Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: "Với những nhà văn lớn, không gì có thể cản trở được ngòi bút của họ"

16:04 28/10/2021

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khẳng định như vậy trong cuộc gặp gỡ nhân dịp ra mắt hai cuốn sách của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, “Tiếng người trong văn” và cuốn tư liệu, Nguyễn Xuân Khánh, “Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi”. Ông đã đi qua một cuộc đời nhiều biến động, nhưng trên từng trang viết của ông luôn vang vọng hai chữ thiêng liêng, Tiếng Người.

Sinh thời, khi ông còn sống, tôi may mắn nhiều lần được đến trò chuyện cùng ông. Trên căn gác tầng hai là một thư phòng nhỏ, giản dị, nơi những tiểu thuyết nổi tiếng, “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” ra đời, ông trò chuyện với chúng tôi về những cuốn sách, những trải nghiệm của đời văn, những suy ngẫm về thế thái nhân tình...

Ông là vậy,  nồng hậu với tất cả mọi người, từ trẻ đến già, đặc biệt ông luôn dành thiện cảm và ân tình cho những người trẻ, lắng nghe tiếng nói của họ. Các tác phẩm của ông nằm trong top những tiểu thuyết được tái bản nhiều nhất, đặc biệt rất nhiều bạn trẻ  tìm đọc. Nhà phê bình văn học, tiến sĩ Đoàn Ánh Dương khẳng định, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sẽ tiếp tục được các thế hệ đọc và sẽ sống mãi trong dòng chảy văn học Việt Nam.

 Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Và cũng là lần đầu tiên, khi ông qua đời, bạn đọc yêu quý nhà văn có thể đọc và hiểu sâu hơn về cuộc đời của ông- một người đã đi qua rất nhiều biến cố của lịch sử, thời cuộc vẫn sống chết với những trang viết của mình qua di cảo “Tiếng người trong văn”. Cuốn sách được xem là hồi ký ông viết về cuộc đời mình, về bạn văn cũng như sự nghiệp văn chương của ông. Ở đó, người đọc gặp lại một nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với những lát cắt cuộc đời.

 Đó là khi ông lên sáu, phải theo mẹ về sống bên ngoại vì bố mất sớm. Hình ảnh người mẹ góa 30 tuổi xõa tóc cầm con dao phay múa trước mâm cúng rước khi dắt con rời quê chồng đã ám ảnh sâu vào tâm khảm ông. Nó đã cho ông nghị lực và quyết tâm sau này làm người và làm nhà văn. Ông viết: “Đời tôi lắm lúc chua cay thất bại, tôi thường nhớ đến cái mâm đồng trên đầu tường hoa và hình ảnh của mẹ tôi đêm ấy. Và tôi lại tự nhủ lòng. Không được nản chí. Không thể chịu thua. Nào hãy cố lên”.

Theo lời tự thuật của nhà văn thì ông nuôi mộng văn chương từ nhỏ, Hơn 10 tuổi, ông đã từ bỏ làm thơ để chuyển sang viết tiểu thuyết là tác phẩm của các nhà văn lớn mà ông may mắn được đọc. Ông chia sẻ: “Cảm ơn những nhà văn nghiêm túc của thế giới. Nhờ họ tôi mới vỡ ra thế nào là văn học Tây phương và thế nào là thứ văn học nghiêm túc nhân đạo chủ nghĩa”. Và ông viết “Hoang tưởng trắng” (in lần đầu vào năm 1990 với tên “Miền hoang tưởng), cuốn sách đã khiến ông lao đao. Sau đó là tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” cũng phải hơn ba mươi năm sau mới được xuất bản.

“Tiếng người trong văn” còn là kỷ niệm với những đồng nghiệp tên tuổi như Tô Hoài, Vũ Bằng, Trần Dần, Lê Bầu, Dương Tường, Châu Diên... những con người giờ đã là người thiên cổ. Những câu chuyện lần đầu được ông kể lại, đó là cuốn sách đầu tiên, “Rạng đông” không được xuất bản và sau này bị thất lạc, chuyện cuốn “Làng nghèo” viết ở trại sáng tác Thanh Liệt cũng chỉ “trung bình thôi” nên giờ không in. Rồi chuyện li kỳ của bản thảo “Trư cuồng”...

