Chặng đường gia nhập Nga của Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia

07:11 30/09/2022

Các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia dự kiến gia nhập Nga hôm nay (30/9), trong động thái được mô tả là sẽ thay đổi đáng kể tình hình ở Ukraine trong nhiều năm tới.

Chiều 30/9, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dự lễ kí kết các thỏa thuận về tiếp nhận các tỉnh Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass; Kherson và Zaporizhzhia ở Nam Ukraine trở thành bộ phận của Nga, có vị thế như các chủ thể liên bang, tương tự Crimea năm 2014.

Bản đồ tình hình chiến sự ở Ukraine tính đến tháng 9/2022. Đồ hoạ: WP/VNE

Theo RiaNovosti, sau khi sáp nhập với Nga, Donetsk và Lugansk sẽ được coi là các nước cộng hòa trực thuộc, được giữ nguyên tên gọi, lá cờ; các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia giữ nguyên tên gọi. Tính đến thời điểm hiện tại, Nga kiểm soát hầu hết ranh giới tỉnh Lugansk và Kherson; khoảng 60% diện tích Donetsk và gần 80% diện tích Zaporizhzhia.

Trong đó, Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass, có diện tích lần lượt là 26.500km2 và 26.700km2 (chiếm gần 10% diện tích Ukraine) , giáp biên giới được quốc tế công nhận của Nga và là khu vực công nghiệp phát triển của Ukraine với hầu hết dân số nói tiếng Nga. Số liệu năm 2020 của Ukraine cho thấy Donetsk có 4,1 triệu dân, Lugansk có 2,2 triệu dân.

Tuy nhiên, Sputnik dẫn số liệu thống kê của chính quyền miền Đông cho hay, tính đến tháng 3/2022, Donetsk chỉ có gần 2,2 triệu dân, Lugansk có 1,4 triệu dân (nhiều người dân Donbass đã di chuyển sang Nga do căng thẳng leo thang từ cuối năm 2021).

Donetsk và Lugansk có lịch sử gắn bó với Nga. Giai đoạn 2013-2014, sau cuộc chính biến ở Kiev và Crimea được sáp nhập vào Nga, các cuộc biểu tình ở Donbass đã leo thang thành một cuộc nổi dậy ly khai vũ trang.

Năm 2014, lực lượng miền Đông đã tiến hành trưng cầu dân ý, tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng nhưng chưa được nước nào, kể cả Nga, công nhận. DPR và LPR cũng bày tỏ mong muốn sáp nhập với Nga giống Crimea, nhưng Moscow khi đó không ủng hộ kế hoạch này.

Nhà ga sân bay ở thành phố Donetsk bị phá hủy trong giao tranh hồi tháng 10/2014. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, 2 thực thể này khi đó chỉ kiểm soát một phần phía Đông Nam vùng Donbass, nhưng bao gồm cả 2 thành phố là Donetsk và Lugansk, trong đó thành phố Donetsk được xem là thủ phủ của cả Donbass chứ không chỉ của tỉnh Donetsk.

Trong vòng 8 năm tiếp theo, các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt giữa quân đội Ukraine và lực lượng miền Đông, làm hàng ngàn người thiệt mạng. Ukraine và phương Tây giai đoạn này cáo buộc Nga hậu thuẫn, cấp vũ khí cho dân quân miền Đông, nhưng Moscow bác bỏ.

Trước những diễn biến không thuận trên bàn đàm phán, trong đó có các cuộc đàm phán về thực thi thỏa thuận Minsk về tình hình Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2019 đã kí sắc lệnh nới lỏng quy định cấp hộ chiếu Nga với cư dân Donbass.

Đoàn xe quân sự của Nga và lực lượng dân quân miền Đông được sơn chữ Z ở giai đoạn đầu chiến sự. Ảnh: Reuters

Đến tháng 2/2022, số liệu chính thức cho thấy khoảng 800.000 cư dân Donbass đã nhận hộ chiếu Nga. Cuối năm ngoái, Nga cũng dỡ bỏ lệnh cấm xuất nhập khẩu hàng hóa giữa nước này với các vùng ở Donetsk và Lugansk. Những hành động này bị phía Kiev phản đối.

Hôm 21/2, viện dẫn thất bại trong thực thi thỏa thuận Minsk, Tổng thống Putin kí lệnh công nhận DPR và LPR. Ngày 24/2, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đặt mục tiêu "giải phóng" lãnh thổ mà DPR và LPR nêu trong hiến pháp của họ, tức toàn bộ diện tích Donetsk và Lugansk.

Sau vài tháng giao tranh, Nga tuyên bố kiểm soát toàn bộ Lugansk vào ngày 3/7. Tại Donetsk, lực lượng Nga đẩy lùi Ukraine khỏi các đô thị gần biển Azov, nổi bật là Mariupol. Các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở Donetsk và cả Nga lẫn Ukraine đều coi Donetsk là mục tiêu chính của giai đoạn chiến sự hiện nay.

