Mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu của Mỹ và toan tính của ông Trump

13:24 15/06/2020
Quân đội Mỹ duy trì hàng trăm căn cứ quân sự cùng hàng vạn binh sĩ ở nhiều nơi trên thế giới với mục đích "bảo vệ nước Mỹ và đồng minh". Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố ông sẽ rút hàng ngàn binh sĩ Mỹ về nước.


Mạng lưới căn cứ phủ kín địa cầu

Mỹ là quốc gia được thừa nhận có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, với mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài nhiều hơn bất cứ nước nào, bất cứ lực lượng nào trong lịch sử nhân loại. Politico dẫn nguồn tin Mỹ tiết lộ Washington hiện có xấp xỉ 800 căn cứ quân sự thường trực trên khắp thế giới, vận hành bởi hơn 230.000 binh lính.

Bản đồ thể hiện vị trí Mỹ có căn cứ quân sự trên thế giới. Ảnh: Mapinmap.ru

Riêng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ duy trì 154.000 binh sĩ đồn trú, gồm 50.000 binh sĩ tại 109 căn cứ ở Nhật Bản, 28.000 quân nhân làm nhiệm vụ tại 85 căn cứ ở Hàn Quốc. Ở châu Âu, nước này sở hữu tới 65.000 quân nhân tại 350 căn cứ, gồm 58 căn cứ ở Italia và gần 180 cơ sở quân sự trên lãnh thổ Đức.

Tờ The Nation mô tả, các căn cứ quân sự của Mỹ, mỗi căn cứ là một chấm đỏ trên bản đồ, trải dài 70 quốc gia khắp các châu lục, trừ Nam Cực. Một số chuyên gia khác nhìn nhận mạng lưới cơ sở quân sự ở nước ngoài của Mỹ giống như một "mạng nhện" khổng lồ phủ kín địa cầu.

Dẫu vậy, cũng có những báo cáo khác cho thấy số căn cứ thực tế của Mỹ lớn hơn nhiều do tính chất bí mật. Riêng tại Iraq, thời điểm cao trào vào năm 2004, Mỹ duy trì tới trên dưới 400 căn cứ, doanh trại và đồn bốt. Tờ The Conversation mới đây gây bất ngờ khi khẳng định Mỹ đã triển khai lực lượng tới gần 140 quốc gia, song không nêu chi tiết về con số này.

Căn cứ quân sự của Mỹ tại Guantanamo. Ảnh: AP

Theo tạp chí TIME, Mỹ có căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài vào năm 1989, sau khi chiếm được vịnh Guantanamo trong cuộc chiến tranh giành thuộc địa với Tây Ban Nha. Năm 1903, sau khi chính quyền Cuba được bầu nên, Mỹ đã đạt một thoả thuận với chính quyền Cuba thời đó về việc thuê Guantanamo vô thời hạn.

Không lâu sau, Washington đã xây dựng căn cứ hải quân kiên cố tại đây với tên gọi tắt là GTMO, hay "Gitmo", rộng 116km2 ở dải phía Tây và Đông của vịnh. Bất chấp sự phản đối của chính quyền Cuba ngày nay, Guantanamo vẫn là nơi Mỹ bố trí lực lượng cùng nhà tù nổi tiếng với các vụ tra tấn mà nước này coi là "các cá nhân nguy hiểm nhất trên thế giới".

Đến sau Thế chiến II, Mỹ bắt đầu đẩy mạnh quá trình hiện diện quân sự ở nước ngoài, trong bối cảnh các cường quốc truyền thống như Anh và Pháp bắt đầu phải từ bỏ các thuộc địa khắp thế giới, đặc biệt ở châu Á, do làn sóng đấu tranh giành độc lập của người bản địa.

Từ thời điểm Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô nổ ra, việc "dấu chân" của các đồng minh ngày càng thu hẹp trên phạm vi toàn cầu khiến Mỹ lo sợ rằng họ "đang mất đi sự kiểm soát đối với thế giới", theo diễn giải của David Vine, tác giả cuốn sách "Island of Shame" nói về số phận bán đảo Chagos.

Binh sĩ NATO tại Ba Lan. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã, Washington không những không giảm bớt căn cứ của mình ở châu Âu mà ngày càng mở rộng hiện diện về hướng Đông Âu, vốn là các nước thành viên Hiệp ước quân sự Warsaw. Hiện Mỹ đang đàm phán với Bulgaria và Rumani về khả năng triển khai thường trực, sau khi đạt một loạt thoả thuận với Ba Lan.

Nước Mỹ liệu có an toàn hơn?

Các căn cứ quân sự nước ngoài của Mỹ được chia làm ba loại là vĩnh cửu, căn cứ phục vụ tác chiến và điểm hợp tác an ninh. Căn cứ vĩnh cửu bao gồm các căn cứ hải quân, không quân và các căn cứ đóng quân lớn, xây dựng trên lãnh thổ của các nước đồng minh.

