Những tên mộ tặc
Kể từ khi nhà Hán bắt đầu, Hồ Nam trở thành thành đô vì có phong thủy đẹp, có núi dựa, có sông ngòi bao quanh, đồng thời ngoại vi Hồ Nam tập trung nhiều ngôi mộ cổ và tự nhiên cũng trở thành một nơi đất tốt để bọn mộ tặc làm ăn.
Bọn mộ tặc sống ở nơi tối tăm không thể nổi tiếng như những nhân vật trong tiểu thuyết nên rất nhiều vụ án và sự việc không thấy đăng lên báo chí nhưng thông qua truyền miệng người nọ sang người kia, trở thành những câu chuyện nơi vỉa hè quán trà.
“Thổ phu tử” - những tên mộ tặc đầu tiên
Nguồn gốc những tên mộ tặc ở Hồ Nam có từ bao giờ không thể biết chính xác được nhưng chỉ biết rằng từ thời kỳ Đường, Tống, việc đào trộm mộ đã rất thịnh hành.
Trong những năm đầu thời kỳ Dân Quốc, hành vi của bọn mộ tặc ở Hồ Nam là vô cùng liều lĩnh và kinh tởm, lúc đó, những người trong cuộc gọi những kẻ ẩn mình trong bóng tối đào trộm mộ là “Thổ phu tử”. “Thổ phu tử” là một từ chỉ những người ở Hồ Nam dựa vào nghề bán đất màu vàng sinh sống. Lớp người này có thân phận thấp hèn, cả đời làm việc với đất và do quen thuộc các tầng đất nên từ đó bắt đầu chú ý đến những đồ vật được chôn theo người ở dưới mộ.
Có câu nói “Nghe gió, ngửi nước biết bắc - nam/ Xem đất, nhìn gỗ đoán đồ vật” là kỹ nghệ cao siêu của những “Thổ phu tử”. Họ dựa vào sự hiểu biết lâu năm của mình về địa hình địa mạo, sơn lâm, thủy thổ mà trở thành chuyên gia địa lý về mộ táng. Từ việc bán đất sinh sống, “Thổ phu tử” chuyển dần thành những tên đào mộ cổ chuyên nghiệp.
Theo các “Thổ phu tử” việc đào trộm mộ là phải có bản lĩnh, tầng đất mới cũ, cây cối cao thấp, thành phần đất cát, hình dạng mặt đất là kim chỉ nam cho công việc của họ, nó thông báo họ biết ở dưới đất có cất giấu vàng bạc châu báu hay không?
Do thời kỳ Dân Quốc, hành vi đào trộm mộ không được sự quản lý chặt chẽ, đại quân “Thổ phu tử” có thể mặc ý làm càn. Không những ở Hồ Nam mà nghe nói ở Giang Tô, Thiểm Tây ... “Thổ phu tử” cũng không ít. Khi nước Trung Quốc được thành lập, những “Thổ phu tử” được sự đối đãi tử tế và những người nổi tiếng, có kinh nghiệm được gọi vào các bộ môn văn vật mới thành lập và trở thành những người làm công tác khảo cổ.
Lừa đời lấy tiếng, trò giết cả thầy
Trong những năm 70 và 80 thế kỷ trước, Hồ Nam bước vào thời kỳ cách tân và có rất nhiều xí nghiệp mới nổi lên. Có một ông họ Chu, chủ một xí nghiệp điện khí tỏ rõ tài năng đã đưa xí nghiệp phát triển và rất nhiều tiền đã chảy vào túi của ông ta.
Ông chủ Chu ngày càng giàu và lại rất mê đồ cổ. Do thiếu hiểu biết nên ông ta đã bỏ ra một món tiền lớn nhưng lại thu về một lô đồ giả. Ông chủ Chu quyết định tìm thầy học đạo, thông qua người bạn giới thiệu ông Chu với sư phụ Vương, một chuyên gia về đồ cổ, sau khi nộp 20 ngàn lệ phí, ông chủ Chu trở thành đồ đệ của sư phụ Vương. Trong quá trình học tập và làm việc với sư phụ Vương ông chủ Chu phát hiện ra rằng sư phụ Vương không những là người rất mê đồ cổ mà ông ta bản thân là một tên đào trộm mộ cổ có kỹ thuật cao siêu.
Sau vài năm, ông Chu theo sư phụ đi khắp nơi mua được không biết bao nhiêu là cổ vật của bọn mộ tặc ở các tỉnh Sơn Đông, Giang Tây và Phúc Kiến. Thời gian lâu dần ông Chu thấy mình đã có thể làm thầy và ông ta không thèm nghe lời khuyên của sư phụ lén lút làm ăn một mình. Sư phụ Vương biết chuyện yêu cầu ông Chu phải chia đôi lợi nhuận nhưng ông Chu không đồng ý. Sau một cuộc cãi vã ông Chu bực tức cầm cái xẻng dùng để hành nghề đánh chết sư phụ của mình.
Sau vụ án giết thầy, Cảnh sát vào cuộc đến bắt ông Chu nhưng mọi người vẫn không dám tin rằng một ông chủ làm ăn phát đạt như ông Chu lại trở thành một tên đào trộm mộ giết cả thầy đã dạy mình.
