Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng người dân quê hương

12:39 20/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con ưu tú của quê hương Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội đã về với thế giới người hiền. Ngôi làng cổ bên bờ sông Đuống những ngày này trở nên thẫn thờ, lặng lẽ bởi sự mất mát to lớn này.

Trong câu chuyện của người Lại Đà hôm nay, đó là những ký ức về một vị lãnh đạo cấp cao trở về làng với đôi dép lê giản dị, ngồi bậc thềm tâm sự với người chị cả lâu không gặp, là những bước chân lướt nhẹ trên con đường dẫn tới đình làng vào ngày hội lớn…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với người chị cả. 

Ông Nguyễn Bá Thi ở xóm 8 rưng rưng xúc động: “Nghe tin bác ốm, người dân chúng tôi cứ mong ngóng, theo dõi tin tức từng giờ, mong nhận tin bác khoẻ trở lại. Trước đây, cứ đến ngày việc họ (giỗ Tổ) hay các dịp làng mở lễ hội, bà con chúng tôi đều mong được đón bác về dự. Sự thân tình, gần gũi và giản dị của bác khiến chúng tôi cảm thấy không còn khoảng cách của vị Tổng Bí thư, mà đó là một người con của làng sinh sống, làm việc ở xa trở về thăm quê”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự ngày giỗ tổ họ Nguyễn Phú năm 2011.

Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Tĩnh ở xóm 9 Lại Đà tâm sự: “Bà con dân làng buồn lắm, ngày nào tôi cũng mấy lần đi qua nhà ông, lần nào tôi cũng chảy nước mắt, thương ông. Ông đã vất vả cả một đời vì đất nước. Giờ đây, bà con chúng tôi muốn được đón ông trở về quê hương”.

Không chỉ các cụ cao niên, mà các thế hệ sau, lứa tuổi trẻ của làng cũng ấn tượng sâu sắc với phong thái giản dị, chân tình mà toả sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị Nguyễn Mai Trang nhớ lại: “Tổng Bí thư về đình làng dự lễ hội luôn tươi cười với tất cả mọi người, bắt tay hỏi thăm sức khoẻ các cụ cao tuổi, vui vẻ chụp ảnh với các thanh niên trong làng, nụ cười thật ấm áp”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của dòng họ Nguyễn Phú thôn Lại Đà năm 2012. 

Ông Nguyễn Phú Việt, Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà, Trưởng họ Nguyễn Phú xúc động cho biết, cách đây tròn nửa tháng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm nhà, thắp hương tổ tiên, ngắm lại ngôi nhà mới sửa sang. Đây là lần cuối cùng ông về thăm quê hương…

Trong mỗi người dân Lại Đà, hình ảnh người lãnh đạo Đảng, đất nước luôn bình dị, gần gũi như thế. Sự khiêm tốn trong cách nói chuyện, phát biểu trước dân làng đã để lại tình cảm sâu đậm trong trái tim mỗi người dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dân làng dâng hương các anh hùng liệt sĩ thôn Lại Đà. 

Vào ngày mùng 9 Tết Giáp Ngọ (2014), dân làng tổ chức lễ chúc thọ cho các cụ cao niên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự và nhận cờ mừng thọ 70 tuổi. Sau khi chúc sức khoẻ các cụ cao niên trong làng sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, Tổng Bí thư hứa: “… sẽ giữ gìn để xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo, của dân làng. Tôi luôn mang ơn nghĩa nặng tình sâu của quê hương. Đi đâu tôi cũng nghĩ mình là dân Đông Anh, dân Đông Hội, dân Lại Đà”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần hỏi thăm các cụ cao niên trong một ngày hội làng. Ảnh: Hồ Việt Dũng

“Hôm nay tôi cũng rất vinh dự được các cụ, các ông, các bà, các bác, các anh, các chị chiếu cố cho hoàn cảnh của mình, mặc dù đi công tác xa mà vẫn được về quê hương nhận cờ, nhận bằng, chứng tỏ mình cũng đã cao tuổi rồi, mà hôm nay nghe gọi cụ vẫn còn ngượng…”, Tổng Bí thư nói.

