Tương lai Đông Ukraine ra sao sau quyết định của ông Putin?

20:33 22/02/2022

Sự công nhận chính thức của ông Putin dành cho hai nước cộng hòa ly khai tự xưng ở miền Đông Ukraine sẽ để lại những tác động lâu dài với châu Âu, đồng thời phản ánh thái độ quyết liệt của Điện Kremlin trong việc đảm bảo an ninh trước đà "Đông tiến" của phương Tây.

Trong bước đi đầy bất ngờ hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga công nhận độc lập đối với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng do phe ly khai lập ra ở miền Đông Ukraine từ năm 2014, bất chấp cảnh báo từ phương Tây.

Tổng thống Nga Putin kí sắc lệnh công nhận DPR và LPR. Ảnh: AP

Nhà lãnh đạo Nga cũng ký sắc lệnh yêu cầu quân đội Nga triển khai binh sĩ tới DPR và LPR vì mục đích “gìn giữ hòa bình”. Sự công nhận chính thức này đánh dấu bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời báo hiệu sự sụp đổ của thỏa thuận hòa bình kéo dài hơn 7 năm qua, thỏa thuận Minsk.

Gần một thập kỉ chia cắt

Tách khỏi Liên Xô cách đây hơn 30 năm, Nga và Ukraine có hai thập kỉ đầu tiên hợp tác tương đối chặt chẽ trên tinh thần láng giềng hữu nghị. Dù ở Ukraine luôn tồn tại hai xu hướng, một muốn ngả theo phương Tây, gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), bên còn lại muốn duy trì quan hệ gần gũi nhất với Nga, song không có mâu thuẫn lớn nào nổ ra giữa hai nước trong giai đoạn này.

Cuối năm 2013, sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, người được cho là có quan điểm thân Nga, hoãn kí kết các thỏa thuận thương mại và chính trị then chốt giữa Kiev và EU "nhằm đảm bảo an ninh quốc gia" và để đổi lại khoản viện trợ 15 tỷ USD của Nga, tình hình ở Ukraine lập tức biến động với các cuộc biểu tình nổ ra ở Kiev cùng một số khu vực phía Tây đất nước, rồi nhanh chóng bạo lực hóa.

Quảng trường ở Kiev bị thiêu trụi trong các cuộc biểu tình năm 2014. Ảnh: WSJ

Truyền thông quốc tế cho biết cả phương Tây và Nga đều có những toan tính và can dự vào tình hình Ukraine lúc đó. Tháng 2/2014, phe Euromaidan của những người ủng hộ phương Tây và bài xích Nga thắng thế ở Kiev, chính quyền Yanukovych bị lật đổ, ông này buộc phải chạy trốn. Những chính khách, nhà lập pháp mang quan điểm ủng hộ Nga ở phần phía Tây đất nước bị tấn công.

Ở phía Đông Nam Ukraine, nơi phần lớn người dân nói tiếng Nga, tư tưởng bài xích Nga quyết liệt của những thủ lĩnh Euromaidan khiến họ bất an. Các cuộc biểu tình ủng hộ Yanukovych, ủng hộ quan hệ gần gũi với Nga đã nổ ra ở nhiều khu vực.

Cá biệt, tại Crimea, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ tách rời khu vực này khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga diễn ra liên tục. Cuối cùng, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức theo quyết định của cơ quan lập pháp địa phương. Với kết quả hơn 96% người dân ủng hộ Crimea trở thành một bộ phận của Nga, Tổng thống Nga Putin kí sắc lệnh sáp nhập bán đảo, dù động thái này không được đông đảo cộng đồng quốc tế ủng hộ, công nhận.

Các binh sĩ, được cho là người Nga, xuất hiện ở Crimea đầu năm 2014. Ảnh: Getty Images

Với những người nói tiếng Nga ở Donetsk và Lugansk, sự kiện Crimea tách khỏi Ukraine tiếp thêm động lực chiến đấu. Với Ukraine, sự việc Crimea là một phần nguyên nhân khiến Kiev cương quyết muốn dập tắt ý định ly khai. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở miền Đông cuối cùng đã leo thang thành một cuộc nổi dậy ly khai vũ trang. Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga trang bị vũ khí cho phe ly khai ở Đông Ukraine, song Moscow nhiều năm cương quyết bác bỏ.

Đến tháng 4/2014, các thủ lĩnh ly khai ở tỉnh Donetsk và Lugansk lần lượt tuyên bố thành lập các nước với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng với ranh giới trên giấy tờ là toàn bộ lãnh thổ tỉnh Donetsk và tỉnh Lugansk.

