Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh:

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Cán bộ đi luân chuyển thì phải rèn luyện, phấn đấu chứ không phải đi học việc

15:45 10/04/2023

Ba năm trở lại đây, Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh An Giang, là người được dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ vì ông là giám đốc công an tỉnh đầu tiên công khai số điện thoại cá nhân để tiếp nhận tin báo của người dân. Ba năm qua, ông đã trực tiếp chỉ đạo triệt phá nhiều vụ án lớn tại tỉnh An Giang và Quảng Ninh.

Tiếp phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng tại phòng làm việc, điều khiến chúng tôi ấn tượng là ở con người ông vừa có sự chân thành, ấm áp của người miền Tây, nhưng cũng là người chỉ huy hết sức quyết liệt trong công việc…

PV: Thưa Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, chúng tôi muốn mở đầu cuộc trò chuyện này bằng một câu chuyện cũ, đó là năm 2020, khi ông nhận nhiệm vụ Giám đốc Công an tỉnh An Giang, ông đã làm một việc chưa có tiền lệ là dùng số điện thoại của mình làm "đường dây nóng" để tiếp nhận tin báo của nhân dân. Việc công khai số điện thoại đã giúp ích cho công việc của ông như thế nào?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Trước hết, nói đến vấn đề này là phải nói tới chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an khi điều động giám đốc không phải là người địa phương đến làm việc. Khi một mình đến đó, anh không có bà con, họ hàng, nếu không được cán bộ và nhân dân địa phương ủng hộ thì anh rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Việc công khai số điện thoại để người dân báo tin chính là một trong những giải pháp giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Dùng số điện thoại của mình làm "đường dây nóng" ở đây tôi không có áp lực gì. Tuy nhiên, khi đã mở đường dây nóng thì phải giải quyết mấy câu hỏi: Khi dân điện thoại nhắn tin anh có tiếp nhận không? Anh có quyết tâm xử lý vụ việc đến cùng khi người dân tin tưởng báo tin không? Đó là những câu hỏi đặt ra cho người cán bộ luân chuyển.

Đến một địa phương mới, mình muốn hòa nhập cũng cần có thời gian, nhưng ở đây là mình muốn hòa nhập liền thì phải bằng những kênh thông tin như thế này. Qua đó, cũng là một kênh nắm thông tin, giám sát cán bộ. Ví dụ như ở huyện A, có tình hình hoạt động tội phạm như thế, cán bộ quản lý địa bàn chưa báo cáo nhưng tôi đã biết, đó là mình chủ động chứ không để mình rơi vào thế bị động. Và, nếu anh báo cáo chưa đúng thì tôi có những kênh thông tin để tôi chỉ đạo anh. Đi luân chuyển cán bộ thì phải rèn luyện, phải phấn đấu chứ không phải đi học việc và anh phải hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu anh nói đến một nơi mới bắt đầu học việc thì tức là anh không xứng đáng ngồi vị trí giám đốc. Như vậy thì anh phải biết đột phá. Người dân điện thoại cho anh, anh phải xử lý, mà phải xử lý cho hiệu quả. Khi mình công khai số điện thoại và xử lý tin nhắn giúp dân, người dân cảm thấy tự hào, vì người ta báo cáo giám đốc mà được xử lý và xử lý triệt để, người dân sẽ càng tin tưởng lực lượng Công an và hình ảnh của lực lượng Công an được thể hiện từ chính những việc làm này. Như vậy là khi anh ngồi vị trí giám đốc công an tỉnh, anh đã làm được việc để cho người dân công nhận, chính quyền địa phương công nhận. Cứ làm đúng thì người dân sẽ ủng hộ.

