Di tích Nhà tù Lao Bảo - nơi được đặt biệt danh địa ngục trần gian

17:13 22/06/2025

Nhà tù Lao Bảo thuộc địa bàn thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cách Đường 9 hơn 2km, cách thành phố Đông Hà 80km về phía Tây. Phía Tây Nam giáp sông Sê Pôn - nơi ranh giới giữa Việt Nam và Lào.

Cuộc sống ở Lao Bảo đổi thay từng ngày, là sự nhộn nhịp phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội, nhưng xa xưa miền biên viễn này là vùng đất hoang vu, rừng núi trùng điệp, khí hậu khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc. Nên vào thời kỳ phong kiến, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng ở đây một Bảo Trấn Lao, để giữ gìn vùng biên cương không cho quân xâm lược tiến đánh, vừa làm nơi lưu đày các tội nhân mang trọng án của triều đình.

di tích l%3fch s%3f qu%3fc gia nhà tù lao b%3fo.jpg -0
Di tích lịch sử Quốc gia Nhà tù Lao Bảo.

Sau này, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược đất nước ta, cùng với việc khai thác thuộc địa, trấn áp các phong trào yêu nước, chúng đã xây dựng các nhà tù trên khắp đất nước Việt Nam. Và Lao Bảo là địa điểm chiến lược để thực hiện mưu đồ đó vì ở đây hội tụ các yếu tố khắc nghiệt, biệt lập. Năm 1908, thực dân Pháp cho xây dựng nhà tù ngay khu đất Bảo Trấn Lao. Ở đây chỉ giam giữ phạm nhân đến năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám thành công thì không còn giam giữ tù nhân nữa.

Từ năm 1968 - 1971, quân đội ta chọn địa điểm nhà tù Lao Bảo làm điểm đóng quân, chính vì vậy khi đế quốc Mỹ tấn công, chúng đã sử dụng bom dội xuống nên hầu hết hệ thống nhà tù bị đánh sập. Ngày 25/1/1991, nhà tù Lao Bảo đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 154/BVHTT.

Hằn sâu những năm tháng đau thương

Nếu ở miền Bắc có nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, miền Nam có Côn Đảo thì ở miền Trung có nhà tù Lao Bảo. Nơi đây giam giữ các tù nhân từ Thanh Hóa đến Bình Thuận gồm có 354 tù nhân, trong đó có 122 là đảng viên Đảng Cộng sản. Nhà tù Lao Bảo là một trong những nhà tù lớn nhất tại Đông Dương lúc bấy giờ, rộng khoảng 10ha. Toàn bộ các công trình nhà tù Lao Bảo ở đây được bao quanh bởi hệ thống tường thành kiên cố cao 3,5m và nhiều lô cốt bảo vệ ở các góc thành và các vị trí quan trọng.

Theo chị Võ Thị Thu Hằng - Phó trưởng Ban quản lý Di tích nhà tù Lao Bảo cho biết: Ở đây có một nguyên tắc không có nơi nào thực hiện, tất cả tù nhân không đứng, ngồi xếp hàng mà phải nằm xếp hàng ở giữa sân. Sau đó cai ngục mới phát một bộ áo quần tù nhân có in dấu và số tù, lần lượt họ bị đưa ra cạo trọc đầu và đưa vào lò rèn. Ở đó tù nhân sẽ bị đóng gông cùm, gắn xiềng xích. Tùy vào tội nặng nhẹ mà tù nhân bị cai ngục đưa về các lao khác nhau lao A, lao B, lao C, lao D hay lao E.

Lao A và B được xây dựng năm 1908, làm bằng gỗ lợp ngói. Mỗi dãy nhà dài 15m, rộng 5m, cao 2m; có thể giam giữ được 60 tù nhân. Sau này bom Mỹ dội xuống đã phá hủy hoàn toàn. Năm 1931, sau khi Đảng Cộng sản ra đời, phong trào chống thực dân Pháp diễn ra mạnh mẽ. Thực dân Pháp cho xây dựng dãy nhà gồm 3 lao kiên cố bằng bê tông cốt thép là lao C, D, E. Mỗi nhà lao dài 30m, rộng 6m, giam giữ được khoảng 180 tù nhân. Lúc bị giam ở lao E thì tù nhân vẫn bị đeo gông cùm ở cổ, chân tay đeo xiềng xích.

Với khí hậu khắc nghiệt, nạn muỗi rừng, lũ quét cùng với chế độ nhà tù hà khắc như: Chế độ lao dịch nặng nhọc, tra tấn phạm nhân dã man như kiểu thời trung cổ; ăn uống tồi tệ, đau ốm không có thuốc men… đã hành hạ thể xác con người đến chết dần, chết mòn. Nhiều người chết vì kiết lị, vì sốt rét ác tính… Nhà tù Lao Bảo trở thành địa ngục trần gian đối với tù nhân bị giam giữ.

Ngoài ra, ở đây còn có khu nhà biệt giam nằm ở phía Đông của nhà tù để giam những tù nhân đặc biệt quan trọng, gồm có 13 buồng, mỗi buồng rộng 1m, cao 2,14m. Các tù nhân không nằm trực tiếp lên sàn xi măng mà chúng cho kê thêm tấm ván bằng gỗ lim, sao cho từ ván đến trần chỉ có 0,7m. Chính vì vậy, tù nhân bị giam ở đây chỉ có thể nằm hoặc ngồi khom.

