"Hòn ngọc biển Đen" Odessa - "điểm nóng" mới chiến sự Nga-Ukraine

16:06 04/04/2022

Thành phố cảng Odessa, nơi đặt trụ sở hải quân Ukraine và có vị trí chiến lược đến mức người ta thường gọi nó là "Hòn ngọc biển Đen", được dự báo sẽ chứng kiến những đợt giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine trong những ngày tới.

Nga muốn kiểm soát Odessa?

Vài ngày sau tuyên bố hoàn tất giai đoạn một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga quyết định rút bớt lực lượng gần Kiev và phía Bắc Ukraine, trong bước đi được cánh truyền thông mô tả là nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, đồng thời củng cố mặt trận ở khu vực duyên hải phía Nam.

Cột khói đen bốc lên ở Odessa sau đợt không kích ngày 3/4. Ảnh: Getty Images

Hôm 3/4, Ukraine cho biết, lực lượng Nga đã không kích các mục tiêu ở thành phố cảng Odessa ở miền Nam, gây ra loạt vụ nổ lớn gần nhà máy lọc dầu, kéo theo các đám khói đen cao vút. Binh sĩ Ukraine nhận định khu vực này có thể đã trúng tên lửa, đánh dấu đợt không kích lớn nhất được ghi nhận tại đây từ hồi tháng 2/2022.

Ở phía Nam Ukraine, Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol. Thành phố Mariupol ở Đông Nam hiện bị bao vây, còn thành phố Mykolaiv, cách Odessa 130 km, đã bị lực lượng Nga áp sát nhiều ngày.

Những đợt không kích mới nhất là chỉ dấu cho thấy chiến sự tại Odessa có thể leo thang trong những ngày tới. Lực lượng Nga được dự báo có thể tiến công vào thành phố này từ hai hướng là biển Đen, và thông qua các khu vực trên bộ mà Moscow hiện kiểm soát.

Odessa nằm cách biên giới Nga chừng 500 km, cách Crimea 300km, là nơi sinh sống của khoảng 300.000 người nói tiếng Nga, chiếm 29% tổng số dân cư thành phố, tương đương một nửa số người nói tiếng Ukraine.

Vị trí Odessa bên bờ biển Đen. Ảnh: Getty Images

Ngoài vùng Donetsk và Lugansk, các đô thị lớn như Odessa và Mariupol từng là nơi chứng kiến phong trào ly khai năm 2014. Nhưng khác với Donbass, phong trào ở Odessa và Mariupol bị dập tắt sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng thân Nga và người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu ở Ukraine.

Suốt 8 năm qua, Nga nhiều lần cáo buộc các nhóm chủ nghĩa dân tộc cực hữu ở Ukraine có nhiều hành vi phân biệt đối xử, thậm chí bạo lực với người nói tiếng Nga. Bảo vệ người nói tiếng Nga được Moscow mô tả là một trong những nhiệm vụ đề ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt.

Trong bài phát biểu công nhận "độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR)" tự xưng hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết tìm những kẻ đứng sau bạo lực nhằm vào người nói tiếng Nga ở Odessa và buộc họ chịu trách nhiệm.

Một nhà kho gần cảng Odessa. Ảnh: ITN

Theo Britanica, Odessa còn có vị trí chiến lược quan trọng. Nằm trên những rẻo đất cao nhưng tương đối bằng phẳng nhìn ra biển Đen, cách không xa biên giới Romania và Moldova, Odessa sở hữu một vịnh nước ấm rất phù hợp để tàu bè đi lại, nơi đặt cảng biển lớn nhất của Ukraine.

Từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Hải quân Ukraine đã chuyển trụ sở về Odessa, trong bối cảnh tàu bè của Kiev buộc phải rời cảng Sevastopol sau khi Nga tiếp quản khu vực.

Cần nhắc lại rằng, quân đội Nga cách đây ít ngày khẳng định Hải quân Ukraine đã bị xóa sổ. Điều này chỉ có thể duy trì nếu Odessa không nằm ngoài sự kiểm soát của lực lượng Nga, dù trên thực tế, Moscow đã giành ưu thế hoàn toàn trên biển và hoạt động của tàu quân sự Ukraine gần như không được ghi nhận trong hơn một tháng xung đột.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát Odessa không chỉ cho phép Nga thiết lập hành lang dọc theo đường bờ biển của Ukraine, cô lập hoàn toàn khả năng tiếp cận biển của Kiev, mà còn thiết lập một hành lang trên bộ từ lục địa Nga, qua Crimea, tới Transdniestria, một vùng ly khai nói tiếng Nga của Moldova, nơi có quân đội Nga đồn trú.