Dẫu vậy, phe ly khai không kiểm soát được toàn bộ địa giới các tỉnh này, mà tập trung ở một khu vực giáp biên giới Nga. Phe ly khai từng tiến hành trưng cầu dân ý với hi vọng có thể sáp nhập vào Nga, nhưng kế hoạch đó không thành công do không nhận được sự ủng hộ từ Moscow như trong vụ việc ở Crimea. Ukraine bị chia cắt.

Tương lai nào cho miền Đông Ukraine?

Donbass có nghĩa là lưu vực sông Donetsk trong tiếng Nga, là vùng đất rộng lớn ở Đông Nam Ukraine, bao trùm lãnh thổ hai tỉnh Donetsk và Lugansk. Trong lịch sử, Donbass từng có giai đoạn là một phần lãnh thổ của Đế quốc Nga, sau đó được chia cho Ukraine khi Liên Xô được thành lập. Khi Liên Xô tan rã, vùng Donbass là một phần lãnh thổ của Ukraine và Nga đã công nhận điều này cho đến tận ngày 21/2.

Bản đồ khu vực Donbass (màu nâu thẫm) và khu vực do phe ly khai kiểm soát (màu xanh). Đồ họa: BBC

Sau khi DPR và LPR được thành lập năm 2014, Nga dù không sáp nhập hai nơi này, song phản đối quyết liệt hoạt động quân sự của Ukraine nhắm vào phe ly khai. Trong khi đó, Kiev coi phe ly khai ở DPR và LPR là khủng bố và đến nay không đối thoại trực tiếp với lực lượng này.

Trong nỗ lực hạ nhiệt xung đột Đông Ukraine, nhóm Bộ tứ Normandy gồm Nga, Pháp, Đức, Ukraine đã nhóm họp tại Minsk rồi kí kết thỏa thuận Minsk, gồm Nghị định thư Minsk năm 2014 (Minsk-I) và gói các biện pháp Minsk năm 2015 (Minsk-II), trong đó yêu cầu phe ly khai và quân đội Ukraine ngừng bắn, giữ hiện trạng trên thực địa, cũng như vạch ra lộ trình tìm kiếm giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, 8 năm qua, các bên đã bất đồng về cách diễn giải thỏa thuận Minsk và nhiều lần vi phạm lệnh này. Bản thân Tổng thống Putin mô tả việc ông ký sắc lệnh công nhận độc lập cho 2 vùng ly khai tại Đông Ukraine là kết quả của sự thất bại trong việc thực thi thỏa thuận Minsk.

Một khẩu pháo được binh sĩ Ukraine khai hỏa. Ảnh: ITN

Theo thông tấn RiaNovosti của Nga, sau khi công nhận độc lập, Tổng thống Putin đã kí các hiệp ước hữu nghị với LPR và DPR, trong đó coi hai nước cộng hòa tự xưng này là đồng minh của Nga và Nga cam kết tham trợ giúp họ bảo vệ biên giới.

Nội dung hai bản hiệp ước được ông đệ trình tới Quốc hội Nga cũng có điều khoản cho phép các bên "xây dựng và sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của nhau", có nghĩa là Nga được phép xây dựng, triển khai binh lính, vũ khí tới các căn cứ quân sự tại 2 khu vực ly khai Donetsk, Lugansk ở Đông Ukraine và phe ly khai Ukraine cũng có thể làm điều tương tự ở Nga.

Giới quan sát nhận định, sự công nhận của Nga với DPR và LPR sẽ để lại những tác động lâu dài ở châu Âu và tiếp tục phản ánh thái độ quyết liệt của Moscow để đảm bảo an ninh chiến lược, trước viễn cảnh Ukraine dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky quyết tâm gia nhập NATO, còn khối quân sự do Mỹ dẫn đầu khước từ thẳng thừng các đề nghị an ninh của Điện Kremlin.

Người dân Đông Ukraine mang cờ Nga xuống đường ăn mừng. Ảnh: Reuters
Ông Putin từ lâu cảnh báo các hệ thống vũ khí tấn công do Mỹ triển khai ở Ukraine có thể bay đến Moscow chỉ sau vài phút và lí do duy nhất khiến Mỹ chưa đưa chúng đến Ukraine là bởi Kiev chưa phải thành viên NATO. Moscow quả quyết rằng họ sẽ không để yên nếu điều đó xảy ra.

Cần nhắc lại rằng, trước LPR và DPR, cách đây hơn một thập kỉ, năm 2008, Nga từng công nhận độc lập cho 2 vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, sau một cuộc chiến kéo dài vỏn vẹn 5 ngày do Nga phát động chống lại Gruzia. Moscow sau đó cung cấp cho họ hỗ trợ ngân sách, cấp quốc tịch Nga và triển khai nhiều binh sĩ tới khu vực để gìn an ninh.