Tại đây đã từng giam giữ đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu. Lúc bị giam ở đây, nhà thơ Tố Hữu mới tròn 20 tuổi. Và đó cũng là nơi nhà thơ viết nên bài thơ nổi tiếng là “Trăng trối”, “Con cá chột nưa” thể hiện khí tiết con người cộng sản “Đến hôm nay phút chết đã kề bên/ Đến hôm nay kiệt sức, tôi nằm rên/ Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu./ Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa/ Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa”. Bằng ý chí, nghị lực của người cộng sản, sự cổ vũ của đồng chí, đồng đội xung quanh, các chiến sĩ cách mạng hiểu ra rằng “Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con ngươi/ Đến cạn máu tàn hơi/ Không xa rời kỷ luật!”.

Cuộc đấu tranh tuyệt thực, tuyệt ẩm 14 ngày đêm tại nhà tù Lao Bảo thắng lợi. Thực dân Pháp nhượng bộ cho tù chính trị ở đây một số yêu sách. Sau này thực dân Pháp hiểu ra những người cầm đầu như đồng chí Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu đặc biệt nguy hiểm. Để cách ly những người cầm đầu với phong trào đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản nên chúng đã cho chuyển các đồng chí vào nhà tù Buôn Ma Thuột.

Chứng tích lịch sử

Bước vào nhà tù Lao Bảo, chúng ta sẽ nhìn thấy hàng chục cây vông đồng cổ thụ, gai góc, gần trăm năm tuổi che mát cả vùng khuôn viên rộng lớn. Những thân cây đầy gai nhọn này là nơi thực dân Pháp tra tấn, phạt tù nhân bằng cách lột áo quần bắt ôm hoặc trèo. Vì thế, cây vông đồng được xem là nhân chứng cho những tội ác man rợ của thực dân Pháp gieo xuống đất này.

Khu nhà lao biệt giam.

Phía bên phải gần những cây vông đồng cổ thụ là cụm Tượng đài kỷ niệm Lao Bảo do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện năm 1999 với ý nghĩa để xoa dịu những đau thương, mất mát từng diễn ra ở nơi đây. Nhưng vượt lên trên hết là ý chí gang thép, là tinh thần đấu tranh của những tù nhân. Khởi đầu cụm tượng đài là hình ảnh những sĩ phu yêu nước, tiếp đến là những chiến sĩ Cộng sản. Họ trong chế độ tù đày, xiềng xích nhưng vẫn toát lên được tinh thần, khí phách hiên ngang, ngẩng cao đầu trước thực dân.

Hình ảnh những nắm tay giơ cao như giữ vững lời thề kiên trung, ý chí kiên định, vượt qua mọi khổ lao xiềng xích, gông cùm. Phía dưới những nắm tay là bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết vào tháng 6/1938: “…Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu/ Cho da tôi dày dạn với ngày mai/ Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai!”. Bài thơ "Lao Bảo" này được nhà thơ viết trong một lần đi thăm người anh làm ở bưu điện Lào khi đi ngang qua nhà tù Lao Bảo, cảm thông trước sự thống khổ của những tù nhân bị đày ải ở nơi đây. Nhưng chính nhà thơ Tố Hữu lại không ngờ được bản thân bị đày đến nhà tù này vào tháng 9/1940.

Nhà tù Lao Bảo không chỉ là một chứng tích lịch sử, còn là dấu ấn hằn sâu của những năm tháng đau thương dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp. Nơi đây đã từng giam giữ biết bao người con ưu tú của dân tộc là những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước, với tinh thần bất khuất, ý chí kiên trung, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do. Giữa bốn bức tường lạnh lẽo và gông cùm xiềng xích, họ vẫn giữ vững niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Nhà tù Lao Bảo là minh chứng sống động cho sức mạnh của lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng. Đó là bài học sâu sắc, thiêng liêng để giáo dục đạo đức và tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Anh Đức

Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra ở miền tây Nghệ An trong những ngày qua gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề. Cùng với lực lượng Công an ở cơ sở, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ đang tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân các xã khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đất nước sẽ giành chiến thắng trong các trận chiến “chống đế quốc”, nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên, truyền thông nhà nước đưa tin ngày 27/7.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) 2025 tại Philippines đã xuất sắc giành 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Thành tích ấn tượng này giúp Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tổng điểm cao nhất toàn đoàn.

Tối ngày 26/7, Công an xã Thiện Tín (Quảng Ngãi) nhận được đơn trình báo của bà Đinh Thi Boi (SN 1979, ở thôn Trũng Kè 2, xã Thiện Tín), về việc con gái là Phạm T. K. T. (SN 2011) bỏ nhà lên xe ô tô màu đen, rời khỏi địa phương vào khoảng 15h chiều cùng ngày, gia đình không liên lạc được.

Israel thông báo nối lại các hoạt động thả hàng viện trợ bằng đường không xuống Gaza trong ngày 26/7, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại vùng lãnh thổ này, quyết định được đưa ra khi áp lực quốc tế đối với Israel ngày càng gia tăng, trong khi các cơ quan cứu trợ cảnh báo về tình trạng nạn đói đang lan rộng trong khu vực.

Từ một cơ sở massage nằm trong tầng hầm khách sạn sang trọng giữa trung tâm Hà Nội, một đường dây tổ chức mua bán dâm tinh vi đã được dựng lên, hoạt động có tổ chức và thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với sự vào cuộc quyết liệt, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm này.

Có đến từng gia đình nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát mới thấy hết ý nghĩa và giá trị nhân văn của phong trào này. Họ đều là những người yếu thế trong xã hội và chúng ta sẽ không để họ lại phía sau trên con đường tiến tới no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, Cục CSGT thông báo số điện thoại tiếp nhận thông tin của các Trưởng phòng CSGT toàn quốc để tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến tình hình TTATGT, hoạt động của lực lượng CSGT. Các số điện thoại này đều được thiết lập Zalo, Viber…

Từng là vùng đất heo hút, bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp, xóm Sĩ Điêng (xã Lũng Nặm, tỉnh Cao Bằng) từng bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng bình yên giữa đại ngàn Lục Khu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.