Người Ấn giàu có ra nước ngoài, người nghèo đổ về quê "trốn" COVID-19

15:44 24/04/2021
Người giàu đổ xô ra nước ngoài, người nghèo lánh về quê. Các bệnh viện thiếu oxy, trong khi thi thể những người thiệt mạng phải xếp hàng chờ hỏa thiêu tại những lò thiêu lộ thiên. Ấn Độ thật sự gặp khủng hoảng vì COVID-19.

Thảm cảnh trong bệnh viện Ấn Độ

Tờ Independent cho biết, hệ thống chăm sóc y tế của Ấn Độ đã thực sự sụp đổ trước áp lực chưa từng có từ làn sóng COVID-19 thứ hai, khi mỗi ngày quốc gia Nam Á báo cáo tới 40% tổng số ca bệnh mới được ghi nhận toàn cầu, trong đó hôm 24/4 báo cáo gần 345.000 người, một ngày trước là gần 332.000 ca.

Người nhiễm COVID-19 nằm trên ô tô cứu thương vì thiếu giường bệnh. Ảnh: ITN

Tính đến trưa 24/4 (giờ Hà Nội), tổng số người nhiễm COVID-19 là 16,6 triệu, trong đó 189.500 người đã thiệt mạng, bao gồm hơn 2.600 ca trong 24h gần nhất.

Trên khắp Ấn Độ, người ta đã báo cáo tình trạng thiếu giường bệnh, thiết vật tư y tế và đặc biệt là thiếu hụt oxy cả tuần qua nhưng chưa có giải pháp nào. Bệnh viện Shanti Mukand ở phía Tây New Delhi đang điều trị 110 bệnh nhân COVID-19, cho biết họ đã gần như cạn kiệt khí oxy y tế từ ngày 22/4.

Một ngày sau, chuỗi Bệnh viện Max Healthcare quyết định dừng nhận bệnh nhân cho đến khi nguồn oxy ổn định. Đối với các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những người bị nặng phải thở máy, khí oxy là một trong những thứ tối quan trọng để duy trì mạng sống.

Chia oxy từ các bình lớn ra bình nhỏ cho người bệnh ở Ấn Độ. Ảnh:AP

Truyền thông Ấn Độ gần đây đăng tải nhiều hình ảnh cho thấy các đám đông chen chúc nhau nạp khí oxy vào bình tại các kho dự trữ ở bệnh viện. Một số lái xe oxy cho biết họ phải đợi đến 3 ngày mới bơm đầy bồn chứa từ các nhà máy.

Cảnh sát vũ trang cũng đã được huy động để đảm bảo không có sự gián đoạn tại các nhà máy sản xuất và đảm bảo trật tự trong quá trình vận chuyển oxy. "Chẳng ai tưởng tượng được viễn cảnh này sẽ ập đến", Subhash Salunke, cố vấn y tế chính quyền bang Maharashtra, phát biểu.

Các lò hỏa táng lộ thiên nằm gần khu dân cư hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Mỗi đốm sáng trong ảnh là một thi thể đang được hỏa táng. Ảnh: Reuters

Tại những nơi có oxy, tình hình cũng không khá hơn. Hôm 22/4, hơn 20 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng đã thiệt mạng khi đường ống dẫn khí oxy tại một bệnh viện lớn thuộc bang Maharashtra ở phía Tây Ấn Độ, bị rò rỉ.

Một ngày sau, 13 bệnh nhân đang điều trị COVID-19 đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra vào lúc 3 giờ sáng 23/4 tại một bệnh viện ở thành phố Vasai-Virar, gần Mumbai, mà nguyên nhân cũng được cho là do rò rỉ khí oxy. Hồi đầu tháng, 4 bệnh nhân khác thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Maharashtra.

Các chuyên gia lo ngại các loại bệnh tật có thể phát tán ra ngoài do điều kiện sơ sài tại các khu vực hỏa táng. Trong ảnh, một công nhân hỏa táng chỉ đeo chiếc khẩu trang vải, tay trần khi làm nhiệm vụ. Ảnh: AP

Với những người đã qua đời vì dịch bệnh, hành trình cuối cùng của họ cũng rất vất vả. Nitish Kumar, một người dân New Delhi, buộc phải để thi thể người mẹ đã qua đời vì COVID-19 tại nhà trong suốt hai ngày trong khi anh tuyệt vọng tìm kiếm một nơi nhận hỏa táng.

Tại các lò thiêu lộ thiên, các nhân viên mai táng phải làm việc quá tải để hỏa táng các thi thể. Một số lò hóa táng cho biết các giá thiêu bằng kim loại đã nứt, nóng chảy vì hoạt động liên tục 20 giờ mỗi ngày trong vòng hai tuần.

