Vì sao đồng ruble Nga phục hồi "như vũ bão" bất chấp trừng phạt?
Giá trị đồng ruble của Nga trở về sát ngưỡng giá trị như trước khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu, bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế khắt khe từ phương Tây.
Ngay khi Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine hôm 21/2, Mỹ và đồng minh châu Âu đã khẩn trương chuẩn bị các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự nhắm vào quốc gia láng giềng, phương Tây áp đặt một loạt vòng trừng phạt kinh tế với nỗ lực cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo Reuters, chỉ trong vòng hơn 3 tuần tính từ ngày 24/2, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã ban bố 4 vòng trừng phạt nhằm vào 685 cá nhân Nga và Belarus, cũng như hệ thống thương mại và tài chính của Moscow, biến Nga thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới.
Các gói lệnh trừng phạt của phương Tây còn khiến nhiều tập đoàn quốc tế hoạt động tại Nga rời đi, hàng loạt công ty vận chuyển toàn cầu ngừng hoạt động tại Nga và nhiều nhà cung cấp linh kiện điện tử, cơ khí, máy móc đình chỉ làm ăn với Moscow, khiến đồng ruble rơi tự do, thị trường Nga hoảng loạn.
Đỉnh điểm, lúc xuất hiện tin tức Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga và hối thúc châu Âu hành động tương tự, đồng ruble ngày 7/3 có lúc rơi xuống mốc 140 ruble đổi 1 USD, tương đương một nửa giá trị so với khoảng hơn 70 ruble đổi 1 USD hồi đầu tháng 2/2022.
Tuy nhiên, theo số liệu do Yahoo Finance ghi nhận lúc 18h chiều nay (31/3, giờ Hà Nội), giá trị đồng ruble đã trở về mốc khoảng 81 ruble đổi một USD, tương đương ghi nhận vào ngày 24/2, thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng.
Tờ WashingtonPost nhận định, ngoài đồng ruble, hệ thống ngân hàng của Nga dường như cũng đã dần trở lại hoạt động ổn định hơn, khi hoạt động rút tiền hoảng loạn của khách hàng giảm đáng kể.
"Có vẻ như Ngân hàng Trung ương Nga đã tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính", Elina Ribakova, nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế IIF nhận định. "Chúng tôi lo ngại các lệnh trừng phạt có thể làm sụp đổ một số ngân hàng. Điều đó dường như không xảy ra".
Giới quan sát cho rằng có một số lí do dẫn đến giá ruble bình ổn trở lại. Đầu tiên, Nga đã tìm ra một phần cách giải quyết vấn đề trừng phạt. Ngân hàng Trung ương Nga từ tháng 2 đã quyết định tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% để hạn chế đà rút tiền của khách hàng.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng giới hạn số lượng ngoại tệ mà người Nga có thể rút từ tài khoản ngân hàng ở mức 10.000 USD trong vòng 6 tháng, số còn lại sẽ được trả bằng ruble; đồng thời yêu cầu các công ty xuất khẩu đổi 80% doanh thu từ đồng ngoại tệ thành ruble, từ đó tạo ra nhu cầu với đồng nội tệ.
Theo một ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP của Nga trong tuần gần cuối tháng 3 đã cao hơn khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Các dữ liệu thời gian thực khác được Economist thu thập, như lượng tiêu thụ điện và vận tải hàng hóa đường sắt, vẫn ổn định.
Lí do thứ hai, dù trừng phạt Nga gắt gao, nhưng nguồn thu lớn nhất của ngân sách Nga là khí đốt và dầu mỏ vẫn chưa bị hạn chế đáng kể. Các ngân hàng tham gia quá trình thanh toán này cũng chưa bị phương Tây "động đến".
Nga hiện là nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới, với lượng dầu và các sản phẩm tinh chế đạt khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu. Trong khi châu Âu nhập 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô cần thiết từ Nga, Forbes nói rằng, chỉ 3,5% nguồn dầu nhập khẩu của Mỹ trong năm 2021 đến từ các doanh nghiệp của Moscow. Bởi vậy, lệnh cấm của Mỹ không có quá nhiều tác động với Nga.
Chỉ tính riêng khí đốt, số tiền mỗi ngày mà EU phải trả cho Nga đã tăng từ khoảng hơn 200 triệu Euro hồi đầu năm, lên mức 800 triệu Euro mỗi ngày vào đầu tháng 3/2022, trong bối cảnh nhu cầu và giá năng lượng đang neo ở vùng đỉnh, theo Independent.ie.
Gần đây, khi Nga yêu cầu châu Âu phải chuyển dần thanh toán khí đốt sang đồng ruble, niềm tin vào đồng nội tệ của Nga đã gia tăng, từ đó kéo giá trị của nó trở lại sát ngưỡng giống như trước chiến tranh.
Theo các quan chức Nga, Moscow cũng áp dụng nhiều biện pháp nhằm mở rộng tập khách hàng tiềm năng. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói rằng các "đơn đặt hàng dầu mỏ giảm sút" từ các khách hàng châu Âu sẽ được bù đắp bằng việc bán nguyên liệu thô này cho các nước châu Á.
Ấn Độ và Trung Quốc, hai trong nhóm các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, đã từ chối tham gia các hoạt động trừng phạt Nga do phương Tây phát động.
Một nguyên nhân tiếp theo được cho là những biến chuyển tích cực trên bàn đàm phán Nga-Ukraine, khi Kiev ngỏ ý sẵn sàng đáp ứng một số yêu cầu cốt lõi của Moscow, còn Nga cũng tuyên bố giảm bớt các hoạt động quân sự ở quốc gia láng giềng.
Tuy vậy, Yevgeny Nadorshin, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn PF Capital ở Moscow, cho biết, đồng ruble mạnh hơn rất có thể do các yếu tố nhân tạo thúc đẩy và có thể không phải là dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế Nga đang được cải thiện.
"Sự hạn chế trong các hoạt động thương mại xuyên quốc gia đã làm giảm nhu cầu ngoại tệ, chúng tôi không thể khẳng định tỷ giá hối đoái phản ánh thực tế nền kinh tế trong nước", ông nói.