Nhìn lại nửa năm chiến sự Nga - Ukraine

09:00 24/08/2022

Bước sang tháng giao tranh thứ 7, đà tiến công của Nga chậm lại, trong khi Ukraine đang tận dụng lợi thế về địa lý cũng như những sơ hở của đối phương để phản công.

Sau những diễn biến khiến quan hệ Nga-Ukraine leo thang từ cuối năm ngoái, hôm 24/2, Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine nhằm mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Rất ít người, bao gồm cả các chuyên gia phương Tây, nghĩ rằng cuộc xung đột sẽ kéo dài, nhưng đến hôm nay (24/8), tròn nửa năm giao tranh, cả hai bên chưa cho thấy dấu hiệu chiến sự sẽ sớm kết thúc.

Bản đồ tình hình chiến sự ở Ukraine tính đến tháng 8/2022. Đồ họa: BBC/ISW

Bước sang tháng giao tranh thứ 7, Nga được cho là vẫn đang trong giai đoạn theo đuổi mục tiêu "giải phóng" toàn bộ vùng Donbass, nơi hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, được Nga công nhận, coi là lãnh thổ trong hiến pháp.

Ở Donbass, Nga đảm bảo quyền kiểm soát tỉnh Lugansk và đang tiến công ở Donetsk, với khoảng hơn 60% diện tích tỉnh này đã nằm trong tay Moscow. Ngoài ra, Nga cũng duy trì kiểm soát phần lớn diện tích hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia ở phía Nam, một phần tỉnh Kharkov ở phía Đông.

Nhờ năng lực quân sự áp đảo, quân đội Nga duy trì cường độ tập kích tên lửa độ chính xác cao từ máy bay, tàu chiến và bệ phóng mặt đất vào hàng ngàn mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine, nơi Nga cho là có vũ khí phương Tây viện trợ, hay nơi tập kết các binh sĩ, lính đánh thuê nước ngoài.

Những chiếc xe tăng Nga bị phá hủy được Ukraine trưng bày ở thủ đô Kiev. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, những đợt tập kích đó không đủ giúp Nga đạt thêm tiến bộ đáng kể nào trong suốt một tháng qua khi họ chưa giành được thêm các khu vực chiến lược ở Donbass. Tờ New York Times mô tả Nga đang tiến công với tốc độ chỉ tính bằng centimet trên đất Ukraine.

Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng nỗ lực phản công nhưng cũng không thể đẩy lùi người Nga. Nhiều nhà quan sát quân sự quốc tế cho rằng, Ukraine đang có dấu hiệu chuyển sang chiến thuật phản công Nga theo kiểu du kích, với các đòn tập kích bất ngờ vào hạ tầng hậu cần của Nga.

Do đặc thù địa lý, đường giới tuyến phân tách phần lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát, với phần mà Kiev nắm giữ là khá dài, ở mức trên dưới 1000km. Đây là một thách thức lớn với Nga khi họ phải bố trí lực lượng dàn trải để vừa tiến công, vừa phòng thủ trước các đợt phản công của Kiev.

Lực lượng Nga sửa cầu Antonovsky bị hư hại do đòn pháo kích của Ukraine. Ảnh: Getty Images

Ukraine đang tận dụng lợi thế này. Trong bối cảnh Kiev đã nhận được hàng chục tỷ USD vũ khí viện trợ từ phương Tây, bao gồm mẫu pháo phản lực HIMARS do Mỹ viện trợ, quân đội Ukraine gần đây liên tiếp tập kích các mục tiêu quân sự quan trọng của Nga ở miền Nam.

Tại tỉnh Kherson, Ukraine ít nhất 8 lần bắn pháo phản lực HIMARS vào cây cầu chiến lược Antonovsky bắc qua sông Dnipro. Phần lớn hỏa lực Ukraine bị đánh chặn, nhưng những quả lọt lưới phòng không khiến cầu Antonovsky bị hư hại đến mức không thể sử dụng để vận chuyển các phương tiện cơ giới quân sự nặng hàng chục tấn.

