Lâm Huy Nhuận - bạn đến cùng tôi chia bóng tôi
Lâm Huy Nhuận thuộc lứa những cây bút cuối cùng trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng trang lứa với những cái tên như Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc… Những sáng tác đầu tiên của anh được viết giữa chiến trường.
Mỗi năm, cứ bước vào tháng 9 là toàn thể những người làm chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung, các cán bộ của Ban Văn học Nghệ thuật nói riêng lại náo nức chuẩn bị chào đón ngày thành lập Đài Tiếng nói, gắn với mùa thu cách mạng lịch sử 1945 của dân tộc. Đối với mỗi cán bộ của Ban Văn nghệ, ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các chương trình phát thanh, nhiều người trong số họ còn tham gia sáng tác văn học và trở thành những cây bút có tên tuổi, xác lập được vị trí riêng trên văn đàn. Một trong những người như thế chính là nhà thơ Lâm Huy Nhuận.
1. Lâm Huy Nhuận thuộc lứa những cây bút cuối cùng trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng trang lứa với những cái tên như Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc… Những sáng tác đầu tiên của anh được viết giữa chiến trường. Giai đoạn sáng tác đầu tiên của Lâm Huy Nhuận với những bài thơ viết trước 1975 đã sớm hé lộ một giọng thơ độc đáo, nhiều câu thơ vừa có hiện thực dữ dội của cuộc chiến, vừa có chất lãng mạn tài hoa.
Chẳng hạn như những câu thơ tả việc ăn nắm cơm giữa chiến trường: “Thơm từ miếng nạc lên hương/ Thơm sang miếng cháy vàng ươm lửa hồng/ Nhai như có hột bên trong/ Lưỡi lừa ra – đỏ mảnh bom ban chiều” (Nắm cơm quả bưởi). Nhịp điệu mềm mại ngọt ngào của thể lục bát truyền thống bất ngờ diễn tả được cả những chi tiết khốc liệt của chiến sự, khi mà trong miếng cơm của người chiến sĩ lạc vào cả một mảnh bom đỏ hồng. Thế mới biết ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa sinh và diệt đôi khi thật quá đỗi mong manh.
Trong một bài thơ khác, Lâm Huy Nhuận có những quan sát và miêu tả thật độc đáo về tiếng ếch giữa chiến trường: “Xe nối đoàn lên tận tuyến đầu/ Tháng ba còn buốt đá ngầm sâu/ Nghĩ thương chú ếch kêu khan tiếng/ Bom nổ liên hồi phải sấm đâu”. Trước đó, thơ Việt cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã từng có một tượng đài về tiếng ếch trong thơ Tú Xương: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Sông Lấp).
Nếu như tiếng ếch trong thơ Tú Xương là nỗi hoài niệm ngậm ngùi về cuộc đổi thay dâu bể thì tiếng ếch trong thơ Lâm Huy Nhuận là những khắc nghiệt đau thương của cuộc chiến, ẩn sau đó một tấm lòng đầy thương yêu, như muốn được chở che cho từng sinh vật dù bé nhỏ. Sự cảm động ấy, người đọc còn có thể bắt gặp trong những câu thơ Lâm Huy Nhuận viết về giây phút đứa con tạm biệt mẹ hiền để bước ra chiến trường: “Nhớ lại hồi chập chững bước chân/ Vũ trụ lớn không ngoài tay mẹ vịn/ Con đâu biết khi in trên đất mịn/ Dấu chân con nối tình mẹ xa dần” (Mẹ tập con đi, Đảng dạy con đi).
2. Kết thúc chiến tranh, Lâm Huy Nhuận trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp. Nhiều bài thơ anh viết giai đoạn cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 mang vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại, trong sáng, dù là những câu thơ tình cho đôi lứa, thơ cho con hay thơ về thiên nhiên cảnh vật. Bài thơ “Mùa thu” của Lâm Huy Nhuận cho đến nay, theo tôi vẫn là một trong những bài thơ tình hay nhất về mùa thu của thơ Việt Nam hiện đại.