"Chúng tôi đang làm việc cả ngày lẫn đêm", một công nhân làm nghề hỏa thiêu nói với CNN. "Các lò hỏa thiêu đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn còn nhiều người phải chờ".

Về quê, ra nước ngoài "trốn" COVID-19

Ấn Độ đã khởi động quá trình tiêm chủng của riêng mình từ vài tháng trước, đồng thời với việc phê duyệt một số loại vaccine, song nguồn cung thiếu hụt trầm trọng cũng là vẫn đề mà quốc gia – được đánh giá là nơi sản xuất vaccine lớn nhất toàn cầu này – phải đối mặt.

Hơn 130 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở Ấn Độ, mức cao so với nhiều quốc gia. Thế nhưng các chuyên gia cảnh báo New Delhi gần như không thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người, tức khoảng 600 triệu mũi vaccine, từ nay đến khi mùa Hè kết thúc.

Người dân leo lên nóc xe bus với hi vọng được đưa ra khỏi thành phố, nơi dịch bệnh hoành hành. Ảnh: Daily Beast

Trong phát biểu trên truyền hình vào ngày 20/4, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi người dân tăng cường ý thức và cẩn thận trước nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, dưới áp lực kinh tế trì trệ, ông kiên quyết rằng phong tỏa chỉ là biện pháp cuối cùng.

Trong khi đó, nhiều bang và thành phố lại tự ban bố lệnh phong tỏa để ngăn dịch tiếp tục lây lan. Các thông điệp có phần mâu thuẫn khiến tình hình thêm phức tạp và người dân Ấn Độ đã lựa chọn những cách khác nhau để "trốn" dịch: Người nghèo đổ về quê, còn người giàu ra nước ngoài.

Cảnh đông đúc tại một bến xe ở Ấn Độ tuần qua. Ảnh: ITN

Theo Reuters, một làn sóng người lao động di cư ùn ùn đổ đến các nhà ga xe bus, tàu hỏa để trốn chạy phong tỏa tại các thành phố lớn, nơi dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng tại các khu ổ chuột, để trở về làng quê của họ.

Y bác sĩ ở vùng nông thôn Ấn Độ rất lo lắng trước tình thế này, bởi những người từ thành phố về có thể mang theo dịch bệnh và lây lan cho người khác ở các làng quê, vốn có điều kiện chăm sóc y tế nghèo nàn hơn nhiều so với các thành phố.

Cùng lúc đó, ít nhất 8 máy bay thương mại phản lực tư nhân chở theo những người giàu có của Ấn Độ, có thể đã nhiễm COVID-19, hạ cánh xuống London ngay trước khi lệnh cấm nhập cảnh đối với bất cứ người nào không mang quốc tịch Anh tới từ Ấn Độ có hiệu lực từ lúc 4h sáng 23/4, theo Daily Beast.

Người giàu Ấn Độ thuê chuyên cơ đi trốn COVID-19. Ảnh: Yahoo

Anh cách đây vài giờ đã thêm Ấn Độ vào "danh sách đỏ" các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ ngày 23/4, bất cứ người Anh nào trở về từ Ấn Độ sẽ phải cách ly trong 10 ngày tại một khách sạn được chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Anh cũng đã hủy bỏ chuyến thăm cấp cao đến New Delhi để phòng ngừa.

Giá vé máy bay thương mại đã tăng chóng mặt trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Đối với chuyên cơ hoặc máy bay phản lực cỡ nhỏ chuyên bay thuê bao, chi phí các hãng bay bỏ ra và thu về có sự chênh lệch cực lớn, lên đến cả trăm ngàn USD cho một chuyến bay đường dài.

Ngoài London, các chuyến bay từ Ấn Độ đi những nơi khác, bất cứ nơi nào còn tiếp nhận, đã tăng giá vé đáng kể. Theo AFP, vé máy bay một chiều từ Ấn Độ đi Dubai, xuất phát ngày 23 và 24/4 đã tăng gấp 10 lần bình thường, từ khoảng 100 lên hơn 1.000 USD. Tất cả các trang đặt vé máy bay đều báo lỗi khi yêu cầu vé xuất phát ngày 25/4, khả năng do các lệnh hạn chế chuẩn bị được ban hành.

Một đại diện của hãng cho thuê chuyên cơ Enthrall Aviation, họ đã nhận được 80 yêu cầu thuê máy bay trong ngày 23/4. "Chúng tôi đã yêu cầu thêm máy bay từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu. Chi phí thuê một máy bay 13 chỗ từ Mumbai đến Dubai là 38.000 USD", người này tiết lộ.

Hãng Air Charter Service India thì thông báo họ nhận 12 chuyến bay tới Dubai trong ngày 24/4 và chuyến nào cũng kín chỗ. UAE được cho là một điểm đến ưa thích của người Ấn Độ, khi cộng đồng người Ấn tại đây lên đến hơn 3 triệu người.

Thiện Nhân

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文