Những "siêu phẩm" Liên Xô bị xóa sổ trong chiến sự Ukraine

15:11 19/04/2022

Liên Xô nổi tiếng với những chiếc máy bay, tàu chiến và thiết bị quân sự độc đáo, nhưng không ít trong số chúng đã bị xóa sổ, hoặc sẽ biến mất sau chiến sự giữa Nga và Ukraine.

An-225 Mriya – máy bay lớn nhất thế giới

Trong 2 ngày đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, lực lượng đặc biệt của Nga đã gây bất ngờ với thế giới khi đổ bộ thành công, rồi giành kiểm soát gần như toàn diện sân bay quốc tế ở thị trấn Gostomel cách thủ đô Kiev của Ukraine chỉ chừng 7km về phía Tây Bắc.

Thế giới sẽ không thể chứng kiến An-225 trở lại bầu trời, ít nhất là trong tương lai gần. Ảnh: Getty Images

Còn được gọi là sân bay Antonov, đây là nơi những chiếc vận tải cơ lớn do hãng Antonov sản xuất được bảo dưỡng và vận hành, trong đó có chiếc An-225, chiếc máy bay lớn nhất thế giới, mang biệt danh Mriya, nghĩa là "giấc mơ" trong tiếng Ukraine.

Ngày 27/2, ngành hàng không thế giới đón tin "sốc", khi tập đoàn hàng không quốc phòng Ukroboronprom của Kiev xác nhận chiếc An-225 tại đây đã bị phá hủy. Hơn một tháng sau, khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực, hình ảnh do truyền thông Ukraine ghi lại cho thấy máy bay đã bị hư hại do trúng pháo đến mức không thể sửa chữa.

Khoang chứa chiếc An-225 bốc cháy dữ dội. Ảnh: Maxar

Ai là người phá hủy chiếc An-225 đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Ukraine quả quyết Nga phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, truyền thông Nga cho biết lực lượng của họ đổ bộ sân bay Antonov bằng trực thăng, chiếm khu vực này chớp nhoáng, và không có lí do gì họ lại bắn pháo vào khu vực mình kiểm soát.

Phía Nga khẳng định chính Kiev đã phá hủy chiếc An-225 khi họ cố gắng nã pháo ồ ạt về phía sân bay với hi vọng đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực này và nhằm ngăn ngừa mọi khả năng máy bay của Nga có thể hạ cánh xuống đây rồi gây áp lực cho Kiev.

Phần đầu chiếc An-225 đã bị phá hủy hoàn toàn. Ảnh: Reuters

Theo RBTH, An-225 do Phòng thiết kế Antonov phát triển từ những năm 1980, nhằm phục vụ chương trình tàu vũ trụ con thoi Buran và hoạt động vận tải quy mô lớn của không quân Liên Xô. Chiếc Mriya cất cánh thử nghiệm năm 1988 và đi vào hoạt động sau đó ít tháng.

Liên Xô tan rã, Antonov được chia cho Ukraine. Khó khăn về tài chính và sự phụ thuộc vào Nga trong nhiều thập niên khiến hãng không thể sản xuất thêm những chiếc phi cơ tương tự, bởi vậy, Mriya là chiếc An-225 duy nhất được hoàn thiện.

Với chiều dài 84m, sải cánh hơn 88m và chiều cao 18m, chiếc An-225 nặng 285 tấn và khối lượng cất cánh tối đa 640 tấn. Phi cơ được lắp 6 động cơ turbine phản lực D-18T. Khoang chứa hàng của máy bay dài 43 m, rộng 6,4 m và cao 4,4 m, với thể tích lên tới 1.300m3.

An-225 cõng tàu vũ trụ Buran. Ảnh: TASS

An-225 đang giữ 240 kỷ lục hàng không thế giới, trong đó có kỷ lục về chở khối hàng hóa đơn lẻ nặng tới gần 190 tấn, cũng như tổng tải trọng hàng hóa 253,8 tấn, tức lớn hơn tổng trọng tải của 3 máy bay vận tải chiến lược của quân đội Mỹ là C-17 Globemaster III (hơn 70 tấn), C-5 Galaxy (khoảng 80 tấn) và C-130 (khoảng 20 tấn) cộng lại.

