Chuyện giữ lửa nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế: Trăm năm nặn tượng… ông Táo

08:20 27/01/2024

Trải qua hàng trăm năm, đến nay làng Địa Linh, phường Hương Vinh (TP Huế) là ngôi làng duy nhất ở tỉnh Thừa Thiên Huế còn duy trì nghề làm tượng ông Táo. Vào những ngày cuối năm Quý Mão này, những người thợ ở làng nghề truyền thống này lại tất bật, hối hả để sản xuất tượng ông Táo phục vụ thị trường vào dịp 23 tháng Chạp.

Các bậc cao niên ở làng Địa Linh cho biết, vào thời Nguyễn, nhà vua cho đặt tại Địa Linh một xưởng lấy đất làm gạch với tên gọi “Nê ngõa tượng cục”. Nhận thấy đất ở ngôi làng này khác biệt so với những nơi khác nên nhà vua đã đặt tên làng là Địa Linh. Đất ở làng Địa Linh được lấy làm gạch phục vụ việc xây dựng các công trình, lăng tẩm, dinh thự của vua quan triều Nguyễn thời bấy giờ. Nhận thấy đất sét ở Địa Linh có chất lượng tốt với trữ lượng dồi dào nên người dân đã xây dựng nhiều lò gạch.

Tuy nhiên về sau, do ô nhiễm môi trường nên người dân ở Địa Linh chuyển từ nghề làm gạch sang nghề nặn tượng ông Táo. Và kể từ đó, nghề nặn tượng ông Táo được người dân ở làng Địa Linh lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đến nay, Địa Linh là ngôi làng duy nhất ở Cố đô Huế vẫn còn nhiều hộ dân lưu giữ nghề truyền thống làm tượng ông Táo phục vụ vào dịp cận Tết Nguyên đán.

Người thợ ở làng Địa Linh cần mẫn hoàn thiện tượng ông Táo để kịp phục vụ thị trường Tết.

Những ngày giữa tháng Chạp, trong tiết trời mưa lạnh, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông Võ Văn Đức, 69 tuổi, nằm ở giữa thôn Địa Linh. Hai bên đường dẫn vào nhà được ông Đức chất hàng trăm tượng ông Táo vừa nặn xong. Để tránh mưa, ông Đức dùng bạt nilon làm mái che và quạt điện để phơi khô tượng ông Táo. Qua trò chuyện, ông Đức chia sẻ, so với những nghề khác, nghề làm tượng ông Táo có phần vất vả, cực nhọc nhưng vào mỗi vụ Tết thì gia đình lại có thêm thu nhập. Bình quân mỗi vụ Tết gia đình ông Đức sản xuất từ 10 đến 20 nghìn bức tượng ông Táo để bán cho các chợ truyền thống ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để kịp hoàn thành hàng vạn tượng ông Táo bán trước và trong ngày 23 tháng Chạp, ông Đức huy động thêm 4 nhân công là con cháu trong nhà tham gia làm tượng. Mỗi người mỗi công đoạn, từ việc đào đất sét, nhồi đất, cho đất vào khuôn tạo hình ông Táo gồm 2 ông và 1 bà, đến đổ tượng đem phơi khô rồi cho vào lò nung. Tiếp đó, sau mỗi mẻ nung, tượng được lấy ra để người thợ tô màu hoàn thiện sản phẩm.

“Nhìn bức tượng ông Táo nhỏ nhắn thế này thôi chứ để làm ra một sản phẩm như vậy phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nghề nặn tượng ông Táo không đòi hỏi tư duy nhiều nhưng lại cần người thợ có tính cần mẫn, chịu khó, đôi bàn tay phải khéo léo để trang trí bức tượng thêm phần sinh động, đẹp mắt. Hiện mỗi bức tượng được thương lái thu mua và bán ra thị trường với giá từ 3 đến 7 nghìn đồng tùy loại. Do giá thành thấp nên người thợ như chúng tôi chỉ biết lấy công làm lời để duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại”, ông Đức chia sẻ.

