Truyền dẫn phong cách làm việc mới từ người đứng đầu Chính phủ

19:11 14/09/2021

Những phiên họp chỉ đọc và nghe báo cáo lâu ngày đã thành barem, tựa như cái ngõ trước nhà đã định hình thành nếp. Tuy nhiên, những phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khiến quan niệm đó phải thay đổi. 

 

Ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có buổi làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng, chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang – nơi tình hình dịch có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Hình ảnh phiên họp với những đoạn “hỏi nóng” với lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang được phát trên VTV1 và lan truyền trên mạng internet, thu hút sự quan tâm của người dân với rất nhiều chia sẻ, bày tỏ ủng hộ phong cách làm việc, chỉ đạo sâu sát và trực diện của Thủ tướng.

Phiên họp trực tuyến của Thủ tướng với một số địa phương ngày 13/9

Sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình báo cáo về tình hình phòng, chống dịch, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề rồi đặt câu hỏi “nóng” nhằm kiểm tra độ sâu sát của lãnh đạo tỉnh. “Vậy ngày hôm qua trong cộng đồng phát hiện bao nhiêu ca F0” – Thủ tướng đặt câu hỏi.

Phía điểm cầu trực tuyến tỉnh Kiên Giang, ông Bí thư Tỉnh ủy tỏ ra luống cuống với câu hỏi này, hai tay lục tìm giữa khá nhiều giấy tờ để trên mặt bàn nhưng sau vài chục giây vẫn… chưa thấy! Lúc này, có tiếng vọng ra từ phòng bên trong, nói con số 154 ca. Lập tức, Thủ tướng nhắc nhở “ai nắm rõ thì đi ra báo cáo, việc gì phải nhắc như vậy”!

Sau một lúc lúng túng lập, dò tài liệu, ông Đỗ Thanh Bình liền đáp con số 154 ca F0 như ý kiến “tư vấn trường quay” bất đắc dĩ vừa nói vọng ra. “Ở đâu” – Thủ tướng hỏi tiếp. Tới lúc này, biết việc “tư vấn trường quay” đã bị ngăn chặn, ông Bí thư Tỉnh ủy đành thật thà nói: “Báo cáo Thủ tướng, giờ không nhớ nổi”. Không hài lòng với việc “không thuộc bài” và ấp úng như vậy, Thủ tướng nhắc lại việc ông đã nhiều lần gọi điện chỉ đạo, yêu cầu phải nắm, kiểm soát hàng ngày để xem số ca F0 trong cộng đồng tăng giảm như thế nào và việc xét nghiệm đã tiến hành đúng như hướng dẫn của Bộ Y tế chưa. “Cái này rất quan trọng, chứ tỉnh anh (Kiên Giang - PV) đang xanh giờ sang đỏ quạch rồi” – Thủ tướng lo ngại.  

Với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, Thủ tướng hỏi kỹ về số ca tử vong trên địa bàn. Ông Vĩnh nêu một số lý do khiến có nhiều ca tử vong như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỉ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức COVID-19 (ICU). Những ngày gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU đi vào hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng 1 và tầng 2 tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, thì số ca tử vong giảm.

Thủ tướng đưa ra những câu hỏi "nóng" để kiểm tra việc nắm tình hình, chỉ đạo chống dịch của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang. 

Để Chủ tịch UBND tỉnh đọc báo cáo xong, Thủ tướng hỏi ngay: “Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa”? Ông Nguyễn Văn Vĩnh tỏ ra lúng túng và trả lời câu hỏi “lạc” sang hướng khác, cho biết tỉnh đã có 2 xã đang triển khai điều trị F0 tại nhà. Không hài lòng với cách “đánh lạc hướng” của người đứng đầu UBND tỉnh, Thủ tướng nhắc nhở: “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau. Người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì mới có thể phân loại, điều trị ca bệnh sớm, giảm số ca tăng nặng, giảm tử vong. Nếu xã, phường, thị trấn nào cũng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì chắc chắn hệ thống y tế sẽ quá tải”. Thủ tướng cho biết “thực sự sốt ruột” với tình hình Tiền Giang chuyển từ “xanh” sang “đỏ”.

