Tóc hoàng hôn
Hoàng hôn chảy dài trên hàng trúc trước nhà, những tia nắng cuối ngày cứ dài ra, dài ra như bàn tay mụ phù thủy cố gắng níu kéo những sợi nắng cuối cùng để bầu trời được sáng tỏ thêm lúc nào hay lúc ấy. Bà Bảy hối ông Bảy nhanh tay một chút vì nay “hàng hút”, còn hai bao ớt nữa đang chờ, “không chừng vợ chồng già này khỏi ngủ đêm nay luôn đó ông già”.
Mái tóc màu hoàng hôn của ông Bảy cúi xuống như chạm mặt với mâm ớt đỏ. Trong ánh chiều loang loáng ấy, màu tóc như gom cả trời mây ráng lên mái đầu lóng lánh màu cước trắng.
Mâm ớt đỏ tươi vẫn chảy như nước dưới đôi bàn tay già nua của ông Bảy. Coi đôi bàn tay ấy chai sần nhăn nheo vậy chứ lựa ớt giỏi nhất nhì xóm Gò Thùng này đó nha.
Là khi những lò sản xuất muối ớt, mua ớt xong sẽ giao cho người nhận gia công nhận về nhà làm, công cán tính bằng cân. “Nhặt cuống ớt” là một công việc rất nhẹ nhàng dễ làm dù là người già hay trẻ em đều làm được. Mà thường là người già làm, vì con nít sẽ kêu “cay quá” không làm được. Bọn trẻ sẽ nhận lột vỏ tỏi, dễ dàng hơn vì không bị cay.
Ớt nhận về thì sẽ chuẩn bị tấm bạt sao cho sạch và rộng, đổ bao ớt ra, lựa bớt những quả dập, úng bỏ đi. Vừa là cho ớt ráo bớt mồ hôi. Chứ người ta chứa trong bao suốt nửa ngày mới tới tay mình, ớt tươi mà, nó “ra mồ hôi” dữ lắm.
Sau khi lựa bớt mớ ớt dập, úng thì mới tới công đoạn lặt cuống. Khi lặt, lại một lần nữa xem quả nào bị hư, bị “kháng thư” thì bỏ đi. Cốt sao chọn những quả nguyên lành nhất mà giao lại cho lò muối. Phần cuống và ớt dập, úng đó cũng sẽ được cân, cộng với phần ớt lặt rồi, sao cho tương đương số ký ban đầu. Mỗi bao ba mươi ký, chỉ được hao hụt nửa ký gọi là trừ vào “mồ hôi ớt” mà thôi.
Hôm nay ông Bảy cảm thấy trong người mệt mệt. Cái chân bó bột vừa ngứa vừa nóng nực rất khó chịu. Nên bảo vợ nhận ít ít ớt thôi, nhận nhiều như mọi ngày rồi ông làm không nổi. Bà vợ chành chành cái miệng như sắp khóc: “Ông làm không nổi... chắc tui làm giỏi hơn ông à? Nhưng hông ráng thì… làm sao?”.
Vậy rồi bả cũng đi tới lò muối, nhận hai trăm kí ớt như mọi ngày. Mà hai trăm kí ớt này, tiền công lặt cuống chỉ có ba trăm ngàn thôi.
Ba trăm ngàn, với bao cặp vợ chồng già dư sống cả ngày rồi. Nhưng với ông bà Bảy thì khác, ngoài cơm ăn, thuốc uống thì số tiền đó còn phải gom góp để thăm thằng con đang “ở trong đó” nữa kìa.
Vậy nên khi bà vợ nhắc thì ông Bảy “giựt mình cái tựt” và không ca cẩm nữa. Cái chân bó bột xoãi dài ra, cái lưng già chồm tới thêm chút nữa, đôi bàn tay xào qua xáo lại nhanh chút nữa trong đám ớt đỏ rực màu hoàng hôn đang cúi thấp.