Cách nhà ông Đức không xa là xưởng sản xuất tượng ông Táo của gia đình anh Võ Văn Hải cũng đang có nhiều nhân công hối hả nhào nặn đất sét tạo tượng ông Táo để đem nung. Gia đình anh Hải duy trì nghề làm tượng ông Táo qua 4 đời. “Sau khi hoàn thành các công đoạn, tượng ông Táo được đem nung, bình quân mỗi mẻ nung đặt từ 400 đến 500 tượng ông Táo chất quanh thành lò và nung bằng trấu trong thời gian 3 ngày 2 đêm”, anh Hải cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên tượng ông Táo do những người thợ ở làng Địa Linh sản xuất có nhiều màu gồm màu đất, màu sơn mài hoặc tượng được tô các màu sắc trang trí họa tiết.

Theo tín ngưỡng người Việt Nam, ông Táo là vị thần cai quản việc bếp núc của gia chủ. Vào ngày 23 tháng Chạp, gia chủ cúng tiễn 3 vị Táo quân cưỡi cá chép bay lên trời để trình báo lại với Ngọc Hoàng mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình trong năm và rước tượng mới về thờ tự cho năm tiếp theo. Do đó nghề làm tượng ông Táo của gia đình anh Hải và người dân ở làng Địa Linh đến nay vẫn được duy trì.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế, ngoài bàn thờ tổ tiên thì bàn thờ bếp cúng ông Táo cũng được người dân ở xứ Huế xem trọng. Do đó vào ngày cúng ông Táo, các gia đình thường thay tượng cũ bằng tượng mới nên nghề nặn tượng ông Táo chưa thất truyền. Tuy nhiên người dân gắn bó với nghề này đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Tạ Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vinh còn cho biết, trước đây làng Địa Linh có rất nhiều người làm nghề sản xuất tượng ông Táo. Tuy nhiên, do tượng sản xuất ra chỉ bán phần lớn vào dịp 23 tháng Chạp, người làm tượng có thu nhập thấp nên dần về sau, số người làm tượng giảm dần. Đến nay trên địa bàn phường Hương Vinh chỉ còn vài hộ gia đình duy trì nghề làm tượng ông Táo.

“Trong những năm qua, chính quyền phường Hương Vinh, UBND TP Huế và các ban ngành đoàn thể đã quan tâm, tạo điều kiện, tuyên truyền vận động để người dân ở làng Địa Linh tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. Và cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân ở làng Địa Linh lại cùng nhau bắt tay để sản xuất hàng vạn tượng ông Táo. Sản phẩm ở làng nghề không những phục vụ thị trường ở trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh thành ở miền Trung, từ đó giúp người thợ làm tượng ông Táo có thêm thu nhập để tiếp tục duy trì, giữ lửa nghề truyền thống”, ông Tạ Dương Anh Tuấn khẳng định.

Anh Khoa

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

Xung đột Nga-Ukraine leo thang và một số điểm nóng tại Trung Đông khiến nhu cầu trú ẩn tài chính gia tăng, kéo giá vàng thế giới tăng mạnh, đẩy giá vàng trong nước đi lên.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/12, do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức. Triển lãm được tổ chức với quy mô lớn, nội dung mang tính hiệu quả và toàn diện, với đông đảo các doanh nghiệp Công nghiệp Quốc phòng các nước, các đoàn khách quốc tế, quốc phòng cấp cao, các nhà quản lý công nghiệp quốc phòng đăng ký tham gia.

Ngày 19/11, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự đối tượng Y Yốp Byă (SN 1994, trú tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi “Giết người”.

Chiều 19/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phan Thị Lệ Thủy (SN 1989, trú xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dưới hình thức tổ chức chơi biêu (ở vùng, miền khác gọi là họ, hụi, phường).

Liên quan đến vụ huy động hơn 3.700 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, chiều nay (18/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, Tổng Giám đốc), và Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1992, Trưởng phòng ngân quỹ công ty) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Để xử lý dứt điểm hơn 300 dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài, tỉnh Hà Tĩnh sẽ kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文