Trung - Ấn và cuộc chạy đua giành ảnh hưởng ở Nepal
Cuộc đua giành ảnh hưởng tại Nepal của Trung Quốc và Ấn Độ không phải bây giờ mới xuất hiện nhưng nó đã được đẩy lên một nấc thang mới. Chính “tốc độ phản ứng” của Ấn Độ và Trung Quốc đối với thảm họa động đất xảy ra tại Nepal hôm 25/4 lại một lần nữa cho thấy mức độ căng thẳng trong cuộc chiến mà hai người khổng lồ của châu Á “phát động” tại vương quốc Himalaya nhỏ bé.
Theo ông Joseph Cheng – Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), “cả hai nước đều muốn để lại những hình ảnh tốt ở Nepal và giành chiến thắng trong trái tim của người dân Nepal”. Hiện Ấn Độ đang hỗ trợ Nepal về mặt y tế, giáo dục và viễn thông. Còn Trung Quốc đã và đang xây dựng đường giao thông dọc theo biên giới của họ. Bên cạnh đó, sau thảm họa thiên nhiên này, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong công việc lâu dài và tốn kém nhằm tái thiết lại đất nước Nepal. Điều này đồng nghĩa với cuộc cạnh tranh địa chính trị sẽ tăng cao.
Ai nhanh hơn ai?
Thực tế đã cho thấy, chỉ 4 giờ sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7,9 độ richter, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.200 người tính tới nay, Ấn Độ là quốc gia có phản ứng nhanh nhất khi cử tới thủ đô Kathmandu máy bay cùng chuyên gia cứu hộ, lực lượng phản ứng thảm họa quốc gia, bác sĩ, thực phẩm, thuốc men. Trung Quốc thì chậm chân hơn khi tới ngày 28-4 mới cử tới Nepal những chuyên gia cứu hộ cùng chó nghiệp vụ, thiết bị y tế, chăn, máy phát điện và lều.
Các nhà lãnh đạo của cả hai nước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã chẳng lãng phí thời gian trong việc gửi lời chia buồn tới Chính phủ và người dân Nepal. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều thốt lên rằng: “Đối với rất nhiều người ở đất nước chúng tôi, người dân Nepal đã là một phần của dân tộc chúng tôi”.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không muốn chậm chân trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại Nepal. Ảnh: EPA. |
Giáo sư Cheng đánh giá, họ (Trung Quốc và Ấn Độ - PV) đang muốn cả thế giới biết “họ là cường quốc lớn với sự gia tăng nguồn lực kinh tế, và đã sẵn sàng để hành xử như một cách thân thiện trong khu vực”. Cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh trong các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, và cung cấp khoản viện trợ nhằm giành lấy thiện cảm của Nepal.
Trong khi đó, những người Nepal tại nước ngoài cũng đã viết thư khẩn thiết gửi đến các tổ chức cứu trợ quốc tế, rằng: hãy giúp đỡ cụ thể và trực tiếp người dân Nepal, đừng đổ quá nhiều tiền vào chính phủ nước này vì họ cũng chính là nạn nhân của tham nhũng và lạm quyền - điều khiến quốc gia này chỉ còn những di sản đáng kính trong quá khứ và tương lai vẫn là viễn cảnh đói nghèo liên miên.
Ai đang có lợi thế?
Trong nhiều năm qua, ảnh hưởng của New Delhi tới Kathmandu đã phai nhạt. Mặc dù vậy, Ấn Độ lại có vị trí địa lý, ngôn ngữ, văn hóa gần với Nepal hơn Trung Quốc. Chuyên gia về Nepal tại Đại học London Michael Hutt giải thích: “Ấn Độ đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền chính trị Nepal, cũng như trong các đảng phái của nước này”. Người dân Nepal vẫn tiếp tục tham gia các trung đoàn Gurkha thuộc Quân đội Ấn Độ. Và nguồn vũ khí chính của Quân đội Nepal chính là New Delhi. Theo Prashant Jha – tác giả cuốn sách “Những trận chiến vì một nước cộng hòa mới: Lịch sử đương đại của Nepal”, trên thực tế, việc cả hai nước Ấn Độ và Nepal thực hiện chính sách biên giới mở giúp chúng ta hiểu ra rằng, sự quan tâm chính của Ấn Độ ở Nepal là an ninh. Jha cho biết: “New Delhi cần một chính phủ thân thiện tại Kathmandu để ngăn việc Bắc Kinh chiếm thế thượng phong trong cuộc đua giành ảnh hưởng”. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi là quan hệ với các nước trong khu vực là ưu tiên hàng đầu.
Thủ tướng Ấn Độ cũng đang nỗ lực nối lại mối quan hệ với Nepal thông qua một hiệp định song phương cho nước này vay vốn 1 triệu USD ưu đãi. Từ đó cho thấy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ là quốc gia có phản ứng nhanh nhất khi thảm họa thiên nhiên xảy ra tại nước láng giềng. Ông Harsh V. Pant – Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Kings College, London – chỉ ra rằng: “Nepal thực sự rất quan trọng đối với Ấn Độ và chiếm một vị trí đặc biệt trong suy nghĩ của họ. Và không thể so sánh mối quan hệ này với Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng: “Phản ứng của Ấn Độ trước trận động đất là quan trọng, dù có thể hiểu theo bất kỳ nghĩa nào”.
Tuy nhiên, chính sự phai nhạt trong ảnh hưởng của New Delhi đối với Kathmandu trong những năm qua đã giúp Bắc Kinh đạt được một lực kéo quan trọng và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nepal đang tăng lên nhanh chóng. Có thể thấy rõ điều này qua việc, năm ngoái, Bắc Kinh đã vượt mặt New Delhi và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nepal.
Chính phủ Nepal cũng đã cho phép Tập đoàn Tam Hiệp xây dựng một dự án thủy điện trị giá 1,6 tỷ USD. Hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng 67% từ năm 2010 đến năm 2013. Chính phủ Trung Quốc đầu tư vào đường sá, nhà máy điện, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng. Giao thương giữa Bắc Kinh và Kathmandu vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Hàng ngàn người Tây Tạng (Trung Quốc) đã tới Nepal tìm kiếm việc làm và Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng rằng, Chính phủ Nepal phải kiềm chế hoạt động của những người này trên lãnh thổ nước này. Đáp lại, Nepal đã buộc nhiều người Tây Tạng (Trung Quốc) phải hồi hương với lí do họ vi phạm các quy định quốc tế - theo một báo cáo năm 2013 của Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch).
Về đường lối chính trị, làn sóng ủng hộ dân chủ Nepal trong quốc hội vốn được thành lập vào năm 1947 đã có quan hệ hữu nghị sâu sắc với lịch sử Ấn Độ, nhưng điều đó có thể thay đổi khi Trung Quốc rót tiền ồ ạt. Giáo sư Pant nhận định, “Nepal đã sẵn sàng hơn để xử lý uyển chuyển mối quan hệ của họ với hai gã khổng lồ của châu Á”.
Khổng Hà