Nằm dọc hành lang kết nối lãnh thổ Nga tới Crimea, Kherson Zaporizhzhia có tổng diện tích hơn 50.000km2, tiếp giáp biển Azov và biển Đen.

Thủ phủ tỉnh Kherson, thành phố Kherson do Nữ hoàng Ekaterina II thành lập năm 1778 từng là nơi đặt cơ quan quản lý Hạm đội Biển Đen (1785-1794), trước khi nó được chuyển đến thành phố Mykolaiv do yêu cầu của hoạt động đóng tàu chiến.

Cờ Nga được treo trên nóc tòa nhà hành chính Kherson. Ảnh: GettyImages

Trong khi đó, Zaporizhzhia là một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất châu Âu, nơi đặt nhà máy thủy điện Dnipro – cơ sở thủy điện lớn nhất trên sông Dnipro và nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu cùng tên, đặt tại thành phố Enerhodar, do Liên Xô xây dựng.

Ngay từ thời điểm Nga mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt, các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine ở Kherson và Zaporizhzhia đã bị nhắm mục tiêu. Lực lượng trên biển của Nga áp đảo Ukraine tại cả biển Đen và biển Azov, trong khi lực lượng trên bộ tiến vào Kherson từ bán đảo Crimea.

Số liệu năm 2020 cho thấy Kherson có khoảng 1 triệu dân và khoảng một nửa trong số đó nói tiếng Nga. Nỗ lực kiểm soát Kherson của Nga không gặp nhiều rào cản. Một tuần sau ngày 24/2, lực lượng Nga đã kiểm soát thành công thành phố Kherson.

Giữa tháng 3/2022, Nga tuyên bố kiểm soát toàn bộ tỉnh Kherson, đánh dấu thành công lớn đầu tiên trong chiến dịch quân sự. Không lâu sau, một chính quyền quân sự-dân sự được lập ra tại Kherson. Vùng này cũng thực hiện các bước đi xích lại gần Nga như chuyển sang dùng đồng ruble, áp dụng luật pháp Nga…

Binh sĩ Nga xuất hiện ở cổng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AP

Song song với đà tiến công ở Kherson, Nga nhanh chóng tiếp cận phần lãnh thổ Zaporizhzhia từ hướng Crimea. Số liệu năm 2001 cho thấy, người Nga chỉ chiếm 25,4% dân số tỉnh này, nhưng tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ được sử dụng đa số tại đây.

Ngày 28/2, Nga tiếp cận thành phố năng lượng Enerhodar. Đến ngày 4/3, Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, sau đó nhanh chóng mở rộng kiểm soát phần lãnh thổ tỉnh Zaporizhzhia ở bờ Đông Nam sông Dnipro.

Đến ngày 8/3, Nga đã kiểm soát các thành phố lớn Berdyansk, Enerhodar, Melitopol, Vasylivka, Tokmak và Polohy ở tỉnh Zaporizhzhia, trong khi thành phố thủ phủ Zaporizhzhia vẫn do Ukraine kiểm soát. Một chính quyền mới cũng được thiết lập ở phần lãnh thổ Nga kiểm soát tại Zaporizhzhia, đặt trụ sở ở thành phố Melitopol.

Trong vài tháng tiếp theo, cục diện chiến trường ở Kherson và Zaporizhzhia không có nhiều thay đổi khi Kiev ổn định được lực lượng để phòng thủ, còn Nga cũng giảm đà tiến công để tập trung vào mặt trận Donbass.

Ủy ban bầu cử một khu vực ở Lugansk thực hiện đếm phiếu bầu trong cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: RiaNovosti

Từ cuối tháng 8/2022, Ukraine nỗ lực phản công Nga tại 2 tỉnh này, nhưng chỉ tái kiểm soát một số làng mạc ở vùng đệm và không thay đổi đáng kể cục diện chiến sự dọc chiến tuyến phía Nam.

Cùng với DPR, LPR, chính quyền quân sự-dân sự ở Kherson và Zaporizhzhia đã tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga từ ngày 23 đến 27/9. Kết quả công bố sáng 28/9 cho thấy tỷ lệ cử tri bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập Nga của Donetsk là 99,23%, của Lugansk là 98,42%, của Zaporizhzhia là 93,11% và của Kherson là 87,05%.

Hàng ngàn người tuần hành ở Moscow ủng hộ các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 tỉnh Ukraine. Ảnh: Sputnik

Theo TASS, tổng số cử tri tham gia trưng cầu dân ý của Donetsk là 97,51%, của Lugansk là 94,15%, của Zaporizhzhia là 85% và của Kherson là 78,86%. Hoạt động bỏ phiếu cũng diễn ra tại Nga để những cư dân các vùng này di chuyển sang Nga có cơ hội bày tỏ quan điểm.

Dù Ukraine và phương Tây cương quyết phản đối, đại diện các vùng Kherson, Zaporizhzhia, DPR và LPR khẳng định các cuộc trưng cầu diễn ra đúng quy tắc quốc tế.

Thiện Nhân

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文