An-225 từng tham gia các sứ mệnh vận chuyển hàng cứu trợ cho nhiều quốc gia, như cứu trợ Haiti sau thảm họa động đất năm 2010 hay vận chuyển hàng hóa cứu trợ trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Chiếc xe tăng có kích thước quá nhỏ bé khi so với An-225. Ảnh: Getty Images

Dù khả năng vận tải ưu việt, nhưng An-225 hiếm khi cất cánh do chi phí vận hành tốn kém. Ước tính, mỗi giờ bay của nó tốn hơn 20 tấn nhiên liệu, tương đương với 6.700 USD. Do vậy, nó chỉ được sử dụng để thực hiện những sứ mệnh đặc biệt. Những năm 1990, An-225 thậm chí từng bị dừng vận hành suốt vài năm, khiến nhiều bộ phận rỉ sét.

Soái hạm Hetman Sagadachny của Hải quân Ukraine

Liên Xô tan rã, Ukraine được chia lượng lớn khí tài hải quân. Tuy nhiên, do giới hạn quy mô hoạt chủ yếu ở biển Đen và biển Azov, đội tàu hải quân của Ukraine không được nâng cấp đáng kể sau năm 1991.

Soái hạm Hetman Sagadachny bị đánh chìm ở Mykolaiv. Ảnh: Twitter

Năm 2014, sự kiện Nga sáp nhập Crimea khiến nhiều tàu bè đặt tại trụ sở Hải quân Ukraine khi đó là cảng Sevastopol hoặc là không kịp thoát ra ngoài, hoặc bị chặn lại. Trước khi chiến sự nổ ra hồi tháng 2, Nga và Ukraine từng thảo luận việc trao trả tàu Ukraine, nhưng quá trình này không diễn ra như kì vọng.

Tàu khu trục Hetman Sahaidachny, với kích thước lớn nhất và mạnh mẽ nhất, trở thành soái hạm của Hải quân Ukraine và là con tàu hiếm hoi mà Kiev có thể vận hành trong gần một thập kỉ qua.

Tuy nhiên, đến ngày 4/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết, hải quân nước này đã tự đánh chìm tàu Hetman Sahaidachny để tránh nó rơi vào tay lực lượng Nga, khi đang trong quá trình bảo dưỡng tại thành phố Mykolaiv.

Soái hạm Hetman Sagadachny khi còn hoạt động. Ảnh: Getty Images

Hetman Sahaidachny là soái hạm của Hải quân Ukraine. Sự kiện con tàu bị đánh chìm cũng chứng minh cho phát biểu của Nga, lực lượng Hải quân Ukraine đã bị xóa sổ.

Theo dữ liệu của truyền thông Ukraine, Hetman Sahaidachny thuộc lớp Krivak III, được khởi đóng tại nhà máy Kerch ở Crimea từ cuối những năm 1980. Con tàu hạ thủy tháng 11/1990, chạy thử năm 1992 và hoạt động chính thức từ năm 1993.

Do được thiết kế để trở thành phương tiện của lực lượng biên phòng Liên Xô, con tàu không được trang bị tên lửa hạng nặng. Nó chỉ sở hữu một khẩu pháo đơn 100mm, hệ thống phòng không Osa-M, 2 hệ thống pháo 30mm, 2 ống phóng ngư lôi 533mm thông thường và 2 bệ phóng tên lửa chống ngầm.

Soái hạm Hetman Sagadachny nhìn từ trên cao. Ảnh: ITN

Tàu có độ choán nước khoảng 3.500 tấn khi đầy tải, dài 123m và rộng 14,2m. Trên tàu cũng được bố trí sân đáp cho trực thăng hải quân.

Với việc bị đánh chìm, Hải quân Ukraine đã mất chiến hạm lớn nhất và uy lực nhất được thừa kế của Liên Xô. Hiện còn rất ít tàu Krivak III còn tham gia các hoạt động chiến đấu. Nga hiện có 2 tàu loại này trong biên chế lực lượng biên phòng.