Màu da nâu điểm xuyết vài nốt đồi mồi trên bàn tay của bảy mươi năm sương gió, dưới lòng bàn tay ấy là màu đỏ tươi của những trái ớt đủ hình thù. Nắng cuối ngày xiên vào mắt, vào mũi, vào khứu giác cả vị nồng nồng lẫn nóng nóng càng làm cho túi lệ như được kích thích dữ dội.
*
Thật ra hồi trẻ ông bà Bảy làm nghề gò thùng chứ không phải làm nhân công lặt cuống ớt như bây giờ. Nghề gò thùng hồi đó đông khách lắm, người ta cũng làm thủ công chứ không phải làm bằng máy móc như bây giờ nên lượng công nhân làm rất đông. Ông Bảy là thợ chính, ngày ngày cùng chiếc búa tạ giã những miếng nhôm nóng hực vừa nung được đặt xuống bộ khuôn, giã mạnh tay nhé, sao cho nó ra đủ hình thù nào chảo lớn chảo nhỏ, nào thau, nào nồi…
Ngày nào cũng như ngày nào, nắng vẫn xiên từng tia thủy tinh rát bỏng lên đôi vai trần của người thợ làm nhôm, mồ hôi nhỏ xuống từng miếng nhôm nóng tạo nên những âm thanh xèo… xèo…xèo… nhỏ và đều như giọt đàn tranh trong đêm mưa thu.
Bà Bảy thì làm bên công đoạn chà nhám, cứ mỗi sản phẩm nồi, thau, chảo, vá, sạn… ra đời là người thợ chà nhám sẽ mang nó ra hố cát, dùng đôi tay của mình vốc cát để chà mãi, chà mãi sao cho lớp bụi than đen đen trên nồi chảo ấy bay đi mất, trả lại màu trắng óng ánh nước nhôm cho sản phẩm. Chà mãi… chà mãi… năm này qua tháng nọ thành ra đôi bàn tay người thợ chà nhám cũng bay mất lớp vân tay.
Họ làm bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề nhôm để mang lại áo cơm cho gia đình và nuôi đứa con duy nhất được học hành. Mà thật ra ở xóm Gò Thùng này, không làm nghề nhôm thì phải đi xa làm nghề khác, vì ba mươi hộ gia đình ở đây đã hết hai bốn nhà làm nghề gò thùng. Những nhà còn lại thì bán tạp hóa, bán cà phê cho thợ gò thùng thôi.
Thằng bé Nhật Quang của ông bà Bảy dù là dân xóm Gò Thùng nhưng nó chẳng biết gò cái thùng nào, không biết nung miếng nhôm bao nhiêu phút, không biết chà nhám bao lâu thì sản phẩm sẽ hoàn thành. Càng không biết sản phẩm nhôm của xóm mình sẽ bán đi đâu.
Nó chỉ biết ăn và học, nó học giỏi vi tính lắm, đại học công nghệ thông tin hẳn hoi.
Rồi nghề nhôm dần thu hẹp vì thị trường cũng đúng, vì tuổi ông Bảy đã già không còn đáp ứng được nhu cầu công việc và vì máy móc công nghiệp đã thay thế sức người cho ra sản phẩm nhanh hơn, đẹp hơn.
Nhưng không sao cả, thằng bé Nhật Quang của ông bà Bảy đã học hành thành tài và đi làm ở Sài Gòn, mỗi tháng nó gửi về biếu cha mẹ 10 triệu đồng tiền cơm, tiền gạo, cả tiền thuốc, gọi là báo hiếu để cha mẹ già dư sức an hưởng tuổi già.
Vì số tiền đó quá nhiều, nó đã làm cho những người già ở xóm Gò Thùng này vô cùng hãnh diện. Trong những cuộc trà dư của những người già thì chuyện thằng bé Quang con của ông bà Bảy biếu cha mẹ mỗi tháng 10 triệu đã thành đề tài không dứt. Người ao ước, kẻ thòm thèm thêm mong muốn vì rằng thời buổi này một đứa trẻ đôi mươi mà chịu làm ăn mà còn gửi tiền biếu cha mẹ thì thật là hiếm thấy.
