Ông Trump mua Greenland: Chiêu chính trị hay cuộc xác lập di sản vĩnh cửu?

08:12 20/08/2019
Đảo Greenland, với vị thế địa chính trị chiến lược và nguồn tài nguyên vô tận, sẽ trở thành di sản để đời của Tổng thống Donald Trump nếu ông thuyết phục được Đan Mạch bán nó cho Mỹ trước khi ông rời Nhà Trắng.


Vài ngày sau cơn bão tin đồn, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-8 chính thức xác nhận ông thời gian qua có thảo luận về khả năng mua đảo Greenland của Đan Mạch. Ông Trump cũng thông báo, ông sẽ tới thăm Copenhagen vào đầu tháng tới và có các cuộc gặp với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cùng Thủ hiến Greenland Kim Kielsen.

Thế chiến lược của Greenland

Câu chuyện về việc Mỹ muốn mua Greenland từ Đan Mạch rộ lên sau khi tờ Wall Street Journal tuần trước tiết lộ Tổng thống Trump "có quan tâm" đến việc mua hòn đảo gần Bắc Cực và đã yêu cầu các trợ lý của ông tìm hiểu về việc này. Ông Trump thậm chí còn hỏi ý kiến của các cố vấn Nhà Trắng và nội dung các câu hỏi "có mức độ nghiêm túc khác nhau".

Vị trí đặc biệt của đảo Greenland. Ảnh: Washington Post

Vài ngày sau, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow là người đầu tiên xác nhận thông tin bất ngờ, kéo theo một cuộc tranh luận sôi nổi ở cả Mỹ lẫn Đan Mạch. "Tôi không muốn dự đoán kết quả. Tôi chỉ nói rằng Tổng thống, người am tường về việc thu mua bất động sản, đang cân nhắc thương vụ mua Greenland", ông Kudlow nói với kênh Fox News, cho biết thêm tình hình "đang có tiến triển".

Với diện tích hơn 2,1 triệu km2 và nằm gần Bắc Cực, đảo Greenland- "vùng đất xanh" trong tiếng Việt, có tên gọi trái ngược với tình hình thực tế khi nó quanh năm bao phủ bởi tuyết. Tuy vậy, hòn đảo gần đây nhận được nhiều sự chú ý từ các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc không chỉ do nguồn khoáng sản phong phú mà còn bởi vị trí địa lý chiến lược.

Trên tờ Ria Novosti của Nga, chuyên gia Konstantin Ordov, giáo sư Bộ môn quản lý tài chính thuộc trường Đại học kinh tế Plekhanov nổi tiếng nhận định đảo Greenland có giá lên tới 10.000 tỷ USD, tức bằng một nửa GDP của Mỹ.

“Nếu tính trị giá của các hòn đảo có tính chất tương tự nhưng nhỏ hơn nhiều là khoảng 5 triệu USD mỗi km2, thì Greenland không thua kém gì so với Klondike (vùng đất nổi danh với trữ lượng vàng của Canada) về mặt giá trị, với giá giao dịch có thể đạt đến 10 nghìn tỷ USD”, chuyên gia Ordov nói.

Greenland nhìn như tảng băng khổng lồ từ vũ trụ. Ảnh: Getty Images

Với cách tính toán này, các chuyên gia kinh tế cho rằng Mỹ nếu có thật sự bỏ ra bằng đấy tiền để mua Greenland thì cũng không lo thiệt, bởi hòn đảo sẽ mang lại những lợi ích kinh tế đầy bất ngờ. Theo giải thích của Phó giáo sư Alexander Timofeev cũng thuộc trường Plekhanov, dưới lớp băng dày ở Greenland là nguồn tài nguyên phong phú gồm cả ngàn tấn vàng, bạch kim, uranium, kim loại hiếm và hàng tỷ mét khối dầu mỏ, khí đốt.

Trong những năm gần đây, lớp băng ở Greenland liên tục tan. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng với khí hậu, song lại mở ra cơ hội thuận lợi khai khoáng nguồn tài nguyên. Theo một báo cáo do CNN đăng tải hồi tháng 4, trong vòng nửa năm, dải băng Greenland tan mất 197 tỷ tấn, tương đương với khoảng 80 triệu bể bơi Olympic, nhanh gấp 4 lần giai đoạn trước đó.

Greenland cũng có vị trí địa chiến lược, nhất là trong cuộc đua ngày càng khốc liệt hơn giữa các cường quốc ở Bắc Cực. Hiện Mỹ sở hữu căn cứ không quân Thule ở Greenland, cách vòng Bắc Cực 1.200km về phía Bắc, căn cứ này chứa một trạm radar thuộc hệ thống cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Radar cảnh báo trong căn cứ Thule. Ảnh: SpaceNews

Tuy nhiên, chừng đó là không tương xứng khi mà Nga gần đây đầu tư nhiều triệu USD hiện đại hoá các căn cứ quân sự gần Bắc Cực. Moscow vài năm qua cũng chi không ít tiền cho tham vọng mở con đường hàng hải mới nối châu Á với châu Âu thông qua Tuyến đường phương Bắc hay đóng mới nhiều tàu ngầm, phá băng hạt nhân phục vụ các nhiệm vụ ở vùng băng tuyết quanh năm.