PV: Ba năm qua, ông đã ghi dấu ấn khi trực tiếp chỉ đạo triệt phá một loạt vụ án lớn, được dư luận rất hoan nghênh. Nhưng, là người chỉ huy, chắc ông cũng gặp những áp lực?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Khi làm việc, tôi suy nghĩ đơn giản thôi, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đối với các vụ án lớn, có ban chuyên án luôn sát cánh với mình là người thủ trưởng đơn vị. Trong quá trình đấu tranh với các vụ án, phải có sự bàn bạc công khai, dân chủ, có sự đánh giá rất rõ ràng, đường đi nước bước của ban chuyên án làm sao để đạt được yêu cầu. Một số vụ án lớn, có hai vấn đề phải đạt được, một là sự đồng tình của lãnh đạo cấp trên, hai nữa là có sự đồng thuận của nhân dân và lực lượng Công an quyết tâm cao, không chùn bước trước mọi rào cản thì vụ án nào cũng được giải quyết. Bản thân tôi không mong muốn phải xử lý những vụ án lớn như thế, nhưng khi phát sinh trên địa bàn thì lực lượng Công an phải làm triệt để. Đồng chí Tổng Bí thư và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, sai là phải xử lý. Lời nói của các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã phát ra đó là mệnh lệnh, mình là chiến sĩ trong lực lượng Công an, mình phải thực hiện.

Làm người đứng đầu là phải có bản lĩnh, quyết đoán của người chỉ huy, khi đã phá án là phải làm triệt để. Ví dụ như thời điểm phá vụ án buôn lậu 51 kg vàng do trùm buôn lậu Mười Tường (tức Nguyễn Thị Kim Hạnh, 54 tuổi, trú tại huyện An Phú, An Giang - PV) cầm đầu, có đối tượng trốn sang nước ngoài; nếu lúc đó công an không nhanh thì đối tượng càng có cơ hội trốn xa. Thời điểm đó, dịch COVID-19 nên công tác truy vết, truy bắt hết sức khó khăn, mặt khác, yêu cầu đối nội, đối ngoại với nước bạn càng phải thận trọng và tuân thủ pháp luật hai nước...

PV: Thực tế hiện nay nhiều đối tượng phạm tội cũng có những mối quan hệ rộng. Vậy, ông đã bao giờ gặp phải chuyện bị can thiệp và ông xử lý những tình huống này như thế nào?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Với tôi dù có can thiệp cũng không có ý nghĩa gì. Tôi chỉ mong muốn và cảm ơn nếu người nào gọi điện và chỉ đạo đúng, còn chỉ đạo không đúng thì không thể làm theo được. Đấu tranh với các loại tội phạm "không có ngoại lệ, không có vùng cấm", đó là quan điểm của Đảng, quan điểm của ngành Công an, thế nên tôi không áp lực và cũng không cảm thấy khó khăn. Khó khăn hay không là do bản thân mình có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm đến tận cùng hay không thôi.

PV: Đã từng có đối tượng nào tìm cách tiếp cận với gia đình ông để gây áp lực hay không?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Nguyên tắc trong gia đình tôi là không can thiệp vào chuyện công việc của nhau. Tất cả những công việc liên quan đến đơn vị, gia đình tôi không bao giờ biết, nên các đối tượng mà có tiếp cận gia đình tôi thì cũng bằng không thôi, vì người thân của tôi chẳng biết gì về công việc của tôi, cũng chẳng có ý kiến gì, rằng anh phải làm thế này, anh phải làm thế kia. Khi về nhà là tôi không nói chuyện công việc, ăn bữa cơm vui vẻ với gia đình, hát tặng mọi người một vài bài, thế thôi. Các con tôi đều học trong nước nhưng hai cháu học rất tốt, đó là điều tôi rất yên tâm về gia đình.

PV: Thực tế thời gian qua, trong một số vụ án mà ông trực tiếp chỉ đạo, đã có những bị can trước đây từng là đồng đội, tâm trạng của ông như thế nào khi phải xử lý việc này?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Với các vụ án có liên quan đến cán bộ, đảng viên, khi phải xử lý thật sự tôi thấy buồn, nhưng đây là trách nhiệm mà nhân dân giao mình phải làm. Quan điểm của tôi là xã hội phải công bằng, công bằng ở đây là công bằng giữa chính quyền và nhân dân, chứ không phải là mình có một vị trí nào đó trong xã hội là mình hơn người dân. Muốn xử lý vụ án lớn, đòi hỏi người lãnh đạo ban chuyên án phải có bản lĩnh, anh có dám xử lý hay không, nếu anh dám xử lý thì anh phải cương quyết. Nếu không xử lý nghiêm, rõ ràng mình không có bản lĩnh và cũng không công tâm, khách quan. Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, Đảng và Nhà nước xác định "xử lý một vụ nhưng cảnh tỉnh được cả vùng", cảnh tỉnh nhiều người, vì vậy những  người vi phạm, dù bất cứ vị trí nào thì cũng phải bị xử lý thôi.

