Kia
Mobifone

Hồi hương

Chủ Nhật, 18/08/2024, 11:20

Đêm Cư Jút thổn thức trầm mặc, gió từ miền biên viễn tràn về se lạnh. Tấm tôn che tạm sau nhà ông Vương Văn Long rung lắc liên hồi lách cách. Vợ chồng ông vẫn chưa ngủ, đôi mắt rưng rưng. Một quyết định sai lầm đã đẩy cả 3 thế hệ vào cảnh khốn khó, mất sạch gia tài sau những tháng ngày đày đọa nơi đất khách...

Ảo vọng giàu sang nơi bên kia biên giới

Hôm nay, ngày hạnh phúc nhất của đại gia đình ông Vương Văn Long (sinh năm 1977, trú tại thôn 19, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Niềm vui vỡ òa bắt đầu từ những giọt nước mắt muộn màng, rơi lặng lẽ trên từng gương mặt hốc hác, thất thần.

Nắm chặt bàn tay Trung tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút, ông Vương Văn Long tỏ rõ sự ăn năn. Vì mộng giàu sang, gia đình ông đã bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục bán sạch gia tài để sang Thái Lan "xin tị nạn". Họ đem theo niềm tin mãnh liệt sẽ được các "tổ chức quốc tế" lo cho đi định cư ở "nước thứ 3" đó là Hoa Kỳ.

hoi huong 1.jpg -0
Từ ngày gia đình ông Vương Văn Long hồi hương, được Công an huyện Cư Jút và chính quyền địa phương thường xuyên tới thăm hỏi, hỗ trợ.

Nhưng không, tới thủ đô Bangkok, 12 người, 3 thế hệ của gia đình ông Long phải sống trong căn phòng thuê chật chội, hôi hám. Khi ảo vọng giàu sang vụt qua, cha con ông Long sực tỉnh ngộ. Tháng ngày đằng đẵng, 12 con người, già trẻ, lớn bé, sơ sinh, phải sống trong cảnh chui lủi, tủi khổ, thấp thỏm lo sợ giữa khu ổ chuột được che lấp bởi ánh hào quang của những tòa nhà chọc trời. Họ bị những kẻ buôn người, "cơ hội chính trị" chăn dắt, khống chế thể xác, thao túng tâm lý, sống mòn mỏi, không lối thoát…

Vài dòng tin nhắn tưởng chừng vu vơ, vô hại nhưng lại khởi đầu cho những tháng ngày lưu lạc của đại gia đình ông Vương Văn Long. Một ngày giữa tháng 6/2023, có người lạ kết bạn làm quen với ông Long qua mạng xã hội Facebook. Người này giới thiệu là công dân Việt Nam, đang sống ở thủ đô Bangkok. Ban đầu, ông Long coi đó chỉ là những lời thăm hỏi xã giao. Không lâu sau, người đàn ông 47 tuổi, chỉ quen với cảnh đồng áng nặng nhọc bị cuốn vào các nội dung đầy kích thích, tò mò về sự giàu sang dưới sự dẫn dắt có chủ đích của người lạ nơi bên kia biên giới.

Một ngày nọ, sau bữa cơm chiều, ông Long triệu tập các con về họp gia đình. Với niềm tin rằng đồng hương ở Thái Lan đã "mở cửa" cho gia đình mình tiến thẳng tới sự giàu sang, ông Long trịnh trọng tuyên bố đầy bí hiểm: "Chúng ta sẽ sang Thái Lan. Những người bạn tốt đang giúp gia đình ta tới Hoa Kỳ định cư. Từ nay không làm gì nữa! Bà Tăng, thằng Cường, thằng Phình, gọi ngay người tới bán đất, bán rẫy. Bán luôn cả căn nhà ọp ẹp này...".

Bà Hoàng Thị Tăng (vợ ông Long), anh Vương Văn Cường (con trai đầu), Vương Văn Phình (con trai thứ) và các con dâu của gia đình ông Long ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu cha đang nói gì. Ông Long tự tin nói tiếp: "Cuộc sống giàu sang đang chờ chúng ta. Những anh em đồng hương tốt hằng ngày đang đợi ta ở bên kia biên giới. Sang đó, không cần phải làm gì nữa".

Cả nhà bán tin bán nghi. Ông Long giơ chiếc điện thoại với những dòng tin nhắn hấp dẫn của kẻ lạ mặt lên cao, nói: "Đây này! Người ta đang chờ mình rồi. Đi nhanh lên, chậm là hết cơ hội đổi đời… có biết không...". Từ đó, ngày nào vợ chồng ông Long cũng gạn hỏi gia đình các con đã bán được nhà cửa chưa? Họ trả giá thế nào? Bán rẻ cũng được, miễn là có tiền để được đi ngay trong đợt này.

Trước sự hối thúc dồn dập của kẻ "bên kia biên giới", gia đình ông Vương Văn Long cùng các con đã bán tháo toàn bộ gia tài với giá 1,2 tỷ đồng. Tháng 11/2023, theo hướng dẫn của "Việt kiều Thái", đại gia đình ông Long gồm 11 người (trong đó vợ anh Cường đang mang thai), thuê xe từ quê nhà ra tỉnh Hà Tĩnh rồi ngược lên miền biên giới, làm các thủ tục để xuất cảnh sang Thái Lan dưới hình thức đi du lịch.

Tới Bangkok (Thái Lan), họ được người quen qua mạng xã hội tới săn đón với cử chỉ đầy ân cần nhưng vẫn lộ rõ sự giả tạo, dối trá, nếu đủ tỉnh táo sẽ nhận ra. Chỉ về phía những tòa nhà chọc trời, hắn nói mai mốt gia đình ông Long cũng sẽ được sống trong tòa nhà sang trọng như thế. Điều này khiến gia đình ông vui sướng ngộ nhận, nghĩ rằng mình đã bước một chân tới viễn cảnh sung sướng.

