Hé lộ tình tiết mới trong vụ FBI đột kích dinh thự của ông Trump
Truyền thông Mỹ ngày 14/8 đã đồng loạt đưa tin về nguyên nhân dẫn tới việc Cục Điều tra Liên bang (FBI) đột kích dinh thự của gia đình cựu Tổng thống Donald Trump tại Mar-a-Lago. Theo đó, sự việc có liên quan tới một văn bản mà luật sư của ông Trump từng ký.
Mập mờ về các tài liệu mật
New York Times, CNBC hay CNN ngày 14/8 đã trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, ít nhất một luật sư của cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6 vừa qua đã ký một văn bản, khẳng định tất cả các tài liệu thuộc phân loại mật mà cựu Tổng thống giữ tại dinh thự Mar-a-Lago sau khi rời Nhà Trắng, đều đã được gửi trả lại chính phủ.
Cụ thể, văn bản mà luật sư của cựu Tổng thống Trump ký được tiến hành khi Jay I. Bratt, quan chức phản gián trong bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ tới Mar-a-Lago hôm 3/6.
Mặc dù bản cam kết đã được công bố nhưng Bộ Tư pháp nước này vẫn lo ngại rằng số tài liệu phía ông Trump trả lại chưa thực sự đầy đủ như cam kết, bởi trong số 15 thùng giấy tờ mà Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia kiểm kê, có rất nhiều tài liệu đóng dấu mật. Do đó, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc FBI đột kích dinh thự của ông Trump tại Mar-a-Lago.
Theo bản kiểm kê những tài liệu thu giữ được khi khám nhà cựu Tổng thống hôm 8/8, các đặc vụ nêu rõ đã thu hồi 11 tệp tài liệu, trong đó có ba tệp tài liệu đóng dấu "mật", ba tệp tài liệu "bí mật", bốn tệp tài liệu "tối mật" và một tệp tài liệu được phân loại là "tối mật và nhạy cảm". Tuy nhiên, biên bản không chỉ rõ các tài liệu được tìm thấy ở khu vực nào trong dinh thự Mar-a-Lago.
Phải lưu ý rằng bảo vệ thông tin mật tại Mar-a-Lago là mối quan tâm của các quan chức chính phủ từ khi ông Trump còn đương nhiệm. Thời điểm đó, chính phủ Mỹ đã xây dựng khu vực khép kín SCIF ở dinh thự của ông Trump, giúp ông thuận tiện trong việc xử lý các loại thông tin mật khi lưu trú tại tư gia.
Mỹ quy định ra sao về tài liệu mật?
Chỉnh phủ Mỹ áp dụng ba cấp độ phân loại để chỉ mức nhạy cảm của một số thông tin đặc biệt bao gồm: Mật (Confidential - C), Bí mật (Secret - S) và Tối mật (Top Secret - TS). Theo chuyên gia phân tích chính trị Jo Adetunji của The Conversation, rò rỉ thông tin ở các cấp độ này có thể gây "thiệt hại", "thiệt hại nghiêm trọng" và "thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng" cho an ninh quốc gia Mỹ.
Đáng chú ý, ở cấp độ tối mật thì một số thông tin còn được phân loại nhạy cảm (Secret Compartmented Information - SCI) và chỉ nhóm nhỏ nhất định được quyền tiếp cận. Dạng SCI thường đề cập tới nguồn và phương pháp thu thập thông tin tình báo.
Ngoài quy định về việc Tổng thống Mỹ đương nhiệm có thể tiếp cận mọi tài liệu mật và ra quyết định giải mật thì quan chức làm trong bộ phận nào sẽ chỉ được quyền tiếp cận thông tin mật liên quan tới bộ phận đó. Ví dụ, một người vốn có quyền truy cập thông tin tối mật về vũ khí hạt nhân sẽ không có quyền tiếp cận thông tin về phản gián.
Thông tin mật được lưu trữ trong két sắt và kho bảo mật có thể được đưa ra khỏi cơ sở trong quá trình làm nhiệm vụ nhưng việc mang tài liệu về nhà sẽ bị cấm, trừ những trường hợp cần xử lý đặc biệt.
Được biết, lệnh khám xét nhà cựu Tổng thống Donald Trump được các công tố viên viện dẫn ba luật liên bang gồm mục 793, 2071 và 1519 trong bộ luật hình sự Mỹ. Cụ thể, mục 793, còn được gọi là Đạo luật Gián điệp, ngăn chặn việc sở hữu trái phép thông tin quốc phòng mà không đề cập đến việc đó có phải là thông tin mật hay không. Mỗi hành vi vi phạm có thể bị phạt tới 10 năm tù.
Mục 2071 và 1519 quy định việc che giấu hoặc tiêu hủy các tài liệu chính thức của Mỹ là bất hợp pháp, với mức phạt tối đa lần lượt là ba năm và 20 năm tù.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump khẳng định, các tài liệu mà FBI thu giữ được sau cuộc đột kích dinh thự Mar-a-Lago đều đã được giải mật và các quan chức FBI hoàn toàn có thể tiếp cận các tài liệu này bất cứ khi nào họ muốn.
Những diễn biến chính
Các quan chức của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ hồi đầu năm ngoái đã phát hiện ra việc ông Trump mang theo một loạt tài liệu, trong đó có nhiều văn bản của chính phủ khi rời Nhà Trắng. Theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, toàn bộ những tài liệu đó cần được gửi vào kho lưu trữ.
Hồi đầu năm nay, cựu Tổng thống Donald Trump đã trả lại 15 thùng tài liệu được yêu cầu. Sau đó không lâu, Bộ Tư pháp Mỹ đã phát hành trát tới ông Trump để tìm kiếm các tài liệu bổ sung nhưng không đạt được kết quả.
Vào đầu tháng 6, đích thân quan chức phản gián cấp cao thuộc Bộ Tư pháp Mỹ Jay I. Bratt và các cộng sự đã đến Mar-a-Lago để trao đổi trực tiếp với ông Trump và hai luật sư đại diện gồm M. Evan Corcoran và Christina Bobb.
Ông Corcoran và bà Bobb sau đó đã giao cho ông Jay I.Bratt các tài liệu bổ sung được đánh dấu mật và văn bản xác nhận mọi tài liệu mật đã được nộp lại.
Một thời gian ngắn sau cuộc gặp này, ông Jay I. Bratt gửi email đề nghị luật sư Corcoran niêm phong căn phòng lưu trữ tài liệu mật SCIF tại Mar-a-Lago. Bộ Tư pháp cũng gửi trát yêu cầu lấy các video giám sát quay từ bên ngoài phòng chứa tài liệu trong khoảng thời gian 60 ngày.
Hôm 8/8, FBI đã đột kích dinh thự của ông Trump tại Mar-a-Lago. Ba ngày sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland tuyên bố đích thân ông đã phê duyệt lệnh khám xét và một bản kiểm kê các tài liệu thu giữ được sau lần đột kích đã được công bố.