Nhưng cụ thể nó làm công việc gì, ông bà Bảy đều không biết. Chỉ nghe thằng bé Nhật Quang bảo:
- Con làm kỹ sư ai-ti, là liên quan máy vi tính đó ba má!
- À máy vi tính thì ba má biết, nó có màn hình như tivi vậy, cũng chiếu phim, hát cải lương như mấy cái truyền hình đó. Nhưng nó nhỏ xíu và có mấy cái nút bấm bấm…
- Trời ơi, ta gọi là phím ba má ơi! Hông gọi là nút bấm đâu ạ!
- Ừ thôi làm gì cũng là làm, không ở không rồi đi phá làng phá xóm là được. Con làm máy tính nhẹ nhàng lương cao chứ không luôn tay quay búa, lưng mướt mồ hôi để gò nhôm gò thùng chà nhám như ba mà. Cũng không rã tay chà nhám những cái nồi chảo nhôm như má. Vậy là được rồi con ạ!
Nhưng lẽ đời biết mấy gian nan.
Một ngày không trăng không sao bỗng Công an đến đọc lệnh khám xét nhà vì thằng con quý hóa của ông bà Bảy vi phạm tội làm giấy tờ giả. Hai vợ chồng già như từ cung trăng rơi xuống cùng bao câu hỏi: làm giấy tờ giả là làm gì? Không phải giấy tờ thì của nhà nước làm cho nhân dân sao? Rồi nhân dân giả giấy tờ để làm gì? Nào giờ chỉ biết tay giả, chân giả, mắt giả, răng giả. Chứ giấy tờ giả để làm gì?
Công an không trả lời ông bà Bảy.
May là nhà của đôi vợ chồng già không chứa những gì liên quan đến vụ án “làm giấy tờ giả” mà con trai của họ là một can phạm.
Thì ra lâu nay mỗi tháng thằng Quang gửi về cho ba mẹ nó hẳn mười triệu là do ở Sài Gòn nó làm cái công việc vi phạm pháp luật đó. Ông bà Bảy đâu có biết, vì nếu biết là đã can ngăn rồi. Trời ơi… hóa ra lâu nay vợ chồng mình được uống những lon sữa bạc triệu, những hộp yến sào bồi dưỡng sức khỏe và cái ghế mát xa cho hết nhức mỏi đó… Đều là từ tiền phạm pháp của thằng con trai sao?
Trong vụ án này, ông bà Bảy còn phải cung cấp số tài khoản, sổ tiết kiệm. Nhưng ông bà biết số tài khoản là số gì đâu. Hàng tháng có thanh niên xưng là bạn của thằng Quang, anh ta mang đến cho ông bà một cái phong bì vậy thôi. Dà… số tiền đó vợ chồng chúng tôi ngoài uống thuốc, uống sữa ra thì còn dư được một triệu hai mỗi tháng. Đây… cái bọc này có hơn ba chục triệu, là tổng số tiền dư của gần ba năm nay thằng Quang gửi về đó chú Công an ơi…
Chiếc bọc nilon sờn cũ được bà Bảy run run trao về phía cán bộ đoàn khám xét. Họ bảo sẽ tạm giữ để làm “tang chứng” vụ án. Chứ vợ chồng già làm công việc nhặt cuống ớt thì không thể dư vài chục triệu trong nhà như vậy!
Đoàn khám xét đi rồi, bà con xóm Gò Thùng đến nhà ông bà Bảy như xem hội. Họ hỏi thăm đủ thứ việc trên đời. Nhưng ông bà Bảy có biết gì đâu. Thân già còn không biết xài điện thoại quẹt quẹt, chỉ có cái a lô phím bấm thì biết chuyện gì trên rừng dưới biển.