Soái hạm Moskva – niềm tự hào trên biển Đen

Biển Đen không chỉ là nơi soái hạm Ukraine chìm, nó còn chứng kiến thiệt hại lớn nhất về khí tài trong chiến đấu của quân đội Nga kể từ Thế chiến II khi tuần dương hạm Moskva – soái hạm của Hạm đội biển Đen Hải quân Nga chìm xuống đáy biển cách đây 5 ngày.

"Pháo đài" nổi - soái hạm Moskva khi còn hoạt động. Ảnh: TASS

Được hạ thủy từ năm 1979 dưới thời Liên Xô, tàu Moskva là chiến hạm chủ lực thuộc lớp Slava, có độ choán nước khoảng 12.500 tấn, dài 196m, rộng 21m, được thiết kế với nhiệm vụ chính là tấn công các tàu mặt nước của đối phương bằng tên lửa diệt hạm.

Mỗi khi xuất hiện, con tàu trông giống một pháo đài nổi do lượng vũ khí lớn nó mang theo. Sau 2 lần nâng cấp, tàu Moskva được cải tiến để khai hỏa vũ khí chính là 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan có tầm bắn ít nhất 700 km đặt hai bên hông tàu. Mỗi quả P-1000 Vulkan có khả năng đánh chìm một chiến hạm cỡ lớn.

Tàu cũng được trang bị hệ thống phòng không tầm xa S-300 Fort với 64 quả đạn, giúp nó bảo vệ nhóm tác chiến khỏi nguy cơ bị tấn công từ máy bay và tên lửa tầm xa của đối phương. Ngoài ra, tàu sở hữu một số bệ pháo tự động, vũ khí chống ngầm cùng các hệ thống tác chiến điện tử.

Hình ảnh được cho là của tàu Moskva trước khi chìm. Ảnh: ITN

Moskva không tham gia tấn công trực tiếp các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, nó có vai trò quan trọng trong việc thiết lập vùng phòng không trên biển Đen và hoạt động trinh sát.

Trước khi chìm, Moskva được xem là tàu mặt nước mạnh mẽ nhất trên biển Đen. Nó thường được triển khai để theo dõi và răn đe mỗi khi chiến hạm NATO tiến vào khu vực.

Do là tàu chỉ huy của Hạm đội Biển Đen, tàu Moskva có vị trí nhất định trong quan hệ Ukraine, nhất là khi quan hệ giữa hai nước còn nồng ấm. Nó được Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm nhiều lần. Năm 2000 và 2001, trong chuyến công du cảng Sevastopol, lúc đó được Nga thuê của Ukraine, ông Putin đã lên tàu cùng Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma.

Tổng thống Putin đứng cùng người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trên tàu Moskva, ảnh chụp năm 2014. Ảnh: Reuters

Năm 2008, tàu tham gia chiến dịch của Nga ở nam Ossetia. Tới giai đoạn 2015-2016, con tàu thực hiện nhiệm vụ phòng không từ hướng biển gần căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria.

UAV Tu-141 "Strizh"

Trong cuộc chạy đua với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cho ra mắt một số mẫu máy bay không người lái (UAV) phục vụ công tác trinh sát. Một trong những mẫu UAV có thiết kế độc đáo nhất có thể kể tới là Tu-141 "Strizh", thứ vẫn xuất hiện trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Một tổ hợp vận hành Tu-141 của Ukraine. Ảnh: ITN

Tu-141 là phiên bản hiện đại hóa của mẫu Tu-123. Đây được xem là một trong những UAV đầu tiên trong lịch sử sử dụng động cơ phản lực, mẫu KR-17A, có tầm bay khoảng 1.000km với vận tốc tối đa lên đến 1.100km/h, gần Mach 1.

Mẫu UAV này có chiều dài hơn 14m, sải cánh rộng gần 4m, trọng lượng hơn 8 tấn. Tu-141 được trang bị máy ảnh phim, máy ảnh hồng ngoại kèm radar mô phỏng địa hình.

Tu-141 cất cánh nhờ một hệ thống đẩy đặc biệt và hạ cánh bằng dù chứ không cần đường băng như máy bay thông thường.

