Park Geun-hye: Từ nữ "Tổng thống 5 nhất” đến phạm nhân sau song sắt nhà tù

10:44 07/04/2018
Sau hơn một năm tạm giam, cựu nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa chính thức bị kết án 24 năm tù với tội danh tham nhũng, trở thành Tổng thống dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất rồi bỏ tù.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 6-4 cho hay, Tòa án Quận trung tâm Seoul của Hàn Quốc đã tuyên án cựu nữ Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye 24 năm tù giam và phạt hành chính 18 tỷ won (gần 17 triệu USD) vì 16 tội danh, trong đó có cả tham nhũng, hối lộ, cưỡng ép và lạm dụng quyền lực. 

Cựu nữ Tổng thống Hàn Quốc được xét xử trong một phiên tòa vắng mặt do bà từ chối tham dự, cũng đồng thời là phiên tòa hiếm hoi được phát sóng truyền hình trực tiếp trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc. 

Với việc bị tuyên án tù, bà Park đã trở thành Tổng thống dân chủ đầu tiên của quốc gia Đông Á bị phế truất rồi bỏ tù trong một bê bối chính trị được coi là rúng động thế giới.

Cuộc đời đầy biến cố

Park Geun-hye sinh năm 1952 tại Daegu, thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc và là con gái lớn của cố Tổng thống Park Chung-hee. Phần lớn cuộc đời bà Park gắn với dinh thự Tổng thống Hàn Quốc, hay còn biết đến dưới tên gọi là Nhà Xanh. Bà tới đây lúc 11 tuổi khi cha mình đương chức Tổng thống, rời đi khi cha mình bị ám sát, rồi lại trở lại vinh quang dưới tư cách người đứng đầu đất nước, cuối cùng bà Park bị buộc rời khỏi đây để tới tòa án, nhà tù.

Bà Park (đứng sau cùng) trong bức ảnh không rõ ngày tháng chụp cùng cha mẹ và hai em. Ảnh: Yonhap

Bà Park sống thời niên thiếu khá sôi động nhưng bình an bên cạnh cha mẹ. Từ nhỏ bà Park đã được cho là có nhiều điểm tương đồng với cha - người đã dẫn dắt Hàn Quốc tạo ra "điều kỳ diệu trên sông Hàn", một thời đại chứng kiến sự phát triển thần tốc về kinh tế, làm thay đổi cơ bản đất nước Hàn Quốc, biến quốc gia này thành một trong những con hổ về kinh tế của châu Á. 

Lớn lên, là một người cá tính, bà Park đã ghi danh vào đại học Sogang năm 1970 với chuyền ngành kĩ thuật điện – một ngành học xa lạ với phụ nữ Á Đông thời đó. Sau khi tốt nghiệp, bà Park sang Pháp năm 1974 để tiếp tục con đường học vấn. Tuy nhiên, biến cố lớn đầu tiên đến với bà Park ngay năm này: vài tháng sau khi ra nước ngoài, bà Park buộc phải về nước sau khi mẹ bà là Đệ nhất phu nhân Yook Young-su thiệt mạng trong một vụ ám sát, vốn nhằm vào ông Park Chung-hee. 

Sau cái chết của mẹ, được nữ cựu Tổng thống Hàn Quốc mô tả như một cú sốc kinh khủng và “một cơn gió lạnh thổi vào trái tim”, bà tiếp tục sống ở Nhà Xanh với vai trò quyền Đệ nhất phu nhân. 

Tới năm 1979, một lần nữa “người đàn bà thép” phải đón nhận thông tin về cái chết của cha. Ông Park Chung-hee đã bị ám sát bởi một người thân cận – Giám đốc tình báo Kim Jae-kyu trong một bữa tiệc. Bà Park nhận tin cha mình đã chết khi bị đánh thức giữa đêm bởi nhân viên của Dinh Tổng thống.

Khu dinh thự của Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: ITN

Sau những biến cố đó, bà Park đã lui về “ở ẩn” 17 năm, khoảng thời gian mà bà từng chia sẻ trong tự truyện là “đã phải chịu đựng sự phản bội của nhiều trợ lý cũ của cha”. Trong suốt thời gian này, bà Park đã “ngày đêm” học hỏi và nghiên cứu trước khi trở lại chính trường một cách độc lập vào năm 1997. 

