Đồng chí chủ động tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương để trực tiếp dự các hội nghị, trực tiếp nghe báo cáo, thảo luận và có những quyết sách, đồng thời nắm được tâm tư, nguyện vọng của CBCS Công an, từ đó có sự quan tâm hơn, thực hiện trách nhiệm của mình. Điều này toát lên niềm tin, tình cảm sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta đối với lực lượng CAND", ông nhận định.
Nhà lãnh đạo tài ba, đức độ có phong cách giản dị, chân thành
Là người nhiều lần được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, xin ý kiến đồng chí Tổng Bí thư, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, nếu khái quát trong mấy từ ngắn gọn, có thể nói: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo của Đảng tài ba, đức độ, kiên trung và liêm khiết. Riêng việc Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng cho đồng chí cũng đã nói lên tất cả công lao to lớn ấy; hay chỉ cần nghe nội dung những bức điện, bức thư chia buồn của lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là của nguyên thủ các quốc gia lớn như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden; hay các quốc gia gần gũi, thân tình, như Lào, Campuchia, Cuba... đã khẳng định công lao to lớn của đồng chí, một con người trọn đời vì nước, vì dân.
Mấy tháng cuối cùng, Tổng Bí thư vừa điều trị bệnh, vừa làm việc trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng - ý nghĩa của việc trọn đời vì nước, vì dân là như thế, ở tuổi 80 nhưng lúc nào đồng chí cũng đau đáu việc nước, việc dân, không lúc nào ngơi nghỉ...
"Mặc dù đã biết sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời gian gần đây giảm sút nhiều và không được tốt; khi nghe Thông báo về tình hình sức khỏe của đồng chí và việc đồng chí được Bộ Chính trị quyết định tặng Huân chương Sao Vàng - Huân Chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta, linh tính đã mách bảo tôi về một chuyện "chẳng lành" sắp xảy ra. Nhưng khi biết tin chính thức đồng chí đã ra đi, tôi vẫn không thể nào kiềm chế được cảm xúc, mũi cứ cay cay, cổ họng nghẹn lại và nước mắt trào ra... Cũng như tôi, rất nhiều người dân cả nước rất đau buồn, thương tiếc như mất người thân của mình...", ông Hà nghẹn ngào.
Trong quá trình công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, ông có nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc về đồng chí Tổng Bí thư. Nhưng theo ông, có lẽ, bao trùm là phong cách giản dị, chân thành, khiêm tốn, gần gũi với mọi người, không có ranh giới nào giữa người lãnh đạo cao nhất của Đảng với người dân. Tôi nhớ mãi một lần, bác gọi tôi lên phòng làm việc của bác hiện nay, mà phòng này thường diễn ra các cuộc họp cán bộ chủ chốt ở trên tầng hai. Sau khi được anh em Cảnh vệ dẫn lên, tôi thấy cửa phòng bác mở sẵn, bác đang đứng trong phòng, tươi cười niềm nở hỏi: "Chú đến đó à?". Khi vào phòng, bác ân cần hỏi: "Chú thích ngồi ở bàn cao hay ở sa-lông?"; "Thích uống trà xanh hay trà mạn, trà xanh thì có ấm tích rồi, trà mạn thì để pha"... Thấy tôi nói muốn uống trà xanh, bác cầm hai cái cốc ra tích nước chè xanh ở góc phòng rót ra 2 lưng cốc và để trước mặt tôi một cốc. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng tiếp cán bộ cấp dưới một cách cởi mở, chân tình, ân cần và rất gần gũi.
"Làm việc gần 1 tiếng, tôi xin phép bác ra về.... Tôi đứng dậy, đưa hai tay ra bắt tay chào bác, thì bác cũng đứng lên tiễn tôi ra cửa, bác đặt tay lên vai tôi và đi cùng với tôi dọc hành lang, khi đến đầu cầu thang thì bác mới bảo: "Thôi, Hà về nhé!". Những cử chỉ của bác đối với tôi tuy nhỏ, nhưng đã làm tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và in đậm trong tâm trí của tôi, không bao giờ quên được...", nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương hồi tưởng.