Park Geun Hye từ Tổng thống Hàn Quốc đến tù nhân mặc áo số 503
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị tố cáo thông đồng với bạn thân nhiều năm để biển thủ hàng chục triệu USD từ doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm nhiều tập đoàn lớn để dành lấy ưu đãi chính phủ. Choi Soon Sil đã bị xét xử về tội ép buộc người khác phạm tội và lạm dụng quyền lực.
Từ Tổng thống đến tù nhân mặc áo số 503
Tổng thống Hàn Quốc bị bãi nhiệm Park Geun Hye bây giờ đã trở thành tù nhân mặc áo số 503, bị nhốt trong phòng giam đơn độc trong thời gian các cán bộ kiểm sát xem xét quyết định có nên truy tố bà vì bê bối khiến “bà đầm thép Á Đông” ngày nào bị thất sủng.
Bà Park phờ phạc khi được đưa về trại giam |
Người phụ nữ từng nắm quyền Hàn Quốc đã trải qua đêm đầu tiên trong buồng giam đơn ở Trung tâm Cải huấn Seoul sau khi một tòa án hôm 31-3 ra lệnh tạm giam bà để điều tra hàng loạt tố cáo liên quan đến tham nhũng và làm lộ bí mật chính phủ.
Bà đã phải chụp ảnh hồ sơ hình sự và được giao một bộ dụng cụ trại giam bao gồm đồ dùng cá nhân, một khay đựng cơm-thức ăn và chăn, màn.
Khi cựu Tổng thống Roh Tae woo bị giam giữ năm 1995 ông được đưa vào một buồng giam rộng hơn 10,5 m vuông, lớn hơn buồng giam thông thường.
Phù hợp với tiền lệ này, Park nhận một buồng giam có kích thước tương tư như nơi từng giam Roh.
“Sau khi tắm rửa sạch sẽ, bà ấy đã thay đồ sọc xanh dành cho tù nhân mặc vào mùa Đông”, một quan chức Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho báo Joongang Ilbo biết.
Trên ngực áo tù của bà Park được thêu số 503, theo đó Tổng thống bị phế truất có thể biết thời gian bị tạm giam để điều tra có thể đến 503 ngày.
Park đã bật khóc khi các quản giáo chỉ cho bà thấy buồng giam, Đài truyền hình Chosun dẫn nguồn tin thực thi pháp luật cho hay
Công chúa Nhà Xanh một thời sẽ được cung cấp một bữa ăn cơ bản có giá chưa đến 1 USD.
Bà Park có thể gặp luật sư riêng nhiều lần trong một ngày từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều tại phòng tiếp xúc đặc biệt nếu bà muốn vì không có quy định ngăn cản tù nhân tiếp xúc với khách thăm nuôi.
Ngoài luật sư, bà Park cũng được phép tiếp nhận thăm nom từ các thành viên trong gia đình hoặc trợ lý nhưng chỉ được phép 1 lần/ngày và không kéo dài quá 10 phút, Đài phát thanh Quốc tế KBS đưa tin.
Các kiểm sát viên vẫn chưa xác định tội danh chính thức chống lại bà Park, nhưng trước đây họ cho biết bà bị nghi nhận hối lộ, đồng lõa phạm tội với người bạn thân Choi Soon sil và tiết lộ bí mật nhà nước.
Park bật khóc khi được các quản giáo chỉ cho buồng giam |
Cơ quan điều tra lên kế hoạch thẩm vấn bà vào đầu tuần tới, có thể bằng cách đến trại giam hoặc triệu tập nghi phạm đến văn phòng.
Nếu bị kết tội, cựu Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với tối thiểu 10 năm tù, các chuyên gia pháp luật cho hay.
Nỗi đau gia tộc chính trị quyền lực bậc nhất Hàn Quốc
Geun Hye có lẽ đã khiến cả gia tộc Park đau đớn vì bê bối tham nhũng khiến bà trở thành lãnh đạo đầu tiên của xứ sở kim chi bị bãi nhiệm.
Bây giờ, 65 tuổi, bà trở thành tâm điểm tại Nhà Xanh -Văn phòng Tổng thống nằm ở phía Bắc thuộc một trong những cung điện Hoàng gia Seoul, nơi bà từng tận hưởng một cuộc sống được nuông chiều vì là con gái đầu lòng của nhà độc tài quân sự Park Chung hee.
Mặc dù bị cáo buộc lạm dụng quyền lực, thân phụ của bà đã giám sát sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc trong thời kỳ cầm quyền từ năm 1961-1979. Một số người ủng hộ xem gia tộc Park như dòng dõi hoàng tộc và đối xử với Geun Hye như công chúa trong nhiều thập niên.
Công chúa Park Geun Hye (cô gái đứng giữa cao nhất) chụp ảnh cùng gia đình khi khoảng 10-12 tuổi |
Thân mẫu của bà Park, được nhiều người ca ngợi là một người vợ đảm đang và người mẹ hết lòng thương con trong xã hội truyền thống khắc nghiệt đã bị ám sát bởi một điệp viên Nhật gốc Triều Tiên.
