Sức mạnh và sự huyền bí của rồng

10:58 09/02/2024

Dù trong văn hóa phương Đông hay phương Tây thì Rồng luôn là một con vật gắn liền với trí tưởng tượng của con người. Không ai nhìn thấy rồng, nó là một loài mang tính biểu tượng, nhưng chắc chắn không ai nghĩ về Rồng bằng sự khinh suất. Rồng dù ở nghĩa tích cực hay tiêu cực nó đều hàm chứa một sức mạnh không thể xem thường.

Trong 12 con giáp nằm trong cung hoàng đạo, chỉ có rồng là con vật không có thật. Nó mang tổng hợp sức mạnh cũng như sự huyền bí, linh thiêng của trời đất, là con vật có ảnh hưởng bậc nhất trong văn hóa phương Đông. Ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam, rồng gắn liền với sự quyền quý của vua chúa, sự may mắn phồn vinh, đại diện cho thế lực siêu nhiên mà con người phải khuất phục.

Trong cuốn sách “Hình tượng Rồng trong văn hóa phương Đông”, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng, rồng khởi nguồn từ Trung Hoa cách đây hơn 8.000 năm do người nguyên thủy sáng tạo ra với ý nghĩa là con vật may mắn. Do sự giao thoa văn hóa, các dân tộc khác ở châu Á cũng có hình tượng rồng và mỗi một thời kỳ phát triển, rồng của từng đất nước có những hình dáng khác nhau, mang những thông điệp khác nhau của đời sống con người. Người Trung Quốc hiện đại sử dụng hình tượng rồng đa dạng trong văn hóa nghệ thuật, thường so sánh rồng với các nhân vật kiệt xuất có đóng góp lớn cho sự phát triển của dân tộc.

Rồng trong văn hóa Triều Tiên, Hàn Quốc, là biểu trưng của tinh thần yêu nước, khác với rồng ở Nhật Bản gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa dân gian. Dù cho có sự khác nhau ít nhiều trong hình dáng và tính biểu tượng nhưng có điểm chung không hề khác, là rồng ở các quốc gia phương Đông luôn gắn liền với văn hóa cung đình. Những cung điện, lăng tẩm, đền đài, dấu tích vua chúa đều có hình tượng rồng.

Việt Nam cũng là đất nước của rồng. Dù không ai nhìn thấy nhưng rồng lại là con vật gần gũi trong tâm trí người Việt, từ trẻ con tới người già. Ngay từ những bài học đầu tiên, người Việt đã nhận biết mình là “Con Rồng cháu Tiên”. Trong câu chuyện truyền thuyết, Lạc Long Quân vốn nòi Rồng, con của bà mẹ Long Nữ kết hôn cùng Âu Cơ nòi Tiên, con của vua Đế Lai từ phương Bắc, sinh ra bọc trăm trứng nở ra 100 người con, sau đó 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng. Người Việt khi gặp khó khăn hoạn nạn thường đùm bọc, đoàn kết yêu thương nhau bởi vì đều là anh em một nhà, cùng cha cùng mẹ. Cho dù lịch sử có nhiều đổi thay, nhưng có một điều chúng ta luôn thừa nhận là tinh thần tương thân tương ái của người Việt được bắt nguồn từ ý thức về cội nguồn giống nòi trong truyền thuyết.

Tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong cuốn sách “Hình tượng Rồng trong văn hóa phương Đông” nhận định: “Rồng là loại biểu tượng văn hóa có độ phổ biến cao nhất ở Việt Nam. Khởi nguồn từ rồng cá sấu, trải qua quá trình giao lưu với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, rồng Việt Nam dần định hình là rồng thân rắn, tùy từng thời kỳ được khoác lên màu sắc của Phật giáo hay Nho giáo, cuối cùng quay trở lại với dân gian, hiện diện như một biểu trưng của sự sinh sôi, của sự thánh thiện, của cái đẹp và sự quyền quý. Rồng Việt Nam gắn liền cùng tâm thức dân tộc Việt, luôn mãi đi tìm hình dáng và ý nghĩa phù hợp nhất cho từng thời đại, luôn vận động biến đổi như thể sự vận động, biến đổi không ngừng ấy là một thể hiện sống động của bản sắc văn hóa Việt Nam”.

Minh họa: Vũ Hùng.

Nghiên cứu của nhiều nhà sử học cho thấy, rồng Việt Nam qua mỗi thời kỳ lịch sử có một hình dạng khác nhau. Thời kỳ Bắc thuộc, rồng thú thân ngắn quen thuộc ở phía Bắc Trung Quốc được đưa vào Việt Nam, có thể thấy ở các di chỉ Cổ Loa. Thời Lý, rồng Việt ảnh hưởng bởi rồng Ấn Độ và các nước Đông Nam Á biến thành rồng thân dài, có bờm, có 4 chân, mỗi chân ba ngón, mũi thoát ra mào lửa. Đến thời Trần, đầu rồng có thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay, thân mập mạp hơn, đuôi nhỏ, lưng võng. Rồng thời Lê khác hẳn rồng thời Lý-Trần, với thân ngắn và các tư thế đa dạng, phong phú. Rồng thời Mạc trên đầu có sừng hai chạc, mắt lồi, mũi sư tử. Và đến thời Nguyễn, rồng có râu uốn sóng từ dưới mắt chìa ra hai bên cân xứng…

Giống như những linh vật trong 12 con Giáp, rồng đã đi vào các tác phẩm văn học nghệ thuật rất đa dạng, phong phú. Là con vật không gắn với đời sống bình dân, nhưng trong văn hóa dân gian, trong kho tàng ca dao, tục ngữ, dân gian đã mượn hình tượng Rồng để nói về các mối quan hệ cũng như ứng xử của người Việt. Chẳng hạn, về sự đỗ đạt, ta quen nghe câu “Cá chép hóa rồng”. Khách đến chơi nhà, chủ nhà khiêm cung thì nói: “Rồng đến nhà tôm”.

