Thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng CAND

Ngôi trường đào tạo những “lá chắn thép”

11:23 21/11/2024

Phát huy truyền thống 59 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an là cơ sở đào tạo có bề dày thành tích, một trong những trung tâm huấn luyện lực lượng “lá chắn thép” và sử dụng biện pháp vũ trang hàng đầu của Bộ Công an.

Rạng ngời những trang sử

“Là chắn thép” trong CAND là cụm từ chỉ lực lượng Cảnh sát cơ động và Cảnh sát đặc nhiệm Việt Nam. Trên thực tế, nguồn nhân lực Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đã được Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang (là một trong 2 cơ sở sáp nhập vào Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I) đào tạo, huấn luyện từ những năm 1977.

Sau khi triển khai Đề án 106 của Bộ Công an về sắp xếp, tổ chức lại các trường CAND theo hướng "tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả", việc sáp nhập Trường Trung cấp Vũ trang và Cơ sở 1 Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI vào Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I thành Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, chất lượng đào tạo lực lượng Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm được tiếp nối và nâng tầm, bước đầu đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một buổi học của thầy - trò Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I.

Hiện nay, nhà trường đào tạo 5 ngành, gồm: Ngành Quản lý nhà nước về an ninh trật tự, ngành Trinh sát cảnh sát, ngành Kỹ thuật hình sự, ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp và ngành Vũ trang bảo vệ an ninh, trật tự. Đặc biệt, nhà trường là một trong những đơn vị đầu tiên của Bộ Công an thành lập và thường xuyên huấn luyện Trung đoàn Dự bị chiến đấu, luôn ứng trực và sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất của Bộ Công an.

Trong việc đào tạo, hợp tác quốc tế, nhà trường đã đào tạo hàng nghìn học viên nước ngoài, trong đó có 354 học viên nước bạn Lào và Campuchia. Gần đây, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng chuyên đề “Cảnh sát cơ động” cho cán bộ thuộc lực lượng Hiến binh Vương quốc Campuchia. Thực hiện tốt nhiệm vụ Bộ Công an giao trong việc phối hợp với Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia tiến hành khảo sát, xây dựng thao trường, giảng đường, bãi tập trường Công an Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại nước bạn. Đồng thời, cử nhiều lượt giáo viên chuyên ngành cơ động, đặc nhiệm sang giảng dạy, hướng dẫn công tác đào tạo, huấn luyện cho lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm Campuchia.

Đồng thời, nhà trường đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ, giáo viên chuyên ngành đi học tập, bồi dưỡng quốc tế tại các nước như Nga, Trung Quốc, Belarus, Hàn Quốc, New Zealand, các nước trong khối ASEAN và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, tổ chức đón tiếp các đoàn quốc tế đến thăm, trao đổi kinh nghiệm đào tạo với nhà trường, nhất là trong công tác huấn luyện cảnh sát cơ động, đặc nhiệm. Những kiến thức, kĩ năng mới nhất của cảnh sát đặc nhiệm các nước đã làm phong phú thêm chương trình đào tạo cũng như giáo án huấn luyện cảnh sát cơ động, đặc nhiệm của nhà trường.

Qua khảo sát, đánh giá, kết quả công tác đào tạo học viên chuyên ngành cơ động, đặc nhiệm sau khi tốt nghiệp ra trường đã vận dụng tốt những kiến thức nghiệp vụ, kĩ chiến thuật được đào tạo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đánh giá cao. Ít ai biết rằng, nhà trường là nơi đào tạo trung đội nữ cảnh sát đặc nhiệm đầu tiên ở Việt Nam.

Học viên được đào tạo tại nhà trường đã phát huy trình độ, tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, như: Tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam; tăng cường lực lượng hỗ trợ Campuchia đấu tranh chống chế độ Khmer Đỏ; truy quét phản động Fulro ở Tây Nguyên những năm 1980; giải quyết các vụ gây rối an ninh, trật tự, các “điểm nóng” nông thôn năm 1997; giải quyết các vụ việc gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn chính trị, biểu tình bất hợp pháp tại Tây Nguyên; ngăn chặn hành vi gây rối an ninh, trật tự tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra sự cố môi trường biển năm 2016; đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động của một số đối tượng âm mưu lập “Nhà nước Mông” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên năm 2011...

Gần đây nhất là vụ việc nhóm đối tượng khủng bố sử dụng vũ khí tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ của các Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 với đầy đủ vũ khí, phương tiện phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk. Tính đến hết ngày 20/6/2023 lực lượng Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đã truy bắt thành công 115 đối tượng trực tiếp và liên quan, thu giữ nhiều tang vật liên quan như ô tô, mô tô, súng, lựu đạn, dao... bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý, nhanh chóng ổn định tình hình và trả lại sự bình yên cho Tây Nguyên.

Trong quá trình phát triển, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an. Đặc biệt, tháng 10/2020 nhà trường vinh dự được đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) thăm và làm việc với nhà trường. Đây là nguồn động viên, khích lệ vô cùng lớn lao để nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hướng tới đào tạo lực lượng cơ động, đặc nhiệm tinh - gọn - mạnh

Trong thời gian tới, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường đặt ra nhiều yêu cầu mới khi có sự sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, sự thay đổi về mô hình tổ chức bộ máy. Trong đó, tập trung xây dựng đề án phát triển nhà trường với định hướng: “Phát triển Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đến năm 2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, kỹ thuật... hiện đại để xây dựng, phát triển 3 khoa nghiệp vụ là các khoa mũi nhọn, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, đảm bảo đến năm 2025 Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm là một trong 6 lực lượng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại theo Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương.

Đến nay, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao, hệ thống trang, thiết bị kỹ thuật phục vụ giảng dạy lý thuyết và thực hành được đầu tư và nâng cấp đảm bảo phục vụ tốt công tác dạy và học của chuyên ngành. Học viên cơ động, đặc nhiệm đều được huấn luyện tốt về thể lực, kĩ chiến thuật, võ thuật, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị hiện đại ngang tầm trong khu vực để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp, có độ nguy hiểm cao, tham gia đấu tranh các chuyên án mang tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, xứng đáng là “lá chắn thép” của CAND Việt Nam.

Phát huy kết quả đạt được, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới và chủ trương xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, nhà trường đang tiếp tục từng bước thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động giáo dục, đào tạo đáp ứng mục tiêu, định hướng đến năm 2030 xây dựng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm điển hình, uy tín trong lực lượng CAND. l

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an cho biết: “Nhà trường là cơ sở giáo dục có bề dày truyền thống đào tạo nguồn nhân lực cho Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước và quốc tế, nhiều năm qua trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo lực lượng Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm. Đây là nhiệm vụ chính trị then chốt được Bộ Công an giao cho nhà trường”.

Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý, điển hình như: 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 4 Huân chương Quân công các hạng, 3 Huân chương Chiến công các hạng, 5 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng, 10 Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bùi Tuấn Minh

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 16 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng là nhân viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai về hành vi môi giới, đưa và nhận hối lộ.

Chiều 26/12, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác Công an năm 2025 của Bộ Công an, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 5 bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ liên quan vụ án Phúc Sơn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文