Thảm kịch trên tàu ngầm hạt nhân Liên Xô cách đây nửa thế kỷ

19:30 08/08/2020
Tàu ngầm hạt nhân K-27 thuộc Đề án 645 từng là niềm tự hào của Liên Xô nhờ mang trong mình những công nghệ vượt thời đại, nhưng cũng chính những công nghệ đó sau này trở thành nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.

Năm 1982, Liên Xô quyết định đánh đắm tàu ngầm hạt nhân K-27 nhưng không tháo dỡ hai lò phản ứng trên tàu. Kí ức về con tàu tưởng chừng như đã ngủ yên, nhưng gần đây, các chuyên gia cảnh báo K-27 có thể gây rò rỉ phóng xạ và gây ra một thảm hoạ tương tự như ở Chernobyl.

Tàu ngầm K-27 của Liên Xô. Ảnh: ITN

Cảnh báo này được người Nga xem xét nghiêm túc. Ngày 6/8, cơ quan năng lượng nguyên tử Nga Rosatom thông báo họ sẽ dành vài năm tới để nghiên cứu và chi nhiều triệu USD để trục vớt con tàu, trước khi đưa nó tới nơi mà nó có thể nằm yên mãi mãi.

Theo BBC, K-27 là tàu ngầm tàu ngầm hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Project 645 được Liên Xô chế tạo. Tàu hạ thuỷ năm 1958 và biên chế năm 1963, thời điểm cuộc chạy đua giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ trong "Chiến tranh Lạnh" vào giai đoạn đỉnh cao khi cả hai liên tiếp cho ra mắt những mẫu khí tài "tới từ tương lai".

Thật vậy, K-27 ngốn nhiều ngân sách và là một thành tựu khoa học kĩ thuật đáng tự hào của Liên xô vào thời đó, thậm chí được mệnh danh là "con cá vàng nhỏ" - dựa trên câu chuyện cổ tích về chú cá vàng biến những giấc mơ thành sự thật. Tàu là dự án đầu tiên trang bị hai lò phản ứng hạt nhân VT-1 làm mát bằng hợp kim dạng lỏng có thành phần gồm chì và bismuth, được mô tả là có kích thước nhỏ và công suất lớn hơn các lò phản ứng có thiết kế làm mát bằng hệ thống nước cao áp truyền thống.

Nhờ thiết kế ưu việt, con tàu có độ choán nước gần 4.400 tấn có thể ẩn mình nhiều tuần ở độ sâu hàng trăm m trong lòng biển mà không cần nổi lên hoặc tiếp liệu. K-27 từng lập kỷ lục ấn tượng khi trở thành tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên lặn 50 ngày liên tục.

Ngoài ra, thiết kế mới cũng khiến người Liên Xô tin con tàu rất an toàn và rằng nó sẽ không bao giờ vướng vào những sự cố chết người như một loạt tàu ngầm khác trong quá khứ. "Khi ủy ban đánh giá đến kiểm tra, họ ít khi xem khoang chứa lò phản ứng, thế nhưng thuyền trưởng Pavel Leonov của tàu đã ngồi trên một trong các lò phản ứng, để cho họ thấy là con tàu an toàn đến nhường nào", Vyacheslav Mazurenko, lúc đó 22 tuổi, là Chỉ huy trưởng an toàn (CWO) trên tàu nói với BBC cách đây không lâu.

Theo lời Mazurenko, thủy thủ đoàn của tàu K-27 cũng là những thành phần tinh hoa nhất của quân đội. Trong những năm đầu tiên phục vụ, con tàu hoạt động khá ổn, dù có vài sự cố xảy ra, và thường thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, nghiên cứu hoặc do thám hoạt động của khối quân sự đối địch NATO ở những vùng biển xa xôi.

Tháng 5/1968, giống như những nhiệm vụ khác, 144 thuỷ thủ Liên Xô trên tàu ngầm K-27 được lệnh lên đường đến Bắc Cực thu thập thông tin về căn cứ của NATO, thế nhưng đây lại là chuyến đi định mệnh của cả con tàu lẫn các thuỷ thủ.

Mazurenko kể lại, hành trình của tàu diễn ra suôn sẻ trong 5 ngày đầu tiên. Đến ngày thứ 6, sự cố nghiêm trọng đã xảy ra. Một trong hai lò phản ứng VT-1 gặp vấn đề với hệ thống làm mát, khiến năng lượng cấp cho tàu giảm đột ngột từ 87% xuống 7%. Cùng thời điểm đó, bức xạ gamma tăng vọt và rò rỉ nhanh chóng từ lò phản ứng sang các khoang lân cận.

Hình ảnh một lò phản ứng trên tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: ITN

"Tôi ở khoang 5, cạnh khoang số 4 chứa hai lò phản ứng. Khi trò chuyện với các đồng nghiệp, chúng tôi bỗng nghe thấy tiếng chạy gấp gáp. Chúng tôi có thiết bị phát hiện bức xạ trong khoang nhưng không ai bật. Thật thà mà nói, chẳng ai quan tâm đến thông số cho đến lúc kỹ thuật viên bật máy đo bức xạ. Mặt anh ấy đầy ngạc nhiên và sợ hãi", Mazurenko tiết lộ.

Khí nhiễm phóng xạ không có mùi vị gì nên các sĩ quan trẻ tuổi vẫn chưa hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Sau hai giờ, các thuyền viên ra khỏi khoang 4 nhưng một số người trong số họ được khiêng ra vì không thể tự đi được do nhiễm xạ nặng.