Những đoạn hỏi đáp như trên tuy ngắn gọn nhưng toát ra khá nhiều vấn đề. Nó cho thấy cái khoảng cách giữa đọc báo cáo và hiểu, nhớ những điểm cốt lõi trong báo cáo là không hề nhỏ. Những con số như có bao nhiêu ca tử vong, bao  nhiêu F1, thực ra trong báo cáo địa phương có cả nhưng khi Thủ tướng tách vấn đề để hỏi một ý nhỏ “hôm qua tỉnh có bao nhiêu ca F0” thì lại không trả lời được, phải “cầu viện”. Trong khi đó, con số ca nhiễm, tử vong được cập  nhật hàng ngày trên bản tin của Bộ Y tế và các địa phương, người dân đều quan tâm. Vậy mà lãnh đạo tỉnh lại không biết có bao nhiêu ca trên địa bàn mình quản lý?

Kiểu hội nghị dù trực tuyến hay không trực tuyến, lâu nay đã thành nếp quen: Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu thì các đại biểu nghe lãnh đạo địa phương, đơn vị đọc báo cáo. Cái báo cáo dài trang này sang trang khác với vô số đánh giá, rồi số liệu khiến người nghe thật sự khó thẩm thấu hết. Sau khi thảo luận, đại diện lãnh đạo dự cuộc họp phát biểu kết luận mà nhiều khi chỉ là đọc văn bản được chuẩn bị từ trước. Những mô típ hội nghị theo barem như vậy đã khiến nhiều lãnh đạo quen với phong cách cầm giấy đọc và người nghe cũng quen với “văn hóa nghe đọc”!

Những mô típ hay barem đó đang dần được thay đổi theo cách thực chất hơn, cụ thể hơn, sống động hơn với những buổi làm việc, chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nếu kiểm tra theo quy trình đã báo với địa phương thì hẳn người dân bấm số đường dây nóng “gọi là có” chứ không phải đến lần thứ 4 mới có người nhấc máy như khi Thủ tướng kiểm tra tại Bình Dương; nếu việc kiểm tra theo lịch trình địa phương bố trí sẵn thì hẳn phường Thanh Xuân Trung đã chuẩn bị cả tập kế hoạch chứ không phải loay hoay 20 phút tìm không ra kế hoạch chống dịch. Hay nếu để Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tự đọc và báo cáo thì hẳn cả buổi kể không hết việc, song chỉ một hai câu hỏi thêm lại lộ ra khoảng trống mà cái khoảng trống ấy lại nói lên rất nhiều điều.

Rõ ràng, đã đến lúc hội họp cần "thoát ly" nhiều hơn những văn bản báo cáo sẵn. Những cuộc kiểm tra để gọi là thực tế, cần nhiều hơn những yếu tố không nằm trong barem kế hoạch. Bởi cuộc sống vốn diễn ra thường ngày với vô vàn những điều “thô mộc” nhưng đúng với thực tế của nó mà người lãnh đạo cần nắm để hiểu rõ tính thực chất, không phải là sản phẩm trau chuốt, "sơn ve" để cho báo cáo. Một nhiệm kỳ Chính phủ mới đang vận hành và người dân đã nhận thấy những tín hiệu thực sự tích cực, thực sự mới mẻ được khởi nguồn, truyền dẫn từ phong cách làm việc của người đứng đầu Chính phủ.

Đăng Minh

Sau khi Đề án "Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030" được Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua, UBND thành phố Bắc Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê có những chuyển biến theo hướng tích cực, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nâng cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn đang trong quá trình thực hiện, cần sự quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và sự chấp hành nghiêm túc của người dân.

Tuổi trẻ CAND và tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương đã thể hiện rõ nét tinh thần tiên phong, xung kích đi đầu không chỉ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.

Dự án Nhà máy Sản xuất bánh kẹo, đồ dùng gia dụng Tân Tiến Phát tại Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương từ 7 năm trước nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Trong khi đó, người dân có đất bị thu hồi “kêu trời” vì không có đất sản xuất, trong khi tiền đền bù chưa được chi trả.

Với chủ đề “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng 2024”, Chương trình “Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại TP Nha Trang tối qua (17/10).

Có tới 49 mỏ đất, cát đã được khảo sát để phục vụ dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô, nhưng mỏ ở gần chưa thể khai thác, mỏ ở xa thì giá cao do phát sinh chi phí vận chuyển. Bởi nhiều lý do, cho đến thời điểm này, vấn đề vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô vẫn đang là những khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ.

Sau gần 1 tháng xét xử sơ thẩm, ngày 17/10, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Trong vụ án này, các bi cáo bị truy tố về các tội danh “Lừa đảo chiềm đoạt tài sản” “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố cả 3 tội danh trên.

Ngày 31/10/1974, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định được thành lập. Với vai trò nòng cốt bảo vệ ANTT, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, 50 năm qua, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định luôn chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thị trường trong nước và cả hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy, vấn đề này vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文