Ấn Độ và xu hướng bùng nổ ngoại giao "mạng xã hội"

11:59 16/08/2017
70 năm kể từ ngày giành độc lập, Ấn Độ đang chuyển mình với những chính sách cải cách chưa từng có trên mọi mặt trận, trong đó phải kể đến thành tựu ngoại giao "mạng xã hội" do chính Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng.


Người mở đường cho cơ chế mới

Năm 2014, ngay sau chiến thắng của tân Thủ tướng Narendra Modi, tờ Financial Times đã gọi ông là "Thủ tướng mạng xã hội đầu tiên của Ấn Độ". Năm 2016, Modi được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 30 người có ảnh hưởng nhất trên mạng Internet. Hiện tại, số lượng người theo dõi Twitter của ông đã lên tới 32 triệu, chỉ đứng sau Tổng thống Mỹ Donald Trump và Giáo hoàng Francis trong nhóm các nhà lãnh đạo thế giới được theo dõi nhiều nhất trên Twitter.

Không chỉ vậy, nhà lãnh đạo Ấn Độ còn hoạt động rất tích cực trên các trang mạng xã hội khác, điển hình là việc ông có hơn 40 triệu người theo dõi trên Facebook và 6,8 triệu người theo dõi trên Instagram. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc trò chuyện với Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg tại trụ sở chính của Facebook ở Menlo Park, California năm 2015. Ảnh: Reuters

Cho đến nay, bài đăng có lượng tương tác kỷ lục của Thủ tướng Ấn Độ vẫn là “Ấn Độ đã chiến thắng" được ông viết trên Twitter ngay sau khi Đảng Bharatiya Janata của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014. Hiện, bài đăng này đã có hơn 90,000 lượt chia sẻ và gần 70,000 lượt thích.

Thủ tướng Modi thường sử dụng các trang mạng xã hội để thông báo về nội dung các chuyến công du nước ngoài của ông và chia sẻ quan điểm về các vấn đề mà ông quan tâm. Đặc biệt, ông luôn lắng nghe và coi trọng những ý kiến góp ý của dân trên các trang mạng xã hội của mình. 

Sự thức thời trong suy nghĩ và việc chủ động tiếp cận công chúng qua truyền thông online của Thủ tướng Ấn Độ có màu sắc giống với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thậm chí, trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên tại Washington hôm 26-6 năm nay, Tổng thống Donald Trump đã gọi ông và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là "những lãnh đạo dẫn đầu trên mạng xã hội".

Chính quyền "tương tác trực tuyến"

Chính Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đề nghị các Bộ trưởng sử dụng mạng xã hội như một phần công việc của họ. Thậm chí, theo The Conversation, nhiều cơ quan Ấn Độ đã mời các chuyên gia và các đại diện từ Facebook, Twitter và Google tham dự các cuộc họp tham vấn về phương án sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong ngoại giao nhân dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj hiện là ngoại trưởng được theo dõi nhiều nhất trên Twitter với 8,75 triệu người theo dõi. Ảnh: Tashi Tobgyal New Delhi

Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj, Bộ trưởng Năng lượng Piyush Goyal và Bộ trưởng Đường sắt Suresh Prabhu là những quan chức nhiệt liệt hưởng ứng phương thức này. Trang Twitter của bà Swaraj hoạt động liên tục 24h để tương tác và hỗ trợ người dân. Nhờ tương tác Twitter mà bà Sushma Swaraj đã có thể trực tiếp trợ giúp một công dân Ấn Độ bị tấn công ở Tanzania. 

Không những thế, để có thể kết nối với người dân trong những tình huống khó khăn, và hỗ trợ người dân trong việc hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ, hiện tất cả các đại sứ quán và phái đoàn ngoại giao của Ấn Độ đều sử dụng mạng xã hội. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng tạo ra cơ chế “hành động dưới 24h”  nhằm giải quyết nhanh chóng các thắc mắc và kiến nghị của công dân. Ủy ban Bầu cử Ấn Độ cũng sử dụng Facebook để thu hút các cử tri tiềm năng với một quy trình dân chủ. 