Ông Bảy kêu trời kêu đất rằng cả đời mình nghèo cho sạch, mà bây giờ cuối đời thằng con không chịu cho ông "chết cho thơm”. Đận này rồi sẽ mang tiếng với chòm xóm rằng mình là cha của thằng tù tội, mà “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” làm sao thằng bé Quang chịu thấu? Nhà chỉ có một đứa con mà sao vô phúc quá trời ơi!?
Ông Bảy bỏ ăn bỏ uống nằm liệt giường rồi hôn mê sâu hết ba ngày ba đêm. Bà Bảy một phen vay mượn để đưa chồng đi bác sĩ.
Việc đầu tiên là bà kêu bán lại cái ghế mát xa mới cóng mà bản thân vợ chồng già chưa dám nằm quá ba lần. Nghe đâu bữa thằng bé Quang mua sáu mươi triệu, về để chật nhà hơn nửa năm nay. Bây giờ bà Bảy chỉ muốn bán mười lăm triệu thôi, lấy tiền thang thuốc cho ông chồng già.
May bà Ba - bà chủ của ngành gò nhôm thương tình chịu mua lại cái ghế đó giá mười triệu.
Ông Bảy sau mười ngày nằm viện, vô đâu hai chục chai nước biển, chích đâu ba chục mũi thuốc rồi cũng tỉnh dậy, ăn uống được và nhúc nhắc đi lại, gương mặt hồng hào thì bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Nhưng rồi trong một bữa đi tắm vô, ông trượt chân té và gãy giò!
Cùng lúc đó thì được tin thằng con trai và đồng bọn sắp phải ra tòa trong vụ án “làm giấy tờ giả”.
Ấy là khi hai người đàn ông tới nhà. Sự ăn mặc lịch lãm của họ làm ông bà Bảy thắc mắc. Nhưng họ xưng họ là luật sư, do có người thuê để bảo vệ quyền lợi cho bị can Trần Nhật Quang. Họ từ Sài Gòn tìm đến ông bà Bảy để xác minh nhân thân của Trần Nhật Quang và yêu cầu ông bà ký ủy quyền cho họ thay mặt ông bà tham gia tố tụng và biện luận trong vụ án này.
Lại một loạt ngôn ngữ lạ lẫm khiến ông bà Bảy rối rắm. Gì mà nhân thân. Gì mà ủy quyền. Gì mà tố tụng và biện luận? Thì chúng tôi là cha mẹ của thằng Trần Nhật Quang, đây giấy khai sinh của nó, trên đó có họ tên vợ chồng già chúng tôi. Đây địa chỉ nhà, chỉ có một cái nhà duy nhất. Cha của thằng Quang thì mới gãy chân, tui thì… không biết chữ.
Bà Bảy run run trình bày khiến cho ánh mắt hai vị khách đầy thương cảm. Họ thưa rằng họ sẽ hết sức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trần Nhật Quang. Một phần do em nó trẻ người non dạ, ham đồng tiền nhỏ mà không nghĩ hậu quả lớn thế này. Đây là hợp đồng ủy quyền luật sư… xin hai bác đọc kỹ và ký tên, điểm chỉ.
Tai già bị lãng, mắt già đã mờ. Nên ông bà Bảy nhờ bà Tám “trùm cuối” kêu con cháu đọc giùm cái “Hợp đồng ủy quyền” gì đó. Vì dù sao thì bà Tám cũng là bà chủ lớn nhất của xóm Gò Thùng này, bà ấy giao thiệp nhiều, chắc hiểu pháp luật.
Cuối cùng thì vụ án cũng đưa ra tòa. Bản án dành cho thằng Quang là sáu năm, một phần rất lớn là nhờ sự khéo léo của hai vị luật sư đó. Pháp luật cũng giảm trừ gia cảnh dữ lắm rồi đấy!
Bây giờ ông bà Bảy ngoài việc tự nuôi thân mình, còn phải nuôi luôn thằng con “trong trỏng” bằng cách mỗi tháng gửi quà thăm nuôi một lần; ba tháng thì vượt mấy trăm cây số đi nhìn mặt nó một lần để nói vài lời động viên an ủi cho nó chấp hành kỷ luật tốt mà sớm về với cha mẹ già.
