Sửa đổi, bổ sung cơ chế thu hồi tài sản
Đó là một trong những nội dung của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự vừa được công bố vào sáng 24/1.
Theo đó, Điều 9 của Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56, 57, Luật Thi hành án dân sự theo hướng làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” (điểm b khoản 1 Điều 55) trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2 Điều 55, khoản 2 Điều 57). Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, Luật quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản.
Cụ thể, trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản. Luật cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự lần này tập trung vào việc nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Thời gian qua, hệ thống thi hành án dân sự đã hết sức tích cực trong việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án, trong đó luôn xác định nội dung trọng tâm là thi hành án về tín dụng ngân hàng, thi hành án xuất phát từ các vụ án kinh tế, án tham nhũng. Việc ủy thác thi hành án thường chỉ ủy thác 1 lần cho 1 vụ việc.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong các vụ án về kinh tế, án tham nhũng, tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Nếu chúng ta không quy định và ủy thác thi hành án từng phần sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện. Khi đó, chúng ta thường chờ thi hành án xong ở địa phương này mới thi hành án ở địa phương khác thì khoảng thời gian đó có thể tạo ra những kẽ hở nhất định cho các đối tượng liên quan làm thất thoát tài sản, dẫn tới tỉ lệ thu hồi án kinh tế, án tham nhũng, tín dụng ngân hàng thấp.
Chính vì vậy, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung lần này đã mở ra cơ chế có thể ủy thác thi hành tài sản ở nhiều địa phương khác nhau khi cơ quan thi hành án nhận được bản án. Từ đó tăng cường hiệu quả của việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và tín dụng ngân hàng.