Căn cứ phục vụ tác chiến là chỉ những căn cứ hậu cần, các kho dự trữ vũ khí đạn dược và các căn cứ quân sự loại nhỏ, dùng vào việc huấn luyện và tổ chức diễn tập. Điểm hợp tác an ninh là những căn cứ có đủ những điều kiện cơ bản để cấu thành một căn cứ quân sự khi cần, song thường không có binh sĩ Mỹ đồn trú.

Lực lượng Mỹ- Hàn tập trận chung ở Hàn Quốc. Ảnh: AP

Tựu chung lại, chúng có nhiệm vụ tạo ra cho Mỹ một mạng lưới cơ sở hậu cần quân sự, mang lại khả năng bảo vệ và tấn công quân sự ở khắp nơi mà không phải mất công đánh chiếm và kiểm soát một vùng thuộc địa giống như trước.

Giới chức tinh hoa Mỹ thường nhiều lần khẳng định rằng các căn cứ ở châu Âu là để bảo vệ các đồng minh khỏi Nga, căn cứ ở Trung Đông bảo đảm dòng chảy tự do của dầu mỏ và ngăn chặn nguy cơ Iran gây hấn, các căn cứ ở châu Á thì bảo vệ đồng minh trước nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hiệu ứng răn đe của các căn cứ này thường bị "thổi phồng". Trong một bài đăng trên tạp chí TIME, tác giả John Glaser cho rằng các căn cứ quân sự ở nước ngoài không bảo vệ nước Mỹ khỏi cuộc tấn công trực tiếp. Mỹ hiện có sức mạnh phòng thủ vượt trội nếu không xét về lực lượng hạt nhân, lại nằm giữa hai đại dương nên gần như không thể bị xâm chiếm bởi nước nào.

Về các mối đe doạ, không có nước nào thực sự đủ khả năng tấn công Mỹ từ xa, ngoài Nga và Trung Quốc. Theo John Glaser, Mỹ và đồng minh nói họ muốn tăng cường hiện diện gần Nga để chống lại cái gọi là nguy cơ xâm lược quân sự của Moscow, song chính bước đi của Washington đã khiến Nga cảm thấy bất an và việc họ can thiệp vào Gruzia hay Ukraine bắt nguồn từ nguyên nhân đó.

Các căn cứ với hàng chục ngàn lính Mỹ bao vây Iran. Ảnh: Washington Post

Tờ Politico dẫn lời chuyên gia David Vine cũng cho rằng các căn cứ của Mỹ sát vách các nước có thể dấy lên nguy cơ căng thẳng. "Các căn cứ nước ngoài có xu hướng làm gia tăng căng thẳng quân sự và ngăn cản các giải pháp ngoại giao. Đối với Trung Quốc, Nga, Iran, các căn cứ của Mỹ đặt gần biên giới là một mối đe dọa với họ và nó thúc đẩy việc gia tăng chi tiêu quân sự. Các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài cũng khiến chiến tranh dễ bùng nổ hơn và khiến nước Mỹ bớt an toàn hơn", Vine nêu quan điểm.

Toan tính của Tổng thống Trump

Khác với các cựu Tổng thống Mỹ, gần nhất là cựu Tổng thống Barack Obama, người muốn đưa nhiều binh sĩ đến Châu Á- Thái Bình Dương trong chiến lược xoay trục sang khu vực của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tuyên bố ông muốn rút bớt quân đội khỏi các nước vì số tiền chi ra quá lớn.

Từ khi nhậm chức năm 2016, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nhắc tới khoản chi khổng lồ mà Mỹ phải bỏ ra để vận hành các căn cứ quân sự ở nước ngoài và hối thúc đồng minh đóng góp nhiều hơn. Tại một loạt sự kiện thượng đỉnh thường niên của khối quân sự NATO, ông yêu cầu các nước chi mạnh tay hơn cho quân sự, song lời đề nghị này đến nay được đáp ứng chưa đáng kể.

Tổng thống Trump muốn rút bớt lính Mỹ về nước. Ảnh: Reuters

Trong bước đi đầy bất ngờ, hôm đầu tháng, Reuters cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội Mỹ rút 9.500 binh sĩ trong tổng số 34.500 binh sĩ đồn trú khỏi Đức, động thái sau đó đã vướng chỉ trích của các quan chức Đức và cả Mỹ. Một số hãng tin phương Tây ban đầu úp mở rằng ông Trump làm vậy vì hiềm khích với Thủ tướng Đức Angela Merkel do bà từ chối lời mời tới Mỹ dự Hội nghị G7 của ông Trump.