Những nỗ lực trên rõ ràng đã giúp người Nga giành ưu thế hơn Mỹ trong cuộc đua hiện diện ở Bắc Cực, buộc Washington phải tính toán các bước đi dài hơi để không bị tụt lại quá xa. Từ Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc ngày một để tâm hơn đến việc tìm kiếm ảnh hưởng gần Bắc Cực. Trong bối cảnh đó, việc mua được Greenland sẽ giúp ích không nhỏ cho chiến lược tăng cường hiện diện ở vùng cực cũng như duy trì ảnh hưởng của Mỹ.

Mỹ từng mua nửa diện tích với giá hời

Sau khi ý tưởng về việc mua hòn đảo Greenland của Tổng thống Trump được hé lộ, nhiều người vội vã cho rằng đó chỉ là một "chiêu trò" chính trị khôn ngoan của ông chủ Nhà Trắng trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào năm sau và rằng ý tưởng mua Greenland thật viển vông.

Ông Trump không phải lãnh đạo Mỹ đầu tiên muốn mua Greenland. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, Mỹ từng không ít lần mua thành công vùng lãnh thổ của nước khác khi mà gần một nửa diện tích ngày nay của Mỹ có được nhờ các thương vụ và Tổng thống Trump cũng không phải nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên nêu ý tưởng mua Greenland từ Đan Mạch.

Trên CNN, nhà sử học Đan Mạch Tage Kaarsted nói rằng, thật ra Mỹ đã công khai ý định muốn mua Greenland từ giữa thế kỷ 19, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là William Seward đề xuất ý tưởng mua đảo Greenland từ Đan Mạch, song chưa rõ vì lí do gì thương vụ không được xúc tiến.

Năm 1946, dưới thời Tổng thống Harry Truman, Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes thậm chí còn thảo luận trực tiếp ý tưởng mua Greenland với người đồng cấp Đan Mạch tại một cuộc gặp của Liên Hợp Quốc ở New York. Theo tài liệu của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ, Washington sẵn lòng trả cho Đan Mạch 100 triệu USD bằng vàng, tương đương 1,3 tỷ USD hiện nay.

Virgin nay là quần đảo du lịch nổi tiếng của Mỹ. Ảnh: Getty Images

Còn Đan Mạch, vào năm 1917, chính nước này cũng đã bán quần đảo Virgin cho Mỹ với giá chỉ 25 triệu USD, tương đương khoảng 500 triệu USD ngày nay. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, quần đảo Virgin hiện có GDP trung bình mỗi năm tới 3,7 tỷ USD.

Ngoài các thương vụ với Đan Mạch, Mỹ cũng nhiều lần kiếm được những "món hời" lãnh thổ nhờ từ Pháp, Nga và Tây Ban Nha. Trong đó phải kể tới việc mua thành công vùng lãnh thổ trải dài từ sông Mississippi tới dãy núi Rocky, tức gần 1/3 diện tích nước Mỹ ngày nay, từ Pháp với giá 15 triệu USD vào năm 1803.

Cũng trong thế kỷ 19, năm 1867, Mỹ mua toàn vùng Alaska từ Đế chế Nga với giá 7 triệu USD, tương đương 125 triệu USD theo thời giá ngày nay. Quá một thế kỉ rưỡi sau phi vụ buôn bán đầy tranh cãi, Alaska ngày nay trở thành một trong những tiểu bang quan trọng nhất của Mỹ nhưng cũng là hoài niệm khắc khoải trong tâm can nhiều thế hệ người Nga.

Nga bán cho Mỹ toàn bộ Alaska với giá vỏn vẹn hơn 7 triệu USD. Ảnh: Getty Images

Tất nhiên, cũng phải xét bối cảnh lúc đó, đối với Nga, Alaska chỉ là một "đứa con hoang" xa xôi. Trong những năm 1860, Nga thậm chí còn đang đau đầu với cuộc chiến Crimea và bị các cường quốc châu Âu nhòm ngó, trong khi Mỹ lại quá giống một... đồng minh.

Cơ hội nào cho ông Trump?

Tổng thống Trump rõ ràng sẽ đối mặt không ít khó khăn trong việc thực hiện thương vụ này. "Cửa ải" khó nhất chắc chắn đến từ phía Đan Mạch, ngày ông Trump xác nhận ý đồ mua Greenland cũng là ngày Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố "Greenland không phải để bán" và rằng ý tưởng bán nó cho Mỹ là "vô lý đùng đùng".

