"Màu tím hoa sim" vẫn thổn thức suốt 75 năm qua
Nhà thơ Hữu Loan với bài thơ “Màu tím hoa sim” có thể xem như một hiện tượng độc đáo trong đời sống văn hóa nước ta. Ra đời đã 75 năm, bài thơ “Màu tím hoa sim” là một trong những tác phẩm được tán tụng nhất trong thi ca Việt Nam. Bài thơ “Màu tím hoa sim” được nhà thơ Hữu Loan sáng tác năm 1949, từ mối duyên bất hạnh với người vợ trẻ hơn 15 tuổi.
Nhà thơ Hữu Loan sinh ngày 2/4/1916 ở làng Nguyên Hoàn, xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sau tháng năm trai trẻ sôi nổi tham gia kháng chiến, Hữu Loan về sống tại quê nhà bằng những nghề lao động cặm cụi như cày ruộng, đốn củi và thồ đá, cho đến khi qua đời vào ngày 18/3/2010.
Tuy nhiên, bao nhiêu vất vả làm lụng cũng vô nghĩa đối với một nhà thơ, nếu tác phẩm như gió thoảng kiếp người! Gia tài của nhà thơ Hữu Loan có khoảng 60 bài thơ, hơi ít ỏi so với 94 năm mà ông chìm nổi trên nhân gian. Chật vật áo cơm và mệt mỏi ân tình đã cắt đứt cảm hứng sáng tạo của ông chăng?
Không hẳn. Hữu Loan vốn không định đi theo con đường văn chương. Nhập cuộc sáng tạo rất muộn, thơ ông bật ra từ những va đập trực diện với thế sự, như chính Hữu Loan thổ lộ “tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Đến năm 1938, lúc đó cũng đã 22 tuổi, tôi ra Hà Nội thi Tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai”.
Có bằng Tú tài, Hữu Loan về Thanh Hóa làm gia sư ở nhà ông Lê Đỗ Kỳ - Tổng thanh tra canh nông Đông Dương, để dạy học cho cô bé Lê Đỗ Thị Ninh. Thầy giáo Hữu Loan nói về học trò Lê Đỗ Thị Ninh: “Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đó nhưng ít nói và mỗi lần mở miệng là cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hàng ngày một cách kín đáo. Em thường đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng ướt em vừa hái ở vườn. Những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà đem ra giếng để giặt”.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hữu Loan tạm biệt cô bé học trò Lê Đỗ Thị Ninh để làm công tác tuyên truyền cứu quốc. Ông hành quân qua những ngả đường và viết những bài thơ thời sự nhằm phục vụ cách mạng. Tâm hồn thi ca Hữu Loan khởi động bằng bài thơ “Đèo Cả” viết năm 1946 tại Phú Yên. Bài thơ “Đèo Cả” truyền tay bộ đội, quay ngược ra Bắc, được nhà thơ Xuân Diệu ca ngợi: “Đèo Cả treo giữa biên thùy, mà cái đẹp trầm hùng ngang với lòng chiến sĩ”. Cũng với tinh thần cổ vũ ý chí quật cường đánh đuổi ngoại xâm, Hữu Loan sáng tác bài thơ thứ hai có tên gọi “Quách Xuân Kỳ” vào năm 1947. Nhân vật Quách Xuân Kỳ là Bí thư thị ủy Đồng Hới, đã bị địch bắt và hy sinh anh dũng trong ngục tù, chấn động dư luận lúc ấy.
Đầu năm 1948, Hữu Loan nghỉ phép về Thanh Hóa, và gặp lại cô bé học trò Lê Đỗ Thị Ninh bấy giờ đã thành một thiếu nữ 17 tuổi xinh đẹp. Dù Hữu Loan mặc cảm bản thân nghèo khó, nhưng gia đình Lê Đỗ Thị Ninh vẫn chấp nhận cho cả hai đến với nhau. Đám cưới Hữu Loan và Lê Đỗ Thị Ninh được tổ chức ngày 6/2/1948. Sau hôn lễ, khi đi chào người thân, Hữu Loan cảm thấy mình già hơn vợ, nên thuê một chiếc xe kéo cho Lê Đỗ Thị Ninh, còn ông cuốc bộ phía sau. Lê Đỗ Thị Ninh phát hiện sự bất thường kia, bèn kêu xe kéo dừng lại và nói với Hữu Loan: “Em thích một người chồng chững chạc và vững vàng như anh”.
Hết hai tuần nghỉ phép ở Thanh Hóa, nhà thơ Hữu Loan tạm biệt người vợ trẻ để ra Nghệ An làm Chủ nhiệm Báo Chiến sĩ của Sư đoàn 304. Chỉ ba tháng sau, Hữu Loan nhận được tin Lê Đỗ Thị Ninh vĩnh biệt dương gian. Hồi ký Hữu Loan ghi lại: “Hôm đó là ngày 25/5 âm lịch, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn thuộc ấp Nhị Long - Nông Cống, như mọi ngày. Vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi nên em trượt chân chết đuối. Con nước lớn đã cướp em vào lòng nó, cướp đi của tôi một người tri kỷ, để lại cho tôi một nỗi đau không gì bù đắp nổi”.
