Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Riêng ở lĩnh vực văn hóa, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Nghệ An đến với công chúng.
Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên là nơi lưu giữ không gian văn hóa, lịch sử và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Người với hai cụm di tích chính quê nội - làng Sen và quê ngoại - Hoàng Trù. Bên cạnh đó, nơi đây còn nhiều cụm di tích thành phần là một phần minh chứng cho thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Bác Hồ.
Sau hơn nửa thế kỷ đi vào hoạt động, hiện Khu Di tích đã sưu tầm và lưu giữ được hàng nghìn hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây đều là những di sản, những tài liệu hết sức quý giá để vừa phục vụ khách tham quan, vừa để làm tư liệu, nghiên cứu. Tuy nhiên, do những đặc thù riêng, thời gian qua, công tác bảo tồn ở đây gặp không ít khó khăn. Đơn vị phải vừa duy trì chế độ bảo quản thông thường, thủ công, kết hợp với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác bảo quản định kỳ chống xuống cấp di tích.
Từ năm 2019 đến nay, được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, công tác số hóa đã được Khu Di tích khẩn trương triển khai. Theo đó, đơn vị đã thực hiện việc chỉnh lý nội dung trưng bày, xây dựng dữ liệu trên trang thiết bị chuyên dùng. Đồng thời, số hóa trên 10.000 tài liệu, hiện vật bằng hình thức sao chụp, lưu trữ. Hiện đơn vị đang từng bước xây dựng hệ thống thuyết minh tự động để giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu các thông tin khi đến tham quan. Trước đó, để chuẩn bị cho kế hoạch này, tại nhà trưng bày của Khu Di tích, đơn vị đã đưa vào ứng dụng màn hình chạm để tất cả các du khách khi tham quan có thể tự tìm kiếm các nội dung thuyết minh liên quan đến hiện vật.
Ông Lâm Đình Hùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Khu Di tích Kim Liên cho biết: Đơn vị có hai trang website chính thức của Khu Di tích và hai trang mạng xã hội với lượt truy cập hơn 10.000 lượt/tháng. Nếu tìm hiểu về di tích, du khách ở xa có thể tìm hiểu di tích qua website hoặc các trang du lịch trực tuyến. Thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng công nghệ thiết kế ảo để việc tham quan di tích được chân thực và đa dạng hơn.
Bảo tàng Nghệ An cũng là nơi đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật và tài liệu có giá trị, trong có có những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Thực hiện số hóa, Bảo tàng Nghệ An đã đưa được trên 11.000 tài liệu hiện vật vào phần mềm của Cục Di sản văn hóa. Điều này, không chỉ thực hiện tốt công tác lưu giữ và mà còn xây dựng được một hệ thống tư liệu đồ sộ để giúp cho việc tìm kiếm, nghiên cứu được thuận lợi. Nhờ số hóa các tài liệu, hiện vật, Bảo tàng đã tổ chức được 4 trưng bày online; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” online về Văn hóa Đông Sơn tại Nghệ An qua ứng dụng Google meet cho học sinh nhiều trường học trong tỉnh và tạo được sự hứng thú. Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cũng đã vào phần mềm Quản lý hiện vật của Cục Di sản văn hóa hơn 4.000 hiện vật; scan 4.389 phim, ảnh và 300 bản tài liệu khoa học.
Nghệ An hiện có hơn 2.600 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 471 di tích đã được xếp hạng. Ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác số hóa toàn diện, trong đó chú trọng đến số hóa di tích, danh thắng và các tư liệu liên quan đến di tích đó là các tư liệu hán nôm như thần tích, thần phả, sắc phong, gia phả… Từ năm 2017 đến nay, Sở đã tổ chức số hóa 16/21 địa phương với tổng số trên 70.500 trang tư liệu liên quan các di tích trên địa bàn.