Tuy nhiên, một nguồn tin Chính phủ Mỹ sau đó cho biết động thái nói trên là kết quả của các tính toán, cân nhắc trong nhiều tháng của Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Vị Mark Milley. Nhà Trắng thì khẳng định ông Trump "chỉ hành động vì lợi ích của nước Mỹ và không bao giờ trừng phạt cá nhân nhà lãnh nào trên thế giới".

RT dẫn lời cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell thì lý giải rằng ông Trump hành động như vậy vì "người đóng thuế ở Mỹ không muốn tiếp tục chi trả quá nhiều cho an ninh của các quốc gia khác". Năm 2019, chi tiêu quốc phòng của Berlin đứng thứ ba trong khối NATO với hơn 54 tỉ USD nhưng con số này chỉ chiếm 1,38% GDP của Đức, tức không đạt mức cam kết 2% mà ông Trump muốn đồng minh chi ra.

Bên trong một căn cứ của Mỹ tại Đức. Ảnh: ARB

Theo tính toán của chuyên gia David Vine, để duy trì số căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ cùng hàng trăm ngàn binh lính, chỉ riêng năm 2014, Chính phủ Mỹ phải chi ra 85-100 tỷ USD, nếu cộng thêm những căn cứ thiết lập tạm thời ở vùng có chiến sự thì con số là 160-200 tỷ USD.

Trong khi đó, The Conversation dẫn một báo cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ thì rằng chi phí vận hành căn cứ quân sự ngoài nước chỉ vào khoảng 24,4 tỷ USD cho năm tài khoá 2020. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm chi phí cho các hoạt động tác chiến, diễn tập.

Đúng một tuần sau khi thông tin Mỹ rút quân khỏi Đức được rò rỉ, chính ông Grenell cho biết Tổng thống Trump đã tuyên bố rõ ràng răng Mỹ sẽ tiếp tục đưa quân đội từ Syria, Afghanistan, Iraq, từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Khác với Syria, Afghanistan và Iraq, nơi các chính phủ muốn Mỹ rời đi, thì Nhật Bản và Hàn Quốc lại tìm kiếm thỏa thuận dài hạn với Mỹ, coi sự hiện diện quân sự của Washington là cách thức bảo vệ lãnh thổ.

Nhật Bản chi 1,7 tỷ USD cho Mỹ nhưng chưa đủ để níu chân ông Trump?. Ảnh:  Getty Images

Nhật Bản và Hàn Quốc đã đàm phán với chính quyền của ông Trump về khoản chia sẻ chi phí cho sự hiện diện của lính Mỹ, nhưng dường như chưa đủ để làm hài lòng ông Trump. Năm 2019, Mỹ và Hàn Quốc thống nhất Seoul đóng góp cho Mỹ 893 triệu USD, Tokyo sẽ hỗ trợ khoảng 1,7 tỷ USD, theo The Conversation. Dẫu vậy, con số trên "chưa thấm vào đâu" so với khoản tiền mà Lầu Năm Góc ước tính phải chi cho các hoạt động tại Đông Á, lần lượt lên đến 4,5 tỷ USD tại Hàn Quốc và 5,7 tỷ USD tại Nhật Bản.

Có thể nói, việc duy trì hiện diện quân sự ở nước ngoài được mô tả là giúp Mỹ bảo vệ quyền lợi và an ninh cho Mỹ từ mọi khu vực trên thế giới, song đây là một giá trị khó định lượng, trong khi khoản tiền phải chi ra hàng năm lại rất thật, rất cụ thể. 

Một số học giả nhận định việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi các nước đồng minh dường như là "đòn gió" hối thúc các nước tăng chi quân sự, từ đó giảm áp lực cho Mỹ trong các cuộc đối đầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia nhìn nhận bước đi của ông Trump cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ dường như muốn chấm dứt chuỗi thời gian làm "cảnh sát toàn cầu" của Washington. 

Trong bài phát biểu hôm 13/6 trước các binh sĩ Mỹ ở Học viện quân sự West Point, ông Trump nhấn mạnh: "Công việc của quân nhân Mỹ không phải là đi xây dựng lại các nước ngoài kia, mà là bảo vệ, bảo vệ mạnh mẽ nước Mỹ khỏi kẻ thù".

Theo lời nhà lãnh đạo Mỹ, "chúng ta đang chấm dứt kỷ nguyên của những cuộc chiến không có hồi kết... Thay vào đó, Mỹ có trọng tâm rõ ràng trong việc bảo vệ những lợi ích thiết yếu. Quân đội Mỹ không có nhiệm vụ phải giải quyết những xung đột dai dẳng ở những nơi chưa từng nghe tới". "Chúng ta không phải là cảnh sát của thế giới", ông Trump kết.

Thiện Nhân (Tổng hợp)

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文