Nước mắt Hữu Loan khóc vợ, đã trào ngược vào tâm can mà thành bài thơ “Màu tím hoa sim” cay đắng: “Má tôi ngồi bên mộ con/ Đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới/ Thành bình hương/ Tàn lạnh vây quanh”. Vì sao người vợ Lê Đỗ Thị Ninh gặp bất hạnh ở bến sông, mà Hữu Loan lại thảng thốt với “Màu tím hoa sim”? Đó là vì nỗi ám ảnh kỷ niệm những ngày Hữu Loan cùng Lê Đỗ Thị Ninh dạo chơi trên những đồi sim, và nàng đã hái sim cho chàng ăn. Nhà thơ Hữu Loan thổ lộ: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi cũng đỏ tím, hai bên má thì tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo”.
Từ bản chép tay đầu tiên của Hữu Loan vào năm 1949, bài thơ “Màu tím hoa sim” phổ biến chủ yếu nhờ người nọ đọc cho người kia. Đến năm 1956, bài thơ “Màu tím hoa sim” mới được in chính thức trên tờ Báo Trăm hoa, do nhà thơ Nguyễn Bính làm chủ bút. Bài thơ “Màu tím hoa sim” viết từ sự thật tình duyên giữa Hữu Loan và Lê Đỗ Thị Ninh, không hề có một chi tiết hư cấu nào. Câu thơ “nàng có ba người anh đi bộ đội” là sự thật. Người anh thứ nhất là Lê Hữu Khôi, liệt sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Người anh thứ hai là Lê Đỗ Nguyên, về sau thành Trung tướng Phạm Hồng Cư. Người anh thứ ba là Lê Đỗ An, về sau là Bí thư Trung ương Đoàn. Còn câu thơ “những em nàng, có em chưa biết nói” cũng là sự thật. Nhân vật “em chưa biết nói” có tên là Lê Thị Như Ý, về sau làm giáo viên ở Hà Nội.
Định mệnh nghiệt ngã của người vợ trẻ Lê Đỗ Thị Ninh đeo bám nhà thơ Hữu Loan nhiều năm. Niềm xót xa “những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ màu tím hoa sim/ tím cả chiều hoang biền biệt”, nhiều năm sau đã trở lại trong thơ Hữu Loan qua bài thơ “Thánh mẫu hài đồng” day dứt: “Em đi tím đất chiều hoang/ Ta như mất mẹ khóc tang hai lần”.
Như một sự bù đắp của số phận, nhà thơ Hữu Loan quen biết một người phụ nữ Thanh Hóa khác, tên là Phạm Thị Nhu. Ông bày tỏ cảm xúc về Phạm Thị Nhu: “Anh kiêu hãnh/ có quê hương bất khuất/ và có người yêu là em gái quê hương”. Ngày 16/11/1953, Hữu Loan 37 tuổi và Phạm Thị Nhu 18 tuổi, chính thức kết tóc thề nguyền ơn nghĩa tào khang.
Cháu ngoại của nhà thơ Hữu Loan là chị Lê Quỳnh Mỵ, chia sẻ: “Bà ngoại tôi, bà Phạm Thị Nhu là một phụ nữ đẹp. Ngắm bức ảnh bà còn trẻ, nhiều người thấy tiếc vì trong các con gái và các cháu gái của bà, không ai được thừa hưởng vẻ đẹp ấy. Ông ngoại tôi tự hào lắm. Ông ngoại tôi kể, ngày ông về dạy học ở Nga Sơn, có mấy cô bé chăn bò cứ nấp ngoài cửa sổ nghe ông giảng "Kiều", trong đó có bà ngoại của tôi. Bà ngoại kém ông ngoại tới 19 tuổi. Có lẽ ông yêu cái vẻ ngây thơ hiền hậu của bà. Và cũng do cái duyên trời định, mà ông bà đã nên vợ nên chồng”.
Sau năm 1954, nhà thơ Hữu Loan công tác tại Báo Văn nghệ một thời gian ngắn, rồi rời Hà Nội trở về ẩn cư dưới chân núi Vân Hoàn từng chôn nhau cắt rốn. Ông sống bằng nghề lao động chân tay, từ tuổi trung niên đến tuổi cổ lai hy. Có lần đang thồ đá, Hữu Loan gặp một đoàn du khách Pháp đi tham quan nông thôn Nga Sơn. Họ hỏi thăm các địa danh trong khu vực, nhưng người dân chung quanh đều ngơ ngác vì không biết ngoại ngữ. Chẳng đặng đừng, Hữu Loan hướng dẫn dùm họ. Cả đoàn du khách Pháp ồ lên ngạc nhiên vì không hiểu tại sao ở vùng đất heo hút có một cụ già lam lũ nhưng lại nói tiếng Pháp thông thạo và đối đáp sắc sảo như vậy.
Phu thê Hữu Loan - Phạm Thị Nhu yêu thương và nương tựa nhau trong cảnh gieo neo và đầm ấm. Họ có chung 10 đứa con, 6 trai 4 gái. Bà Phạm Thị Nhu được nhà thơ Hữu Loan viết tặng bài thơ “Hoa lúa” vào năm 1955: “Em ca giữa đồng xanh bát ngát/ Anh nghe quê ta sống lại hội mùa/ Xa em năm nhớ, gần em mười thương/ Còn bàn tay em, còn quê hương mãi”. Sau khi nhà thơ Hữu Loan qua đời 3 năm, bà Phạm Thị Nhu cũng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18/5/2013.