Đề cập đến sức mạnh của đồng tiền, người xưa có câu ca dao: “Trong lưng chẳng có một đồng/ Dẫu nói như rồng cũng chẳng ai nghe”. Nói về sự sang quý của một dòng họ, một gia tộc, có câu rằng: “Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu”. Hay như nói về tình nghĩa vợ chồng thủy chung: “Trăm năm ghi tạc chữ đồng/ Dù ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai”. Và có khi cũng là biểu đạt tình cảm vợ chồng, dân gian lại hóm hỉnh: “Lỗ mũi mười tám gánh lông/ Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho”...

Tác giả Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cũng từng sáng tạo tác phẩm liên quan đến hình tượng Rồng. Đó là vở kịch “Con rồng tre”. Đây là một vở diễn châm biếm nhằm đả kích, vạch trần bộ mặt của đám vua chúa, quan tham bán nước hại dân từ chuyến đi của vua Khải Định đến Pháp tham dự cuộc đấu xảo thuộc địa năm 1922. Vở kịch được viết bằng Tiếng Pháp, được nhà báo người Pháp Léo Poldes, chủ nhiệm câu lạc bộ Faubourg cho công diễn tại ngoại ô Paris. Nội dung vở kịch nói về một gốc tre được người chơi đồ cổ gọt thành con rồng để trang trí phòng khách. Dù mang hình dáng rồng nhưng thực chất chỉ là gốc tre - hình ảnh ẩn dụ nhằm đả kích vua bù nhìn Khải Định.

Vở diễn châm biếm này chính là cảm hứng cho ý tưởng thành lập giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp “Rồng tre” do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức từ năm 2007. Vẫn là tác giả Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) những năm tháng chịu cảnh tù đày đã sử dụng hình tượng rồng trong câu thơ hóm hỉnh thể hiện tinh thần lạc quan của người cách mạng: “Rồng cuốn vòng quanh chân với tay/ Trông như quan võ đủ tua, đai/ Tua của quan võ bằng kim tuyến/ Tua của ta là một cuộn gai”…

Vào các ngày lễ, Tết, hình tượng rồng không thể thiếu trong đời sống người Việt. Tại những không gian linh thiêng như đền, chùa, miếu, hay trên ban thờ gia tiên luôn có những phẩm vật mang hình dáng Rồng. Không ít kỷ lục gắn với hình ảnh rồng đã được các nghệ sĩ sáng tạo nên. Năm 2018, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hoàng Nguyên (Hà Nội) cùng 6 người thợ đã phải làm việc trong 4 tháng, sử dụng 2 tấn sắt và hơn 6 tấn gáo dừa khô, 1.200kg keo dán để tạo ra một đôi rồng bằng gáo dừa, mỗi con dài 21m, chiều ngang 2m. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận đây là cặp rồng bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam. Năm Nhâm Thìn 2012, một tác phẩm về rồng do người Việt Nam sáng tạo đã lập kỷ lục châu Á.

Ông Nguyễn Văn Hữu cùng các nghệ nhân người Huế đã chế tác một con rồng bằng 5 tấn đá opal và đá calcedony. Linh vật dài hơn 3,7m, chỗ thân rộng nhất hơn 1,2m này được trao bằng xác nhận là con rồng bằng đá bán quý kỷ lục châu Á. Một kỷ lục khác được chính bàn tay tài hoa của người thợ Việt Nam sáng tạo ra: con rồng vải dân gian được làm từ 120 vật liệu gồm vải, tre, song mây, cước, da bò. Con rồng nhắc nhớ về huyền sử con Rồng cháu Tiên của người Việt, được gia đình ông Nguyễn Văn Hoan ở Thanh Oai (Hà Nội) làm ra, được ghi nhận là con rồng vải dân gian dài nhất…

Như vậy có thể nói, hình tượng rồng luôn gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt từ xa xưa đến thời hiện đại. Giống như một số dân tộc châu Á khác, người Việt tin rằng những ai sinh vào năm rồng sẽ luôn có được một vận mệnh phú quý và may mắn. Sức mạnh và sự huyền bí của rồng mãi là nguồn cảm hứng cho các sáng tạo nghệ thuật và mãi là một vẻ đẹp đặc biệt trường tồn trong văn hóa của người Việt.

Hội Vũ

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trao Huân chương Chiến công hạng Ba tặng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an Đà Nẵng về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 3/1 thông báo gia hạn thêm một tuần đối với việc kiểm tra tất cả 101 máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nước này khai thác, trong bối cảnh cơ quan chức năng bắt đầu trục vớt xác máy bay của Jeju Air sau thảm họa hàng không xảy ra cuối tháng 12. 

Ngày 2/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với với Công an huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Xín Cái, tỉnh Hà Giang; Công an huyện Quảng Nam và huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiến hành giải cứu thành công một người phụ nữ ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau 6 năm bị lừa bán.

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác".

Ngày 3/1/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng khác trong đường dây để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文