Cuộc đời đầy biến động tại Nhà Xanh của nữ Tổng thống "5 nhất"

09:59 11/03/2017
Cuộc đời cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tại Nhà Xanh luôn bị phủ bóng bởi những biến cố lớn: Ra đi khi cha mẹ bị ám sát và ra đi một lần nữa khi chưa hết nhiệm kì.


Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc mới đây chính thức ra phán quyết luận tội và phế truất Tổng thống Park Geun-Hye do cáo buộc tham nhũng và lạm quyền, đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị vinh quang và biến động của vị nữ tổng thống.

Việc buộc phải rời nhiệm sở khi chưa hết nhiệm kì khiến bà Park không thể hoàn thành tuyên bố trước đó là "kết hôn với đất nước" và cam kết chỉ nghĩ về hạnh phúc của dân chúng.

Cuộc đời của bà Park đã gắn với dinh thự Tổng thống Hàn Quốc - Nhà Xanh khi cha mình là Tổng thống cho tới khi bị phế truất luôn gắn liền với những biến động và bi kịch khi mà quãng đời ngày trẻ bị phủ bóng bởi việc cha mẹ bị ám sát. Trở về vinh quang một lần nữa với tư cách nữ tổng thống đầu tiên, bà Park đã phải rời đi không trọn vẹn khi chưa hết nhiệm kì.

Nữ tổng thống 5 nhất

Trở lại chính trường năm 1998 sau nhiều mất mát, bà Park nhanh chóng trở thành thành viên quốc hội Hàn Quốc gia nhập đảng Quốc đại (GNP), tiền thân của đảng Saenuri. Với cá tính mạnh mẽ và những tuyên bố cụ thể, bà nhanh chóng giành được sự ủng hộ với tuyên bố sẽ giúp Hàn Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Bà Park Geun-Hye cúi đầu nhận lỗi vì bê bối liên quan đến người bạn thân. Ảnh: Yonhap

Từng không thành công trong cuộc đua và ghế Tổng thống năm 2008, khi đảng Quốc đại chọn ông Lee Myung-bak với một số phiếu chỉ hơn bà Park Geun-hye rất ít. Cuối năm 2012, bà Park đã đánh bại đối thủ đảng Tự do Moon Jae-in để trở thành tổng thống Hàn Quốc.

Tháng 1-2013, bà Park Geun Hye chính thức trở thành là Tổng thống và mang kì vọng mở ra một thời kỳ mới tươi sáng hơn cho Hàn Quốc.

Khi ấy bà được suy tôn là “Nữ Tổng thống 5 nhất”: Là nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc và Khu vực Đông Bắc Á; nữ Tổng thống đầu tiên thuộc thế hệ thứ hai của gia tộc Park sau cha mình là ông Park Chung Hee; nữ Tổng thống đầu tiên không kết hôn; nữ Tổng thống đầu tiên giành được quá bán phiếu bầu và là nữ Tổng thống đầu tiên xuất thân từ một người kĩ sư điện.

Sự nghiệp chính trị của bà Park chỉ hơn 1 năm sau đó bắt đầu có dấu hiệu đi xuống sau vụ chìm phà Sewol ngày 16-4-2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là học sinh. Chính phủ của bà Park bị cho là đã chậm trễ trong việc đối phó với thảm họa.

Sau 4 năm tại vị, uy tin của “người đàn bà thép” đã xuống đến đáy. Theo một khảo sát mới được công bố, tỉ lệ tín nhiệm của bà Park chỉ đạt mức 5%, mức thấp nhất trong số tất cả các đời Tổng thống kể từ khi Hàn Quốc tuyên bố thành lập Nhà nước dân chủ vào những năm 1980.

Cuộc đời chính trị của bà Park đi xuống do bê bối với người bạn Choi Soon-sil. Ảnh: Yonhap

Ngày 25-10-2016, bà Park lần đầu tiên cúi đầu xin lỗi toàn dân vì bê bối để người bạn thân Choi Soon-sil chỉnh sửa các bài phát biểu quan trọng của bà trong những tháng đầu nhậm chức. Người bạn thân này đã bị bắt giữ không lâu sau đó với cáo buộc lạm dụng mối quan hệ thân tình với Tổng thống Park để chi phối các vấn đề quốc gia.

Ngày 9-12, quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu luận tội đối với bà Park, tạm thời tước quyền tổng thống của bà trong thời gian chờ phán quyết của tòa. Thủ tướng Hwang Kyo-ahn đã được chỉ định trở thành Tổng thống lâm thời.

Ngày 10-3, bà Park chính thức bị phế truất trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên phải rời khỏi nhiệm sở khi chưa hết nhiệm kì.