PV: Sau một thời gian dài công tác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giờ đây được luân chuyển ra Bắc, ông có gặp khó khăn gì về vấn đề vùng miền, ví dụ như sự khác biệt về bản sắc văn hóa?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Ở Công an tỉnh Quảng Ninh cũng như tỉnh An Giang, những cán bộ công tác tại đây thì người địa phương hầu như rất ít, chủ yếu người từ nơi khác tới. Tôi thường ví von rằng, nếu như vùng đất là một tổ chim thì có rất nhiều con chim từ các hướng, từ các nơi bay về đây hội tụ, nên tôi không gặp khó khăn mấy về sự khác biệt văn hóa, vì khi đã luân chuyển cán bộ, ai cũng có tâm lý muốn được cống hiến để trưởng thành. Hơn nữa, tôi là một trong những người được trưởng thành từ môi trường quân đội, đã quen với gian khổ, rèn luyện vất vả rồi nên thế nào tôi cũng đáp ứng được.

Bản thân tôi không ngại đến những nơi khó khăn, vất vả, biên giới, vùng sâu vùng xa... nơi mà đồng bào có lúc, có nơi trình độ, nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu hết được chủ trương của Đảng, Nhà nước, chưa hiểu rõ về công tác của lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Công an nói riêng thì tôi muốn đến đó, giúp họ hiểu hơn về những chỉ đạo, quan điểm của Đảng, Nhà nước, của lực lượng Công an, từ đó sẽ tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ người dân, đó là những việc giúp tôi trưởng thành. Tức là môi trường càng khó khăn thì càng là môi trường tốt cho mình phấn đấu, rèn luyện.

Trong An Giang đời sống người dân cơ bản còn nhiều khó khăn. Ở Quảng Ninh thì đời sống kinh tế của nhân dân tốt hơn, mức sống của người dân Quảng Ninh cao hơn, nên vấn đề phát sinh tội phạm lặt vặt là ít. Ở một môi trường xã hội phát triển kinh tế, cũng là cơ hội phát sinh tội phạm. Mỗi môi trường sẽ có những loại tội phạm đặc thù khác nhau. Người chỉ huy thì ở đâu cũng là rèn luyện, nên An Giang hay Quảng Ninh thì với tôi cũng không gặp khó khăn gì.

Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh Đinh Văn Nơi tặng quà Tết gia đình Trung úy Triệu Tiến Ngân - cán bộ Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Ba Chẽ, có con nhỏ bị bệnh tim.

PV: Chúng tôi biết với nhiều người nghèo ở An Giang, người ta nhớ đến ông không chỉ vì ông là giám đốc công an tỉnh mà còn vì ông là người hay làm từ thiện. Ngay cả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, mặc dù không ở địa bàn nữa nhưng sự trở lại và quan tâm của ông khiến bà con rất phấn khởi, ông có thể chia sẻ thêm về điều này.

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Bà con ở đâu cũng là bà con của mình. Đừng có nghĩ rằng ở An Giang thì khác Quảng Ninh. Đừng có nghĩ rằng vùng này, miền kia. Thế nên, đừng có băn khoăn mình phục vụ người dân tỉnh nào. Một món quà Tết rất nhỏ, tuy nó không giải quyết được một cái Tết cho người dân nhưng nó thể hiện cái nghĩa tình. Nghĩa tình của một người cán bộ lực lượng vũ trang đã từng công tác, chiến đấu ở đây và được bà con nhân dân hỗ trợ. Đó là phẩm chất đạo đức của một người cán bộ CAND phải có.

Một số nhà hảo tâm, “Mạnh Thường Quân” thấy tôi làm công việc này để giúp dân nên cũng có nhiều người cùng tham gia, họ ủng hộ việc đến trao tận tay cho người dân. Khi đó, mình là cầu nối giữa nhà hảo tâm tới người dân. Ví dụ như ở tỉnh An Giang, trong đại dịch COVID-19, tôi huy động anh em trích một phần lương của mình để tặng bà con khó khăn. Món quà không lớn nhưng cách cho của mình đã chạm đến trái tim người dân, chạm đến những cơ quan, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm nên người ta tự động chở gạo về cho An Giang để cùng lực lượng Công an đi phát gạo cho người dân. Trong đại dịch, lực lượng Công an An Giang đã phát 900 tấn gạo giúp bà con.