Khi đang du học ở Pháp, Park Geun Hye trở về quê nhà để đảm trách vai trò thay mẹ làm “đệ nhất phu nhân” cho đến khi thân phụ bị cận vệ ám sát vào năm 1979 và kể từ đó bà càng nhận được nhiều sự thông cảm.
Park Geun hye lặng lẽ hoạt động chính trị mà không đạt được thành tích gì lớn lao trong gần 2 thập niên, cho đến khi bà tham gia ứng cử thành công để trở thành một nhà lập pháp vào năm 1998, trùng với thời điểm Hàn Quốc thoát khỏi khủng hoảng tài chính châu Á.
Bà trở thành một ngôi sao chính trị mới nổi trong hàng ngũ các chính trị gia Hàn Quốc bảo thủ, những người luôn nhớ đến cha mẹ bà từng giúp đất nước thoát khỏi nghèo đói.
Kể từ khi tận dụng ký ức gia đình và sự cảm thông dành cho cá nhân, bà thường xuyên tiến hành các cuộc vận động tranh cử. Bà Park nhanh chóng leo lên từng nấc thang chính trị, tận dụng biệt danh “nữ hoàng tranh cử” nhờ các cử tri bảo thủ trung thành, vững vàng lâu năm.
Thực tế bà Park chưa từng kết hôn và sống xa rời 2 người chị em như lời kể của bà, vì ở một đất nước như Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo khi dính đến tham nhũng đều bị cho lôi kéo thân nhân tham gia.
“Tôi kết hôn với Hàn Quốc. Tôi không có con. Hàn Quốc là gia đình tôi”, Park từng nói như vậy. Những người ủng hộ ví bà như Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất của Vương quốc Anh, một “Nữ hoàng băng trinh ngọc khiết”
Cuối cùng, bà Park trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 2012, giành số phiếu cao nhất so với bất kỳ ứng viên trong thời đại dân chủ ở quốc gia Đông Á.
Nhưng đó cũng là thời điểm bà chọn gia đình một mục sư Tin lành làm cố vấn, những người cuối cùng đã reo hạt giống cho sự sụp đổ của “bà đầm thép Á Đông”.
Mối quan hệ của bà với Choi Tae min, mục sư kết hôn 7 lần, thành lập một tổ chức tôn giáo bắt đầu vào những năm 1970 bắt đầu khi ông này gửi cho Park một bức thư nói “tiên tri” rằng ông tận mắt thấy cha mẹ của bà bị ám sát trong giấc mơ.
Ảnh hưởng của ông ngày càng tăng, như trong một tư liệu mật được Wikileaks xuất bản, nhấn mạnh đến lời đồn lan truyền rộng rãi: “ông hoàn toàn kiểm soát thân tâm của Tổng thống Park”.
Ông qua đời năm 1994, và con gái Choi Soon sil, trở thành một người bạn “tâm giao” của bà Park trong cuộc sống thường ngày.
Bà Park nhiều lần rơi nước mắt khi nói lời xin lỗi khi đọc diễn văn trên truyền hình, tự miêu tả bản thân là một nhà lãnh đạo “đơn thương độc mã”, bị cô lập đến nỗi mắc tội vì quá tin tưởng bạn.
“Đồng bào Hàn Quốc thương mến, kể từ khi tôi nhậm chức, tôi sống cuộc sống cô đơn. Tôi phải luôn vượt qua chính mình trong những thời điểm khắc nghiệt nhất. Đó là một thực tế khiến tôi cứng rắn”, Park từng phát biểu như vậy trên truyền hình vào năm ngoái.
Nhưng làn sóng bê bối tham nhũng và chính trị đã nhấn chìm những người ủng hộ bà, khiến hàng triệu người dân Hàn Quốc đổ xuống đường biểu tình yêu cầu bà từ chức.
Nhiều người trong đảng quay lưng chống lại Park Geun Hye bỏ phiếu tại Quốc hội để luận tội bà, thúc giục Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cuối cùng.
Quyền lực là "vô thường" và giờ trước mắt bà Park có con đường cô đơn |
Vụ bê bối bộc lộ tham nhũng có mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, như trong thời đại Park Chung hee, di sản gây chia rẽ mà ông để lại được coi là sự nghiệp chính trị của bà, nhiều nhà phê bình cho rằng bà kế thừa cách cai trị từ cha.
Các cuộc thăm dò trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc miêu tả bà Park là một nhân vật lạnh lùng, xa lạ, người quá tập trung vào vẻ bề ngoài và thường tỏ ra nóng nảy khi bị phê bình.
Park Geun Hye cũng bị tố cáo vô trách nhiệm đối với vụ chìm phà Sewol năm 2014, làm chết hơn 300 người, phần lớn là học sinh.
Ngoài ra, Park còn bị tố cáo ra lệnh cho các quan chức đàn áp và trừng phạt hàng ngàn nghệ sĩ lên tiếng công khai chỉ trích bà.