Một nghề cao quý trong các nghề cao quý

07:34 01/10/2023

Tại lễ ra mắt 3 tập sách “Thời gian và nhân chứng” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ngày 29/9, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân có bài viết với tựa đề “Một nghề cao quý trong các nghề cao quý”. Báo CAND xin giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Hồng Vinh.

Tôi say mê đọc hết những câu chuyện đầy thú vị và có sức cuốn hút lớn qua 43 gương mặt nhà báo lão thành. Tôi bùi ngùi thương nhớ, gần nửa số nhà báo tài danh trong 43 người đã về cõi vĩnh hằng, nhưng dưới cõi âm, các anh, các chị ấy sẽ rất vui khi biết hôm nay, các quý vị đại biểu, nhiều nhà báo các thế hệ tiếp theo đã và đang dành sự trân trọng và ghi ơn những cống hiến to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Tôi bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cùng Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp tổ chức sự kiện trang trọng và rất có ý nghĩa này.

Các đại biểu tại buổi gặp mặt giới thiệu bộ sách “Thời gian và nhân chứng”.

Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng kính trọng và sự hàm ơn sâu nặng đối với Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, ngay từ những năm trong thập niên 90 của thế kỷ 20 đã cùng với nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên năm cuối của Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, với tình cảm và lòng ngưỡng mộ những đóng góp của 43 nhà báo lão thành trong số hàng trăm nhà báo cao niên khác, đã bền bỉ thu thập tư liệu, gặp gỡ từng nhà báo để ghi lại câu chuyện làm báo đầy sôi động và thú vị của từng người qua 10 năm ròng rã, để tới hôm nay, đã xuất bản trọn vẹn 3 tập sách quý này. Tôi tâm đắc và xúc động dừng lại đọc rất lâu ở nhiều đoạn trong Lời nói đầu của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, người chủ biên cuốn sách này: “Tập sách như tên gọi của nó đã có được một phần thời gian và nhân chứng. Thời gian là nửa thế kỷ qua với biết bao sự kiện lớn trong đời sống dân tộc và nhân chứng là những nhà báo, những nhà hoạt động chính trị, xã hội luôn có mặt trong dòng thời cuộc. Với nhiệm vụ và chức năng của nhà báo, các anh chị đã có mặt trên tất cả các trận tuyến cách mạng của cuộc sống và đã hoàn thành trách nhiệm của mình... Bằng ngòi bút bút sắc sảo, các anh chị đã tham gia cuộc chiến đấu của dân tộc trong những năm kháng chiến oanh liệt và trong công cuộc xây dựng xã hội mới dân chủ, giầu mạnh, công bằng và văn minh”… “Dòng kiến thức và kinh nghiệm phong phú của các anh, các chị sẽ từ quá khứ xuôi chảy về tương lai và chắc chắn sẽ tiếp thêm sinh lực mới cho thế hệ trẻ hôm nay”. Tôi cũng trân trọng những dòng tâm huyết trong Lời giới thiệu tập sách này của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khi nói về mục đích xuất bản cuốn sách: “Đó không chỉ là đáp ứng nhu cầu tham cứu, học tập của các bạn sinh viên, những người nghiên cứu chuyên ngành báo chí, các nhà báo trẻ…”, mà còn giúp công chúng hiểu về “nghề báo, nghề làm việc với con chữ; nghề tất bật vất vả ngày đêm, cũng là nghề phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, đôi khi cả máu để đánh đổi sự thật”.

Các tập sách “Thời gian và nhân chứng”.