Những câu thơ vừa giàu họa tính vừa giàu nhạc tính, đủ tinh tế để thể hiện được nỗi mong manh run rẩy trong hồn người: “Em còn nhìn bỡ ngỡ/ Hai mắt tròn như đôi tiếng chim/… Thu về chín vỡ trong tôi/ Hương bao trái lạ rối bời lời chim/ Thu đi để lại bên thềm/ Nghìn con mắt lá đang nhìn về đâu/ Chúng mình đã lỡ thương nhau/ Đừng như thu rụng đôi màu lá thu”.
Cũng là tiếng chim ấy, hồn nhiên và trong veo trong những câu lục bát khác, như sự vỗ về xoa dịu những vết thương trên thân thể thiên nhiên sau chiến tranh: “Màu xanh tràn hố bom sâu/ Tiếng chim về đó rủ nhau tìm mồi/ Lắng nghe nhẹ xuống tay tôi/ Từng hạt thóc nhỏ - đấy lời của chim” (Cái sàng lời chim).
Những thi phẩm như lời ru dành cho con thơ, trong thơ Việt từ trước đã có nhiều, song cái độc đáo của Lâm Huy Nhuận là lời ru cất lên từ tiếng lòng của người lần đầu được làm cha: “À ơi con ngủ đi con/ Mẹ vừa chợp giấc sữa còn nhẩn nha/ Chờ thêm chút xíu thôi mà/ Sữa mẹ về đã thấm ra áo rồi…/ Da con mát tựa buổi mai/ Làm cha dịu lại bao ngày Trường Sơn” (Lời ru đợi sữa mẹ về).
Thế rồi một biến cố lớn bỗng xảy đến trong đời Lâm Huy Nhuận, đó là sự tan vỡ của cuộc hôn nhân lần thứ nhất. Nhiều bài thơ của ông như đi đến tận đáy thăm thẳm của nỗi buồn, của tột cùng cô đơn và đau khổ: “Tự mình xông đất cho mình/ Căn phòng vắng ngắt lặng thinh bốn mùa/ Tự đốt pháo, tự giao thừa/ Bắt tay chúc tết như vừa thấy nhau/ Giật mình hai mắt trũng sâu/ Người trong gương ấy còn đau hơn mình” (Tự xông đất).
Còn gì cô đơn hơn khi một người phải tự phân thân thành hai cho vơi bớt đi nỗi trống trải trong thời khắc mà mọi gia đình bình thường đều được sum họp đoàn tụ - thời khắc giao thừa. Niềm đau day dứt đến độ gửi cả nỗi đau ấy vào trong hư ảnh, vào cái bóng trong gương của mình. Ước mơ hạnh phúc là điều mãi mãi xa vời, khi quanh thi nhân chỉ còn bóng tối hoang hoải và những đổ vỡ. Nghe trong từng câu chữ như có những giọt nước mắt rỏ xuống cõi lòng tan nát: “Nghe trong gió loạn xe hoa đến/ Họ rước em rồi anh cưới đêm” (Cưới đêm).
Trong nỗi đau, thơ Lâm Huy Nhuận dường như có thêm một chiều hướng khác, tìm về sự tối giản. Ông đã viết tới gần 20 bài tứ tuyệt trong tập “Chiều có thật” (1999): “Vô lý trời xanh vô lý cây/ Vô lý cả tôi dưới sáng ngày/ Theo đêm đi miết, ừ không bạn/ Buồn cũ còn riêng một hũ đầy” (Vô lý). Trong tận cùng cô đơn, ta mới thấy con người khao khát một sự sẻ chia và đồng cảm như thế nào: “Quán núi chiều mưa dợn khói người/ Tôi nghe trong suối tiếng thầm rơi/ Xin đừng đánh động, tâm còn lặng/ Bạn đến cùng tôi chia bóng tôi” (Quán núi).
Trong chặng cuối của tập "Chiều có thật", Lâm Huy Nhuận đi đến chỗ tự giải thoát mình khỏi nỗi buồn. Nỗi buồn còn đó nhưng tự nó dường như đã tách thành một thực thể, yên lặng ở bên con người, thấu suốt như nhìn thấy tận cùng để tấm lòng trở nên bình thản: Tôi nằm giữa thực và mơ/ Mà nghe tay buốt hai bờ thương đau/ Có bông hoa nhỏ dưới cầu/ Nở ra trắng muốt không màu thời gian (Bài kệ 1).
