Ai sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo của nước Mỹ?
Ngày 20-12 (giờ địa phương), ông James Mattis tuyên bố từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau những bất đồng quan điểm không thể giải quyết với ông chủ Nhà Trắng. Những cái tên cả mới lẫn cũ đã được đưa lên bàn cân, trong thời điểm Tổng thống Trump cho biết danh tính người kế nhiệm ông Mattis sẽ sớm được công bố.
- Bất đồng với Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xin thôi việc
- Tổng thống Mỹ đề xuất ngân sách khủng cho quốc phòng
Tướng quân đội đã về hưu Jack Keane
Keane, cựu Phó tham mưu trưởng quân đội Mỹ, được coi là một tướng lĩnh quân đội với quan điểm cứng rắn. Ông thường xuyên xuất hiện trên Fox News với tư cách là một nhà phân tích an ninh quốc gia. Theo Politico, những nhân vật có quan điểm cứng rắn về an ninh quốc gia với nền tảng quân đội thường được Tổng thống Trump trọng vọng. Vì thế, Jack Keane là cái tên thường xuyên được nhắc đến như một ứng cử viên xuất sắc để thay thế ông James Mattis.
Tướng quân đội đã về hưu Jack Keane. Ảnh: Politico |
Khi Tổng thống Trump dự tính cắt giảm ngân sách quốc phòng theo kế hoạch xuống 700 tỷ USD chỉ vài tuần trước, chính tướng Keane đã cảnh báo rằng việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng "sẽ là một sai lầm rất lớn". Thay vào đó, ông Keane lập luận, chính quyền sẽ cần duy trì mức tăng lớn cho ngân sách quốc phòng.
Ông cũng chỉ trích gay gắt Mick Mulvaney, Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách (OMB) đồng thời đang là quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng. “Tôi nghĩ rằng đang có một con cáo trong chuồng gà, và con cáo đó chính là Giám đốc OMB”, ông Keane nói.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với NPR hôm 20-12 vừa qua, ông Keane nói rằng ông có cùng chung suy nghĩ với ông Mattis về việc phản đối quyết định về Syria của Tổng thống Trump. Ông đồng thời chia sẻ không muốn làm công việc của ông Mattis. "Tôi không có ý định trở lại bộ máy chính quyền. Tôi tin tưởng rằng Tổng thống có thể tìm được một người có năng lực để phục vụ đất nước", ông Keane nói.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton
Ông Tom Cotton là một thành viên của Ủy ban Tình báo và Vũ trang của Thượng viện Mỹ, vốn có tiếng là một nhân vật "diều hâu" về quốc phòng chỉ sau 4 năm làm việc tại Ủy ban này. Theo Politico, ông là một nhà phê bình hàng đầu về các chính sách an ninh quốc gia được đưa ra trong những năm cuối nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Obama. Vị Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa tại Arkansas coi mình là một trong những người ủng hộ hàng đầu Tổng thống Trump tại thượng viện.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton. Ảnh: Washington Post |
Ông Tom Cotton năm nay 41 tuổi, từng là một sỹ quan quân đội phục vụ tại Iraq và Afghanistan. Trước đây, ông từng được cân nhắc như một trong những ứng viên tiềm năng cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng hoặc Giám đốc CIA của Mỹ.
Tuy nhiên ông cũng được đánh giá là một trong những thành viên bảo thủ nhất của Thượng viện và không ngại gây hấn với chính các đồng nghiệp của mình. Chính yếu tố này có thể gây cản trở tới việc trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng của ông Tom Cotton. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông có sẵn sàng từ bỏ chiếc ghế an toàn tại Thượng viện để đảm nhận chức vụ này trong chính phủ Mỹ hay không.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham
Có lẽ đây chính là người ủng hộ mạnh mẽ nhất những chính sách quân sự tăng cường và sự can thiệp của Mỹ ở nước ngoài tại Thượng viện. Ông Lindsey, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại South Carolina xuất phát điểm không phải là một người ủng hộ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của Tổng thống Trump, nhưng sau đó lại xây dựng một sự liên hệ chặt chẽ hơn với Tổng thống.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham. Ảnh: Getty |
Tuy nhiên, một Bộ Quốc phòng được dẫn dắt bởi Graham dường như vẫn ít khả thi, xuất phát từ quan điểm khác biệt giữa ông và Tổng thống Trump về cam kết quân sự của Mỹ ở nước ngoài, mặc dù ông là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Trump.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, ông Graham đã gay gắt gọi động thái của Tổng thống là "thảm họa đối với an ninh quốc gia", "đi ngược lại những tham vấn đúng đắn về quân sự" và gây nguy hiểm cho người Mỹ trên khắp thế giới. Những chỉ trích ấy đã khiến Tổng thống Trump phải lên tiếng lại rằng: "Thật khó tin rằng Lindsey Graham lại có thể phản đối việc cứu lấy mạng sống của các binh lính và hàng tỷ USD ngân sách".
Graham từng là một cựu quan chức của Lực lượng Dự trữ Không quân Mỹ, từng là cái tên nổi bật cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, và rất nhiều khả năng sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban tư pháp Thượng viện vào năm tới trong Quốc hội mới. Do đó cơ hội để ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng là khá mong manh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Patrick Shanahan
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Patrick Shanahan. Ảnh: NY Times |
Ông Patrick Shanahan từng là cựu giám đốc điều hành của Boeing, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và là người ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng thành lập Bộ tư lệnh vũ trụ của Tổng thống Trump. Hồi tháng 11, ông từng tuyên bố ủng hộ việc dành 13 tỷ USD để thành lập lực lượng này.
Ông là một vị khách quen mặt của Nhà Trắng và cũng là một ứng viên sáng giá cho chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Giới quan sát tin tưởng với những kinh nghiệm từ một công ty lớn như Boeing, Shanahan có thể đem đến một làn gió mới với những quan điểm khác so với ông James Mattis.
Cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent
Cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent. Ảnh: AP |
Vị Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng hòa tại Missouri đã từng được nhắc đến rộng rãi như cái tên sáng giá nhất để trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, trước khi Tổng thống Trump đề cử ông James Mattis vào vị trí này.
Ông có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề về Trung Đông và châu Á. Ông cũng từng làm việc trong Ủy ban đánh giá các vấn đề kinh tế và anh ninh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi so với năm 2016, khi một số người ủng hộ ông trong chính phủ, trong đó bao gồm Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, đã rời vị trí tại chính phủ từ rất lâu.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats. Ảnh: Getty |
Dan Coats là một cựu Thượng Nghị sỹ của Đảng Cộng hòa tại Indina. Ông luôn khá kín tiếng kể từ khi phụ trách lực lượng tình báo Mỹ. Ông, cùng nhiều quan chức khác trong chính quyền Mỹ, từng có quan điểm cứng rắn với Nga trong cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên theo Politico, sự căng thẳng nhằm vào Nga của ông bắt đầu giảm kể từ tháng 7 vừa qua, bởi những phản ứng của ông trước học giả về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Washington. "Đây sẽ là một điều đặc biệt", ông nói khi đang tham dự Diễn đàn An ninh Aspen.