Nội bộ Mỹ lục đục vì lệnh trừng phạt Nga
- Vì sao Hải quân Mỹ ngày càng sợ tàu ngầm Nga?
- Su 30 khiến F-22 và F-33 của Mỹ “ngả mũ”
- Mỹ, Nga vẫn là chúa tể chiến tranh của thế giới
Lý do mà phía chính quyền Washington “mạnh tay” như vậy là do họ vẫn giữ nguyên quan điểm Nga đã thực hiện những vụ tấn công mạng trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, nhằm giúp ông Trump đắc cử. Tuy nhiên, ông Spicer chỉ ra rằng, Nhà Trắng chưa bao giờ chính thức chỉ trích Trung Quốc về những vụ tấn công mạng năm 2015 vào Văn phòng quản lý Nhân sự Liên bang (OPM) trong đó dữ liệu cá nhân của hàng triệu người Mỹ đã bị đánh cắp. Điều đó cho thấy việc chính quyền của Tổng thống Obama trả đũa Nga chỉ vì mục đích chính trị.
Chiếc máy bay thuộc đội bay đặc biệt của Hãng hàng không Rossiya chở 35 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình đã tới sân bay tại thủ đô Moskva hôm 2-1 (giờ Việt Nam). |
“Không có hành động nào được thực hiện công khai. Không có gì được tiến hành khi hàng triệu người bị đánh cắp thông tin, kể cả thông tin về an ninh của họ. Không có điều gì xảy ra “sau khi OPM bị hack”, ông Spicer phát biểu hôm 1-1 và đặt câu hỏi là: “Liệu có một sự trừng phạt chính trị ở đây so với một phản ứng ngoại giao hay không”.
Ông Spicer cũng cho biết, Tổng thống đắc cử Trump dự định sẽ sửa chữa quan hệ với Nga vì ông hiểu rằng, mối quan hệ này sẽ có lợi cho Washington bởi nó sẽ không đặt ra mối đe dọa với các lợi ích kinh tế của Mỹ.
Trong khi đó, tờ Huffington Post của Mỹ chỉ ra rằng, lệnh trừng phạt Nga được thiết kế để đánh lạc dư luận khỏi sự thất bại của Israel tại Liên Hợp quốc (LHQ). Tuyên bố của Tổng thống Obama về lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã được đưa ra trong thời điểm cực kỳ thuận lợi về khía cạnh thông tin.
Đó là biện pháp hoàn hảo để chuyển hướng sự chú ý của tất cả những lời chỉ trích đổ lên đầu ông Obama, sau cuộc bỏ phiếu chống lại Israel tại Hội đồng Bảo an LHQ. Đây là “trò hề sân khấu” được thiết kế đặc biệt cho các kênh truyền hình và công chúng, để họ có thể quên đi nhiều trường hợp yếu đuối và thiếu hành động của ông Obama.
Còn Tổng thống đắc cử Trump thì nhấn mạnh: “Bất cứ một quốc gia nào đó, chứ không phải Nga, đã thực hiện vụ tấn công”. Ông cho biết ông có nhiều thông tin mà người khác chưa biết và hứa sẽ chia sẻ những thông tin đó trong tuần này. Theo quan điểm của ông Trump, việc đẩy mạnh cáo buộc chống lại Moskva sẽ sai lầm nếu không có thông tin đầy đủ.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng đã thúc giục ông Trump phải có quan điểm cứng rắn hơn và thiết lập một giới hạn với Tổng thống Putin. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa nhấn mạnh hiện tại là thời điểm Mỹ cần áp đặt các lệnh trừng phạt mới không chỉ nhằm vào cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người thân cận với ông, mà còn đối với cả lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Nga.
Thượng nghị sĩ Graham nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng cách duy nhất để buộc Nga thay đổi là buộc nền kinh tế Nga dưới thời Putin phải trả giá cao”. Một Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác, ông John McCain nhấn mạnh Mỹ và các quốc gia đồng minh cần có những biện pháp để chống lại những bước đi của Nga.
Trong khi đó, đại diện đảng Dân chủ Amy Klobushar cho biết các nhà lập pháp Mỹ có ý định vào đầu năm 2017 sẽ thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới chống lại Nga. Những tuyên bố trên được đưa ra trong sau khi đầu tháng trước, nhiều thượng nghị sỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt liên quan tới các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ của một số nước, đặc biệt là Nga trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Cũng vì việc này mà, ngoài việc trục xuất tổng cộng 35 nhà ngoại giao Nga tại Mỹ có những hoạt động không phù hợp với thân phận ngoại giao, Mỹ cũng đóng cửa hai cơ sở giải trí do Chính phủ Nga sở hữu tại Mỹ.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama cũng công bố một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào hai cơ quan tình báo chủ lực của Nga là Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) và Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) cùng một số cá nhân liên quan.
Về phía Nga, bằng một động thái “cao tay”, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ không trục xuất bất cứ ai cho dù Mỹ vừa công bố một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga.
Moskva sẽ không nhằm vào các nhà ngoại giao nước ngoài và gia đình họ khi năm mới sắp tới. Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh: “Chúng tôi có quyền đáp trả nhưng chúng tôi sẽ không lún vào ngoại giao vô trách nhiệm. Chúng tôi sẽ có thêm những động thái để khôi phục quan hệ Nga - Mỹ dựa trên chính sách mà chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump theo đuổi”.
Tổng thống Nga bày tỏ tiếc nuối về cách mà người đồng cấp Obama kết thúc nhiệm kỳ: “Nga sẽ không tự hạ thấp mình với cách ứng xử ngoại giao vô trách nhiệm”. Trong khi đó, Điện Kremlin cáo buộc Washington đang mưu toan hủy hoại quan hệ song phương thông qua việc đưa ra những cáo buộc “vô căn cứ” rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ.