Không lực Một và khoảnh khắc ngày 11-9

20:42 06/11/2019
Ngày 11-9-2001, khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố, Cơ quan mật vụ Mỹ đã quyết định nơi an toàn nhất cho tổng thống vốn đang cùng đoàn tháp tùng đi công tác trong nước là tiếp tục ở lại trên chuyên cơ Không lực Một. Thế nhưng, việc bay trên bầu trời đúng vào ngày này đã dẫn đến những tình huống bối rối khó xử nhất định và cả những khoảnh khắc không thể nào quên.


Bà Ann Compton, năm nay 72 tuổi, nhớ lại ngày kinh hoàng đó khi bà ở trên Không lực Một với vai trò là phóng viên của hãng ABC News (Mỹ) chuyên trách các vấn đề nội chính của Nhà Trắng: Bà Ann kể lại: "Khi đang bay trên Không lực Một, chúng tôi mù tịt về những gì đang xảy ra, không nắm bắt được mối nguy hiểm ở dưới mặt đất và nhận được quá ít thông tin chính xác".

Ông David Wilkinson, từng làm việc cho Cơ quan mật vụ Mỹ với nhiệm vụ bảo vệ tổng thống cũng có mặt trên Không lực Một vào ngày đó. Nhớ lại ngày đó, ông chia sẻ: "Tôi chỉ có thể chia sẻ một điều ghi tâm khắc cốt lúc đó là không ai biết được điều gì đang xảy ra (dưới mặt đất)".

Tổng thống George W. Bush điện đàm trong khi nhân viên cấp cao hội ý riêng tại văn phòng trên Không lực Một.

Cơ quan Mật vụ Mỹ tin rằng nơi an toàn nhất cho tổng thống là tiếp tục bay trên Không lực Một, đồng thời họ cũng không ngừng ứng phó trước những thông tin về các mối đe dọa mà họ nắm bắt được.

Không lực Một cất cánh "ngoạn mục"

Tổng thống Mỹ George W. Bush đang có chuyến thăm và làm việc tại thành phố Sarasota, bang Florida, và đang ghé thăm một ngôi trường ở thành phố này thì phái đoàn công tác của tổng thống nhận được thông tin về cuộc tấn công khủng bố.

Sau khi chỉ kịp phát đi một thông điệp ngắn gọn trước người dân - "Chủ nghĩa khủng bố phá hoại đất nước của chúng ta sẽ không thể tồn tại" - Tổng thống cùng nhóm người tháp tùng và phóng viên đi cùng vội vàng lên chuyên cơ Không lực Một.

Khi máy bay bắt đầu cất cánh lúc 9:55 phút sáng ngày 11/9/2001, họ nhận được thông báo rằng một người nào đó không rõ danh tính có thể đã đặt tên lửa Stinger ở cuối đường băng cất cánh.

Đại tá không quân Mỹ Mark Tillman, một trong số phi công của Không lực Một nhớ lại: "Khi chúng tôi bắt đầu di chuyển chậm trên đường băng, thì Cơ quan Mật vụ Mỹ khuyến cáo rằng ai đó đã xuất hiện ở cuối đường băng mang theo cái mà họ cho là một khẩu súng vác vai nòng dài".

Không lực Một bị F-16 "bám đuôi" khi bay trên bầu trời bang Nebraska

Ngay lập tức, Đại tá Tillman quay đầu máy bay rồi cất cánh ở chiều ngược lại với góc ngoặt có độ dốc lớn. Như cố vấn chính sách của Tổng thống Bush, ông Karl Rove bình luận với nhà báo Garrett M. Graff làm cho tờ Politico rằng: "Đại tá Tillman dựng đứng máy bay, đầu dựng đứng, đuôi chạm đất, cứ như thể chúng tôi đang đi trên một chiếc tàu lượn".

"Lá bùa hộ mệnh"

Không lâu sau khi cất cánh, một chiếc máy bay phản lực khác tiến về phía Nhà Trắng, đâm thẳng vào tòa nhà Lầu Năm Góc. Do không biết sẽ có thêm bao nhiêu máy bay phản lực nữa tiến về phía Washington, nên Cơ quan Mật vụ Mỹ đã quyết định rằng việc đưa Tổng thống quay trở lại Washington là không an toàn.

