“Nghẹt thở” công tác bảo vệ Tổng thống Mỹ Barack Obama trở về quê nội
Lần thứ 4 tới châu Phi kể từ khi lên làm Tổng thống Mỹ năm 2009, song đây là lần đầu tiên ông Barack Obama trở về Kenya, quê hương của cha ông. Vì thế, chuyến “về quê” lần này của Tổng thống Mỹ được người dân Kenya chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiệm vụ của các nhân viên an ninh nặng nề hơn.
Trước hết, Kenya có đường biên giới sát với Somali, nơi đồn trú của các nhóm quân nổi dậy Hồi giáo có liên hệ với al-Qeada như nhóm al-Shabaab. Thời gian gần đây, đất nước Đông Phi này trở thành mục tiêu của một chuỗi các vụ tấn công. Hồi tháng 4 vừa qua, một cuộc thảm sát xảy ra tại Kenya, gần biên giới với Somali đã khiến 148 người thiệt mạng.
Trước chuyến thăm châu Phi của ông Obama vài ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại châu Phi, trong đó có Kenya. "Tổng thống Mỹ là mục tiêu rất quan trọng, do đó, các tay súng Shebab có thể tổ chức một cuộc tấn công, hoặc thậm chí một âm mưu ám sát tổng thống", ông Richard Tutah, chuyên gia an ninh Kenya, cảnh báo.
Chính vì vậy, trước chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Kenya nhiều tuần, hàng trăm nhân viên thuộc Đội mật vụ, cơ quan chịu trách nhiệm về sự an toàn của nhà lãnh đạo Mỹ đã đến Nairobi để kiểm tra an ninh tại ba khách sạn Sankara, Villa Rosa Kempinski và Intercontinental. Các khách sạn này sau đó đều được gia cố thêm kính chống đạn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp người chị Auma Obama ở Kenya trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của các mật vụ. Ảnh: AP |
Đội mật vụ Mỹ cũng cho lắp đặt vệ tinh giám sát mọi di chuyển của Tổng thống Obama tại các con phố chính ở Nairobi. Ngoài các nhân viên mật vụ, Mỹ cũng điều các đội lính thủy đánh bộ và các lực lượng đặc biệt khác tới Kenya, sau đó là Ethiopia để bảo đảm an ninh cho Tổng thống Obama. Ngay trong tuần này, máy bay đổ bộ Osprey đồn trú tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti đã bay ngang qua bầu trời Nairobi cùng với một máy bay trực thăng màu trắng trang trí với các phù hiệu của Tổng thống.
Theo kế hoạch, các lực lượng Mỹ bảo vệ an ninh vòng trong cho Tổng thống Obama, trong khi lực lượng đặc nhiệm Kenya chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh vòng hai và vòng ba, còn vòng ngoài cùng do cảnh sát Nairobi đảm nhiệm. "Mức độ bảo vệ là nghẹt thở", Abdullahi Halakhe, chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh trong khu vực nhận xét.
Về phần mình, Kenya cũng huy động một lực lượng lớn cảnh sát và an ninh. Theo Chỉ huy trưởng cảnh sát Nairobi Kibue Benson, khoảng 10.000 nhân viên cảnh sát, chiếm 1/4 quân số của cảnh sát nước này, cũng được triển khai tại thủ đô. Ngoài ra, hệ thống máy dò, phát hiện vũ khí, chất nổ và hệ thống camera 3D đã được lắp đặt tại sân bay, cảng biển, các nơi trọng yếu ở Thủ đô Nairobi và các thành phố lớn khác, nhất là các chốt tuần tra biên giới.
Theo tờ The Star, cùng với sự xuất hiện của ông chủ Nhà trắng ở Nairobi là một loạt các thiết bị an ninh, thông tin liên lạc đi kèm. Trong chuyến thăm, ông Obama di chuyển bằng một chiếc Limousine có biệt danh “The Beast” (Quái vật) với khả năng chống đạn và tấn công hóa học. Chiếc xe như một pháo đài thép, với vỏ xe bọc thép rất dày và cánh cửa rất nặng, có độ dày 20cm. Cửa kính chống đạn cũng dày tới 13cm. Nội thất được tách biệt hoàn toàn với không gian bên ngoài, không có một lỗ hở tránh trường hợp bị tấn công bằng vũ khí hóa học.
Một điện thoại kết nối vệ tinh mã hóa, một hệ thống video tương tác đặc biệt để tổng thống có thể trao đổi công việc với các quan chức tại Phòng Tình huống (Situation Room) ở Nhà trắng, các đại sứ quán nước ngoài hoặc Lầu năm góc. Xe bọc bằng các vật liệu chuyên dụng quân sự gồm thép, nhôm, titan và gốm, bọc xung quanh bởi những tấm sợi thủy tinh ở cửa và chắn bùn.
The Beast có cơ chế khóa đặc biệt, hệ thống thông tin liên lạc, cứu hỏa. Lốp xe Goodyear dạng run-flat sử dụng sợi gia cố Kevlar. Trong cốp xe có để túi đựng máu theo nhóm máu của Tổng thống. Chiếc xe này trị giá 1,5 triệu USD là một trong 60 chiếc xe trong đoàn xe đi hộ tống Tổng thống trong chuyến thăm này, báo The Standard cho hay.
Với việc bảo vệ chặt chẽ như vậy, chi phí cho chuyến công du tới châu Phi của ông Barack Obama được cho là rất tốn kém, có thể lên tới cả trăm triệu USD, bao gồm các khoản chi cho việc vận hành các phương tiện an ninh, trong đó có một tàu sân bay, máy bay chiến đấu, hàng chục chiếc Limousine bọc thép và kính chống đạn được cài đặt trong khách sạn nơi ông Obama nghỉ lại…
Chi phí thực tế chưa thể tính toán được do ông Obama vẫn đang trong hành trình chuyến thăm, song cũng không thể ít hơn so với các chuyến công du trước đây. Theo báo Washington Post, chi phí di chuyển cho chuyến thăm Senegal, Nam Phi và Tanzania của Tổng thống Barack Obama năm 2013 vào khoảng 60 đến 100 triệu USD.
Cùng đi với ông Obama tới những nước này là đội ngũ hùng hậu bảo vệ ông Obama, gồm một tàu sân bay, 56 phương tiện bao gồm 14 siêu xe Limousine. Các máy bay chiến đấu hoạt động suốt 24 giờ trên không phận Tổng thống Obama có mặt.
Còn trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ năm 2010, báo chí Ấn Độ cho biết phái đoàn Mỹ tốn khoảng 200 triệu USD/ngày. Ngày đó, đi cùng ông Obama đến Ấn Độ năm 2010 là khoảng 3.000 người, gồm các nhân viên mật vụ, quan chức chính phủ và những nhà báo. "Phái đoàn Mỹ tiêu khoảng 200 triệu USD trong một ngày viếng thăm của Tổng thống Mỹ, về các công tác an ninh, ăn ở và những phương diện khác", Hãng Press Trust India, một trong những hãng tin lớn nhất Ấn Độ, cho hay.
Vì thế, chuyến thăm châu Phi 5 ngày lần này của Tổng thống Barack Obama chắc chắn sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, nước Mỹ sẵn sàng “vung tiền” chi cho đội ngũ cận vệ hùng hậu vì sự an toàn của ông chủ Nhà trắng.