Mấy hôm nay mặt hàng muối ớt hút hàng nên lò muối tăng số lượng sản xuất. Vậy nên mỗi ngày bà Bảy phải nhận phần ớt về lặt cuống nhiều gấp hai lần bình thường.
Bao nhiêu đó thì để cho ông chồng già làm cũng được, bà đi lấy trăm tờ vé số đi bán kiếm trăm ngàn mà xoay sở. May đại lý Trâm Anh chịu cho bà Bảy “mượn đầu heo nấu cháo” nhưng với điều kiện phải trả vé trước hai giờ chiều, nếu cảm thấy ế.
Vậy nên cái chân già của bà Bảy phải chạy dữ lắm. Sáng sớm lo cho ông chồng què ăn sáng xong thì bà đạp xe tới lò muối, nhận ớt về rồi bày tăng bạt, thau, rổ ra sẵn cho ông chồng lựa ớt, lặt ớt.
Mình lại tất tả lên chiếc xe đạp hiệu con kéc để bơi đi mà bán những tờ vé số. Tối mịt thì lại lặt cuống ớt.
Mái tóc bạc dài của bà Bảy bung thùa trong làn gió mà chưa kịp bới lại. Gương mặt cũng hốc hác vì mồ hôi quá nhiều.
Nắng vẫn rưng rức khắp mọi ngả đường. Ba giờ chiều rồi mà miền nắng ấy vẫn rải xuống không gian những vệt thủy tinh cay xót cả mắt mũi.
Một nhóm khách thanh niên trong quán gà tiềm thuốc bắc đã mua hết hai mươi tám tờ vé số cuối cùng của bà Bảy.
Họ hẹn bà nếu bốn giờ rưỡi mà số vé này “vô giải gì cũng được” thì bà cứ trở lại đây, họ sẽ hậu tạ xứng đáng. “Còn bây giờ thì bác ngồi xuống, ăn lấy thảo với con một tô mì gà tiềm nhé! Con là bạn cấp ba của thằng Quang, con biết chuyện của nó. Con thương hai bác mà chẳng biết làm sao”.
Lời của một thanh niên trong nhóm thanh niên vừa mua vé số làm bà Bảy mủi lòng. Bà cảm ơn rồi ngồi xuống bên tô mì gà tiềm nóng hổi ấy. Mùi thơm thuốc bắc xộc lên kèm mùi thịt gà ngầy ngậy khiến cái bao tử đang đói của bà càng réo inh ỏi.
Nhưng rồi chợt nhớ ông chồng già ở nhà, lâu rồi ông chưa được ăn món này. Nên bà Bảy ậm ừ xin chủ quán cho mang về. Bà muốn hai vợ chồng già cùng ăn cho vui nhà vui cửa.
Thanh niên “bạn của thằng Quang” ngồi bàn kế bên như biết ý định của bà Bảy. Anh ta bảo “Bác gái cứ dùng cho nóng ạ. Cháu đã dặn chủ quán làm thêm một phần cho bác trai ở nhà rồi. Bác yên tâm”.
Bà Bảy chỉ biết nói cảm ơn chàng trai. Màu hoàng hôn hôm nay như không còn bỏng rát nữa. Nhưng một hạt bụi nào đó vừa rớt vào mắt bà một vệt thủy tinh cho giọt lệ già rơi xuống.
Bà Bảy kéo vạt áo lau mắt làm thanh niên bạn thằng Quang ngại ngùng: “Ôi bác gái…bác đừng xúc động ạ, có tô mì gà tiềm mà bác… Bác thương thằng Quang thì bình tĩnh ạ, để giữ sức khỏe cho thằng Quang nó yên tâm…”.
Mái tóc màu muối hơn tiêu của bà Bảy đã chịu gật đầu. Bà cúi xuống tô mì gà tiềm, chưa bao giờ bà thấy nó ngon như lúc này.