Những lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ mừng thọ cũng toát lên một tinh thần học tập tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ: “Hôm nay, trong tình cảm ấm cúng, tôi cũng xin báo cáo là những ngày như thế này, tôi cũng tìm cách đi công tác địa phương chứ không có mặt ở nhà, cũng học tập Bác Hồ, trước đây Bác cố gắng tránh chúc mừng, chúc thọ nhiều quá. Tất nhiên tôi không dám nhận mình đã theo được Bác Hồ, mà mình là con cháu Bác, cố gắng theo tinh thần Bác. Hôm nay nhận được phần thưởng cao quý này là một kỷ niệm rất sâu sắc đối với tôi...”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ mừng thọ của thôn Lại Đà năm 2014. Ảnh: Hồ Việt Dũng

Ngôi nhà của gia đình Tổng Bí thư ở ngay đầu làng với khuôn viên gọn gàng, giản dị. Con đường trước cổng là trục chính của làng, dẫn lối qua cụm di tích lịch sử đình, chùa, miếu, lên tới con đê sông Đuống. Đó cũng là con đường mà Tổng Bí thư ngày xưa đi đò vượt sông sang trường Nguyễn Gia Thiều (huyện Gia Lâm, nay là quận Long Biên, Hà Nội) học.

Bao bọc quanh làng là cánh đồng lúa và con sông đào Ngũ Huyện Khê dẫn nước từ sông Đuống tưới tắm cho cây trồng tươi tốt. Những vệ cỏ, bờ đê, con đường làng lát gạch cổ đã nâng bước chân cho người con trai nhà nghèo đi tới con đường tiếp thu tri thức để toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước. Ba người chị gái của Tổng Bí thư cùng lớn lên và trưởng thành trong chính ngôi làng yên bình ấy. Giờ thì Tổng Bí thư đã thanh thản sum họp cùng bố mẹ và các chị gái của mình. Trái tim lớn sinh ra từ ngôi làng bình dị bên bờ sông Đuống, từ người mẹ nghèo tảo tần sớm hôm đã ngừng đập để trở về với cha mẹ, tổ tiên, hoà vào ngọn cỏ bờ đê, vào hồn cốt ngôi làng cổ bình dị, trong sự yên bình của đất nước hôm nay.

Làng Lại Đà nằm ở trung tâm của xã Đông Hội, phía Nam huyện Đông Anh, Hà Nội, là một làng cổ, đông dân của xã. Thời nhà Lý, làng thuộc phủ Bình Lỗ; thời Trần thuộc Bắc Giang, huyện Đông Ngàn; sang thời Lê, sau năm 1469 thuộc trấn Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn; thời Nguyễn, từ năm 1831 thuộc tỉnh Bắc Ninh, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn, tổng Hội Phụ. Từ năm 1961 đến nay, Lại Đà thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Lại Đà nằm trong vùng đất lịch sử nổi tiếng, cách kinh đô Cổ Loa khoảng 3km, hiện cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh với các cụ cao niên xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: Hồ Việt Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh với thế hệ trẻ thôn Lại Đà. Ảnh: Hồ Việt Dũng
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh với thế hệ trẻ thôn Lại Đà. Ảnh: Hồ Việt Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với dân làng Lại Đà trong một ngày hội làng. Ảnh: Hồ Việt Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh kỷ niệm với dân làng Lại Đà năm 2014. Ảnh: Hồ Việt Dũng
Việt Hà.

Dự án Luật Dữ liệu là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, có vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số quốc gia. Ngày 23/7/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 48/2024/UBTVQH15, trong đó thống nhất bổ sung dự án Luật Dữ liệu vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với tiến độ là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) Quốc hội khóa XV.

Sau hai địa phương gồm Hà Nội và Thừa Thiên Huế thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đem lại những kết quả và lợi ích to lớn cho người dân, xã hội, từ 1/10 tới đây, hoạt động này sẽ được nhân rộng ra trên toàn quốc. Những kết quả từ việc thí điểm ở Hà Nội và Thừa Thiên Huế sẽ là nền tảng vững chắc giúp công tác này đạt được sự đồng bộ, hiệu quả cao.

Hoa hậu Kỳ Duyên trở lại đấu trường nhan sắc sau 10 năm vắng bóng khiến công chúng kỳ vọng bao nhiêu thì nay lại lo lắng bấy nhiêu. Với những màn thể hiện nhạt nhòa, cùng với phát ngôn gây sốc “chưa đọc hết cuốn sách nào”, dù sau đó được cô thanh minh là "do lo lắng và áp lực" thì Kỳ Duyên vẫn bị cho là đi ngược với kỳ vọng, lộ quá nhiều khuyết điểm khó có thể chấp nhận được khi mang trên mình danh hiệu “Hoa hậu Việt Nam”.

Ngày 4/9, tại phiên xét xử sơ thẩm, HĐND TAND tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo Phan Ngọc Dung (SN 1955) mức án 3 năm tù và bị cáo Bùi Văn Khang (SN 1949) mức án 2 năm tù cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文