Chiếc xe chở gia đình họ vẫn chạy bon bon trên đường, xa dần trung tâm Bangkok. Khi những tòa nhà cao tầng khuất xa thì các khu ổ chuột hiện ra. 12 người đến từ xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, Đắk Nông được kẻ "chăn dắt" đưa tới thuê một phòng trọ rộng vài chục mét vuông với giá khoảng 6 triệu đồng tiền Việt Nam trong khu ổ chuột ấy, kèm theo lời trấn an: "Ở tạm đây một thời gian trong khi chờ các tổ chức quốc tế đề nghị chính phủ Hoa Kỳ cho sang định cư". Trong khu ổ chuột, nhiều người Việt Nam cũng đang sống lay lắt, vật vờ để được định cư "ở nước thứ ba" theo lời hứa của những kẻ quen qua mạng xã hội chỉ đường vượt biên tới đây.

Tiền hết, kẻ lừa đảo hiện hình

Một tuần, hai tuần... 12 thành viên đem mộng giàu sang phải sống chui lủi trong căn phòng trọ chật chội, hôi hám. Công việc duy nhất họ phải làm là liên tục mở hầu bao, đưa tiền theo yêu cầu của kẻ ông Long quen qua mạng. Lý do người này đưa ra là để "chạy" cho các tổ chức quốc tế sớm can thiệp để gia đình ông được sang Hoa Kỳ định cư.

Một tháng… hai tháng... "Đồng hương tốt" vẫn nhiệt tình qua lại. Mỗi lần "ra tiền", vợ chồng ông Long chỉ nhận được những lời hứa hẹn hão huyền. Trong khu ổ chuột, cuộc sống thực chất của những con người vượt biên từ Việt Nam tìm kiếm sự giàu sang theo lời hứa của "Việt kiều Thái" chẳng khác gì bị giam lỏng. Cứ 3 ngày họ được cử một thành viên ra khỏi phòng trọ đi chợ một lần kèm theo điều kiện phải hết sức kín đáo nếu không muốn bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ.

hoi huong 3.jpg -1
Gia đình ông Vương Văn Long trở về trong sự bao dung của quê hương.

Chỉ sau vài tháng, số tiền có được do bán nhà cửa ở Việt Nam chảy dần vào vô vàn lý do mà "Việt kiều Thái" đưa ra. Khi gia đình ông Long cạn tiền, "người bạn tốt" hiện nguyên hình là kẻ lừa đảo. Hắn trơ trẽn trở mặt, coi gia đình ông Long như người chưa từng quen biết. Mọi lời cầu cứu lạc lõng nơi đất khách đều bị phớt lờ.

Khi biết gia đình ông Long muốn trở về Việt Nam, đối tượng này lập tức gặp gỡ, hù dọa. Hắn đưa ra luận điệu xuyên tạc, tráo trở, rằng về Việt Nam sẽ bị Công an bắt bớ, đánh đập và bỏ tù. Hắn khống chế, thao túng tâm lý khiến cho gia đình ông Long và không ít nạn nhân khác là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam trót nghe theo chúng vượt biên sang Thái Lan kinh hãi, nhiều người không dám hồi hương.

Không chịu được cảnh khổ cực, mất hết tự do, nhất là khi nhận ra mình đã bị lừa, tháng 4/2024, gia đình ông Long quyết định hồi hương. "Nếu có chết tôi cũng xin được chết ở quê nhà. Sống chui lủi nhục quá!", ông Long tỉnh ngộ, đanh thép nói. Với quyết tâm đó, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, 7 người trong gia đình ông đã trở về tới quê nhà Đắk Nông.

Thế nhưng, 5 người của gia đình con trai đầu vẫn bị mắc kẹt tại Thái Lan. Nguyên nhân là khi đi, con dâu của ông Long đang mang bầu và sinh con tại Thái Lan. Cháu bé sơ sinh, không có giấy tờ tùy thân nên không đủ điều kiện để hồi hương. "Vợ chồng tôi rất ân hận khi nghe kẻ xấu xúi giục rời bỏ quê hương, đẩy con cháu vào cảnh khốn khó, gia đình ly tán, sống chui lủi ở nơi xứ người. Nguyện vọng đau đáu của gia đình tôi là mong muốn các cấp chính quyền và lực lượng Công an tạo điều kiện hỗ trợ để con cháu được về quê hương đoàn tụ, sửa sai và làm lại cuộc đời", bà Hoàng Thị Tăng, vợ ông Long buồn bã nói với đoàn công tác Công an huyện Cư Jút khi tới nhà thăm hỏi, động viên.

Rồi những ngày buồn đằng đẵng cũng qua, niềm vui vỡ òa đã tới. Mới đây, được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, 5 thành viên gia đình con trai đầu ông Long là anh Vương Văn Cường (sinh năm 1996) đã được hồi hương. Trong sự bao dung của anh em dòng họ, các cấp chính quyền và lực lượng Công an ở quê nhà, cặp vợ chồng trẻ bàng hoàng, không thể tin được những gì họ đã trải qua. Đó thực sự là một cơn ác mộng.

"Trở về quê hương với đôi bàn tay trắng, cha con chúng tôi sẽ làm lại từ đầu. Cũng may là anh em dòng họ, bà con chòm xóm, nhất là chính quyền, đoàn thể và lực lượng Công an… không ai bỏ rơi, xa lánh gia đình chúng tôi!..", ông Vương Văn Long thay mặt gia đình nói trong xúc động.

Khắc Lịch

.
.