Lịch sử đối đầu Iran-Israel và nguy cơ một cuộc đại chiến Trung Đông

16:42 15/04/2024

Đợt tập kích quy mô lớn của Iran vào Israel cuối tuần vừa qua đánh dấu bước leo thang đáng kể trong quan hệ giữa hai kình địch sở hữu năng lực quân sự hàng đầu Trung Đông, vốn có quan hệ không mấy "cơm lành, canh ngọt" suốt nhiều thập niên.

Thăng, trầm trong quan hệ Israel - Iran

Quan hệ giữa Iran và Israel vận động khá đồng pha với quan hệ Iran - Mỹ. Sau khi nhà nước Israel thành lập năm 1948, Iran là một trong số ít nước gia nhập "liên minh ngoại vi" mà Israel nỗ lực thiết lập, gồm một nhóm quốc gia không thuộc "gia đình" Arab, nhằm cân bằng thái độ thù địch nhắm vào Israel ở Trung Đông, theo hãng tin DW của Đức.

Người dân ăn mừng ở Tel Aviv khi LHQ ra nghị quyết cho phép thành lập nhà nước Do Thái. Ảnh: GettyImages

Dựa trên nền tảng là mối bang giao thân thiết với Mỹ giai đoạn đó, Iran coi Israel là đối tác thân thiện, thậm chí là đồng minh dưới thời Shah (Quốc vương) Mohammad Reza Pahlavi. Iran trở thành quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo thứ hai công nhận Israel năm 1950, sau Thổ Nhĩ Kỳ.

Thập niên 1950, Tehran và Tel Aviv gặt hái thành tựu hợp tác về công nghệ và dầu khí. Trong đó, Israel nhập khẩu 40% nhu cầu dầu mỏ từ Iran để đổi lấy vũ khí, công nghệ và nông sản. Ngoài ra, cơ quan tình báo Mossad của Israel giúp huấn luyện lực lượng cảnh sát mật Savak của Shad Pahlavi.

Bước qua thập niên 60-70, Israel có nhiều nhà thầu và cố vấn quân sự cư trú tại Tehran, một trường dạy tiếng Do Thái được mở ở đó cho trẻ em Israel. Còn hãng hàng không El Al mở các chuyến bay thường xuyên giữa Tel Aviv và thủ đô Iran. Vào cuối những năm 1970, quan hệ hai bên đạt đỉnh, khi Iran đáp ứng 80% nhu cầu dầu mỏ của Israel.

Iran là nhà cung cấp chính dầu mỏ cho Israel trong quá khứ. Ảnh minh họa: ITN

Tình hình đảo chiều sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, thời điểm chính quyền Shad bị lật đổ và Iran lựa chọn chính sách ủng hộ Palestine nhiệt thành hơn, công khai phản đối Mỹ. Sau khi trở thành lãnh đạo tinh thần Iran, ông Ayatollah Khomeini hủy bỏ mọi thỏa thuận với Israel, đánh dấu bước chuyển mình trong hai hệ giữa hai nước.

Khi Israel can thiệp tình hình Lebanon và tiến quân vào miền Nam Lebanon năm 1982, ông Khomeini cử lực lượng vệ binh cách mạng của Iran tới Beirut để hỗ trợ lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite  Hezbollah. Mối bất hòa giữa Israel và Hezbollah gay gắt đến tận ngày nay.

Từ sau cách mạng Hồi giáo Iran, Iran và Tehran công khai phản đối nước kia. Tuy nhiên, hai bên lại có hợp tác bí mật trong giai đoạn chiến tranh Iran-Iraq nổ ra năm 1980, dựa trên thực tế là cả hai bên đều coi Iraq là kẻ thù và muốn ngăn Baghdad sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Do quan hệ với Mỹ ngày càng tuột dốc mà quân đội Iran khi đó chủ yếu sử dụng vũ khí mua của Mỹ (từ những năm 1950-1970), nên họ cần tìm bên cung cấp vũ khí tương thích để phục vụ chiến sự với Iraq. Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Tel Aviv (INSS) thực hiện cho thấy, Israel đã cung cấp cho Iran số vũ khí trị giá 500 triệu USD trong 3 năm đầu cuộc chiến Iran-Iraq. Hợp tác bí mật đó giúp hai bên hạn chế hành động thù địch nhắm vào đối phương.

Binh sĩ Iraq khai hỏa đạn pháo trong cuộc xung đột với Iran. Ảnh: GettyImages

Đến lúc "kẻ thù chung" Iraq suy yếu, chiến tranh Iran-Iraq kết thúc năm 1988, Tehran và Tel Aviv không giữ được động lực duy trì hợp tác bí mật nữa. Bên cạnh đó, vấn đề Palestine dần trở thành vấn đề chung của tất cả người Hồi giáo chứ không chỉ người Arab, còn Iran định hình họ là lãnh đạo của cộng đồng Hồi giáo Trung Đông trong nỗ lực hỗ trợ người Palestine.