Khi Không lực Một bay ở trạng thái trì hoãn trên bầu trời Vịnh Mexico, đội bay nhận được thông tin rằng Nhà Trắng đã nhận được một lời đe dọa nặc danh, nói rằng: "Tiếp theo là Thiên thần". Thiên thần là mật mã dành cho Không lực Một.

Vì không biết lời đe dọa này đến từ đâu, ngay trong máy bay hay từ bên ngoài, nên Đại tá Tillman và Trung sĩ nhất Will Chandler, chỉ huy bộ phận an ninh trên máy bay, đã ra lệnh cho đội cảnh vệ vào vị trí sẵn sàng bên ngoài buồng lái máy bay.

Các đặc vụ được lệnh vào các vị trí ở giữa thân máy bay để không cho phép bất kỳ ai tiến về phía trước máy bay, nơi bố trí khu vực của tổng thống. Trung sĩ Chandler cũng lệnh cho đội đặc vụ rà soát lại toàn bộ máy bay để tìm xem liệu có bom hay thuốc nổ nguy hiểm nào không.

Ông Ari Fleischer, Thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời George W. Bush, cũng có mặt trên Không lực Một lúc đó kể lại: "Đại tá Tillman giao nhiệm vụ cho một nhân viên cảnh sát an ninh vũ trang đóng chốt canh gác tại lối đi dẫn đến buồng lái. Đại tá có lý do để tin rằng đó là việc cần làm".

Hệ thống liên lạc phập phù

Khi vấn đề an ninh bổ sung được củng cố bên trong máy bay, thì Đại tá Tillman lại phải đối phó với những mối đe dọa bên ngoài bằng cách lái chuyên cơ lên tới độ cao bất thường 45.000 feet (khoảng 13,716 km).

Đặc vụ Wilkinson thuộc Cơ quan Mật vụ Mỹ giải thích: "Chúng tôi bay ở độ cao giống như thể chỉ có mình chúng tôi trên một đường cao tốc. Vì vậy, nếu ai đó bắt đầu đi vào đường cao tốc đó, thì chúng tôi sẽ phát hiện ra ngay lập tức. Và chắc chắn họ sẽ bị nghi ngờ có mưu đồ xấu xa".

Mật vụ và an ninh Mỹ kiểm tra hành lý của những người đi trên Không lực Một khi Tổng thống Bush rời bang Florida sau khi nhận tin về vụ khủng bố.

Mặc dù bay ở độ cao nói trên đã tạo thêm độ an toàn cũng như giúp khơi thông đường dây liên lạc mà trước đó đã giảm từ 20 xuống còn 2 do các mạng lưới của Mỹ bị chặn và thậm chí trở nên không còn đáng tin cậy.

Trung sĩ nhất Dana Lark, người giám sát và quản lý các kênh liên lạc trên Không lực Một, đã ngay lập tức nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Nhớ lại cảm giác lo sợ có ai đó đã xâm nhập vào hệ thống thông tin liên lạc trên Không lực Một, bà Dana nói: "Mưu đồ phá hoại. Suy nghĩ đó đã chợt thoáng qua đầu tôi rằng bằng cách nào đó ai đó đã chiếm lĩnh được hệ thống liên lạc trên Không lực Một".

Ngoài kết nối bằng radio và điện thoại, việc liên lạc bằng thư điện tử đã không thể thực hiện được trên Không lực Một vào thời điểm đó. Ngay cả tín hiệu đường truyền tivi cũng phập phù và bập bõm. Đội bay đã tìm cách để bay vào vùng phủ sóng tivi để tiếp nhận tin tức về vụ tấn công đang diễn ra, sau đó lại phải bay ra khỏi vùng này.

Hốt hoảng khi "bị bám đuôi"

Đại tá Tillman đã nhận được một cảnh báo từ tổng đài radio ở thành phố Houston rằng một máy bay không rõ danh tính đang bám đuôi Không lực Một. Sau khi nhận được cảnh báo, họ đã phát hiện ra 2 máy bay phản lực đang bay gần sát chuyên cơ. Lúc đó, ai cũng hoảng sợ vì hai máy bay này đều không thể xác định danh tính.

