Chuyện về người con mang tên "nước Pháp" của Phan Khôi
Phan An Sa, người con trai út của nhà văn, học giả Phan Khôi vừa đột ngột từ biệt nhân gian, khi cuốn sách mới nhất của ông "Tôi với thầy tôi - Phan Khôi" (NXB Đà Nẵng) vừa in chưa ráo mực.
Với những cuốn sách viết về cha mình, đặc biệt với "Nắng được thì cứ nắng" (NXB Tri thức, 2013) - được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cùng năm, Phan An Sa đã bổ khuyết phần rất lớn về cuộc đời và suy tư của học giả Phan Khôi, từ cái nhìn cận cảnh gia đình, với bao nhiêu chi tiết người ngoài không thể nào biết được.
Học giả Phan Khôi mất ngày 16/1/1959, được an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện ở Vĩnh Tuy, Hà Nội. Một ngôi mộ đất đơn sơ như bao ngôi mộ xung quanh. Nghĩa trang của những kiếp người lao khổ, những nấm mộ tập thể của bao nhiêu người chết trong nạn đói 1945.... Những năm đầu gia đình vẫn thường xuyên thăm viếng, dẫy cỏ, hương khói đều đặn. Thế rồi từ tháng 8/1964, Mỹ ném bom miền Bắc, gia đình vợ con Phan Khôi đi sơ tán khỏi Hà Nội. Rồi thành phố di dời nghĩa trang lên Sơn Tây lấy đất xây dựng Nhà máy Dệt Minh Khai, người thân Phan Khôi sơ tán xa Hà Nội nên không hề hay biết...
Sau 1975 người lính Phan An Sa từ chiến trường miền Nam về, nơi đầu tiên là tìm đến mộ cha. Nhưng không còn tìm thấy dấu vết nào nữa...
Mấy chục năm trời sau đó, ông cùng anh chị em, con cháu mải miết, đau đáu đi tìm mộ cha, ông mình. Nhờ cậy đến tâm linh, ngoại cảm khắp nơi, trong đó có ông Năm Chiến từng "lừng lẫy" với nghề tìm mộ một thời ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Nhưng bất lực,...
Cuối cùng, ngày 9/1/2005, một nắm đất nhỏ nơi từng là nghĩa trang Hợp Thiện xưa, nơi nhà văn Phan Khôi được an táng, đã được con cháu thành kính bốc đặt vào quách, trang trọng chuyển về nghĩa trang Bạc Hà (khu vực núi Thọ Sơn, thôn Tân Phong, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) - nơi quy tập các bậc tiền hiền 5 phái thuộc tộc Phan làng Bảo An. Cách dòng Thu Bồn bên kia là làng Bảo An quê gốc. Học giả Phan Khôi về nằm lại quê nhà dưới ngôi "mộ gió", bia đá khắc bài thơ "Tình già...".
Phan An Sa, cái tên như muốn nói về hạt cát họ Phan làng Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam)? Không, kỳ thực cái tên mà người cha Phan Khôi đặt cho ông lúc mới sinh ra là Phan Langsa, và chứa đằng sau đó là câu chuyện ngậm ngùi.
Năm 1948, từ chiến khu Việt Bắc, Phan Khôi gửi thư về Quảng Nam cho hai bà vợ cùng bầy con 10 người. Kèm theo 2 bài thơ "Nhớ nhà" (I và II).
Hai câu cuối bài "Nhớ nhà" (II), Phan Khôi nhắc đến cậu con út: "Bé nhất Langsa mới ba tuổi/Tên mày ghi cái nhục non sông".
Vì sao lại là "Langsa"? Trong cuốn "Nắng được thì cứ nắng...", ông Phan An Sa kể lai lịch cái tên đặc biệt của mình. "Lang Sa là từ Hán Việt phiên âm chữ France là nước Pháp, vì thằng bé sinh vào chập tối mồng 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Theo ý ông (Phan Khôi-NV), đã phải chịu cái nhục mất nước vào tay thực dân Pháp hơn 80 năm trước, nay lại thêm cái nhục mất nước vào tay phát xít Nhật, thì đã là con cái của ông phải không được quên cái nhục ấy. Thế là cái thằng bé thuần chủng Việt ấy, vừa lọt lòng mẹ đã mang một cái tên đầy vẻ Tây, cái tên đó đeo đuổi cuộc đời nó đến mãn kiếp với biết bao nhiêu là nỗi sợ hãi của một kiếp người và niềm tự hào của một kiếp làm con ông!".
Còn "nỗi sợ hãi" về cái tên France, theo ông Phan Nam Sinh, anh ruột (cùng người mẹ đời sau) của Phan An Sa, thì "Bản thân tôi cũng tin rằng cái tên thằng em tôi mang, như thầy tôi giải thích, là để đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp và nhắc nhở anh chị em tôi cái nhục một cổ hai tròng. Chỉ tới năm 1958, khi báo chí phát động rầm rộ cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm, tôi mới biết thêm cách hiểu khác của các nhà phê bình (!). Chỉ thương thằng em tôi, lúc đó mới mười ba tuổi, đang học cấp 2, đã phải đổi tên và dùng cái tên không phải do thầy tôi đặt cho mãi tới bây giờ…".
