EU dành 3 tỷ Euro để kiểm soát dòng người di cư từ cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ

08:41 10/12/2015
Sau nhiều vòng thảo luận, cuối cùng, tại phiên họp của Hội đồng kinh tế tài chính Liên minh châu Âu (ECOFIN) tối 8-12, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí hỗ trợ 3 tỷ Euro cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát dòng người di cư đang đổ “như thác lũ” vào khu vực này.


Thống kê của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 880.000 người tị nạn và nhập cư từ châu Phi, châu Á và Trung Đông đến châu Âu. Tất cả những người lần đầu tiên di cư này đều hướng đến rìa Đông và Nam của EU, sau đó là vượt biên bất hợp pháp tới những nước xa hơn về phía Bắc và phía Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ chặn dòng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu qua tuyến đường biển Aegean đến Hy Lạp. Ảnh: AP.

Các nhà phân tích nhận định rằng, đây là làn sóng di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Điều đáng nói là dù EU đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý song đều không hiệu quả. Khi mùa đông đến, số người di cư mới có vẻ giảm nhưng hàng ngàn người di cư đã đến vẫn mắc kẹt tại các cửa khẩu do bị các nước vùng Balkan đóng cửa. Dòng người di cư ùa vào các nước châu Âu đang tạo nên những mối lo ngại mới về an ninh, an sinh xã hội và về nguy cơ bùng phát bạo lực do những phân biệt, kỳ thị về sắc tộc, tôn giáo.

Thêm một vấn đề nữa là khi các nước Tây Âu như Đức mở rộng cửa đón người nhập cư thì nước này cũng không thể đủ chỗ cho người di cư ở. Việc phân bổ hạn ngạch cho các quốc gia thành viên thì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Quanh đi quẩn lại, giới chức EU rơi vào một vòng mê cung trong quá trình tìm giải pháp cho vấn nạn di cư này.

Cung đường của người tị nạn, theo nhận định của các chuyên gia là chủ yếu qua cửa ngõ Hy Lạp, Italia sau khi vượt Địa Trung Hải. EU đã quyết định hỗ trợ chính quyền Athens để đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý dòng người di cư. Và khi công tác rà soát thông tin của người xin tị nạn được siết chặt tại Hy Lạp, EU bắt đầu tính đến nước cờ xa hơn là ngăn chặn người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Syria.

Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU đã đồng ý hỗ trợ tới 3 tỷ Euro cho chính quyền Ankara kiểm soát dòng người di cư. Số tiền này, theo quyết định được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Kinh tế tài chính EU, sẽ được phân bổ trong thời gian 2 năm, năm 2016 và năm 2017. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ giám sát việc giải ngân này.

Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chăm lo cho 2,3 triệu dân Syria đang tạm trú tại nước này và EU có thể tăng cường hạn chế người di cư đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các đảo Hy Lạp, ngăn cản người Afghanistan cùng dân di cư châu Á qua Thổ Nhĩ Kỳ vào EU. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ mở hàng loạt chiến dịch trấn áp các băng đảng buôn người.

Hãng tin BBC thì cho biết, khoản tiền 3 tỷ Euro sẽ được cung cấp thông qua các tổ chức hoạt động vì người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một thiết bị theo dõi điện tử sẽ được lắp đặt nhằm kiểm tra xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tuân thủ các cam kết không. Giới quan sát nhận định, với thỏa thuận mới vừa được ký cùng EU, Thổ Nhĩ Kỳ đã “lợi đơn, lợi kép”. Bởi lẽ, để thuyết phục được Ankara hỗ trợ trong chiến dịch giảm tải nạn di cư, EU đã cam kết sẽ tiến hành các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề quy chế thành viên trong EU của nước này. Quá trình liên kết với EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sớm được nối lại. Thậm chí, trong trường hợp Ankara có thể kìm hãm được dòng người nhập cư vào châu Âu thì nhiều khả năng EU sẽ thực hiện ngay quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016.

Đến nay, theo thông tin mà hãng Reuters có được từ UNHCR, trong tháng 11 vừa qua, có vẻ như số người di cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu đã giảm 1/3 do Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn các tổ chức buôn người trên biển Aegean, tuyến đường đến Hy Lạp.

Sông Thương

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文