“Ngậm ngùi” bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới

16:48 13/01/2023

Như chúng ta đều biết, phong trào Thơ Mới thời tiền chiến xuất hiện từ năm 1932, tính đến nay vừa tròn 90 năm. Đó là một trong những phong trào thơ rầm rộ nhất, có nhiều nhà thơ lớn và nhiều tác phẩm thơ xuất sắc đi cùng năm tháng.

Câu chuyện này rất dài dòng và đây đó đã được nói đến khá nhiều, trong phạm vi bài báo nhỏ này, để làm công việc kỷ niệm Thơ Mới, tôi chỉ xin được dẫn ra một trong những bài thơ rất hay của nhà thơ Huy Cận, một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền Thơ Mới, với lời bình thưa thóang của tôi để thay cho một bài tiểu luận có thể phải rất dài dòng.

Huy Cận và Xuân Diệu là hai nhà thơ xuất sắc của Phong trào Thơ Mới.

Xin mời các bạn cùng đọc:

"NGẬM NGÙI

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi! Hãy ngủ... anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau
Tay anh em hãy tựa đầu|
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
".

Có thể gọi "Ngậm ngùi" là "khúc ca ru của những cặp tình nhân". Bởi, trong bài thơ, ngoài vẻ đẹp lộng lẫy của ngôn từ, thì cái cảnh người con trai ru người tình của mình ở đây tuy cũng có dấu vết của thời khắc, cảnh trí đấy, nhưng tuyệt nhiên không thể xác định là diễn ra ở đâu, bao giờ. Người con gái nằm trên giường, ở trong nhà, hẳn thế, mà ta cũng có cảm giác như nàng nằm giữa trời đất, cỏ cây có thể có ở bất cứ nơi nào trên trái đất: một buổi chiều tà, bóng cây xế dài, ánh nắng đã chia nửa bãi, trong khu vườn hoang những cây trinh nữ đã xếp lá và những con nhện vẫn mải miết giăng tơ... Đấy là những cảnh vô cùng giản dị, bình thường và quen thuộc như hầu hết cảnh trí trong thơ Huy Cận, nhưng trong chốn thẳm sâu tâm hồn của những con người cũng thường tình và giản dị là chúng ta, chúng có sức gợi cảm và lay động kỳ lạ, cũng tựa như một tình yêu trần thế mà sức mạnh là chính ở chỗ nó gần gũi như cơm ăn nước uống:

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu

                                (Xuân Diệu)

Quả thật, cảnh trí tĩnh lặng, quạnh hiu, hoang vắng... đến nhoà nhạt ấy rất hợp với giấc ngủ: Chàng thi sĩ - tình nhân không chỉ cất tiếng ru và ngồi hầu quạt, chàng còn huy động đến cả thiên nhiên, tạo vật về đưa nôi cho người yêu ngủ. Trong hành vi của chàng không chỉ có sự âu yếm của tình yêu mà còn hơn thế - đó là cả sự trân trọng nâng niu của những tâm hồn đồng điệu khi đến với nhau, sự cảm thông chia sẻ giữa hai linh hồn cùng nặng trĩu đau thương, cùng cô đơn giữa cõi thế. Người con gái ở đây là cả một khối u buồn: "Hồn em đã chín mấy mùa thương đau". Hình như không phải nàng tìm đến một giấc ngủ thông thường, một phút nghỉ ngơi sinh học, mà nàng đang tìm kiếm một phút lãng quên, một giờ thư thái yên tĩnh, nó còn cao hơn cả một giấc ngủ. Có phải vì thế mà chàng trai cầu xin cho nàng một giấc mộng bình thường. Hai tiếng bình thường được dùng ở đây thật đáng kinh ngạc vì vẻ hiện đại của nó. Không phải là một giấc mơ đẹp, lại càng không phải là ác mộng. Con người hiện đại đã nhận thức được bản thể của mình: không phải là thánh thần, mà cũng chẳng phải là quỷ sứ hay thú vật - chúng ta đơn giản là những con người với tất cả những ưu điểm và bất cập của nó.