Đại tá Tillman nhớ lại tâm trạng của mình lúc đó: "Đây có thể là cách mà chúng ta sẽ bị tấn công". Sau đó, ông Tillman đã nhận được một thông điệp trấn an từ bang Texas rằng đó là hai chiến đấu cơ F-16 có nhiệm vụ ngụy trang, tạo vỏ bọc cho Không lực Một.

"Và đó là điều tuyệt vời nhất chưa từng có trong đời tôi", Đại tá Tillman ngậm ngùi chia sẻ. Hai chiến đấu cơ được điều động bám sát Không lực Một sáng hôm đó đã đến từ đơn vị Không quân Vệ binh quốc gia cũ của Tổng thống Bush ở thành phố Houston.

Số phận như "sợi chỉ mành"

Không ai biết được khi nào họ có thể quay trở lại Washington. Tổng thống Bush liên tục yêu cầu ông cần quay lại Washington để đọc diễn văn trước toàn dân. Trong khi đó, ở dưới mặt đất, tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới đã đổ sụp, tòa nhà Lầu Năm Góc bị hư hại nặng nề và chuyến bay 93 của hãng Hàng không Mỹ đã rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania.

Còn các hãng thông tấn báo chí đặt câu hỏi tổng thống đã ở đâu giữa lúc đất nước rơi vào tình trạng khẩn cấp như thế này? Trong chương trình truyền hình trực tiếp của hãng tin ABC News, phát thanh viên thời sự Peter Jennings đã thốt lên: "Tôi không có ý nói điều này bằng những ngôn từ quá đáng, nhưng tổng thống Mỹ giờ này đang ở đâu?"

Thực tế, tổng thống vẫn đang "lơ lửng" ở trên không và trên Không lực Một vốn đang cần tiếp liệu. Đại tá Tillman đã phải hạ cánh chớp nhoáng tại căn cứ Không quân Barksdale ở thành phố Shreveport, bang Louisiana, để "nạp" thêm nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cần thiết.

Trong khoảng thời gian chóng vánh này, Tổng thống Bush đã được chở đến văn phòng chỉ huy địa phương để liên lạc với Phó tổng thống. Tổng thống Bush cũng đọc bài phát biểu trước toàn dân song nó đã không được truyền hình trực tiếp. Toàn đội bay và tổng thống trở lại Không lực Một và tiếp tục "lên đường". Và không ai biết chuyến bay tiếp theo của họ sẽ ra sao.

Họp nội các khẩn từ xa

Chuyên cơ đã hạ cánh thêm một lần nữa trước khi quay trở về Washington. Điểm dừng chân thứ 2 này là Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ phụ trách Chiến lược đặt tại Căn cứ Không quân Offutt ở thành phố Omaha, bang Nebraska.

Tại đây, Tổng thống Bush đã được tháp tùng đến trung tâm chỉ huy an toàn nơi ông có thể thực hiện một cuộc họp trực tuyến với nội các. Đây là thời điểm mà Tổng thống Bush cuối cùng nhận được một báo cáo của CIA xác định các chiến binh Al-Qaeda đã có mặt trên 4 máy bay bị tấn công. Tổng thống Bush một lần nữa hạ lệnh trở về Nhà Trắng để phát đi thông điệp từ Phòng Bầu dục.

Khi chuyên cơ của tổng thống cất cánh để trở về Washington lúc 4:33 phút chiều, ông đã nhận được một báo cáo khác của CIA nhận định các vụ tấn công của ngày hôm đó chỉ là vụ đầu tiên của 2 đợt tấn công - và rằng một đợt tấn công khác sắp xảy ra. May thay, báo cáo đó rốt cục đã không chuẩn xác. Không lực Một đáp về Washington lúc 6:44 phút chiều. Lúc 8:30 phút tối, Tổng thống Bush cuối cùng đã có thể đọc được thông điệp từ Nhà Trắng.

Hà Ngọc

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文