5 điểm nóng định hình cục diện thế giới năm 2018
- Các lãnh đạo thế giới gửi gắm gì trong thông điệp Năm Mới
- Thế giới mở "đại tiệc ánh sáng" chào đón năm mới 2018
- Những dấu ấn quan trọng của thế giới năm 2017
- Syria muốn trở thành “trung tâm năng lượng” thế giới để khôi phục kinh tế
Thế giới năm 2017 chứng kiến nhiều sự kiện biến động và đầy kịch tính, từ việc Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ với hàng loạt quyết định bất ngờ, đến sự sụp đổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông hay sự leo thang nhanh chóng của cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và bùng phát trở lại căng thẳng Israel-Palestine.
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng, có vấn đề đã kết thúc với những kết quả cụ thể, song cũng còn đó những vấn đề nhức nhối chờ được "tháo gỡ" trong năm mới 2018 này.
Lùm xùm xung quanh các cuộc bầu cử Mỹ - Nga
Năm 2018 là thời điểm thế giới chứng kiến những lùm xùm liên quan đến các cuộc bầu cử trên khắp thế giới diễn biến theo hướng nào. Đầu tiên là liệu cáo buộc về cái gọi là "Nga can thiệp bầu cử Mỹ" có ảnh hưởng gì đến nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNN |
Trong năm 2017, Mỹ đã lựa chọn ra một công tố viên đặc biệt là cựu giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller để chủ trì điều tra về vấn đề này, cho thấy tham vọng tìm ra lời giải cho nghi án, vốn đẩy quan hệ Nga - Mỹ sâu hơn vào khủng hoảng.
Đã vài tháng trôi qua kể từ khi ông Mueller bắt đầu công tác "đặc biệt". Nhiều tin đồn liên tiếp được tung ra, song thông tin cụ thể thì lại vô cùng ít ỏi.
Reuters cho rằng, các vụ bắt giữ, thẩm vấn những nhân vật có tiếng gần đây như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn và trợ lý của ông Trump George Papadopoulos có thể báo hiệu rằng cuộc điều tra đã thu được những thông tin hữu ích.
Bởi vậy, năm 2018 sẽ là thời điểm thích hợp nhất để ông Mueller hoặc là công bố những bằng chứng để cáo buộc ông Trump có thông đồng với một thế lực nào đó ở Nga, hoặc là chính thức xoá tan những đồn đoán khiến đương kim Tổng thống Mỹ rắc rối suốt hơn 1 năm qua.
Trong năm nay, Mỹ cũng chứng kiến cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, được coi là bài sát hạch quan trọng đối với quyền lực của Tổng thống Trump. Kết quả của cuộc điều tra nghi án "Nga can thiệp bầu cử" sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lần bầu cử này.
Công tố viên đặc biệt Mueller được cho là sẽ công bố nhiều thông tin quan trọng trong năm 2018. Ảnh: ITN |
Nếu ông Trump gặp bất lợi, đảng Dân chủ rất có thể sẽ vươn lên giành lại quyền kiểm soát thượng viện hoặc hạ viện. Điều này sẽ nhanh chóng khiến ông gặp khó ở quốc hội khi đệ trình bất cứ văn bản nào.
Thứ hai, năm nay cũng là thời điểm Nga tổ chức cuộc bầu cử quan trọng cho nhiệm kỳ Tổng thống Nga 2018-2024, với sự tái tranh cử của đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin - vốn khiến không ít người Mỹ tỏ ra "khó chịu".
Trong vài tuần qua, vì lùm xùm liên quan đến việc Uỷ ban bầu cử Nga bác tư cách tranh cử của một ứng viên đang chịu án tù, Mỹ lập tức có những phản ứng cho rằng Moscow gây áp lực lên các ứng viên tranh cử Tổng thống tự do.
Nga sau đó đã mạnh mẽ cáo buộc Washington vì phản ứng trên, coi đây là hành vi "can thiệp bầu cử". Giới quan sát lo ngại rằng, những pha đối đáp "ăn miếng, trả miếng" liên tiếp giữa Moscow và Washington có thể kéo hai nước vào sâu hơn khủng hoảng vì các cuộc bầu cử.
Khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên
Reuters cho rằng diễn biến trên bán đảo Triều Tiên không phải là một vấn đề quá khó để dự đoán. Năm 2017 chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên với ít nhất 15 vụ thử tên lửa và 1 vụ thử hạt nhân, bao gồm vụ thử tên lửa Hwasong-15 đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên trong một vụ bắn thử. Ảnh: Reuters |
Nhìn vào tình hình hiện nay, ông Kim Jong Un nhiều khả năng sẽ tiếp tục cho tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân với sức công phá ngày càng lớn, cho thấy khả năng tấn công lục địa Mỹ của Bình Nhưỡng cũng tăng lên nhanh chóng.
Trong bối cảnh đó, Washington sẽ trở nên cứng rắn hơn, tìm kiếm thêm nhiều biện pháp nhằm cô lập Triều Tiên. Theo giới quan sát, một phương án quân sự rất khó có thể xảy ra, song không phải là không thể bởi Mỹ gần đây liên tiếp nhắc đến "từ khoá" này trong các tuyên bố nhằm vào Bình Nhưỡng.
Một vấn đề kế tiếp chương trình hạt nhân và tên lửa đó là những cáo buộc rằng Bình Nhưỡng đã tấn công mạng Washington của Mỹ. Tờ Gazeta của Nga cho rằng, trong năm 2018, giữa Mỹ và Triều Tiên có thể hình thành một cuộc xung đột quy mô lớn trên không gian mạng.
Bán đảo Triều Tiên còn khiến thế giới nóng lên bởi các hệ thống vũ khí mà Mỹ triển khai đến khu vực này, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở Hàn Quốc và AEGIS ở Nhật Bản.