Trở lại với hai nhân vật của bài thơ - người con gái đang nằm kia là hiện thân của một khối buồn, và chàng trai thi sĩ cũng không khác thế, bởi họ cũng là một mối tình. Hãy xem tất cả cảnh trí được nhìn qua cặp mắt của chàng, nó mới ảm đạm làm sao: những từ buồn, sầu, rầu, ngẩn ngơ... chen nhau đậm đặc trong có 12 câu thơ. Hình như cứ mỗi danh từ chỉ ngoại cảnh lại phải gánh thêm một tính từ chỉ trạng thái buồn bã, hiu hắt. Nhưng thật lạ lùng là sự lạm phát những từ ngữ gần như trùng lặp nhau và có vẻ như cũ kỹ, mòn sáo ấy đặt vào đây lại nhập đúng hồn vía, hòa với dòng chảy tình cảm và giọng điệu riêng của bài thơ. Thêm vào đó là một từ "xế" vốn là một từ ruột của Huy Cận, được ông dùng đến rất nhiều và lần nào cũng thành công, chẳng hạn:

Khi lá rụng và hồn tôi đã xế

(Trình bày)

Và trăng lu xế nửa mái tình sầu

(Tình tự)

Nắng đã xế về bên xứ bạn

(Vạn lý tình)

Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế

(Nhạc sầu)

v. v và v. v…

Vốn là một từ dùng chỉ vị trí của mặt trời, mặt trăng để nói thời khắc sắp tàn của ngày, đêm, mà ngày - đêm, với ánh sáng có gì khác hơn là linh hồn, là sự sống của tạo vật, nên nhà thơ để cho biên giới của  khái niệm mở rộng đến vô cùng. Ấy là chưa nói, với những tâm hồn quá khát khao sự sống, cuống quýt với sự biến thiên của thời gian, nỗi vô thường của nhân thế, kiểu như "xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua", thì tàn tạ cũng đồng nghĩa với cái chết, và xế cũng là hết, hoặc hơn cả thế nữa. Hai câu kết:

"Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi".

Một lần nữa sử dụng điêu luyện một trong những thủ pháp diễn đạt đã thành đặc sản của thơ Huy Cận - thủ pháp cụ thể hóa những gì trừu tượng bằng cách dùng những hình ảnh thay thế, chính xác và táo bạo: Con nhện giăng những sợi tơ buồn, lòng anh mở với quạt này, và nhất là cái hình ảnh đầy sáng tạo "trăm con chim mộng về bay đầu giường" (câu thơ gợi xa xôi đến hình ảnh "bầy ong trong đêm sâu" ra đời 30 năm sau của thi sĩ Lưu Quang Vũ).

Cũng như vậy, ở trên đã nói "hồn em đã chín" thì bắt xuống câu dưới "trái sầu rụng rơi" là một hệ thống hình ảnh nhất quán.

Bài thơ thoạt đầu là câu chuyện của tình yêu, nhưng rốt cuộc lại nói chuyện đời. Trên cả mối gắn bó giao hòa của tình yêu giới tính, đây là sự đoàn tụ, liên kết của hai con người yếu ớt, lẻ loi cùng chạy trốn cuộc đời lạnh lùng, buồn bã - không phải chỉ là chàng trai ngồi ru cô gái, chàng đang ru chính hồn mình, hay đúng hơn, cả hai mảnh đời ấy ru nhau. Tâm thế ấy ngẫm cho cùng cũng là thuộc bản chất của tình yêu muôn thuở.

Bài thơ đằm thắm, tinh tế này có thể tiêu biểu cho cả chất thơ, hồn thơ và giọng thơ Huy Cận, một tiếng lòng sâu thẳm của con người bé nhỏ, bất lực trước mênh mông tạo vật, trước những khao khát khôn cùng được sống, được yêu, được vươn đến cái tuyệt đích. Huy Cận đã động vào đáy sâu của cái mà triết học gọi là thân phận con người, nhưng chất triết lý có lẽ đã thấm vào máu thịt nên có thể chuyển hóa vào thơ một cách nhuần nhị, không hề khô cứng và giả tạo -  thứ triết lý bay lên trên đôi cánh của cảm xúc.

Cuối cùng, ta hãy thử so sánh hai câu kết trên đây với hai câu của Xuân Diệu  viết nhiều năm sau cách mạng:

"Vai anh khi để đầu em tựa
Cân cả buồn vui của một đời".

Ta thấy cả hai cặp câu có cùng một tứ, đạt đến cùng một tầm vóc tư tưởng: nghĩa là phần xác chúng rất giống nhau, tuy thế phần hồn, tức tâm thế và tình cảm, lại rất khác nhau: Hai câu trên của Huy Cận chỉ có một âm hưởng là buồn, còn hai câu của Xuân Diệu chỉ thêm một từ "vui", nhưng giữa chúng là khoảng cách mênh mông của cả một cuộc cách mạng. Vậy Ngậm ngùi là khúc ca của những cặp tình nhân muôn thuở hay một thuở? Tôi thực cũng không biết nữa. Tôi chỉ biết rằng những lúc buồn bã cô đơn nhất tôi đều tìm đến với bài thơ này. Bởi vì như người ta vẫn nói: Những cuộc cách mạng sẽ qua đi, cái còn lại vĩnh cửu là thế giới tình cảm của con người.

Anh Ngọc

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文