Mặt cầu Antonovsky thủng lỗ rỗ do đòn tập kích của Ukraine. Ảnh: ITAR-TASS

Ukraine tin rằng, việc có thể cắt đứt tuyến hậu cần quan trọng của Nga ở Kherson sẽ buộc Moscow rút lui khỏi một phần địa phương này. Tuy vậy, Nga cũng cho thấy họ có khả năng ứng phó tốt khi đã nhanh chóng thiết lập các tuyến đường tiếp tế mới. Ở ranh giới giữa tỉnh Kherson và tỉnh Mykolaiv, Nga đã đẩy lùi các đợt phản công của Ukraine.

Cùng thời điểm, Ukraine được cho là còn tiến hành các đợt tập kích nhắm vào các kho đạn dược của Nga ở các tỉnh biên giới, cũng như ở Crimea. Một loạt vụ nổ gần đây trên bán đảo Crimea, nghi do Ukraine đứng sau, đã khiến Nga thiệt hại đáng kể, trong đó, vụ nổ tại sân bay quân sự Saki cách đây vài tuần làm hư hại ít nhất 9 máy bay quân sự đắt tiền của Moscow.

Tuần trước, một chiếc máy bay không người lái thậm chí đã phát nổ ngay trên nóc tòa nhà trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Crimea. Dù không gây thiệt hại, nhưng nó cho thấy mức độ dễ tổn thương của "pháo đài" Crimea trước các đòn tấn công bất ngờ, yếu tố mà Ukraine có thể tận dụng trong thời gian tới để bào mòn năng lực tác chiến của quân đội Nga.

Hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy một số máy bay trong sân bay Saki bị hư hại sau sự cố hôm 9/8.

Theo các nhà phân tích quân sự, những cuộc tập kích cho thấy Ukraine đã hiểu rõ hơn về cách hoạt động của hệ thống phòng không Nga, vốn có nhiều điểm tương đồng với vũ khí Liên Xô mà Ukraine cũng được thừa hưởng.

Đó cũng là chỉ dấu rằng Ukraine có thể sử dụng hiệu quả thông tin tình báo cũng như vũ khí do phương Tây viện trợ. Đây là một bước tiến quan trọng đối với Ukraine khi quân đội của họ giờ đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí do Mỹ và châu Âu cung cấp.

Tuy vậy, các nhà phân tích cũng thừa nhận, việc Ukraine có niềm tin về việc họ có thể đạt tiến bộ trên chiến trường là nguyên nhân khiến họ không còn mặn mà với việc đàm phán cùng Nga. Dù Nga và Ukraine ngày 22/7 đạt thỏa thuận "giải cứu" ngũ cốc cùng Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Kiev khẳng định hiện nay không phải thời điểm tốt cho các cuộc đàm phán ngừng bắn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao khác gần đây thậm chí khẳng định họ sẽ chỉ ngồi đối thoại cùng Nga khi Moscow thất bại trên chiến trường, còn Kiev đã tái kiểm soát toàn bộ lãnh thổ rơi vào tay Nga sau ngày 24/2.

Một tàu hàng vận chuyển ngũ cốc rời cảng Ukraine sau thỏa thuận hồi cuối tháng 7/2022. Ảnh: Getty Images

Hiện thiệt hại tổng thể của Nga và Ukraine chưa được tiết lộ, song giới chuyên gia cho rằng cả hai bên đã hứng chịu những hao tổn đáng kể về người và của. Hôm 22/8, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi xác nhận "9.000 anh hùng đã ngã xuống" trong chiến sự với Nga. Phía Ukraine tuyên bố 45.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, nhưng con số đó không thể kiểm chứng.

Nga dừng công bố số binh sĩ thương vong kể từ cuối tháng 3 (số liệu thời điểm đó là 1.351 lính tử trận và 3.825 lính bị thương). Họ cũng không cập nhật số liệu về thương vong của Ukraine mà chỉ thông tin về những diễn biến trên thực địa.

Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), ngoài binh sĩ , chiến sự Ukraine khiến hơn 5.000 dân thường thiệt mạng. Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 12 triệu người Ukraine đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, với hàng triệu người trong đó bỏ ra nước ngoài.

Giữa lúc chiến sự chưa hạ nhiệt, cộng đồng quốc tế đang đặc biệt quan ngại về tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở tỉnh cùng tên, hiện do Nga kiểm soát. Những tuần qua, Nga cáo buộc Ukraine pháo kích nhà máy này, kéo theo nguy cơ bùng phát một thảm họa hạt nhân kinh hoàng không chỉ ảnh hưởng tới Ukraine mà còn cả các quốc gia lân cận.

Thái Hà

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文