Nga và Trung Quốc dù ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, song kiên quyết phản đối việc Mỹ triển khai vũ khí trong khu vực, cho rằng đây là một biện pháp không phù hợp và có thể thay đổi cán cân quân sự theo hướng có hại cho Bắc Kinh và Moscow.
Bùng nổ xung đột mới ở Trung Đông
Bàn cờ Trung Đông chưa bao giờ dễ hóa giải bởi sự khác biệt về ý thức hệ và tôn giáo. Quan hệ giữa các nước trong khu vực này cũng không hề rõ ràng, do có sự xung đột, chồng chéo về lợi ích chiến lược. Việc IS đại bại theo đó cũng không thể khiến "chảo lửa" Trung Đông trở nên yên bình.
Người Palestine đụng độ với giới chức Israel sau quyết định của ông Trump. Ảnh: AP |
Hôm đầu tháng 12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đánh dấu sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực nhạy cảm này trong suốt nhiều thập kỷ.
Quyết định của Tổng thống Trump nhanh chóng khiến bầu không khí vốn không bình yên tại khu vực này biến thành bạo lực thực sự với hàng loạt cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel, cùng với đó là các cuộc biểu tình khác tại những quốc gia Arab.
Trong những tuyên bố sau đó, các nước Arab - vốn chiếm đa số ở Trung Đông, bao gồm cả những đồng minh thân cận của Mỹ, cho rằng Washington đã tự mình từ bỏ vai trò trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng ở Jerusalem, nói rộng hơn là giữa người Do Thái và người Arab Hồi giáo.
Cùng với việc Nga gia tăng chóng mặt ảnh hưởng của mình ở Trung Đông, các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ đánh mất sự ảnh hưởng trong khu vực, dẫn đến việc hoạt động quân sự của Washington dần mờ nhạt, thay vì luôn ở thế dẫn đầu như hàng thập kỷ qua.
Thời gian gần đây, Iran đã tăng cường ảnh hưởng ở Iraq và Syria. Nhiều khả năng Saudi Arabia cùng các đồng minh Vùng Vịnh sẽ đẩy mạnh hơn bao giờ hết cuộc đối đầu với đối thủ Iran trong năm 2018 này.
Yemen sẽ tiếp tục là chiến trường đẫm máu, chìm trong thảm hoạ nhân đạo. Ảnh: WTO |
Theo diễn biến đó, cuộc chiến tại Yemen nhiều khả năng sẽ tiếp tục là chiến trường đẫm máu nhất, một thảm họa nhân đạo nhưng gần như bị thế giới lãng quên. Đây là nơi tranh giành quyền lực của phe quân chính phủ do Ryiadh hậu thuẫn, phe còn lại là Houthi do Tehran bảo trợ.
Một vấn đề nổi cộm khác cần được quan tâm là mục tiêu gia tăng ảnh hưởng của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và nhất là miền Bắc Iraq, sau cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi hồi tháng 9-2017.
Lục địa già đối mặt bất ổn
Lục địa già vừa trải qua một năm 2017 đầy biến động. Sau cú sốc Brexit, Pháp và Hà Lan đã thành công trong việc chống lại những thách thức bầu cử từ các đảng cực hữu. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel - người đang thể hiện vai trò dẫn dắt châu Âu - lại không thể thành lập một chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử hồi tháng 10.
Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị ở Tây Ban Nha cũng vẫn tiếp tục diễn ra năm 2018 với sự lớn mạnh của các đảng ủng hộ Catalonia độc lập, nhất là sau cuộc bầu cử hôm 21-12. Không ai dám chắc rằng một cuộc trưng cầu ý dân khác không diễn ra vào năm nay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Có thể nói rằng, các vấn đề mà châu Âu đang đối mặt sẽ vẫn hiện hữu và chờ đợi sự giải quyết trong năm 2018 như: mối lo khủng bố xuất phát từ các chính sách nhập cư, cuộc vật lộn để duy trì Khu vực đồng tiền chung euro, và cả các cuộc đàm phán khó khăn để tiến hành Brexit.
Trong năm nay, một loạt các nước như tại Bỉ, Czech, Hà Lan, Phần Lan, Hungary, Ireland, Italy và Thụy Điển sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quy mô khác nhau. Châu Âu phải thực sự đoàn kết và tìm đúng hướng đi, nếu không muốn lực lượng dân túy có cơ hội gia tăng ảnh hưởng.
Xung đột Ukraine liệu có ngã ngũ?
Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã diễn ra gần 4 năm, song bị phủ bóng bởi các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới trong năm qua, được dự báo sẽ nóng lên vào năm 2018 này. Đây cũng chính là yếu tố mấu chốt khiến quan hệ châu Âu và Nga lâm vào khủng hoảng.
Một binh lính thuộc lực lượng ly khai Đông Ukraine đứng bên một chiếc xe tăng hạng nặng. Ảnh: Reuters |
Các cuộc tranh cãi, trừng phạt vì Đông Ukraine dường như đã khiến cả Nga và châu Âu quá mệt mỏi. Trong bối cảnh châu Âu đang đau đầu giải quyết các vấn đề nội tại, Brussels có thể sẽ sớm muốn ngồi lại cùng Moscow để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, qua đó xoa dịu căng thẳng châu Âu- Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu nỗ lực của các bên không đủ để xoa dịu xung đột ở Đông Ukraine, nó có thể nhanh chóng leo thang, biến thành một cuộc chiến tranh thực sự và kéo theo sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Cuộc xung đột ở đây đến nay đã cướp đi mạng sống của hơn 10.000 người, khiến khoảng 1,6 triệu người mất nhà cửa.