New York Times mô tả, hai nước chưa từng xung đột trực tiếp, nhưng trong những thập kỉ qua đã tiến hành một cuộc chiến “trong bóng tối”, tấn công các lợi ích của đối phương trên mặt đất, trên biển, trên không và cả trên không gian mạng.

Israel cáo buộc Iran tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, mở rộng ảnh hưởng thông qua các lực lượng quân sự bên ngoài lãnh thổ, gây phương hại cho Israel trên nhiều mặt trận, ví dụ như gây sức ép lên biên giới phía Bắc Israel từ Syria và Lebanon (thông qua các nhóm dân quân, nổi bật là Hezbollah), can dự dòng chảy ở Biển Đỏ (thông qua Houthi) và Dải Gaza (thông qua Hamas).

Israel cũng cáo buộc Iran và Hezbollah đứng sau các vụ đánh bom nhắm vào sứ quán Israel và một cơ sở khác của người Do Thái ở Buenos Aires (Argentina) năm 1992 và 1994, khiến hàng chục người chết.

Với cách tiếp cận đó, Israel tuyên bố dùng mọi cách để chống Iran. Cuộc đối đầu không chính thức đó thể hiện rõ nhất ở Syria.

Lửa khói bốc lên gần thủ đô Damascus của Syria sau cuộc không kích nghi do Israel thực hiện. Ảnh: GettyImages

Sau khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011 dẫn đến sự ra đời của các nhóm cực đoan, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đề nghị đồng minh Iran triển khai lực lượng giúp đỡ. Tuy nhiên, Israel coi sự hiện diện của Iran ở Syria là mối đe dọa an ninh. Một thập kỉ qua, Israel đã hàng trăm lần khai hỏa tên lửa vào các cơ sở quân sự liên quan đến Iran hoặc các nhóm dân quân thân Iran ở Syria, kéo theo các đợt pháo kích trả đũa từ lãnh thổ Syria vào Israel.

Ngoài ra, Tel Aviv vướng nhiều cáo buộc tiến hành tấn công mạng; đứng sau các cuộc ám sát nhắm vào giới tinh hoa và các nhà khoa học hàng đầu Iran.

Ví dụ, năm 2012, Israel bị tố đứng sau vụ đánh bom khiến nhà khoa học hạt nhân Iran Mostafa Ahmadi-Roshan thiệt mạng ở Tehran, theo Times of India. 9 năm sau, Israel vướng cáo buộc hạ sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh; tháng 5/2022 là vụ ám sát đại tá Sayad Khodayee, một lãnh đạo của IRGC cũng tại Tehran; tháng 12/2023, Iran tìm ra chứng cứ cho thấy Israel tấn công tên lửa ở Damascus khiến tướng Sayyed Razi Mousavi, cố vấn quân sự cấp cao thuộc IRGC, thiệt mạng.

Khi mối bất hòa vươn ra khỏi "bóng tối"

Bối cảnh Trung Đông trở nên bất ổn hơn sau cuộc đột kích của phong trào vũ trang Hamas vào Israel tháng 10/2023, kéo theo việc Israel tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Dải Gaza. Nhóm Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen tuyên bố ủng hộ Hamas và mở tiến hành các hoạt động nhắm vào lợi ích của Israel, khiến tình hình thêm phức tạp.

Tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Damascus bị đánh sập do hỏa lực nghi của Israel. Ảnh: GettyImages

Israel cho rằng, Iran có liên quan đến các nhóm dân quân chống Tel Aviv, nhưng Tehran khẳng định không can dự vào các hoạt động của Hamas, Houthi và Hezbollah.

Hôm 1/4 vừa qua, Israel bị cáo buộc phóng tên lửa vào tòa lãnh sự của Iran ở thủ đô Damascus, khiến 7 thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và 6 người Syria thiệt mạng. Cuộc không kích ở Damascus khiến Iran nổi giận và tuyên bố sẽ tiến hành trả đũa.

Sau gần hai tuần tìm kiếm phản ứng từ cộng đồng quốc tế về cuộc tấn công của Israel, sáng 14/4, Iran mở cuộc tập kích quy mô chưa từng có vào lãnh thổ Israel. Quân đội Israel thông báo Iran và các đồng minh sử dụng 170 phương tiện bay không người lái (UAV), 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình.

Đợt tấn công của Iran không gây thiệt hại đáng kể cho Israel, kể cả về hạ tầng. Quân đội Israel, với sự hỗ trợ từ Mỹ, Anh, Pháp và Jordan, đánh chặn hầu hết UAV, tên lửa hướng vào Israel.

Sở dĩ Israel có thể đạt hiệu quả đánh chặn như vậy bởi họ đã có trước thông tin về cuộc tập kích của Iran. Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian xác nhận, nước này đã thông báo cho Mỹ và phát cảnh báo trước 72 giờ với các nước láng giềng về cuộc tập kích Israel.