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: NYP

Trước đó hai hôm, trên trang twitter, chính quyền Greenland có bài đăng nêu rõ: "Greenland giàu các tài nguyên có giá trị lớn như các khoáng vật, nguồn nước và băng tinh khiết nhất, nguồn cá, hải sản, năng lượng tái tạo và là một mặt trận mới của ngành du lịch thám hiểm. Chúng tôi mở cửa Greenland để giao thương, chứ không bán!".

Theo Reuters, Đan Mạch sở hữu Greenland về mặt pháp lý, nhưng hòn đảo này có chính quyền tự trị riêng. Chính quyền của xứ tự trị này chịu trách nhiệm toàn bộ công tác đối nội, trong khi việc đối ngoại và đảm bảo an ninh quốc phòng thuộc trách nhiệm của Copenhagen.

Từ Mỹ, dư luận nước này cũng bị chia rẽ về thương vụ đặc biệt. Nhiều người băn khoăn khoản tiền có thể lên đến nhiều tỷ USD cho một vùng đất xa xôi và quanh năm lạnh giá là quá hoang phí, trong khi nước Mỹ ngày nay cũng đối mặt với không ít vấn đề nội tại cần tiền để giải quyết.

Nhiều người Mỹ lo nguy cơ chính phủ vỡ nợ nếu mua Greenland. Ảnh: ITN

Nhiều người thậm chí nói rằng, chính phủ Mỹ hiện có khoản nợ công hơn 22 ngàn tỷ USD. Nếu chi phí cho việc mua Greenland quá lớn, Mỹ sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Về mặt pháp lý quốc tế, một thỏa thuận mua bán lãnh thổ chắc chắn sẽ phải liên quan đến các hiệp ước, quy trình lập pháp ở Đan Mạch, Greenland và Mỹ. Cũng có nhiều khả năng là mọi chuyện sẽ dính dáng đến Liên minh châu Âu (EU), nơi Đan Mạch là một thành viên và quy trình này không dễ thực hiện.

"Mọi chuyện không giống như việc mua lại một sân golf, khi mà bạn có thể đến gặp nhân viên tư pháp và bảo 'ông có thể phê chuẩn cái này được không'", Iwan Morgan, nhà nghiên cứu từ Viện châu Mỹ của đại học UCL, nói với CNN.

Tuy vậy, cũng có ở đó những yếu tố thuận lợi với Tổng thống Trump. Theo Reuters, Greenland phụ thuộc hoàn toàn vào Đan Mạch về kinh tế. Trên đảo này có hơn 50.000 người sinh sống nhưng mỗi năm chính phủ vẫn phải 700 triệu USD để giữ cho nền kinh tế nơi đây hoạt động. Khoản tiền này rõ ràng là một gánh nặng đối với Copenhagen.

Greenland có nền kinh tế khả nhỏ và phải nhận trợ cấp hàng năm từ chính phủ. Ảnh: ITN

Đan Mạch cũng không phải cường quốc toàn cầu nên nước này sẽ không sẵn lòng chi thêm nhiều tỷ USD khác đầu tư cho Greenland phục vụ mục đích tìm kiếm ảnh hưởng ở khu vực. Nếu không thể mua đứt Greenland, Mỹ có thể tìm cách mua từ từ bằng các nguồn tài chính khổng lồ đổ vào hòn đảo.

Trong thông báo xác nhận ý tưởng mua Greenland hôm 18-8, chính ông Trump khẳng định: "Rất nhiều thứ có thể xảy ra. Về cơ bản đây là một hợp đồng bất động sản lớn. Greenland đang gây thiệt hại rất nhiều cho Đan Mạch... Và về mặt chiến lược, hòn đảo này rất phù hợp với Mỹ. Chúng ta là đồng minh lớn của Đan Mạch, và chúng ta giúp đỡ Đan Mạch và chúng ta bảo vệ Đan Mạch".

Có thể nói, Tổng thống Donald Trump từ lâu luôn thể hiện mình là một nhà lãnh đạo rất quan tâm đến những di sản để lại thời còn ở Nhà Trắng. Trong bối cảnh ông có lợi thế lớn trong việc thắng cử nhiệm kỳ hai, việc đặt nền móng cho việc mua được Greenland trong những năm tới sẽ là dấu ấn không thể phai nhoà của ông với vai trò một Tổng thống Mỹ.

Điều này là rất thực tế, bởi nếu một thành viên đảng Dân chủ bước vào Nhà Trắng sau thời của ông Trump, mọi di sản của ông có thể bị xoá bỏ hoàn toàn, cũng giống như những gì đang diễn ra với di sản của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Thiện Minh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文