PV: Trước khi gặp ông, chúng tôi đã đọc rất nhiều bình luận của người dân ca ngợi ông trên mạng xã hội, đặc biệt là sau khi ông chỉ đạo triệt phá những vụ án lớn thời gian gần đây. Ông có sử dụng mạng xã hội để biết người dân bình luận gì về mình không?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Trong quá trình làm việc, tôi luôn nghĩ rằng, người dân thương mình mới động viên mình, không thương sẽ không động viên. Bởi, người dân mình rất rõ ràng minh bạch, tức là anh có công thì người dân ghi nhận. Khi dân tin tưởng mình thì tất cả mọi vấn đề khó khăn đều giải quyết được hết. Đúc kết kinh nghiệm qua các thời kỳ từ khi làm Trưởng Công an huyện, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Giám đốc Công an tỉnh An Giang và bây giờ về Quảng Ninh công tác, là phải luôn dựa vào dân. Muốn làm việc với chính quyền địa phương thì mình phải gặp dân trước, xem tâm tư tình cảm của họ, sau đó mình mới làm việc với địa phương. Diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân" là mô hình rất hay, nó rất thật nhưng quan trọng là người lãnh đạo chỉ huy có tổ chức thật hay không. Vì thế, tôi luôn nghĩ rằng lúc nào còn được làm thì phải phục vụ tốt người dân. Tôi biết mình được người dân quý.

PV: Thưa Thiếu tướng, hiện nay lực lượng Công an đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Vậy, Công an tỉnh Quảng Ninh đã làm gì để triển khai Nghị quyết 12 thực sự hiệu quả?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 12 tại Công an tỉnh Quảng Ninh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động đến toàn thể CBCS. Hiện nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đang tập trung xây dựng Đề án của Đảng ủy Công an tỉnh về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Đồng thời, chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ được phân công chủ trì tham mưu triển khai 22 đề án thành phần và các chi bộ, đảng bộ trong lộ trình của Bộ Công an từ nay đến năm 2025 tiến thẳng lên hiện đại; chủ động bám sát để triển khai thực hiện ngay sau khi các đề án thành phần được ban hành...

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi trò chuyện với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Trong công tác xây dựng lực lượng, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/ĐUCA, ngày 25/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về "tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Công an tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có hành lang pháp lý, làm sao để triển khai các nghị quyết này đi vào hệ thống chính trị và cuộc sống của quần chúng nhân dân. Tỉnh đã đầu tư gần 900 tỷ đồng để xây dựng các trụ sở công an xã và mua sắm trang thiết bị đồng bộ; tạo điều kiện về quỹ đất xây trụ sở; nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất là tự nguyện giao đất khi cần giải phóng mặt bằng làm trụ sở công an xã. Chúng tôi xác định rằng, xây dựng trụ sở cho công an xã làm việc khang trang không phải là phục vụ riêng cho CBCS công an xã mà thực chất là để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Quan điểm rất rõ ràng như thế nên cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, quyết tâm năm 2023 sẽ bàn giao 62 trụ sở công an xã xây mới, mục tiêu hết năm 2023, đảm bảo 100% trụ sở công an xã (98 xã) đều khánh thành, đi vào sử dụng. Song song với đó tỉnh cũng trang bị phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công việc như xe ô tô, xe mô tô. Còn những xã dọc theo đường biển, những xã giáp ranh với biển đảo được trang bị xuồng tuần tra.

Hiện nay, theo quy định, Công an tỉnh bố trí mỗi đơn vị công an xã từ 5 đồng chí trở lên, có nơi 7-10 đồng chí, tùy từng địa bàn trọng điểm phức tạp hay không. Mô hình tổ chức của lực lượng Công an cũng đã được phân công, phân cấp rõ ràng theo quy định của Bộ, kể cả mô hình tổ chức của Đảng, thành lập các chi bộ, đã triển khai rất rõ ràng, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho lực lượng công an xã cũng được chú trọng, định kỳ hằng tháng Ban Giám đốc sẽ gặp anh em công an xã; đồng thời Công an tỉnh đã triển khai nhiều tổ công tác đi xuống dưới xã hướng dẫn công tác nghiệp vụ cho anh em. Những đồng chí nào có bằng khen, giấy khen, Công an tỉnh sẽ tổ chức cho đi tham quan, du lịch, đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành khác, đặc biệt, một số đồng chí công an xã có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ được xem xét, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa để tạo điều kiện cho CBCS yên tâm công tác. Đồng chí nào đã đi lâu, từ 3-5 năm rồi thì cũng phải có sự luân chuyển để họ về, đồng thời công tác bổ nhiệm cán bộ cũng phải xem xét, lựa chọn đồng chí trưởng công an xã nào đó có thể làm phó trưởng phòng hoặc phó trưởng công an huyện, nhằm động viên lực lượng công an cơ sở.

