Nhìn lại lịch sử những cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao Mỹ - Triều

18:17 15/02/2019

Tổng thống Donald Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên từng gặp gỡ một nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, nhưng ông là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên và duy nhất tính đến nay làm nên điều này. 

Trước thềm hội nghị Mỹ-Triều lần 2, hãy cùng nhìn lại những cột mốc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao Mỹ với Triều Tiên trong quá khứ.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ảnh: KCNA

Năm 1994, ông Jimmy Carter trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử có chuyến thăm đến Triều Tiên, nơi ông đã đặt nền móng cho các cuộc đàm phán ngoại giao tiếp theo. Sau chuyến thăm đó, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton và Triều Tiên đã ký Thỏa thuận chung nhằm đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Phần lớn các chuyên gia đều nhất trí rằng đây là lần gần nhất Washington ký kết được một thỏa thuận thành công với Bình Nhưỡng. Triều Tiên đồng ý ngừng xây dựng lò phản ứng và sản xuất plutonium để được viện trợ nhu yếu phẩm, nhiên liệu và có lợi ích kinh tế khác.

Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright trong chuyến thăm của bà tới Bình Nhưỡng vào ngày 24-10-2000. Ảnh: Getty

Trước cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright năm 2000 dưới thời chính quyền ông Bill Clinton được coi là chuyến thăm cấp quan chức đương nhiệm cao nhất của Mỹ đến Triều Tiên. 

Tại Bình Nhưỡng, bà đã có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Jong-il để mở rộng thỏa thuận đóng băng hạt nhân 1994 và chuẩn bị cho một chuyến thăm có thể diễn ra của Tổng thống Bill Clinton. Nhưng đáng tiếc, cuộc thảo luận đã thất bại.

Trước đó, cũng trong năm 2002, ông Jo Myong-rok, một Tướng quân đội của Triều Tiên đã đến Washington để gặp gỡ Tổng thống Bill Clinton sau khi có những dấu hiệu khả quan trong các cuộc thảo luận của Bình Nhưỡng với Seoul.

Cựu Tổng thống Bill Clinton

 Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào ngày 4-8-2009. Ảnh: KCNA

Trang Foreign Policy từng hé lộ rằng, Tổng thống Bill Clinton khi còn đương nhiệm đã cân nhắc khả năng tới Bình Nhưỡng để đạt thỏa thuận về tên lửa với Triều Tiên trong nhiệm kỳ tổng thống năm 2000. Đó chính là lý do ông cử Ngoại trưởng Mỹ Albright tới Bình Nhưỡng để thăm dò trước cho chuyến đi này. 

Tuy nhiên, sau chuyến đi của bà Albright, quan điểm và thỏa thuận tên lửa giữa Mỹ và Triều Tiên được cho là quá khác nhau. Kết quả, cuộc gặp thượng đỉnh đã không diễn ra vì Triều Tiên không nhượng bộ thêm, còn chính quyền Clinton muốn sử dụng chuyến thăm một cách cẩn thận.

Năm 2009, ông Bill Clinton, lúc này là cựu Tổng thống Mỹ, đã có chuyến thăm đến Bình Nhưỡng để tham gia đàm phán về việc trả tự do cho hai nữ nhà báo Mỹ. Ông là nhân vật cao cấp nhất của Mỹ tới Bình Nhưỡng kể từ khi Ngoại trưởng dưới thời chính quyền ông, bà Madeleine Albright đặt chân đến đây năm 2000.

Chuyến đi diễn ra trong thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ lên cao sau các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. 

Sự trở lại của ông Carter

Ông Carter trở lại Triều Tiên cùng nhiều cựu quan chức Mỹ. Ảnh: Getty

Năm 2010, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã có chuyến thăm tiếp theo đến Triều Tiên nhằm đàm phán để thả một tù nhân Mỹ vượt biên trái phép vào nước này. Ông trở lại một năm sau đó cùng nhiều cựu lãnh đạo cấp cao khác của Mỹ với những hi vọng củng cố quan hệ giữa hai nước.

Kể từ đó, phải mất tới 8 năm, với rất nhiều diễn biến khác nhau, thế giới mới có cơ hội chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa Triều Tiên và Mỹ. Năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từ trần. Ông Kim Jong-un, con trai ông, trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước này. Năm 2017, ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, mở đường cho những chính sách mới trong quan hệ hai nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp lịch sử tháng 6-2018. Ảnh: AP

Tháng 6-2018, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore. Đây là cuộc gặp mặt lịch sử, bởi trước đây chưa từng có một đời Tổng thống Mỹ nào gặp gỡ trực tiếp một lãnh đạo Triều Tiên. Tất cả các cuộc hội đàm trước đây đều phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm chuẩn bị, nhưng không đem lại kết quả khả quan.

Ngày 27 và 28-2 tới, mọi sự chú ý trên thế giới sẽ đổ dồn vào hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, diễn ra tại Hà Nội. 

An Nhiên

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1 (giờ địa phương), Tổng tư lệnh quân đội Lebanon Joseph Aoun đã được bầu làm Tổng thống nước này, chấm dứt tình trạng bế tắc khiến Lebanon không có nguyên thủ quốc gia kể từ tháng 10/2022.

Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu ở mức 2 con số. Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng trưởng điện gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16%. Để đảm bảo cung ứng điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện.

Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành ở miền Bắc khiến nền nhiệt xuống thấp, khu vực vùng núi nhiệt độ từ 11-14 độ, có nơi xuống dưới 5 độ C, trời rét đậm rét hại.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文