Quá khứ đau buồn

Bà Park sinh năm 1952 tại Daegu, thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc và là con gái lớn của cố tổng thống Park Chung-hee. Bà đến sống tại cùng cha tại Nhà Xanh từ khi 12 tuổi, một thời gian ngắn sau khi ông Park dành quyền kiểm soát chính phủ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961.

Bà Park từ nhỏ được cho là có nhiều điểm tương đồng với cha - người đã dẫn dắt Hàn Quốc tạo ra "Điều kỳ diệu trên sông Hàn", một thời đại chứng kiến sự phát triển thần tốc về kinh tế cho tới năm 1979, làm thay đổi cơ bản Hàn Quốc, biến Quốc gia này trở thành một trong những con hổ về kinh tế của châu Á cũng như thế giới.

Bà Park (đứng sau cùng) trong bức ảnh không rõ ngày tháng chụp cùng cha mẹ và hai em. Ảnh: Yonhap

Không giống như suy nghĩ của nhiều người, bà Park đã ghi danh vào đại học Sogang năm 1970 với chuyền ngành kĩ thuật điện – một ngành học xa lạ với phụ nữ Á Đông thời đó. 

Sau khi tốt nghiệp, bà Park sang Pháp năm 1974 để tiếp tục con đường học vấn, nhưng phải trở về nước trong tháng 8 năm đó sau khi mẹ bà là phu nhân Yook Young-su thiệt mạng trong một vụ ám sát. Vụ ám sát, vốn nhằm vào ông Park Chung-hee, do một người Nhật ủng hộ Bình Nhưỡng tiến hành.

Sau cái chết của mẹ, vốn được bà Park mô tả như một cú sốc kinh khủng và một cơn gió lạnh thổi vào trái tim bà, bà đã trải qua 5 năm tại Nhà Xanh với quyền đệ nhất phu nhân.

Tới năm 1979, một lần nữa “người đàn bà thép” phải đón nhận thông tin về cái chết của cha mình. Ông Park Chung-hee đã bị ám sát bởi một người thân cận – giám đốc tình báo Kim Jae-Kyu trong một bữa tiệc.

Bà Park khi đó đã bị đánh thức dậy giữa đêm bởi nhân viên của phủ tổng thống và được báo tin cha mình đã chết. Lời đầu tiên bà nói sau khi biết tin là: "Tiền tuyến vẫn ổn chứ?", bà Park nói đến vùng biên giới với CHDCND Triều Tiên vốn vẫn khá bất ổn từ sau chiến tranh, theo  Yonhap.

Sau cái chết của cha, bà Park lui về ở ẩn 18 năm sau đó, khoảng thời gian mà bà từng chia sẻ trong tự truyện là đã phải chịu đựng sự phản bội của nhiều trợ lý cũ của cha.

Trong suốt thời gian đó, bà Park đã dùng nhiều thời gian để học hỏi và nghiên cứu trước khi trở lại chính trường một lần nữa vào năm 1998.

Sau 92 ngày luận tội kể từ 9-12 năm ngoái, Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Lee Jung-mi đọc phán quyết tuyên bố giữ nguyên tội trạng của Tổng thống Park Geun-hye, điều này có nghĩa bà Park đã trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên phải rời khỏi nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ kể từ khi nước này thiết lập nền dân chủ từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước.


Phùng Nguyễn

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức giao thông để phục vụ phá dỡ tòa nhà Hàm cá mập và đảm bảo trật tự, chống ùn tắc tại khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục (trước tòa nhà Hàm cá mập) trong thời gian khoảng một tháng.

Chiều 5/4, Đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam đã cử một tổ công tác tập hợp trang thiết bị gồm: Nhà bạt, giường cùng vật tư y tế, thuốc và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác như mỳ tôm, lương khô, nước sạch... trao tặng người dân đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa (1.000 giường) của Thủ đô Naypyidaw của Myanmar.

Báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh về tình thu phí đậu xe ô tô dưới lòng đường vào ngày 6/3 vừa qua, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTCC cho biết, từ tháng 12/2020 Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong tổ chức trông giữ xe ô tô có thu phí trên 20 tuyến đường. Trong đó địa bàn quận 1 có 12 tuyến, quận 5 có 3 tuyến, quận 10 có 5 tuyến…

Hưởng ứng chương trình của Chính phủ và chỉ đạo của Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, CLB Doanh nghiệp Cựu CAND (Hội Cựu CAND Việt Nam) đặt mục tiêu xây dựng gần 60 căn nhà mới tặng các đồng chí cựu CAND có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ngay trong năm 2025.

Trưa ngày 5/4, Đoàn tàu chở CBCS quân đội từ miến Bắc vào TP Hồ Chí Minh tham gia diễu binh, diễu hành chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã dừng tại ga Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là ga tàu cuối CBCS  dừng chân để tiếp tục tập trung tại một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn TP Biên Hòa, tiếp tục tập luyện trước khi di chuyển về TP Hồ Chí Minh...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文