Một năm sau, với tài năng và khao khát cháy bỏng, bà Park trở thành thành viên Quốc hội Hàn Quốc, gia nhập đảng Quốc đại (GNP), tiền thân của đảng Hàn Quốc Tự do. Với cá tính mạnh mẽ đi kèm những tuyên bố cụ thể trong nỗ lực đưa Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng kinh tế, bà đã giúp đảng của mình giành được sự ủng hộ đông đảo của người dân với số ghế tương đối trong quốc hội và chính quyền địa phương. 

Năm 2007, bà thất bại đáng tiếc trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống khi GNP quyết định chọn ông Lee Myung-bak trở thành ứng viên với số phiếu bầu nhỉnh hơn không đáng kể. 

Bà Park Geun-hye hân hoan trong lễ nhậm chức. Ảnh: Reuters

Vào cuối năm 2012, bà Park đã đánh bại đối thủ đảng Tự do Moon Jae-in để trở thành Tổng thống Hàn Quốc nhờ sự ủng hộ của cử tri với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hình ảnh của một nữ lãnh đạo liêm khiết. 

Khi ấy bà được suy tôn là “nữ Tổng thống 5 nhất”: nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc và khu vực Đông Bắc Á; nữ Tổng thống đầu tiên thuộc thế hệ thứ hai của gia tộc Park sau cha mình là ông Park Chung-hee; nữ Tổng thống đầu tiên không kết hôn; nữ Tổng thống đầu tiên giành được quá bán phiếu bầu; và là nữ Tổng thống đầu tiên xuất thân từ một kĩ sư điện.

Mặc dù vậy, sự nghiệp điều hành đất nước của bà Park chỉ tốt đẹp được một năm, rồi nhanh chóng vướng phải sự phản đối sau vụ chìm phà Sewol ngày 16-4-2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là học sinh. Chính phủ Hàn Quốc khi đó bị cho là đã chậm trễ trong việc đối phó với thảm họa. Sau 4 năm tại vị, uy tín của “nữ Tổng thống 5 nhất” đã chạm đáy. 

Cuộc đời chính trị của bà Park đi xuống do bê bối với người bạn Choi Soon-sil. Ảnh: Yonhap

Theo một khảo sát được công bố tháng 9-2016, tỉ lệ tín nhiệm của bà Park chỉ đạt mức 5%, mức thấp nhất trong số tất cả các đời Tổng thống kể từ khi Hàn Quốc tuyên bố thành lập Nhà nước dân chủ vào những năm 1980. Vai trò "người đứng đầu Nhà Xanh" của bà Park chính thức chấm hết một cách "cay đắng" vào năm ngoái, sớm 1 năm so với nhiệm kỳ 5 năm, do vụ bê bối gắn liền với người bạn thân Choi Soon-sil.

Điêu đứng vì “tham nhũng”

Sự nghiệp của bà Park bắt đầu lung lay từ nửa sau năm 2016, khi truyền thông Hàn Quốc phát hiện ra những bằng chứng cho thấy, bạn thân của bà Park là bà Choi Soon-sil đã lợi dụng vị thế gần cận với Tổng thống của mình để tống tiền một số tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, SK Group và Lotte thông qua hai quỹ mà bà này kiểm soát. 

Tháng 10-2016, kênh truyền hình cáp JTBC của Hàn Quốc bất ngờ tuyến bố phát hiện 200 tập tin trong máy tính cá nhân của bà Choi, trong đó có 44 tập tin chứa bản sao những bài diễn văn của nữ cựu Tổng thống Park Geun-hye, theo tờ The Korea Times. 

Bà Park Geun-hye cúi đầu nhận lỗi vì bê bối liên quan đến người bạn thân. Ảnh: Yonhap

Các tệp tin đều được sao lưu vào máy tính của Choi trước khi bà Park phát biểu, theo đó đã củng cố một số suy đoán trước đó rằng bà Choi đã biên tập những bài phát biểu cho nữ cựu Tổng thống Hàn Quốc, và qua đó can thiệp trực tiếp vào các công việc quốc gia, dù không giữ vị trí nào cụ thể trong chính quyền. 