Sau khi đã đọc hết 43 hồi ký của các nhà báo trong 3 tập sách này, tôi có mấy cảm nhận ban đầu sau đây:

Trước hết, cảm nhận bao trùm của tôi là lòng tự hào về nghề báo là một nghề đáng quý - như đầu đề cuốn sách dày 851 trang của nhà báo Quang Đạm đã xuất bản cách đây 13 năm. Con đường đến với nghề báo của 43 nhà báo trong 3 tập sách này hoàn toàn không giống nhau, có người khi làm cách mạng được tổ chức phân công làm báo; có người đến với báo một cách ngẫu nhiên vì một vài bài viết ngẫu hứng được một tờ báo đăng, rồi từ đó say mê viết báo cả đời; có người do ý thức được nuôi dưỡng ngay từ khi vào học đại học đã ấp ủ ước muốn sau khi ra trường được làm báo, viết văn, v.v… Nhưng khi đã là nhà báo thực thụ thì việc viết báo đã trở thành đòi hỏi tự thân giống như cơm ăn, nước uống và khí trời để thở hằng ngày. Tình yêu nghề báo, yêu từng con chữ, từng tít bài, từng sản phẩm báo chí đã trở thành máu thịt đời mình. Tôi xúc động được biết, chuẩn bị về với “thế giới người hiền”, các nhà báo Hoàng Tùng, Quang Đạm đều có chung lời dặn dò con cháu và gia đình rằng, khi viết TIN BUỒN thì đừng kể lể những chức vụ dài dòng, mà chỉ nên nói hai chữ ngắn gọn là NHÀ BÁO! Còn nhà báo Thanh Châu, sau khi kể những chuyện về hoạt động của hàng chục nhà báo đã từng làm trong các cơ quan báo tư nhân từ năm 1930 cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã rút ra một kết luận sâu sắc: “Đây là sự thực về một nghề “bạc bẽo” dưới chế độ cũ đã qua, để thấy người làm báo ngày nay ở dưới chế độ ta đã khác xưa, hạnh phúc biết chừng nào”. Nhà báo tài danh Trần Bạch Đằng viết rằng: “Tôi chưa bao giờ tự cho mình là nhà báo chuyên nghiệp, tôi vẫn xem báo chí là trận địa mà tôi yêu thích, viết báo với tất cả hứng thú, sẽ cùng đi với tôi đến khi không còn viết được nữa”. Nhà báo Xích Điểu, cây đại thụ của thể loại châm biếm, đã viết lời kết thúc hồi ký của mình như sau: “Điều lớn lao hết thảy là hơn 60 năm làm báo, đã đem lại cho tôi cuộc sống, những định hướng cuộc đời, những buồn vui, những vất vả cực nhọc của đời làm báo, những hạnh phúc, tình yêu...”.

Thứ hai, thực tiễn hào hùng của 4 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta cũng như thực tiễn đổi mới toàn diện đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã là trường học lớn, rèn luyện và nuôi dưỡng tài năng, tạo điều kiện giúp các nhà báo sáng tạo những tác phẩm báo chí chạm trái tim người đọc, mà có bài sẽ sống mãi với thời gian, như các bài xã luận: Thắng lợi của xu thế cách mạng; Cả nước ra trận, toàn dân là lính của cây chính luận xuất sắc Hoàng Tùng; Cây tre Việt Nam; Hà Nội thủ đô của phẩm giá con người; Đường Hồ Chí Minh sáng đỉnh Trường Sơn... của nhà báo, nhà văn Thép Mới; tác phẩm Sống như anh của nhà báo Thái Duy...

Thứ ba, làm theo lời dạy của Bác Hồ, 43 nhà báo trong 3 tập sách này thật sự là những chiến sĩ xung kích, tận tâm tận lực với nhiều sáng tạo trong phát hiện những nhân tố mới của cuộc sống, kịp thời cổ vũ, biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, nhân rộng ra toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt, được xã hội ghi nhận và tôn vinh. Chúng ta có thể tự hào, một trong những đóng góp rất quan trọng và nổi bật của báo chí trong đầu thời kỳ Đổi mới - đó là sự phát hiện những bất cập trên mặt trận sản xuất nông nghiệp do cơ chế quan liêu, bao cấp kéo dài đã làm cho xã hội thiếu ăn trầm trọng; mà nhờ có những nhà báo với sự am hiểu, nghiên cứu sâu sắc thực tiễn nông nghiệp lúc bấy giờ; nhờ bản lĩnh kiên cường của người viết báo, chúng ta đã góp sức giúp Trung ương Đảng ra nghị quyết khoán sản phẩm đến người lao động (gọi tắt là khoán 10), mà công lao đóng góp đầu tiên, trực tiếp thuộc về các nhà báo Hoàng Tùng, Đào Tùng, Phan Quang, Trần Lâm, Đỗ Phượng, Hà Đăng, Hữu Thọ, Trần Công Mân và nhiều nhà báo khác.