Qua những lát cắt về cuộc đời từ một cậu thiếu niên trong sáng, yêu thi ca, yêu cách mạng đến một nhà văn lớn của đầu thế kỷ 21, người đọc sẽ hiểu được những câu chuyện của cả một thời cuộc. Những gian khổ của người cầm bút, những biến thiên của lịch sử đã tác động đến nhà văn và đặc biệt là những trăn trở của người trí thức trước thời cuộc. Một con người cả cuộc đời mang một tấm lòng trong và trí tuệ, nhân ái với cuộc đời.  Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời cầm bút của ông: “Văn chương phải thức dậy tiếng người, phải có tiếng người trong văn”. Ông đã viết như vậy.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, nơi có duyên được in toàn bộ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ: “Qua các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ta thấy sức mạnh của những trí thức nặng lòng với đất nước. Đọc ông, ta học được sự trăn trở của người trí thức trước thời cuộc, tình cảm tha thiết yêu mến của nhà văn với văn hóa lịch sử đất nước, tình cảm sâu sắc với những người bà, người mẹ, tinh thần thông điệp tác phẩm gửi gắm thông qua văn hóa. Ông đã để lại tình yêu văn hóa, văn chương trong lòng bạn đọc”.

Tại cuộc gặp mặt trực tuyến nhân dịp ra mắt cuốn sách của ông, nhà văn Hoàng Quốc Hải, người cùng thế hệ với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bày tỏ sự xúc động: “Đọc tất cả những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sẽ thấy ông không đem những nỗi dằn vặt, uất ức, hận thù vào trong tác phẩm. Ông tìm được diễn ngôn đa thanh, đọc ông khiến chúng ta trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, đôi khi thấy ân hận, đôi khi thấy xúc động, đôi khi thấy nghẹn ngào, đôi khi thấy hạnh phúc. Nhưng cái cung bậc quan trọng nhất là lòng nhân ái, cao thượng dành lại cho mỗi con người. Sau khi đọc xong tác phẩm ta thấy tâm hồn như được gột rửa, những gì bé mọn trong cuộc đời ta sẵn sàng bỏ lại hư không. Những nhà văn lớn là làm sao làm cho độc giả lớn lên khi đọc tác phẩm. Đó là sự phân biệt giữa một nhà văn lớn và nhà văn bình thường. Vì trong tác phẩm có tư tưởng, trong tư tưởng có sự bao dung, nhân ái. Cho nên với những nhà văn lớn, không gì có thể cản trở được ngòi bút của họ”.

Hai tác phẩm mới xuất bản của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Là người trực tiếp tổ chức biên soạn cuốn sách “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi” tiến sĩ Đoàn Ánh Dương đánh giá: “Văn chương Nguyễn Xuân Khánh là dữ liệu để hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc, trong tương lai ắt hẳn sẽ được đọc lại nhiều. Anh khẳng định, nhiều người cho rằng, “Trư cuồng” là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Xuân Khánh nhưng tôi tin  Nguyễn Xuân Khánh sẽ sống lâu qua bộ ba tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”. Đây là nỗ lực của tác giả trong hành trình đi tìm dấu vết văn hóa của một dân tộc trải qua nhiều hoạn nạn, sóng gió, va đập và qua đó tìm ra được sức mạnh sự bền bỉ của người Việt”.

Anh cũng khẳng định: “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là hiện thân cho tình yêu, lòng kiên trì và sự gắn bó sâu nặng với văn chương chữ nghĩa, sáng tác của ông thể hiện phẩm cách tri thức và chiều sâu văn hóa của một tài năng vươn lên trong bão táp thời cuộc bằng sức sống truyện kể, cái sức mạnh mà vì đó nó đem lại cho ông lý do để sống và nhờ được sống nên trở thành lý do để viết”.

Nhà văn Uông Triều lại có một nhận định khác với Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương, anh giật mình khi đọc lại những ý kiến của các nhà văn đồng nghiệp về cuốn “Miền hoang tưởng”, các tên tuổi như Bùi Hiển, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Xuân Thiều đều chê cuốn “Miền hoang tưởng”, coi nó là thấp kém, cá nhân. Anh chia sẻ: “Theo cảm quan cá nhân của tôi, “Miền hoang tưởng” mới là cuốn sách đột phá, sáng nhất của ông. Còn bộ ba lịch sử văn hóa sau này, có khen thì cũng đương nhiên thôi. Cá tính sáng tạo, sự tiên phong của toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Xuân Khánh chính là “Miền hoang tưởng”.

Những đánh giá trái chiều về giá trị của các tác phẩm mà nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để lại là câu chuyện của các nhà phê bình. Thời gian đã khẳng định sức sống trong các tác phẩm của ông, và thời gian sẽ tiếp tục khẳng định điều đó. Bởi, như một nhà phê bình đã đánh giá: “Sau tất cả những “vết cắt” của nhận thức, của cảnh ngộ của nghề nghiệp, cái còn lại trên trang văn của Nguyễn Xuân Khánh là tiếng người”.

Việt Linh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文