Điều gì đang cản đường Nga - Nhật tìm kiếm một hiệp ước hòa bình?
Khúc mắc trong vấn đề lãnh thổ chưa tìm được hướng giải quyết tiếp tục cản bước hai bên hướng tới việc tìm kiếm một hiệp ước hoà bình.
Trong suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật đã tích cực bàn thảo về triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình thực sự, theo đó chấm dứt tình trạng chiến tranh về lí thuyết giữa hai nước.
Song, không như kỳ vọng, hội đàm cuối cùng khép lại mà không có bất kỳ tiến triển đáng kể nào được ghi nhận. Những lập trường, quan điểm trái chiều trong vấn đề phân định 4 hòn đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là “Vùng lãnh thổ phương Bắc” tiếp tục trở thành vật cản ngáng đường trong tiến trình đàm phán giữa hai bên.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trên thực tế, trong phần kết luận của Hiệp ước Hòa bình Nhật - Nga và của việc giải quyết lãnh thổ tranh chấp, Mỹ từ lâu đã luôn là rào cản lớn nhất.
Chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Nga ảnh hưởng và cản trở quan hệ Nhật - Nga trở nên sâu sắc. Nguyên nhân các lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản và Nga đều đồng ý đẩy nhanh việc ký kết hiệp ước hòa bình lần này không chỉ vì quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo, mà còn vì Abe đang cố duy trì khoảng cách ngoại giao với Mỹ.
Phải thừa nhận rằng, theo khuôn khổ liên minh Mỹ-Nhật, nền ngoại giao Nhật Bản không thể “tự lập” hoàn toàn khỏi Mỹ trong ngắn hạn, song xu hướng “tách khỏi Mỹ” đã được cân nhắc.
Chẳng hạn, vào tháng 9-2016, Thủ tướng Shinzo Abe đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông được tổ chức tại Nga bất chấp thái độ của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang hiện nay, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng tích cực cải thiện quan hệ Trung-Nhật.
Trong khi Mỹ ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, Nhật Bản lại nỗ lực bảo vệ hệ thống thương mại đa phương quốc tế. Có lẽ vì đã nhận thấy những điều chỉnh trong cách tiếp cận của Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Vladimir Putin đã thể hiện một thái độ tích cực hơn trong việc ký kết hiệp ước hòa bình và quan hệ song phương.
Quan hệ Nhật-Nga cho đến nay thực sự đã có sự tăng tiến, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp can thiệp và chia rẽ Nhật-Nga. Xét cho cùng, với việc ký kết Hiệp ước Hòa bình Nhật-Nga, không chỉ giúp nhu cầu “bảo vệ” của Nhật Bản giảm thiểu mà còn khiến tính hợp lý cho sự hiện diện của Mỹ ở Nhật Bản hoặc thậm chí ở Đông Bắc Á bị suy yếu.
Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo đều xác nhận, các cuộc đàm phán sẽ còn tiếp diễn và hiện chưa có giải pháp cụ thể nào được đưa ra.
Mặc dù thừa nhận phía trước là con đường đầy chông gai, song cả hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật đều tái khẳng định quyết tâm hoàn tất một hiệp định hòa bình thời hậu chiến bằng cách giải quyết tranh cãi liên quan quần đảo tranh chấp.
Nhấn mạnh quan hệ giữa hai bên vẫn chưa khai mở hết những tiềm năng vốn có, người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, các nhà đàm phán Nga-Nhật thời gian tới cần tìm ra giải pháp mềm dẻo hơn, cũng như phải nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân cả hai nước: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phía trước chúng tôi là rất nhiều công việc cần thiết để tạo điều kiện đi đến giải pháp mà đôi bên đều có thể chấp nhận. Tất nhiên, các giải pháp được các nhà đàm phán đề xuất phải được người dân cả hai nước chấp thuận và ủng hộ”.
Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, ông vừa nhất trí với Tổng thống Putin rằng một cuộc gặp cấp Ngoại trưởng sẽ sớm diễn ra để tiếp tục đàm phán về thỏa thuận: “Chúng tôi đã chỉ thị cho các Ngoại trưởng của mình tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 2 bên lề hội nghị an ninh ở Munich và chúng tôi cũng đã chỉ thị các đặc phái viên của chúng tôi xúc tiến các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy tiến trình này”.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Shinzo Abe xác nhận, lãnh đạo Nga - Nhật Bản vừa chỉ thị cho các cơ quan hữu quan hai bên tiến hành các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản đồng thời thông báo rằng, hai bên đã đi tới nhất trí về việc phát triển mối quan hệ giữa bộ quốc phòng hai nước nhằm xây dựng lòng tin trong lĩnh vực an ninh. Thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa nhắc lại rằng, hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á là mục tiêu chung của cả Nhật Bản và Nga.
Hiện, Nga và Nhật Bản đang bất đồng trong việc tranh cãi về chủ quyền trong khu vực quần đảo Nam Kuril, theo cách gọi của Nga, nơi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền và gọi là “Vùng lãnh thổ phương Bắc”. Bốn hòn đảo này từng thuộc về Nhật Bản, đã bị Liên Xô chiếm giữ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và được sáp nhập vào Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.
Theo Tuyên bố chung 1956 Liên Xô – Nhật Bản, đảo Habomai và Shikotan theo cách gọi của Nhật Bản (Nga gọi là Khabomai và Sicotan), hai đảo nhỏ trong số bốn đảo thuộc nhóm đảo tranh chấp, sẽ được trao trả cho Nhật Bản sau khi hai bên hoàn tất hiệp ước hòa bình.
Tuy nhiên, hiện nay, Nga và Nhật Bản vẫn bất đồng về vấn đề công nhận chủ quyền của hai hòn đảo này. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy, phần lớn người dân Nga phản đối ý tưởng Nga từ bỏ quyền kiểm soát các đảo để đạt được thỏa thuận.
Trong khi Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Vladimir Putin đang đàm phán, thì bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Moscow, hàng chục người Nga đã tập trung và phản đối việc bàn giao cho Nhật Bản bất cứ hòn đảo nào.