3. Bạn đọc phải chờ đến 23 năm sau, Lâm Huy Nhuận mới tái xuất giang hồ qua tập thơ “Mùi mưa - Sông mắt ướt “(NXB Hội Nhà văn, 2022) gồm 132 bài thơ, ra mắt vào đúng dịp sinh nhật tròn 70 tuổi của tác giả. Phong cách Lâm Huy Nhuận qua tập thơ thứ ba này là trở về với vẻ đẹp cổ điển trong tâm thế của một người bình thản, đắc ngộ, không còn dính mắc vào những buồn đau tê tái như nhiều bài của tập “Chiều có thật”. Những hồi ức, kỷ niệm về bóng hình cũ, nếu có phảng phất chút buồn thì cái buồn ấy cũng đã lặn vào sâu lắm, chỉ còn lại một sự an nhiên tĩnh tại.
Ta bỗng thấy thơ Lâm Huy Nhuận có hơi hướng của những bậc thiền sư: “Mây vẩy cá lá thủy tinh/ Góc vườn nơi ấy thấy mình bên nhau/ Bây giờ trăng đã bã trầu/ Mắt chân chim quệt mệt nhàu môi xưa/ Bây giờ đom đóm nhóm mưa/ Lom đom mấy hạt hắt bừa lên đêm”. Cách viết của Lâm Huy Nhuận quay về sự cô đọng, chắt lọc với vẻ đẹp của thứ ngôn ngữ tinh luyện, kỳ khu, nói ít gợi nhiều. Trong một bài thơ ngắn mà có thể chỉ ra vô số các kết hợp ngôn từ lạ lùng: “mây vẩy cá, lá thủy tinh, trăng bã trầu, mệt nhàu môi, đom đóm nhóm mưa, hắt bừa lên đêm”…
Nhiều bài lục bát khác của ông mang vẻ đẹp kỳ ảo, nửa hư nửa thực, phảng phất nét ma quái huyền hoặc liêu trai: “Nửa ngây nửa ngợm nửa người/ Nửa con chó đá hú lời sói hoang/ Nửa con chữ ngủ mơ màng/ Giữa nghìn pho sách úa vàng u ơ/ Nửa đời hái một chùm mơ/ Ngậm trăng ngậm gió nằm chờ sông nghiêng” (Nửa ngây). Bên cạnh thể lục bát, tập “Mùi mưa – Sông mắt ướt” còn có những bài thơ ngũ ngôn ấn tượng. Cũng là viết về nỗi một mình trong đêm, nhưng không còn “gió loạn” như thuở trước: “Đêm không còn náo động/ Bóng tối vây phủ mùng/ Nến thương ta đêm rỗng/ Hao sáng đến tận cùng” (Ngọn nến đêm).
Cuối cùng, với thể thơ 7 chữ nhiều khổ, Lâm Huy Nhuận qua tập thơ này, có thể nói đã làm một cuộc hành trình về cốt cách phương Đông, hướng đến sự vô vi và giác ngộ. “Đường mây” là bài thơ tiêu biểu, thấm đẫm thiền tính trong tập thơ mới này: “Thời gian ngưng đọng đầy vai áo/ Thân nặng gánh già một trời non/ Dối lừa cậy đêm ngầm thay áo/ Móm mém nghé cười miệng héo hon/ Đừng tưởng ai đi rồi sẽ đến/ Ngày thu lội lá đá vương đầy/ Thuyền ai đọng hương vừa cập bến/ Vội lại đường xưa hun hút mây”.
Trải qua bao giông bão, thăng trầm, thơ Lâm Huy Nhuận giờ đây đã thấp thoáng bóng dáng của những nụ cười. Là một người am hiểu về tử vi và Dịch học, tôi nghĩ Lâm Huy Nhuận đã thổi được cái bầu không khí nghìn năm ấy vào trong những bài thơ của mình, làm nên một giọng điệu đặc biệt, khó trộn lẫn với bất kỳ ai.