Dù có nhiều cách lý giải hành động của Nga ở Gruzia, song rõ ràng biện pháp của Moscow đã ngăn chặn vô thời hạn tham vọng gia nhập NATO của Tbilisi.

Sự công nhận của Nga còn có nghĩa là người nói tiếng Nga ở Đông Ukraine không phải bỏ sang Nga lãnh nạn. Ảnh: Getty Images

Một số chuyên gia nhận định kịch bản Gruzia đang được Nga lặp lại với Ukraine. Tuy nhiên, Nga lần này hành động nhanh hơn. Họ không chờ Kiev phát động bất cứ chiến dịch lớn nào nhắm vào miền Đông.

Ngay sau quyết định hôm 21/2 của ông Putin, người dân sinh sống ở DPR và LPR bắn pháo hoa, diễu hành ăn mừng. Dù đối mặt với sự trừng phạt từ phương Tây, sự hậu thuẫn của Moscow mang đến cơ hội để DPR và LPR được các quốc gia khác công nhận.

Đến nay đã có Syria ủng hộ Nga. “Syria ủng hộ quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận cộng hòa Lugansk và Donetsk và sẽ hợp tác với họ”, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad phát biểu khi có mặt tại Moscow. Ngoài ra, sự công nhận của Nga cũng giúp người dân ở DPR và LPR đảm bảo an ninh và giao thương công khai với doanh nghiệp Nga.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: Reuters

Với Ukraine, động thái của Nga có nghĩa là họ còn rất ít cơ hội giành lại vùng lãnh thổ miền Đông, bởi bất cứ chiến dịch quân sự nào cũng sẽ vấp phải sự phản kháng từ Nga. Dù phương Tây gần đây thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiev, Mỹ và các đồng minh NATO đã nói rõ ràng rằng họ không có kế hoạch gửi quân chiến đấu tới Ukraine, mà chỉ hỗ trợ Kiev tăng khả năng phòng thủ. Công cụ chính của phương Tây dường như vẫn là các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

Tuy nhiên, giống như khi sáp nhập Crimea, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 21/2 cho biết, Nga “không ngán” hậu quả từ việc công nhận DPR và LPR.

Hiện vẫn chưa rõ hành động tiếp của Nga với Ukraine. Trong thông điệp hôm 22/2, Nga nói rằng biên giới chính xác của LPR và DPR vẫn chưa được xác định, điều đó có nghĩa là lãnh thổ DPR và LPR có thể không bị giới hạn bởi phần lãnh thổ mà phe ly khai kiểm soát. Trong khi phe ly khai muốn lãnh thổ của họ bao trùm toàn bộ các tỉnh Donetsk và Lugansk thì Kiev đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ của hai tỉnh trên.

Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journals cùng ngày, ông Aleksei Chesnakov, cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho Điện Kremlin đặt câu hỏi mở: “Tôi không rõ các nhà ngoại giao và giới chính trị gia châu Âu đã nhận thức được đầy đủ mức độ phức tạp trong vấn đề mà họ gặp phải khi ông Putin thúc đẩy chính sách của ông ấy hay chưa. Ông Putin muốn tiến hành những động thái quyết liệt hơn về quân sự, chính trị và kinh tế. Ông ấy đã sẵn sàng”.

Thiện Minh

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bức xúc khi chứng kiến đối tượng trộm cắp xe máy giữa ban ngày, anh Nguyễn Công Định (ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã lao thẳng xe vào tên trộm rồi sau đó cùng người dân khống chế thành công đối tượng trộm cắp xe máy.

Tối 4/11, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Trung (SN 1977; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ngày 3/11, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an tỉnh Sơn La về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

Ngày 4/11, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Công an huyện Như Xuân vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Bùi Văn Tuấn (SN 1983), ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Lương cơ sở đã tăng, nhưng một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu lương cũng "mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện". Thế nên, các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng nhân tài thì vẫn "như lá mùa Thu".

Chiều 4/11, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa xuất quân hỗ trợ lực lượng chức năng Campuchia chữa cháy casino 7 tầng, thuộc xã Tropeng phlong, huyện Ponhia Kret, tỉnh Tbuong Khmum (Campuchia), hướng dẫn thoát nạn cho 4 người bị thương mắc kẹt trong đám cháy.

Ngày 4/11, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác bí mật ghi hình các bãi giữ xe bên ngoài trường THPT Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) qua đó phát hiện không ít học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 110 – 125 cc như: Honda Vision, Spacy… gửi tại đây.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文