Thủ tướng Narendra Modi chụp hình selfie để ủng hộ trào lưu #SelfiewithModi khuyến khích người dân đăng tải selfie lên Tweeter. Ảnh: WSJ

Dễ nhận thấy, chính sự chủ động trong liên lạc và tương tác với người dân thông qua mạng xã hội đã giúp chính quyền Ấn Độ gây dựng được lòng tin trong lòng công chúng, đồng thời quản lý kịp thời và hiệu quả những vấn đề nóng. Đặc biệt, bằng việc xây dựng chính quyền "tương tác trực tuyến", Ấn Độ đã trao quyền cho người dân, để người dân cùng đồng hành trong quản trị quốc gia, phát giác và xử lý triệt để vấn nạn rườm rà quan liêu trong thủ tục hành chính. Đây cũng là một phương thức tác động tích cực tới những người nước ngoài muốn tìm hiểu, du lịch và làm việc tại Ấn Độ. Với mô hình chính quyền "tương tác trực tuyến" của Ấn Độ, mọi người dân đều có thể tin rằng tiếng nói của họ sẽ không bị bỏ qua.

Xã hội kết nối trong thời đại số?

Ở một đất nước mà số dân lên tới 1,3 tỉ người như Ấn Độ, việc ngoại giao nhân dân qua mạng xã hội ngày càng được ủng hộ bởi đây đang được coi là cách thức lan truyền và cập nhật tin tức hai chiều nhà nước - nhân dân một cách nhanh chóng nhất. 

Thế nhưng, song song với việc áp dụng sự phát triển của mạng xã hội vào quản lý nhà nước, Ấn Độ cũng cần lưu ý tới thực trạng sử dụng mạng xã hội của người dân cũng như cách thức thúc đẩy toàn dân sử dụng mạng xã hội. Theo thống kê của trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2017, 87% người Mỹ trưởng thành sử dụng Internet, trong khi con số này ở Ấn Độ chỉ là 27%. Và chỉ có 2/10 người Ấn Độ thường xuyên sử dụng nền tảng phương tiện truyền thông xã hội, khi thực tế ở Mỹ có tới 7/10 người truy cập mạng xã hội mỗi ngày.

Hình ảnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Đức Angela Merkel được chính ông Modi đăng tải trên Instagram. Ảnh: Instagram

Một trong những ưu tiên chính của Chính phủ Ấn Độ là thu hút được nhiều người dân kết nối với mạng xã hội hơn. Chương trình mới của New Delhi mang tên "Kỹ thuật số Ấn Độ"(Digital India) được xây dựng nhằm tổ hợp và hệ thống các ứng dụng ​​công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của quốc gia để phục vụ cho lợi ích của nhân dân như đăng ký hộ chiếu, đăng ký nhập học hay quản trị hệ thống việc làm. 

Sáng kiến này đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng trong việc phát triển mô hình người dân kết nối với chính quyền qua mạng xã hội, tiêu biểu như kết nối tất cả các cụm quản lý làng xã bằng cáp quang, thành lập các thôn làng với Wi-Fi và các thành phố thông minh hay tạo ra hệ thống nhận dạng sinh trắc quốc gia của Ấn Độ. Chính phủ cũng đã xây dựng một website để công dân chủ động lên tiếng mang tên mygov.in, hiện có 4 triệu đăng ký cùng 1,8 triệu bài viết và 35 triệu ý kiến.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng phát biểu khi tới thăm trụ sở tập đoàn Facebook tại California, Mỹ năm 2015 rằng: “Gửi tới các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới: bạn sẽ thiệt thòi nếu không tận dụng mạng xã hội”. Có thể thấy, xu hướng ngoại giao "mạng xã hội" đang được đẩy mạnh không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới, điều này không chỉ đòi hỏi sự tâm huyết và sẵn sàng lắng nghe của người đứng đầu quốc gia, mà còn yêu cầu chính sách vận động tích cực để tạo liên kết hai chiều giữa người dân và chính phủ. Nhưng chắc rằng, nền ngoại giao mang màu sắc và diện mạo mới này đã thành công khi đem chính quyền Ấn Độ đến gần với nhân dân hơn. 

An Nhiên (Tổng hợp)

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đưa ra cảnh báo về một số chiêu thức lừa đảo mới mà người dân cần cảnh giác như mạo danh nhân viên công ty sổ số, lừa đảo cấp chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文