Alexey Muraviev, phó giáo sư về chiến lược và an ninh quốc gia tại Đại học Curtin, nói với Al Jazeera rằng, "đối với Nga, việc kiểm soát hoàn toàn bờ biển Đen và biển Azov của Ukraine còn quan trọng hơn so với việc chiếm giữ cả vùng Kharkov lẫn khu vực phía Tây Ukraine cộng lại".

Ukraine không dễ từ bỏ "Hòn ngọc biển Đen"

Sau nhiều cuộc xung đột trong lịch sử, từ cuối thế kỉ 18, Đế chế Nga trở thành người nắm quyền kiểm soát vùng Odessa. Theo Britanica, thành phố Odessa chính thức được thành lập từ năm 1794 theo lệnh của Nữ hoàng Nga Ekaterina Đại đế.

Người dân Odessa đắp bao cát quanh một bức tượng với hi vọng biện pháp này giúp bảo vệ nó khỏi nguy cơ bị hư hại trong giao tranh. Ảnh: Reuters

Trong thế kỉ 19, Odessa phát triển rất nhanh. Ngoài người Nga và Ukraine, Odessa còn là nơi sinh sống của người Armenia, Bulgaria, Hy Lạp, Do Thái và các cộng đồng khác. Họ đã cùng nhau xây dựng thành phố trở thành một trung tâm văn hoá, nghệ thuật, với những toà nhà mang dấu ấn kiến trúc Italy và Pháp.

Từ lúc tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng ở thành phố vào năm 1866, ngoài việc có một quân cảng lớn bên bờ biển Đen, Odessa đóng vai trò thương cảng quan trọng thứ 2 của Đế chế Nga, sau St. Petersburg, nơi nguồn ngũ cốc dồi dào từ Đế chế Nga được xuất khẩu đi các nước.

Đầu thế kỉ 20, năm 1905, Odessa là một trong những nơi diễn ra diễn biến nổi bật của cuộc Cách mạng Nga và là từng chứng kiến cuộc nổi dậy trên tàu Potemkin. Dù có kết cục đẫm máu, cuộc nổi dậy đã góp phần tạo nên "cuộc tổng diễn tập" cho Cách mạng Tháng Mười Nga sau này.

Một góc thành phố Odessa. Ảnh: ITN

Sau Thế chiến II, Odessa hứng chịu nhiều thiệt hại do các đợt tấn công dồn dập của Đức và Romania, nhưng đã nhanh chóng được khôi phục dưới thời Liên Xô. Trong hàng chục năm sau đó, Odessa được bố trí nhiều nhà máy hoá chất, phân bón, nhà máy lọc dầu và chế biến thực phẩm. Đến ngày nay, Odessa vẫn là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất Ukraine.

Có thể nói, Nga muốn Odessa, nhưng Ukraine cũng rất cần thành phố này. Khoảng 70% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ukraine là hàng hóa đường biển và các cảng ở Odessa xử lý khoảng 65% trong số đó.

Quân đội Ukraine bố trí trướng ngại vật ngăn nguy cơ thành phố Odessa bị thiết giáp xâm nhập. Ảnh: ITN 

Chuyên gia Alexei Muraviev khẳng định, với Ukraine "Odessa đại diện cho tuyến huyết mạch kết nối với bên ngoài". "Nếu Nga chiếm được Odessa, họ sẽ cắt đứt hoạt động thương mại và viện trợ quân sự tới Ukraine", ông nói.

Các đợt đụng độ nhỏ ở Odessa đã được ghi nhận từ tháng 2. Hồi giữa tháng 3, NavalNews đưa tin, các tàu đổ bộ Nga được nhìn thấy tiếp cận bờ biển Nga gần Odessa, dẫn đầu bởi các tàu rà quét thủy lôi. Tuy nhiên, không có cuộc tiến công đáng chú ý nào được ghi nhận.

Bên trong thành phố, nhiều cư dân Odessa đã thiết lập chướng ngại vật, đặt chông sắt với hi vọng nó có thể ngăn đà xâm nhập của thiết giáp. Truyền thông phương Tây những ngày qua lan truyền nhiều hình ảnh về việc cư dân Odessa dùng bao cát bọc quanh những bức tượng, hay công trình mang tính biểu tượng.

Từ phía chính quyền Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước cách chức thống đốc dân sự tỉnh Odessa, ông Serhiy Hrynevetsky, và thay thế ông bằng Đại tá Maksym Marchenko, cựu thủ lĩnh của lực lượng quân sự cực hữu gây tranh cãi có tên Tiểu đoàn Aidar.

Quân đội Ukraine cũng đã thiết lập các vị trí phòng thủ trên khắp Odessa, áp đặt lệnh giới nghiêm và thiết lập các chốt chặn ở tất cả các lối vào thành phố. Các cảng đã bị đóng cửa với vận tải thương mại, trong khi việc sơ tán dân thường đang được triển khai.

"Trận chiến giành Odessa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tương lai của cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine", chuyên gia Muraviev nói.

Thiện Nhân

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文