Bên cạnh đó, Iran chưa sử dụng những vũ khí hiệu quả nhất mà họ có. Hình ảnh những chiếc UAV bị bắn hạ cho thấy chúng bay chậm và kém tinh vi hơn so với những mẫu dùng động cơ phản lực mà Tehran phát triển, cho phép Israel đánh chặn hiệu quả hơn.

Công trình bên trong căn cứ Mỹ ở Iraq bị hư hại sau cuộc tập kích của Iran năm 2020. Ảnh: AlJazeera

Giới quan sát tin rằng, Iran đã cố gắng trả đũa trong giới hạn nhằm ngăn nguy cơ tình hình vượt kiểm soát. Năm 2020, Iran cũng phát cảnh báo trước khi không kích căn cứ Mỹ ở Trung Đông để trả đũa vụ việc Washington hạ sát chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc IRGC, tướng Qassem Soleimani. Vụ không kích năm 2020 khiến hơn 100 binh sĩ Mỹ chấn động não, nhưng đã được tính toán kĩ lưỡng để tránh nguy cơ làm bùng phát một cuộc chiến quy mô lớn hơn giữa Mỹ và Iran.

Sau cuộc không kích ngày 14/4, Iran tuyên bố đạt mục tiêu đề ra, khẳng định không có ý định tiếp tục tấn công Israel và hối thúc Tel Aviv không trả đũa.

Vệt tên lửa xuất hiện trên bầu trời gần Jerusalem khi Iran tập kích Israel. Ảnh: NYTimes

Chưa rõ liệu Israel sẽ phản ứng ra sao. Nếu Israel tấn công đáp trả vào lãnh thổ Iran, nhất là nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Tehran, cuộc khủng hoảng Trung Đông có thể bùng phát thành chiến sự quy mô lớn, khi Iran tuyên bố mọi hành động nhắm vào hạ tầng hạt nhân sẽ "vượt lằn ranh đỏ" và bị đáp trả quyết liệt. Iran và Israel là hai cường quốc quân sự hàng đầu Trung Đông.

Trong những giây phút căng thẳng nhất, cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực tìm cách hạ nhiệt mâu thuẫn. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay trong ngày 14/4 đã điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu, tái khẳng định "cam kết sắt đá" trong đảm bảo an ninh cho Israel.

Mảnh vỡ tên lửa của Iran được thu thập ở Israel. Ảnh: GettyImages

Ông Biden nhắc nhở ông Netanyahu rằng, việc Israel chặn đứng thành công cuộc tập kích ồ ạt từ Iran là nhờ phối hợp phòng thủ cùng Mỹ và các nước đối tác. Ông cảnh báo Israel không nên đáp trả Iran sau vụ tập kích được đánh giá là "kiềm chế và chừng mực" mà Tehran tiến hành.

Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cũng kêu gọi Israel từ bỏ các hành động quân sự chống lại Tehran trong tương lai. "Chúng tôi ghi nhận tín hiệu từ Tehran rằng họ không muốn leo thang hơn nữa với Israel. Chúng tôi kêu gọi Israel hành động tương tự, tránh thực hiện các hoạt động quân sự, vốn gây ra nhiều rủi ro và hậu quả", ông Nebenzya nêu.

Anh, quốc gia tham gia đẩy lùi đòn tập kích nhắm vào Israel, khuyên nhủ Tel Aviv không đáp trả Iran. "Tôi nghĩ Israel hoàn toàn chính đáng khi nghĩ nên đáp trả vụ tập kích của Iran, bởi họ đã bị tấn công. Nhưng với tư cách bạn bè, chúng tôi kêu gọi Israel hãy suy nghĩ bằng trí óc và trái tim, vừa khôn ngoan vừa cứng rắn", Ngoại trưởng Anh David Cameron nêu quan điểm.

Người dân ở Iran xuống đường ăn mừng sau cuộc tập kích vào Israel. Ảnh: ITN

Đến sáng 15/4, tình hình có vẻ đã lắng dịu khi một số nước ở Trung Đông đã mở cửa trở lại không phận. Theo Reuters, phát ngôn viên quân đội Israel khẳng định đã đệ trình "nhiều lựa chọn" trả đũa đợt tập kích của Iran, nhưng chúng không chỉ có biện pháp "tấn công" mà còn cả các biện pháp "không tấn công".

Dẫu vậy, không thể phủ nhận những diễn biến vừa qua giữa Israel và Iran cho thấy "cuộc chiến trong bóng tối" giữa hai kình địch Trung Đông dần trở nên công khai. Giới quan sát cảnh báo, cộng đồng quốc tế cần tham gia giải quyết những khúc mắc mang tính cốt lõi giữa Israel và Iran nhằm tránh nguy cơ các bên tính toán sai lầm, đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến nguy hiểm.

Thái Hà

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文