Gắn liền với việc biểu dương, nhiều nhà báo trong các tập sách này cũng đồng thời là những chiến sĩ tiên phong, dũng cảm trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác, như các nhà báo Trần Đức Chính, Dương Kỳ Anh, Trường Phước, Đinh Phong... với bản lĩnh không sợ khó, sợ khổ, kể cả sự đe dọa tính mạng, đã kiên nhẫn bám đến cùng sự việc, phản ánh trung thực, khách quan, làm cơ sở tin cậy giúp các cơ quan chức năng xử lý; qua đó giúp các ban, bộ, ngành và Nhà nước kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu tối đa những kẽ hở của một số chủ trương, văn bản mang tính pháp lý.

Thứ tư, qua lời kể của các nhà báo, tôi thu nhận được nhiều bài học quý báu về sự cần thiết phải rèn luyện phẩm chất chính trị, về kinh nghiệm nghiệp vụ viết báo. Nhà báo Hoàng Tùng nhấn mạnh rằng, tư tưởng chính trị là nền tảng của tư tưởng báo chí. Người viết báo phải không ngừng rèn luyện tư duy sắc bén và cần tích lũy vốn hiểu biết cần thiết. Nhà báo Trần Công Mân coi thực tiễn cuộc sống là trường học lớn của cuộc đời người viết báo, nếu một bài báo thiếu hơi thở cuộc sống là bài báo không hồn. Nhà báo Đỗ Phượng cho rằng: Sự cẩn trọng và độ nhạy bén nghề nghiệp cùng với tính trung thực trong thông tin và trách nhiệm công dân là một trong những phẩm chất quý không thể thiếu. Các nhà báo Phan Quang, Thanh Hương đúc kết rằng, muốn có một tác phẩm báo chí hay, mỗi người làm báo nên thực hiện công thức: đọc, đi, nghĩ, viết. Còn nhà báo, nhà lý luận Nguyễn Phú Trọng khái quát một điều hàm súc: Mỗi nhà báo “nếu hiểu rõ công việc của mình, có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, ham học hỏi và có một phương pháp làm việc đúng thì chắc chắn sẽ thành công”. Nhà báo Nguyễn Minh Vĩ với 60 năm cầm bút, khi về hưu vẫn viết báo vì quan niệm rằng, nghề báo không có hưu, trách nhiệm xã hội vẫn đòi hỏi sự cống hiến của các nhà báo cao tuổi khi trí tuệ còn minh mẫn và sức khỏe cho phép. Còn nhiều điều đúc kết quý báu khác về một nghề cao quý đề cập trong 3 tập sách này, tôi chưa có thể dẫn ra hết vì thời gian có hạn.

Điều cuối cùng, với tư cách là cựu sinh viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, tôi bày tỏ lòng biết ơn nhà trường, các thầy giáo, cô giáo đã giúp tôi rèn luyện, tu dưỡng và trang bị những tri thức ban đầu, để từ năm 1968, tôi tạm biệt mái trường này về nhận công tác tại báo Nhân Dân, tờ báo chính trị lớn nhất của Đảng và Nhà nước ta; để 55 năm cầm bút vừa qua, tôi đã có những đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển chung của nền báo chí cách mạng nước ta.

Để kết thúc bài phát biểu hôm nay, tôi xin phép mượn lời nhà báo Pháp Gát-tông Mông-mút-xô khuyên nhà báo Quang Đạm khi ông đi dự một hội nghị quốc tế: “Đừng bao giờ bỏ cái nghề đáng yêu, đáng quý này nhé”!

Nguyễn Hồng Vinh

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文