PV: Thường xuyên bận rộn với công việc, đi công tác nhiều, bây giờ lại làm việc ở nơi cách xa nhà gần 2.000 km, vậy với gia đình, ông dành thời gian như thế nào?

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi: Vợ tôi cũng công tác trong ngành; cha tôi từng là bộ đội, gia đình hai bên đều là đảng viên nên đều hiểu công tác công an, hiểu được đặc thù của ngành Công an. Khi nhận công tác ở Quảng Ninh, không chỉ tôi mà cả gia đình cũng cảm thấy tự hào, rằng, người thân của mình được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, tin cậy. Mẹ tôi năm nay gần 80 tuổi rồi, bà cũng rất tự hào, rất vui vẻ khi con được điều động ra Bắc đảm nhiệm công tác. Đó là niềm tự hào rất lớn đối với gia đình, từ đó tôi luôn tâm niệm cần phải giữ gìn và trân trọng. Ở xa thì sẽ có cách chăm lo cho gia đình không giống khi mình ở nhà. Cách chia sẻ, động viên, quan tâm, lo lắng cho gia đình cũng phải có cách chia sẻ, động viên, quan tâm phù hợp. Có khi lâu lâu được về gặp mẹ, gặp vợ, con, cùng một bữa cơm, mình hát một bài tặng mẹ thì mẹ cũng cảm thấy ấm áp, rằng con trai đi xa như thế nhưng vẫn nhớ về mẹ. Với bà xã cũng thế. Chia sẻ chút chút thế cho không khí gia đình ấm áp, vui vẻ.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

Anh Hiếu - Đinh Hiền (thực hiện)

Tối 25/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức lễ trao giải cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III, năm 2024.

Ngày 25/11, theo tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, trong vụ kiểm tra vũ trường New MDM CLUB trên địa bàn TP Hải Phòng, lực lượng chức năng xác định có cặp vợ chồng "nguyên sếp" liên quan đến ma túy.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, chiều 25/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, Luật Quảng cáo 2012 cũng như dự thảo luật chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống trên báo chí, truyền hình mà chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến hiện đại, như quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Tik Tok..., khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong xử lý vi phạm.

Tỉnh Quảng Trị liên tục phát hiện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khảo sát, tư vấn, thiết kế và xây dựng dân dụng, trong quá trình tham gia đấu thầu dự án đầu tư công trên địa bàn, đã tinh vi thực hiện nhiều hành vi gian lận khác nhau nhằm trúng thầu, nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng nói, công tác xử lý hành vi gian lận nói trên của địa phương này đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ...

Ngày 25/11, tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội phối hợp với Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT); Công an và chính quyền quận Hoàn Kiếm ra quân kiểm tra, chấn chỉnh trật tự, an toàn giao thông đường sắt (TTATGTĐS) tại khu vực “phố cafe đường tàu” đoạn từ Trần Phú đến Phùng Hưng.

Đến 17h chiều nay 25/11, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn có mưa to, có nơi mưa rất to. Hai hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền và hồ chứa Tả Trạch vẫn đang cấp tập điều tiết xả lũ khiến nhiều vùng thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngập lụt.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Ngày 25/11, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Thiết bị y tế Danh, Công ty Thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Ngoài hệ thống kế toán thuế công khai để nộp ngân sách, ba công ty trên còn lập hệ thống nội bộ, theo dõi thu, chi thực tế; mua bán hóa đơn, làm giảm tiền thuế phải nộp, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 743 tỷ đồng.

Ngày 25/11, tại Công an tỉnh Bình Thuận, Cụm thi đua số 8 - Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2024. Đại tá Lê Quang Nhân - Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận và Thượng tá Lương Đức Minh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì Hội nghị.

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文