Vậy là từ Phan Langsa (Fance), người con trai út của Phan Khôi đã phải tự đổi tên thành Phan An Sa. Năm 1972 ông xung phong đi bộ đội vào chiến trường khốc liệt Quảng Trị. Trong cuốn "Tôi với thầy tôi - Phan Khôi" ông viết - "Để tồn tại được, tôi buộc phải sống bằng toàn bộ ý chí. Tôi tình nguyện đi bộ đội giữa hồi bom đạn ác liệt nhất cũng vì lẽ đó, để nếu còn sống trở về, thì tôi phải được sống cuộc sống của con người đúng nghĩa, không bị chủ nghĩa lý lịch đè nặng, không bị kỳ thị, không bị phân biệt đối xử".
Chức vụ cuối cùng của ông trước khi nghỉ hưu là Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin.
Suốt 15 năm kể từ khi về hưu, như chợt bừng thức, ông lao vào đọc, nghiền ngẫm khảo cứu trên "cánh đồng chữ" bao la mà người cha để lại, "dò dẫm từng bước trên đó để tìm ra ý nghĩa cuộc sống đích thực của mình... Nhặt nhạnh từng giây, từng khắc để đọc, để ghi chép và để viết, bù lại quãng thời gian dài dặc đã bị phí phạm" (Tôi với thầy tôi - Phan Khôi).
Ông âm thầm góp công sức giúp các nhà nghiên cứu tài liệu, ý tưởng để cho ra những công trình nghiên cứu dày dặn công phu, những hội thảo khoa học lớn về Phan Khôi. Và rồi những cuốn sách phục dựng toàn bộ cuộc đời Phan Khôi mang tên tác giả Phan An Sa lần lượt ra đời, cung cấp cho bạn đọc và giới nghiên cứu chân dung hoàn chỉnh về một trí thức lớn - người phản biện nổi tiếng Việt Nam thế kỷ 20, người mở đầu Thơ Mới...
Không phải ngẫu nhiên mãi đến năm 1996, sau Đổi mới hàng chục năm, sách của Phan Khôi mới được in lại, mở đầu với việc NXB Đà Nẵng tái bản cuốn "Chương Dân thi thoại". Và không phải ngẫu nhiên, mãi đến tháng 3/2015, tên đường Phan Khôi mới được đặt tại Quảng Nam, quê hương của ông! Sau khi được "đả thông" bằng một hội thảo chính thức về ông tại địa phương mấy tháng trước đó. Gánh nặng như chính cái tên đầy ý nghĩa mà cha đặt cho cũng phải cải đổi để tồn tại.
Phan Langsa - Phan An Sa đột ngột ra đi hôm 29/11 mới đây sau cơn đột quỵ, khi hai bản thảo ông đã hoàn thành và chưa kịp ra đời. Và cũng không thể nhìn thấy "Phan Khôi di cảo" chuẩn bị in xong.
Nhưng với hàng ngàn trang sách được viết công phu, sắc sảo, không ít người hiểu đúng hơn về Phan Khôi, Phan Langsa - Phan An Sa thật xứng đáng với "niềm tự hào của một kiếp làm con Phan Khôi".
Nhớ lần gặp ông tại Hội thảo "Phan Khôi - Những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc" được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 6/10/2014 tại thành phố Tam Kỳ, ông đã ký tặng tôi cuốn "Nắng được thì cứ nắng"... Nhìn lại chữ ký nghiêm ngắn, mạnh mẽ của ông, vẫn hiển hiện lên mấy chữ "P. Langsa".
Hai bài thơ của nhà văn Phan Khôi từ Việt Bắc gửi về quê cho hai bà vợ năm 1948 có tên là "Nhớ nhà (I)" và "Nhớ nhà (II)"
"Hai nhà", đó chính là 2 bà vợ với đàn con 10 người, lúc đó còn đang ở quê nhà Quảng Nam.
Bà vợ đầu của Phan Khôi tên là Lương Thị Tuệ (bà Phan), con cụ Cử nhân Giáo thọ Lương Thúc Kỳ người làng Hà Tân, Đại Lộc, Quảng Nam. Hai ông bà lấy nhau năm 1913, khi bà mới 19 tuổi, có cả thảy 8 người con (trong đó người con trai thứ 6 mất sớm khi mới 12 tuổi).
Bà Hai là Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1911, quê Giao Thủy, Nam Định. Năm 1932, đang làm báo ở Sài Gòn, Phan Khôi viết thư về xin phép cha được lấy vợ nhỏ để theo mình đỡ đần công việc. Ở quê, chính bà Phan vâng lời cha đứng ra lo liệu "mối" vợ nhỏ cho chồng, nhưng Phan Khôi cuối cùng không đồng ý "mối" này! Đến năm 1935, khi đã ra Hà Nội, Phan Khôi gặp và cưới bà Huệ kém ông 24 tuổi, khi ấy đang ở với người chị gái ở Hà Nội (không rõ chi tiết "Hai mươi bốn năm xưa vừa gió lại vừa mưa" trong bài "Tình già" có liên quan gì đến mốc thời gian này không?).
Phan Khôi và bà Huệ có với nhau 3 người con, trong đó có người con trai út Phan An Sa vừa kể. Khi ông Phan Khôi lên Việt Bắc, mẹ con bà Huệ cũng được đưa về quê chồng Quảng Nam. Đến năm 1954, hai bà và toàn bộ đàn con, cháu đã lần lượt tập kết ra Bắc đoàn tụ với Phan Khôi.