Giữ gìn làng gốm truyền thống Vân Sơn
Gốm Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định là một trong những làng nghề truyền thống ở tỉnh Bình Định đã hình thành từ hàng trăm năm trước. Đến nay, làng gốm này dần mai một, chính quyền đang nghiên cứu phương án hỗ trợ để giữ lại làng nghề, tránh bị thất truyền…
Theo ông Tô Hồng Phương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã An Nhơn, xưa kia trung tâm làng gốm nằm sâu trong xóm An Xuân, thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu. Sau đó, đất sét tốt để làm nguyên liệu ở vùng này cạn kiệt, trung tâm làng gốm phải nhích ra cho gần vùng nguyên liệu mới và làng gốm Vân Sơn đã hình thành từ đó. Trong giai đoạn năm 1993 – 2000, được xem là thời kỳ hưng thịnh, làm ăn hiệu quả nhất của người dân làng gốm Vân Sơn. Thời điểm này, làng gốm Vân Sơn có cả trăm hộ làm nghề. Các sản phẩm gốm như: chum, vò, ang, chậu, thạp, bộng giếng, ống cống, ấm, nồi, bếp lò… được xuất bán đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sức mua mạnh đến nỗi sản phẩm làm ra tới đâu bán hết đến đó. Người làm gốm vì thế cũng “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, khoảng hai thập niên gần đây, hàng loạt chất liệu tiện dụng, khá rẻ tiền đã choán mất chỗ của sản phẩm gốm đất nung Vân Sơn trong đời sống hàng ngày. Sản phẩm gốm Vân Sơn cũng lặng lẽ “nhường chỗ” cho nhựa plastic, nhôm, sắt sơn, sắt tráng men, inox. Rồi lò đất nhường chỗ cho bếp gas, bếp điện...
Giữa tháng 10/2021, về làng gốm Vân Sơn, trò chuyện với một số hộ còn lại gắn bó với nghề ở làng, tôi cảm nhận rõ nỗi buồn về sự mai một của làng nghề nơi này. Bà Phan Thị Xử (59 tuổi), ngậm ngùi nói: “Làng gốm Vân Sơn nay chỉ còn 6-7 hộ còn gắn bó với nghề. Nhưng sản phẩm làm ra thì ế ẩm, bán rất chậm”.
Ngoài việc khan hiếm nguồn đất sét tốt để làm, sản phẩm gốm Vân Sơn làm ra vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng nhựa, sứ cao cấp. Thu không đủ bù chi, nghề không đảm bảo cuộc sống nên bà con dần bỏ nghề, chuyển sang công việc khác. Thế hệ con cháu nhận thấy nghề truyền thống của ông, bà xưa để lại bấp bênh, không có tương lai bền vững nên chủ động “đổi hướng” và tìm đến những ngành, nghề khác để mưu sinh.
Như 4 người con của bà Xử đều không theo nghề của bố, mẹ. Bản thân bà cũng chỉ làm những sản phẩm gốm đơn giản như: chậu, lò trấu. Tất cả sản phẩm gốm đòi hỏi kỹ thuật cao, tinh xảo như ấm, nồi, niêu, lu… được làm ra ở cơ sở của bà đều phải thuê nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh (74 tuổi, ở thôn Nhạn Tháp) đến làm. Đây cũng là một trong hai nữ nghệ nhân làm gốm còn sót lại ở xã Nhơn Hậu còn gắn bó với nghề, chuốt gốm thành thục, tinh xảo.
“Tôi ráng làm 1 - 2 năm nữa rồi nghỉ, chứ tuổi đã cao. Ngồi cả ngày lưng đau, xương cốt rão ra. Tôi trăn trở là sau tôi và chị Thay (Võ Thị Thay, 60 tuổi) chắc không còn ai chuốt được gốm nữa”, bà Ánh trầm tư về sự mai một của làng gốm Vân Sơn.
Chung nỗi niềm, nghệ nhân Cù Văn Hữu (51 tuổi) buồn bã: “Khoảng 20 năm trước, danh tiếng làng nghề gốm Vân Sơn nói ai cũng biết, nhưng giờ bế tắc, người dân bỏ nghề, người đi làm thợ hồ, người đi chạy xe tải…”.
Theo ông Hữu, một xe đất sét cỡ 6-7m³ hiện phải mua hơn 2 triệu đồng. Giá đất cao, làm ra những sản phẩm gốm có chất lượng tốt, người thợ phải mất nhiều công sức, nhưng sản phẩm thì bán chẳng được là bao. Ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cũng bày tỏ: “Hiện làng nghề truyền thống gốm Vân Sơn đang gặp nhiều khó khăn, số hộ còn theo nghề rất ít, giá nguyên liệu đất sét cao, trong khi giá thành phẩm thấp, đầu ra cũng kém, chưa kể sự cạnh tranh với các sản phẩm mới”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết, qua khảo sát, số hộ gắn bó với nghề ở làng gốm Vân Sơn quá ít. Hiện nay, phòng đang nghiên cứu, tham mưu UBND thị xã đề nghị UBND xã Nhơn Hậu rà soát, lập danh sách số bà con còn gắn bó với nghề để xem xét công nhận nghề truyền thống. Trong năm 2022, thị xã sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ cho các hộ còn làm nghề thông qua chương trình, đề án khuyến công, với mục tiêu cố gắng giữ nghề gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn để tránh bị thất truyền...