Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - điểm đến lịch sử vì hòa bình

10:17 01/05/2023

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28 đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) vào những ngày tháng Tư, mặc dù thời tiết nắng nóng như đổ lửa, nhưng rất đông du khách trong nước và quốc tế có mặt tham quan…

Địa chỉ văn hóa thu hút khách

Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết, có lẽ bảo tàng này là một trong những bảo tàng du khách đến tham quan đông nhất cả nước. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, bảo tàng luôn thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn cho du khách. "Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là bảo tàng vì hòa bình. Mỗi hoạt động của bảo tàng, chúng tôi cố gắng truyền tải thông điệp hướng đến hòa bình", bà Thảo cho hay.

Khu vực trưng bày vũ khí hủy diệt của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Được biết, trước khi trở thành một bảo tàng, ít ai biết rằng trên nền đất này đã từng tồn tại một công trình mang tính tâm linh là chùa Khải Tường, nơi Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm ra đời, sau này là vua Minh Mạng. Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định. Trước biến loạn của thời cuộc, số phận chùa Khải Tường cũng trải qua nhiều thay đổi. Để chống lại các cuộc tấn công của quân khởi nghĩa, quân Pháp đã cho phá hủy nhiều thành trì, xâm chiếm các ngôi chùa để làm phòng tuyến, đồn bốt. Chùa Khải Tường bị quân Pháp chiếm làm đồn lũy.

Nơi đây được sử dụng với các công năng khác nhau như trại cải huấn, trường trung học phục vụ nhu cầu đào tạo con em người Pháp tại Sài Gòn, nơi làm việc của cố vấn quân sự Mỹ,... và lần lượt thuộc quyền sở hữu của những người Pháp. Từ giữa năm 1965, nơi đây là trụ sở của những cơ quan đầu não bộ máy chiến tranh xâm lược Mỹ tại Việt Nam như Phòng Nhân viên dân chính Hoa Kỳ, Văn phòng giám sát của cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ…

Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhằm lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm; đồng thời tố cáo tội ác chiến tranh xâm lược của quân đội Mỹ ở Việt Nam, Đảng bộ TP Sài Gòn (nay là Đảng bộ TP Hồ Chí Minh) đã chủ trương thành lập Nhà trưng bày tội ác Mỹ - ngụy tại đây. Sau thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, Nhà trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan vào ngày 4/9/1975. Nhiệm vụ của Nhà trưng bày là giới thiệu, tố cáo tội ác chiến tranh xâm lược. Qua đó, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ về cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, nâng cao cảnh giác cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Ngày 10/11/1990, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đổi tên Nhà trưng bày tội ác Mỹ - ngụy thành Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược. Ngày 4/7/1995, quyết định đổi tên thành Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Thời gian đầu, Nhà trưng bày chủ yếu trưng bày 2 chủ đề chính, đến nay, bảo tàng có 9 chuyên đề. Mỗi chuyên đề là một câu chuyện được thể hiện một cách sống động mang thông điệp về giá trị hòa bình, khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết, không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của du khách tại chỗ, hoạt động trưng bày còn được mở rộng dưới nhiều hình thức: trưng bày, triển lãm chuyên đề tại bảo tàng, triển lãm lưu động tới các quận, huyện của thành phố, các tỉnh, thành khác, các địa phương vùng sâu, vùng xa, các khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học… đưa nội dung trưng bày ngày một gần hơn với công chúng. Bảo tàng còn tham gia phối hợp với Sở Du lịch, quảng bá, giới thiệu về du lịch TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hoạt động trưng bày còn vương tầm ra quốc tế với việc phối hợp tổ chức nhiều cuộc triển lãm tại một số quốc gia như: Nhật Bản, Đan Mạch và Mỹ…

Trong giai đoạn kỹ thuật số, bảo tàng đã đưa vào sử dụng công nghệ mã QR với 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nga, Nhật, Hoa và một số thiết bị hướng dẫn tham quan tự động. Qua đó, giúp du khách có điều kiện truy xuất thông tin liên quan đến hình ảnh, hiện vật trưng bày tại bảo tàng một cách dễ dàng…

Từ số lượng hiện vật tư liệu ban đầu ít ỏi, đến nay có hơn 16.000 hiện vật đã được số hóa, đăng ký trong hồ sơ kiểm kê; hàng ngàn phim ảnh, tài liệu phong phú, đa dạng về đề tài, chất liệu. Trong đó có nhiều hiện vật thuộc loại độc bản quý hiếm đang trưng bày và bảo quản trong kho.

Qua hơn 45 năm hoạt động, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã đón tiếp hơn 23 triệu lượt du khách Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, Bảo tàng vinh dự được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến tham quan. Bên cạnh đó, bảo tàng còn vinh hạnh đón tiếp nguyên thủ nhiều quốc gia, các chính khách quan trọng cùng nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ, Đảng Cộng sản Mỹ, Đảng Cộng sản Nhật Bản, Tiệp Khắc, phóng viên của nhiều quốc gia đến thăm.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Xuân Thảo cho biết, bảo tàng đã trở thành một trong những điểm đến có sức hút đối với du khách trong hành trình đến với các di sản - văn hóa - du lịch của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, đông đảo du khách quốc tế bình chọn là một trong những bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á trong nhiều năm liền và năm 2018, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đại diện duy nhất của châu Á lọt vào top 10 bảo tàng hấp dẫn nhất thế giới, do du khách bình chọn thông qua trang thông tin điện tử du lịch hàng đầu TripAdvisor.

