Những lần máy bay Nga trúng tên lửa ở Syria

21:05 18/09/2018
Vụ chiếc trinh sát cơ Il-20 cùng 15 quân nhân Nga bị bắn hạ bởi tên lửa sau một pha "tiểu xảo" của tiêm kích Israel trên biển Địa Trung Hải được xem là một trong những thiệt hại lớn nhất của Moscow ở Syria.

Trong cuộc họp báo bất thường ngày 18-9, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận nước này đã mất một trinh sát cơ Il-20 trên bầu trời Địa Trung Hải bởi tên lửa của Syria sau một pha "tiểu xảo" của Israel. Theo Moscow, 4 tiêm kích F-16 Israel đêm 17-9 đã tiến vào từ Địa Trung Hải để tấn công các mục tiêu của Syria tại tỉnh Latakia vào đúng thời điểm trinh sát cơ Il-20 của nước này đang bay vòng để chuẩn bị hạ cánh xuống căn cứ Hmeymim.

Một trinh sát cơ Il-20 của quân đội Nga. Ảnh: ITN

Trong khoảnh khắc chiếc máy bay Nga dễ bị tấn công nhất, phi công của Israel đã lập tức lợi dụng chiếc trinh sát cơ Il-20 cỡ lớn như một lá chắn sống để giấu mình và khiến nó bị nhắm vào bởi lực lượng phòng không Syria. "Hậu quả là chiếc Il-20, vốn có tiết diện radar lớn hơn nhiều so với F-16, đã bị bắn rơi bởi một quả tên lửa của hệ thống S-200", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đầy chua sót.

Đây được xem là một trong những thiệt hại lớn nhất của Nga, khi chiếc trinh sát cơ chở theo những binh sĩ tinh nhuệ nhất bị bắn hạ bởi chính tên lửa của đồng minh. Ngay sau sự việc, Moscow nói rằng Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đồng thời nhấn mạnh sẽ đáp trả thích đáng. 

Vụ việc lần này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự hiểm nguy mà các phi công Nga phải đối mặt trong các trận chiến hoặc thực hiện các nhiệm vụ tiếp cận khác trong các chiến dịch chống khủng bố. 

Kể từ khi tham gia chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria, Moscow đã mất trên dưới 10 máy bay và 5 trực thăng cùng hàng chục quân nhân.

Su-25 bị bắn rơi bởi tên lửa Manpad

Ngày 3-2, một chiếc cường kích Su-25 của quân đội Nga đã bị bắn hạ bởi tên lửa đối không vác vai (MANPAD) khi đang bay qua "khu vực giảm căng thẳng" ở tỉnh Idlib. Phi công người Nga Roman Filippov đã nhảy dù thoát ra ngoài, nhưng hy sinh trong quá trình chiến đấu với quân khủng bố, anh đã tự sát bằng một quả lựu đạn để không bị quân khủng bố bắt giữ.

Phần thân chiếc Su-25 Nga bị bắn hạ hồi tháng 2. Ảnh: TASS

Theo công bố về các nhóm khủng bố hiện diện ở tỉnh Idlib của Nga khi đó, chúng dù sở hữu nhiều loại khí tài tối tân do mua được ở thị trường chợ đen hoặc cướp lại của các lực lượng bị chúng đánh bại, song việc sở hữu MANPAD là điều không thể lường trước.

Khi phát hiện chiếc cường kích Su-25 bay qua, quân khủng bố lập tức phóng tên lửa vào chiến đấu cơ Nga, với sức công phá khủng khiếp, MANPAD đã khiến chiếc máy bay bốc cháy và rơi xuống.

Ngay sau vụ tấn công trên, quân đội Nga đã tiến hành nhiều chiến dịch không kích để trả đũa. Trong khi đó, thi thể của phi công Filipov được hồi hương sau vụ bắn hạ 1 tuần với sự trợ giúp của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Trực thăng bị bắn hạ trong nhiệm vụ cứu hộ

Tháng 8-2016, một chiếc trực thăng vận tải quân sự Mi-8 của quân đội Nga đã bị khủng bố bắn rơi khi đang vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới thành phố Aleppo, miền Bắc Syria. Chiếc Mi-8 bị bắn hạ bởi các tay súng khủng bố từ khu vực do tổ chức al-Nursa kiểm soát.

Chiếc Mi-8 của Nga bị cháy rụi sau đòn thù của khủng bố. Ảnh: RT

Tổng tham mưu trưởng Nga xác nhận, trực thăng bị bắn hạ khi đã kịp mang hàng viện trợ tới cho người dân Syria và đang trên đường trở về căn cứ không quân Hmeymim.

“Toàn bộ phi hành đoàn, gồm tổ lái 3 người và 2 sĩ quan của Trung tâm Hòa giải Nga ở Syria thiệt mạng. Họ đã hy sinh anh dũng vì phi hành đoàn cố gắng chuyển hướng trực thăng để giảm thiểu tối đa thương vong trên mặt đất", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Trúng tên lửa của IS khi cố cứu thành cổ Palmyra

Tháng 7-2016, một trực thăng tấn công Mi-25 khác của Nga cũng đã bị bắn hạ khi đang nỗ lực đánh đuổi các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi thành phố cổ Palmyra, nơi chúng dùng bom mìn phá hủy nhiều di tích lịch sử hàng ngàn năm tuổi.


Khoảnh khắc chiếc Mi-25 của Nga bị trúng đạn. Video: Youtube

Mặc dù những kẻ khủng bố đã bị đẩy lùi, song chiếc Mi-25 của Nga đã bị trúng tên lửa vào đuôi và rơi xuống. Phi hành đoàn 2 người, bao gồm công kỳ cựu Ryafagat Khabibulin, nổi tiếng vì cứu sống nhiều người trong sự nghiệp 25 năm, đã tử nạn.

Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ

Hơn 2 tháng sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, người Nga đã vấp tổn thất nặng nề đầu tiên khi chiếc máy bay ném bom chiến thuật Su-24M đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong lãnh thổ Syria, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì bị một tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Hai phi công Nga đã nhảy dù thoát khỏi chiếc máy bay, nhưng một người đã bị lực lượng phiến quân do Ankara hậu thuẫn sát hại. Nga và Syria đã lập một chiến dịch giải cứu quy mô lớn, cứu sống phi công thứ hai.

Vệt lửa từ chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Ảnh: Reuters

Khi đang tiến hành nhiệm vụ cứu hộ, một trong hai trực thăng Mi-8 tham gia vào hoạt động tìm kiếm phi công trên chiếc Su-24 cũng bị trúng hỏa lực của phiến quân, buộc phải hạ cánh xuống khu vực gần vị trí của các phiến quân này.

Theo RT, một lính thủy đánh bộ Nga đã bị sát hại, các thành viên còn lại được sơ tán đến căn cứ Hmeymim.

Vụ Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đã khiến quan hệ giữa Moscow và Ankara căng như dây đàn trong nhiều tháng liên tiếp. Tháng 6-2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã buộc phải xuống nước xin lỗi Nga về vụ tấn công để đổi lại sự bình thường hóa quan hệ từ Moscow.

Thiện Minh (Tổng hợp)

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文