Ngày 25-10-2016, nữ cựu Tổng thống Park chính thức thừa nhận đã để cho bà Choi biên tập những bài phát biểu của mình trong những năm đầu lãnh đạo, đồng thời lên tiếng xin lỗi người dân vì sự việc "đáng tiếc". Tuy nhiên, lời xin lỗi của bà Park không được chấp nhận: giới chức Hàn Quốc quyết định mở một cuộc điều tra còn người dân thì biểu tình liên miên.

 Trong nhiều ngày sau đó, hàng triệu người đã xuống đường kêu gọi bà Park từ chức ngay lập tức hoặc luận tội nhà lãnh đạo này, theo Reuters. Cùng lúc, các nhà điều tra Hàn Quốc đã phanh phui ra hàng loạt "góc tối" trong 4 năm cầm quyền của bà Park với nhiều sai phạm nghiêm trọng có liên quan đến người bạn thân Choi và nhiều chính trị gia cũng như các nhà tài phiệt Hàn Quốc. 

Đầu 11-2016, Toà án Hàn Quốc bất ngờ phát lệnh bắt bà Choi cùng hai trợ lý của bà Park với cáo buộc lạm quyền và câu kết để gây sức ép buộc các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đóng góp tiền cho hai tổ chức phi lợi nhuận được cho là do bà Choi quản lý với số tiền lên đến hơn 100 triệu USD để đổi lại "ân huệ chính trị", đánh dấu bước bùng nổ trong vụ bê bối của bà Park.

Người biểu tình đốt pháo ăn mừng việc bà Park bị luận tội. Ảnh: Reuters

Dưới áp lực quá lớn, cuối tháng 11-2016, nữ cựu Tổng thống "5 nhất" của Hàn Quốc đã chấp nhận từ chức và đề nghị Quốc hội sắp xếp việc chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, các đảng đối lập bác bỏ đề nghị này, cáo buộc bà Park đang trốn tránh việc bị luận tội. 

Ngày 9-12-2016, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội cựu Tổng thống Park liên quan đến các cáo buộc tham nhũng, khiến bà bị đình chỉ quyền lãnh đạo. Tòa án Hiến pháp sau đó đã bắt đầu phiên đầu tiên xem xét kiến nghị luận tội bà Park, với thời hạn tối đa 180 ngày để ra phán quyết về kiến nghị luận tội này. 

Với động thái trên, một nhóm công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc đã được thành lập để chính thức điều tra về sự dính líu của bà Park trong vụ bê bối. Sau 10 tuần xem xét kỹ lưỡng, nhóm công tố viên đặc biệt tái khẳng định chính bà Park đã đồng lõa với bà Choi trong vụ nhận hối lộ gần 38 triệu USD từ Samsung trong một phi vụ sáp nhập thương mại năm 2015, theo Yonhap. 

Ngày 10-3-2017, bà Park chính thức bị Toà án Hiến pháp phế truất với hàng loạt cáo buộc hình sự. 20 ngày sau, bà Park bị bắt tạm giam cho tới phiên xét xử hôm 6-4 vừa qua.

Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong bị bắt. Ảnh: Reuters

Có thể nói, vụ bê bối chính trị của bà Park được xem là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong nhiều năm liền trong chính trường Hàn Quốc, đồng thời dẫn đến việc bắt giữ và truy tố nhiều "ông lớn" của kinh tế Hàn Quốc, trong đó phải kể tới Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong. 

Tuy nhiên, bất chấp những bằng chứng rõ ràng, trong suốt quãng thời gian qua, bà Park luôn khẳng định mình vô tội. Chuyên gia Jeong Han-wool của tổ chức nghiên cứu Hankook ở Seoul nhận định: "Bà Park phủ nhận mọi cáo buộc và không thể hiện sự ăn năn hay mong muốn chuộc lỗi, về mặt pháp lý lẫn chính trị, trong vụ bê bối có lẽ là gây sốc nhất lịch sử Hàn Quốc hiện đại". 

Theo chuyên gia này, với thái độ của bà Park cộng với sự phẫn nộ quá lớn của công chúng, nữ cựu Tổng thống Hàn Quốc dường như khó tránh khỏi việc ngồi tù tới lúc 90 tuổi.


Thiện Nhân (Tổng hợp)

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文