"Chảo lửa" Soledar có gì khiến Nga-Ukraine quyết tâm giành giật?

09:34 12/01/2023

Nga tuyên bố kiểm soát toàn bộ thị trấn chiến lược Soledar ở tỉnh Donetsk nhưng Ukraine lại khẳng định vẫn giữ vững tuyến phòng thủ.

Sau nhiều tuần giao tranh ác liệt dọc chiến tuyến ở Donetsk, Yevgeny Prigozhin, chủ công ty an ninh tư nhân Wagner của Nga ngày 11/1, thông báo các binh sĩ của ông đã kiểm soát toàn bộ thị trấn Soledar ở tỉnh Donetsk và loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 500 binh sĩ Ukraine cố thủ.

Bản đồ tình hình kiểm soát ở Ukaine tính đến ngày 11/1. Đồ họa: CBC

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sáng nay (12/1) bác bỏ tin này, khẳng định các tuyến phòng thủ vẫn được giữ vững và giao tranh đang diễn ra ác liệt.

Dù chỉ là một thị trấn nhỏ với chưa đầy 10.000 dân trước chiến sự, nhưng Soledar có ý nghĩa chiến lược với Nga và Ukraine, bởi nó nằm ở trung tâm tuyến phòng thủ của Kiev trải dài từ thị trấn Bakhmut (Nga gọi là Artemovsk) đến Siversk, nơi lực lượng Ukraine dựng lên các công sự phòng thủ vững chắc.

Nga kì vọng việc nắm quyền kiểm soát toàn diện Soledar sẽ cắt đứt tuyến tiếp tế từ Siversk tới Bakhmut và tạo đà để Moscow bao vây Bakhmut từ hướng Bắc, thị trấn nằm trên trục đường dẫn về hai thành phố công nghiệp Slovyansk và Kramatorsk quan trọng mà Kiev còn kiểm soát ở Donetsk.

Ảnh vệ tinh thị trấn Soledar hồi tháng 8/2022...
và ảnh vệ tinh chụp tháng 1/2023 do MAXAR công bố, trong đó các tòa nhà ở Soledar đã bị phá hủy gần như toàn bộ trong giao tranh.

Các tuyên bố của Nga và Ukraine rất khó xác định chính xác, cho tới khi một trong hai bên xác nhận việc rút quân, bởi ngay cả khi Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi một vài vị trí tại Soledar trong một số thời điểm, họ sẽ vấp phải các đợt tiến công mới, với hỏa lực áp đảo.

Một số chuyên gia quân sự nêu quan điểm, Soledar có thể trở thành một phiên bản khác của thành phố Mariupol bên bờ biển Azov, bởi nơi này cũng có sự xuất hiện của các hầm mỏ kiên cố cỡ lớn đang được sử dụng vì mục đích quân sự. Lực lượng Ukraine có thể vẫn đang nắm giữ một số mỏ như vậy và không sẵn sàng trao lợi thế cho đối phương.

Những vết đạn pháo dày đặc ở Soledar trong ảnh chụp vệ tinh của MAXAR.

Theo RT, Soledar có nghĩa là "món quà muối". Các mỏ muối bắt đầu được khai thác từ hơn một thế kỷ trước và đạt quy mô khổng lồ dưới thời Liên Xô. Hoạt động khai thác đã dừng lại từ khi chiến sự nổ ra hồi tháng 2/2022. Các mỏ này có tổng chiều dài lên đến 300km, nằm ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất với sơ đồ phức tạp.

Ông Prigozhin cùng binh lính Wagner bên trong một mỏ muối ở Soledar. Ảnh: RiaNovosti

Do quá trình khai thác, một số hầm mỏ đã cạn muối, nhưng được tái sử dụng vì mục đích du lịch và trị liệu, trong khi có những hầm mỏ rộng và kiên cố được trưng dụng để cất giữ các kho vũ khí khổng lồ từng được Hồng quân Liên Xô sử dụng trong Thế chiến II.

Một đoạn video do RT đăng tải cho thấy, "ông trùm" Wagner Yevgeny Prigozhin đã xuất hiện cùng các binh lính bên dưới một hầm mỏ ở ngoại ô Soledar hôm 11/1, thời điểm phía Nga tuyên bố kiểm soát Soledar. Trong hầm mỏ có các thùng đạn, được mô tả là đạn dược mà quân đội Ukraine bỏ lại.

Hình ảnh được ghi lại bên trong một trong những mỏ muối ở Soledar trước khi chiến sự nổ ra. Ảnh: GettyImages

Với chiều dài lớn, việc kiểm soát được hầm mỏ ở Soledar được hai bên tham chiến chú trọng. Trong trường hợp Nga kiểm soát toàn diện chúng, họ có thể xâm nhập sâu hơn vào các khu vực do Ukraine kiểm soát. Vẫn trong đoạn video của RT, một binh sĩ Wagner tiết lộ, sau khi di chuyển khoảng 2km từ miệng hầm mỏ, quân đội Ukraine "đang trên đầu chúng ta".

Thông tin này trùng khớp với nhận định của Bộ Quốc phòng Anh, khi họ đánh giá, các cuộc giao tranh ở Soledar "tập trung ở các lối ra vào hầm mỏ khai thác muối bị bỏ hoang". Bộ Quốc phòng Anh ngày 10/1 cho rằng, Nga có thể đã "kiểm soát phần lớn" Soledar.

Trước đó, CNN dẫn lời lãnh đạo Wagner Prigozhin cũng từng mô tả, các hầm mỏ muối rộng lớn ở Soledar tạo ra "hệ thống phòng thủ lịch sử và độc đáo", thậm chí một "mạng lưới đô thị dưới lòng đất".

Thái Hà

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文