Nơi giáo dục về giá trị của hòa bình

Bên cạnh đó, bảo tàng luôn được xem như một trường học ngoại khóa lý tưởng giáo dục về truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ và xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh cho thế hệ trẻ. Là cầu nối lịch sử giữa các thế hệ, nhiều năm qua bảo tàng còn phối hợp tổ chức các buổi giao lưu giữa nhân chứng chiến tranh như cựu chiến binh, cựu tù chính trị, nạn nhân chất độc da cam,... với khách tham quan. Hoạt động này đã góp phần thay đổi cách tuyên truyền, giáo dục truyền thống theo kiểu một chiều sang hình thức trải nghiệm - đối thoại - hành động.

Rất nhiều sinh viên, học sinh các trường đại học, trung học các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc… đã đến tham quan bảo tàng và gặp gỡ những cựu chiến binh cựu tù chính trị, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam Việt Nam để lắng nghe những câu chuyện thật về cuộc đời của họ. Từ đó, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ quyết tâm hành động để bảo vệ hòa bình, để giúp đỡ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Riêng đối với lớp trẻ Việt Nam, những hoạt động trưng bày, giao lưu thực sự đã có tác dụng giáo dục sâu sắc không chỉ về lòng yêu nước, ý thức bảo vệ đất nước mà còn về tình yêu cao đẹp trong chiến tranh, sự hi sinh và cống hiến tuổi trẻ cho hòa bình. Tại bảo tàng cũng diễn ra nhiều cuộc hội ngộ đầy nước mắt giữa những cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh các nước tham chiến khác; những người vốn là kẻ thù của nhau, nay có thể bắt tay nhau, ôm nhau khóc, rồi hát tặng nhau và trở thành bạn bè.

Theo bà Trần Xuân Thảo, nội dung trưng bày của bảo tàng không chỉ nói lên sự phi nhân đạo của chiến tranh, tội ác của các thế lực xâm lược đã gây ra tại Việt Nam mà còn thể hiện những chứng tích chiến tranh chống xâm lược - chứng tích hòa bình. Qua đó, khơi gợi những giá trị hòa bình, kêu gọi gìn giữ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh tái diễn. Với mục đích và ý nghĩa đó, trong quá trình hoạt động và phát triển, bảo tàng đã mang trên vai một sứ mệnh mới - sứ mệnh đấu tranh vì hòa bình.

"Không để bảo tàng chỉ như là một nơi khơi gợi lại quá khứ đau thương hay thúc đẩy lòng thù nghịch, mà có thể cùng "ngồi lại" hi vọng, hàn gắn để những thảm kịch chiến tranh không còn xảy ra trong tương lai. Mỗi câu chuyện trưng bày từ hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại bảo tàng là một trong những cách tiếp cận, truyền đạt thông tin và gửi đi thông điệp về hòa bình một cách mạnh mẽ nhất đến công chúng. Đó là những ký ức, những mảnh ghép của lịch sử, của cộng đồng và của cả một dân tộc trong quá trình đấu tranh giành và giữ hòa bình", Giám đốc Thảo chia sẻ.

Với sự nỗ lực của mình, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã trở thành bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam có quan hệ hợp tác với hệ thống bảo tàng hòa bình của Nhật Bản. Ngày 6/11/1998, bảo tàng đã trở thành thành viên chính thức của hệ thống quốc tế các Bảo tàng Hòa Bình.

Trong những cuốn sổ ghi cảm nghĩ tại bảo tàng, các trang giấy đều được ghi với dòng chia sẻ của du khách trong và ngoài nước. Tất cả đều thể hiện sự xúc động trước đau thương, mất mát trong chiến tranh của nhân dân Việt Nam, đồng thời ủng hộ hòa bình, không muốn chiến tranh ở trên hành tinh này. 

 "Chúng tôi đánh giá cao công trình xây dựng bảo tàng tội ác chiến tranh này. Là một người Mỹ, tôi thực sự kinh hãi về những hình ảnh trưng bày tại đây. Cảm ơn sự tha thứ của các bạn. Chúc các bạn mọi sự tốt lành trong công trình xây dựng lại đất nước và hi vọng rằng, chúng tôi được tham gia cùng các bạn trong việc khắc phục những hậu quả chiến tranh mà đất nước chúng tôi đã gây ra", du khách người Mỹ, Pat Patterson cho biết cảm nghĩ của mình khi tham quan bảo tàng.

"Đây là lần thứ ba tôi đến bảo tàng này và lần nào tham quan tôi cũng rơi nước mắt. Thật sự rất buồn khi hình dung về những gì đã xảy ra ở Việt Nam. Tôi hi vọng và cầu nguyện sẽ không còn chiến tranh và xung đột nữa ở bất cứ nơi nào trên thế giới chúng ta. Hãy cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp toàn cầu", du khách người Philippines A.T. Cariquitan cho biết.

Nguyễn Cảnh

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文