Thủy thủ đoàn tìm cách cho tàu nổi lên và trở lại căn cứ trên bán đảo Kola, biển Barents. Chuyến đi mất khoảng 5h. Khi về đến căn cứ, tàu nhận được lệnh phải di chuyển ra xa khỏi bờ biển bởi các thiết bị tại cảng đo được nồng độ phóng xạ rất cao phát ra từ tàu, ông Mazurenko nói thêm.

Kế tiếp, thủy thủ đoàn phải chèo thuyền 2km từ vị trí con tàu neo đậu để trở lại doanh trại. Một số chuyên gia trong thủy thủ đoàn phải ở lại trên khoang của chiếc tàu ngầm độc hại trong một ngày, bởi vì họ cần theo dõi các thiết bị trên đó.

Toàn bộ 144 người trên tàu đều được xác định nhiễm xạ. Mazurenko tiết lộ ông là một trong 10 thành viên được đưa đến bệnh viện một ngày sau vụ việc. Những người còn lại chỉ được đưa đến bệnh viện sau 5 ngày. 9 người trong số các thuỷ thủ đã qua đời trong quãng thời gian ngắn sau đó, trong khi những người còn lại phần lớn mắc những bệnh nghiêm trọng.

Hình ảnh của con tàu khi nó đang nằm dưới đáy biển Karra. Ảnh: ITN

Một số người đổ lỗi cho thuyền trưởng Pavel Leonov gây ra vụ tai nạn, nhưng ông Mazurenko nói rằng, vị thuyền trưởng lúc đó phải đối mặt với sự lựa chọn giữa cuộc sống và cái chết. "Khi tàu nổi lên mặt nước, cấp trên ra lệnh tắt động cơ và chờ chỉ thị đặc biệt. Nhưng thuyền trưởng Pavel Leonov quyết định tiếp tục hành trình trở về. Nếu dừng lại vài giờ nữa, không ai có thể sống sót", Mazurenko nói.

Sau thảm kịch, tháng 6/1968,  K-27 tạm dừng hoạt động tác chiến nhưng Liên Xô vẫn tiếp tục thực hiện nhiều thí nghiệm khác nhau trên tàu cho đến năm 1973. Có nguồn tin tiết lộ các chuyên gia Liên Xô cố gắng loại bỏ hai lò phản ứng VT-1 để thay nó bằng loại truyền thống, nhưng không thành công.

Đến năm 1979, quân đội Liên Xô loại biên K-27, biến nó trở thành một trong những khí tài có tuổi thọ ngắn nhất lịch sử quân đội Xô viết. Đến cuối năm 1982, tàu được đánh đắm tại vùng nước sâu 30 m trên biển Kara sau khi được đổ đầy bê tông và nhựa đường để bọc kín hai lò phản ứng và 90 kg nhiên liệu urani-235 bên trong.

Sau này, nhờ kinh nghiệm từ K-27, Liên Xô tiếp tục trang bị lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng kim loại lỏng cho tàu ngầm Đề án 705 "Lira". Cả 7 con tàu thuộc đề án này vẫn giữ kỷ lục là tàu ngầm tấn công hạt nhân có tốc độ nhanh nhất và khả năng lặn sâu nhất cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, chúng đã được loại biên do chi phí vận hành và bảo dưỡng quá cao khi Liên Xô tan rã.

Thiện Nhân

Sáng nay 4/12, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Phú Yên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) năm 2024. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ Công an.

Tiếp nối chiến công bắt đối tượng vận chuyển trái phép 18.000 viên ma túy tổng hợp (MTTH) qua biên giới vào ngày 2/12/2024, vào lúc 2h sáng nay 4/12, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, Công an huyện Đakrông phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh tiếp tục bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển ma túy số lượng lớn.  

Ngày 4/12, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Phước cùng các đơn vị chức năng liên quan xác minh nguyên nhân suối Một đổi màu đỏ bất thường.

Nguồn tin của PV Báo CAND cho biết, chiều nay (4/12), Giám đốc Xí nghiệp taxi Đà Nẵng (Công ty CP Thuận Phước Phát) đã ký Quyết định số 163/2024-QĐ-XNTXĐN áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với ông Đoàn Đại Chinh (trú tại Đà Nẵng), mã số nhân viên 154, điều khiển taxi BKS 43A-48440 do đã vi phạm nội quy công ty, gây ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lý khách hàng.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về Dự thảo quyết định việc sử dụng xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, quy định sẽ chỉ ban hành khi người dân đồng thuận.

Công trình cải tạo lát nền vỉa hè và vườn hoa tại địa bàn phường La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) thi công một cách chậm chạp suốt gần 3 tháng không hoàn thành khiến cho người dân sống xung quanh khu vực cũng không khỏi ngán ngẩm bởi sự bất tiện.

Nếu như những lần Festival hoa trước, lợi dụng nhu cầu du khách tới TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tham quan tăng đột biến, các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, đi lại, các điểm du lịch nhỏ thường tăng giá mạnh thì năm nay lại trái ngược hẳn.

Tối 3/12, tại Nhà hát Lớn đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X. Tác phẩm Tủ sách tiếng Việt (dành cho người Việt Nam ở nước ngoài) của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo đã đạt Giải Nhì – Hạng mục Sáng kiến sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文