Cuộc sống khó khăn, mong được đổi đời
Cũng trong những năm 70 và 80, có hai anh em người ở Ninh Hương cũng là những tay mộ tặc khét tiếng ở Hồ Nam. Hai người xuất thân từ dân nghèo, chỉ trong một đêm, họ mua được xe hơi, mua được nhà. Khi thôn dân đang xôn xao bàn tán về họ thì có tin đồn những ngôi mộ cổ trong dãy núi Châu Biên bị đào trộm ...
Trong gia đình hai anh em họ có một mẹ già, người em làm nông nghiệp, người anh làm nghề trộm cắp từng bị ngồi tù; sau khi ra tù đi làm thuê cách thị trấn không xa.
Một ngày, người anh đi làm thuê đột nhiên về nhà nói với người em rằng nghe tin đồn cách nhà không xa có một khu mộ cổ, nếu đào xuống lấy được các cổ vật thì sẽ có tiền tiêu không hết. Người em nghĩ đến cuộc sống nghèo khó gia đình mình nên đồng tình với người anh, hai người lên thị trấn mua đồ nghề cho vào bao tải, đến chập tối thì lặng lẽ đi vào trong núi hành nghề.
Hai anh em bán những đồ cổ đào được cho một người ở Giang Tây được mấy vạn đồng. Nếm được quả ngọt, hai anh em lại tiếp tục đi đào trộm mộ. Trong một thời gian ngắn, hai anh em họ đã đào lấy toàn bộ đồ cổ trong 8 ngôi mộ ở trong núi.
Hai anh em thông qua bán các đồ cổ, rũ bỏ được cái nghèo khó nhưng họ vẫn chưa thấy đủ và lại đi đào trộm những ngôi mộ ở xa nhà hơn. Để che giấu tai mắt của dân làng, người anh tự lái xe lên tỉnh bán các đồ ăn cắp được.
Sau này hai anh em họ còn tiếp tục đi đào trộm mộ tận Hồ Nam nhưng do làm ăn quá lớn không thể che giấu được nữa, bị thôn dân phát hiện và báo Cảnh sát. Cuối cùng hai anh em họ cũng không thoát được pháp luật.
“Vua đào mộ” cũng phải tra tay vào còng
Mười năm trước, ở trong núi Phong Phùng, huyện Vọng Thành, người ta phát hiện một quần thể mộ thời Tây Hán, bộ môn văn vật thử khai quật một ngôi mộ trong số đó và cuộc khai quật này thu được rất nhiều các văn vật có giá trị.
Tin tức lan nhanh như cháy rừng, Phó giám đốc một cơ quan nhà nước là Lưu Thắng Lợi nghe được tin này bắt đầu động não suy nghĩ. Lưu Thắng Lợi vốn là một người hâm mộ đồ cổ, ông ta đã từng là một nghiên cứu sinh, tự cho mình là một cao nhân “chỉ trong nháy mắt có thể biết được đồ thật hay đồ giả”.
Sau khi biết xung quanh huyện Vọng Thành có mộ cổ, ông ta đã nhiều lần đến quan sát và điều tra. Sau khi xác định được địa điểm ngôi mộ, ông ta tổ chức một đoàn gồm hơn mười người liên tiếp đào trộm hơn 20 ngôi mộ cổ thời Hán, thời Chiến Quốc và thời Minh –- Thanh. Số vụ trộm cắp mộ cổ nhiều như vậy làm cho Cảnh sát và bộ phận văn vật Hồ Nam choáng váng.
Lưu Thắng Lợi đã nhiều năm nghiên cứu về địa lý nên đối với môi trường xung quanh các ngôi mộ hắn thuộc như lòng bàn tay. Các thành viên trong băng nhóm tôn hắn là “Vua đào mộ”. Do những ngôi mộ cổ rất quy mô, kết cấu bên trong rất phức tạp nên bọn mộ tặc thường phải đào nhiều đường hầm để đi vào trong lòng mộ. Lưu Thắng Lợi thì khác, với kỹ năng “nhìn trời biết đất” cho nên tất cả các ngôi mộ hắn hỏi thăm đều chỉ cần đào một đường hầm là đến đúng nơi đặt quan tài. Do giỏi phán đoán, tính toán nên băng nhóm của hắn hành động rất nhanh gọn mà không bị phát hiện. Các đồ vật lấy được ở trong mộ ngay trong đêm hắn đưa ra khỏi thành phố mang sang tỉnh khác tiêu thụ không để lại một chút manh mối gì.
Một thời gian sau, Lưu Tháng Lợi lại nhắm trúng một ngôi mộ cổ nhưng lần này thì vận may không đến với hắn, người dân địa phương đi báo Cảnh sát và toàn bộ băng nhóm của hắn bị bắt. Vụ án đào trộm mộ của Lưu Thắng Lợi được người ta gọi là “Hồ Nam đệ nhất án”.
Trong lịch sử đào trộm mộ ở Hồ Nam không thiếu những tên nổi tiếng, có những tên một thời từng được gọi là cao nhân, cái kết đến với chúng đều là thân bại danh liệt, còn những tên mộ tặc may mắn thoát được đều không dám trở lại con đường cũ.
Đã có người nói rằng những người làm công tác khảo cổ Trung Quốc hoàn toàn thất nghiệp trong thế kỷ này và trong tương lai vì bọn mộ tặc làm cho dưới những ngôi mộ không còn gì để mà nghiên cứu, khảo cổ. Như hiện nay, vẫn còn nhiều tên mộ tặc giấu mình trong rừng núi để tìm cổ vật của người xưa...
Nguyễn Thiêm (dịch)