Cơ chế vận hành của Tu-141. Mẫu UAV này không hạ cánh trên đường băng, mà tiếp đất nhờ dù. Ảnh: ITN

Tu-141 được thiết kế từ những năm 1970, phục vụ trong quân đội Liên Xô từ năm 1979 đến 1989, chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát biên giới phía Tây. Dù được phát triển bởi phòng thiết kế Tupolev, mẫu UAV này lại được sản xuất hàng loạt tại Kharkov của Ukraine.

Liên Xô tan rã, Tu-141 gần như ngừng hoạt động ở Nga bởi thiết kế lỗi thời, song Ukraine được cho là vẫn niêm cất và vận hành một vài tổ hợp loại này. Khi chiến sự nổ ra ở miền Đông Ukraine năm 2014, Tu-141 lại được phát hiện bay trên bầu trời gần khu vực biên giới Nga, do quân đội Ukraine vận hành.

Thiết bị trinh sát đặt trên đầu chiếc Tu-141. Ảnh: Airliners.net

Đến khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2, một chiếc Tu-141 đã bất ngờ xuất hiện theo cách đặc biệt: Nó dường như được kích hoạt bởi lực lượng Ukraine, bay một mạch từ Ukraine qua Romania, Hungary và rơi ở Croatia, 3 nước NATO, mà không gặp phải bất cứ phản ứng nào. Sự cố này đã khiến NATO lục đục, khi các nước đặt câu hỏi về năng lực phòng không chung của khối.

Theo giới chuyên gia, đợt giao tranh hiện nay giữa Nga và Ukraine có thể là lần cuối Tu-141 tham gia hoạt động chiến đấu, trước khi bị loại biên hoàn toàn.

Tên lửa đạn đạo Tochka-U

Vụ tấn công bằng tên lửa Tochka-U nhắm vào ga tàu Kramatorsk ở tỉnh Donetsk hôm 8/4, khiến 39 dân thường thiệt mạng, đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông, khi Ukraine cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công, còn Moscow khẳng định đã loại biên mẫu tên lửa đời cũ này và cáo buộc Ukraine đã phóng tên lửa này nhằm "đổ lỗi" cho Nga.

Tên lửa Tochka-U của Ukraine. Ảnh: ITN

Tochka là tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật được Liên Xô thiết kế để triển khai trong đội hình lục quân. Đạn của tổ hợp này có thể dùng cho nhiệm vụ tấn công hủy diệt nhằm vào sở chỉ huy, kho bãi, sân bay và nơi tập trung binh lính của đối phương.

Phiên bản Tochka đầu tiên ra mắt năm 1975 có khả năng mang 3 loại đầu đạn, hoặc là đầu đạn thông thường nặng gần 500kg, đầu đạn nổ mảnh có vùng công phá rộng 200m hoặc đạn hạt nhân, tầm bắn tối đa 70km.

Phiên bản Tochka-U đi vào hoạt động năm 1986, có tầm bắn nâng lên 120km, độ chính xác khá thấp với sai số có thể lên đến 90m. Mỗi quả đạn Tochka-U dài 6,4 m, nặng 2 tấn, lao đến mục tiêu ở giai đoạn cuối ở tốc độ tối đa 6.500 km/h, gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh.

Chiến sự ở Ukraine có thể là lần cuối Tochka-U được sử dụng thực chiến. Ảnh: Getty Images

Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã loại biên tên lửa Tochka-U từ cuối năm 2019 và thay thế chúng bằng tổ hợp Iskander ưu việt hơn, chính xác hơn. Phía Nga xác nhận quân đội Ukraine đang vận hành 38-90 bệ phóng Tochka-U với hàng trăm quả đạn dự trữ.

Từ đầu chiến dịch quân sự, hàng chục tổ hợp Tochka-U của Ukraine đã bị phá hủy. Với năng lực quốc phòng hiện nay, Ukraine gần như không thể khôi phục các tổ hợp Tochka-U này, khiến nó có thể biến mất sau khi chiến sự giữa hai bên kết thúc.

Thiện Nhân

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文